Đại tướng Tô Lâm: Bộ Công an tấn công, trấn áp tội phạm tín dụng đen

Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm, nêu rõ, thời gian tới Bộ Công an sẽ tiếp tục truy quét, tấn công, trấn áp tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê với lãi suất “cắt cổ”, đặc biệt là hình thức cho vay tiền qua app, qua internet nhu cầu lớn.
Sputnik

Việc khẳng định, hiện nay ngay trong đội ngũ cán bộ, viên chức, công chức có nhiều người sử dụng bằng cấp giả, chứng chỉ giả, Bộ trưởng Bộ Công an khiến nhiều người “phải chột dạ”. Đại tướng Tô Lâm cho rằng đã đến lúc phải xử lý hình sự những đối tượng sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả.

Tội phạm tín dụng đen ngày càng xảo quyệt

Trấn áp, truy quét, xử lý tội phạm tín dụng đen là một trong những vấn đề thu hút sự chú ý của dư luận trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội chính tại nghị trường. Trong đó, Đại tướng Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an sẽ tiếp tục tấn công loại hình tội phạm này.

Khai tử tín dụng đen: Gần 78% Đại biểu Quốc hội Việt Nam ủng hộ cấm kinh doanh đòi nợ

Theo đó, tại phiên họp Quốc hội chiều ngày 9/11, đại biểu Trần Văn Cường (đoàn Đồng Tháp) đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm về vấn đề kinh doanh cho vay nặng lãi, tín dụng đen.

ĐBQH Trần Văn Cường cho biết, hiện nay, tín dụng đen đang hoành hành khắp cả thành thị lẫn nông thôn. Nạn nhân là những gia đình, cá nhân gặp khó khăn về kinh tế. Chúng đòi nợ theo kiểu xã hội đen, rất nguy hiểm cho con nợ, thậm chí người thân cũng bị chúng khủng bố, gây hoang mang, lo lắng cho người dân.

“Thời gian qua, Công an đã vào cuộc rất quyết liệt nhưng chưa giảm mà hành vi xảo quyệt hơn. Vậy Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân và giải pháp ngăn chặn?”, đại biểu Trần Văn Cường chất vấn người đứng đầu Bộ Công an.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Văn Cường, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm khẳng định, trong những năm 2018-2019, lực lượng công an đã trấn áp rất mạnh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, cho đến hiện nay, tội phạm liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế và nhiều chỗ đối tượng không dám hoạt động, dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

“Nhưng rõ ràng tình hình tiềm ẩn, nhất là cho vay qua mạng Internet và những nhu cầu tín dụng đen vẫn còn nhiều, do đó bọn tội phạm vẫn còn đất để hoạt động mạnh”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Bộ Công an trấn áp tội phạm tín dụng đen

Phân tích về các giải pháp trong thời gian tới, người đứng đầu Bộ Công an cho rằng, thứ nhất là tiếp tục duy trì “khí thế” tấn công trấn áp mạnh tội phạm tín dụng đen như vừa qua đã làm, thực hiện đúng Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, đã phân công rõ trách nhiệm cụ thể trong từng ngành để giải quyết tín dụng đen.

Bộ Công an lên tiếng vụ Tenma Việt Nam hối lộ, các đại án tham nhũng lớn và tín dụng đen

Giải pháp thứ hai mà Đại tướng Tô Lâm đề cập xét về mặt pháp luật, Bộ Công an đề nghị cần khẩn trương có những hướng dẫn để giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.

“Vì phạm vi giữa dân sự và hình sự ở đây khoảng cách rất mong manh, quan hệ vay tín dụng và thỏa thuận mức lãi thông thường là quan hệ dân sự, có sự đồng ý của cả bên vay và bên cho vay, nhưng đi quá phạm vi của việc đó hoặc có dấu hiệu lừa đảo, dấu hiệu phạm tội hình sự thì mới là phạm vi xử lý hình sự”, Bộ trưởng Tô Lâm lý giải.

Lãnh đạo Bộ Công an cho rằng, nếu gọi là mức lãi suất cao chưa chắc đã là vi phạm về hình sự vì do 2 bên thỏa thuận với nhau, vì vậy, trong xử lý về tín dụng đen cũng có những khó khăn, vướng mắc về hình sự.

Giải pháp thứ ba mà ông Tô Lâm đề cập là về về lĩnh vực ngân hàng. Theo đó, cần tiếp tục cần đa dạng hóa các hình thức cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, đồng thời siết chặt quản lý tín dụng, không để các đối tượng lợi dụng nguồn tiền từ ngân hàng đưa ra hoạt động tín dụng đen.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, tại Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý để quản lý các hoạt động tín dụng cho vay qua mạng internet.

“Các loại đối tượng tận dụng được điều kiện này trong khi chúng ta lại chưa tận dụng được vấn đề đó”, Bộ trưởng Tô Lâm thẳng thắn.

Xử lý hình sự cán bộ sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả

Trả lời chất vấn về tình trạng làm giấy tờ, chứng chỉ giả và quảng cáo công khai trên mạng xã hội, mạng Internet, Bộ trưởng Bộ Công an thừa nhận có hiện tượng này và khẳng định vừa qua Bộ Công an chỉ đạo triệt phá nhiều tổ chức băng nhóm, đường dây làm giấy tờ giả, chứng chỉ giả.

“Có vụ quy mô rất lớn, thu tới 1.500 mẫu dấu và công cụ máy móc phục vụ cho việc làm giả”, lãnh đạo Bộ Công an nêu rõ.

Đồng chí Tô Lâm cho hay, thông qua đấu tranh, đối tượng khai nhận có thể tự thực hiện được hầu hết các công đoạn từ chế tạo phôi bằng, con dấu, chữ ký và sẵn sàng nhận làm giả hầu hết giấy tờ, từ chứng chỉ, bằng Đại học, bằng lái xe.

Đại tướng Tô Lâm lên tiếng về tội phạm giết người ngày càng tăng, luật An ninh mạng

Nói về mục đích làm giả, Đại tướng Tô Lâm cho biết, có loại làm giả để hoạt động lừa đảo, nhưng một phần cũng để phục vụ tuyển dụng đánh giá cán bộ.

“Ngay trong đội ngũ cán bộ, nhiều người sử dụng giấy tờ giả”, người đứng đầu Bộ Công an làm nhiều người phải “chột dạ”.

Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị phải tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo tới cơ quan chức năng và người dân về hoạt động mua bán giấy tờ giả trên internet. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Công an cũng đề xuất các cơ quan rà soát việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để xử lý nghiêm.

“Trước đây xử lý người sử dụng giấy tờ giả nặng về xử lý hành chính, nhưng chúng tôi thấy rằng đã đến lúc phải xem xét xử hình sự, ngay với cán bộ, công chức”- Bộ trưởng Tô Lâm kiên quyết.

Lãnh đạo Bộ Công an cũng cho biết sẽ tiếp tục tập trung đấu tranh để bóc dỡ các đường dây làm giấy tờ giả trong thời gian tới.

Tội phạm ma túy tại Việt Nam còn nhiều thách thức lớn

Trả lời chất vấn ĐBQH về tội phạm ma túy, Đại tướng Tô Lâm cho rằng, năm 2020 có rất nhiều khó khăn trong cách ly xã hội do dịch bệnh Covid-19, nhưng tội phạm ma túy vẫn hoạt động mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm: Phát hiện 313 vụ phạm tội tham nhũng

Người đứng đầu Bộ Công an khẳng định rằng, việc đấu tranh với tội phạm ma túy hiện đang đối mặt với ba thách thức rất lớn. Thứ nhất, theo đồng chí Tô Lâm, áp lực về ma túy ở nước ngoài rất lớn, không phải chỉ ở vùng Tam Giác Vàng mà sản xuất ma túy tổng hợp trong nước cũng rất lớn.

“Theo thống kê, số lượng phát hiện và xử lý tội phạm này tăng 30% so với năm 2019, thu giữ 700kg heroin, 2 triệu viên ma tuý tổng hợp. Nguồn cung ma túy còn rất lớn, chúng tôi đã tập trung xử lý nhưng chưa ngăn chặn được nguồn cung ở nước ngoài vào”, Bộ trưởng Tô Lâm thừa nhận.

Trong khi đó, ở nội địa Việt Nam, thống kê có hơn 325.000 người nghiện ma túy có hồ sơ nhưng con số thực tế, theo ông Tô Lâm, lớn hơn rất nhiều.

“Điều này cho thấy công tác cai nghiện, sử dụng ma túy còn vấn đề”, đồng chí Tô Lâm chỉ rõ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết còn khó khăn, vướng mắc về pháp luật nên Bộ Công an đang trình Quốc hội sửa đổi luật Phòng chống ma túy để khắc phục vấn đề này trong thời gian tới.

Trao đổi về vấn đề giải pháp phòng chống và trấn áp tội phạm ma túy, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh cần tiếp tục Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị đồng thời đề nghị Quốc hội sớm thông qua luật Phòng chống ma túy, tiếp tục giải quyết, ngăn chặn các nguồn cung, nguồn cầu trong nước.

Thảo luận