"Một trong những nguyên nhân là các cuộc thảo luận kéo dài giữa Korolev (nhà thiết kế chính về tên lửa và công nghệ vũ trụ Sergei Korolev - chú thích biên tập) và người phụ trách thiết kế về động cơ Valentin Petrovich Glushko, trong việc lắp đặt những động cơ nào trên tên lửa đẩy hạng nặng N-1", - ông nói khi phát biểu tại cuộc hội thảo trực tuyến "Lịch sử khám phá các hành tinh xa xôi và cuộc chạy đua lên Mặt trăng", do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tổ chức tại Paris.
“Thực chất, việc không đạt được thỏa thuận giữa những người bạn cũ, nhưng rồi lại trở thành những người đối kháng nhau về phương diện kỹ thuật, chính là vướng mắc khiến chúng tôi hồi đó không giành được kết quả khi đua tranh với người Mỹ trong cuộc chạy đua lên Mặt trăng”, - Viện sĩ Marov nói thêm.
Ông giải thích rằng khi đó Korolev đã chọn gói hơn 30 động cơ cho tên lửa đẩy N-1, giải pháp này kém hiệu quả hơn so với sơ đồ bố trí các động cơ có công suất mạnh hơn do Glushko đề xuất.
Ông Marov nêu nguyên nhân thứ hai dẫn đến thất bại của Liên Xô trong cuộc chạy đua lên Mặt trăng là việc Viện si Korolev đột ngột qua đời sớm vào tháng 1 năm 1966, người được ông đánh giá là không chỉ có tài năng về phương diện kỹ thuật mà còn có năng lực tổ chức hết sức to lớn trong việc quản lý hợp tác của cả trăm doanh nghiệp.
"Nguyên nhân thứ ba là tình trạng quản lý kém hiệu quả, không có đường lối rõ ràng và phương pháp tiếp cận hợp lý từ phía Chính phủ Liên Xô khi đó. Kết quả là kinh phí bị phân tán, chính sách cứng nhắc", - ông nói.
Giai đoạn những năm 1969-1972, trong khuôn khổ chương trình Apollo của Mỹ đã thực hiện 6 chuyến đổ bộ lên Mặt trăng, 12 phi hành gia của NASA đã hạ cánh xuống bề mặt của hành tinh này. Chương trình N1-L3 của Liên Xô để đưa một phi hành gia lên Mặt trăng đã bị đình lại sau 4 lần phóng tên lửa đẩy N-1 gặp sự cố vào những năm 1969-1972.