Lãnh đạo Bộ Công an cũng trả lời về luật An ninh mạng, nguyên nhân, giải pháp khi tội phạm giết người ngày càng tăng, người thân trong gia đình tàn sát lẫn nhau khi đạo đức xã hội xuống cấp.
Về vấn đề làm trong sạch đội ngũ, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng đề nghị ĐBQH và cử tri cả nước, trong trường hợp phát hiện ra những hành vi tiêu cực, vi phạm của Công an thì hay nhanh chóng trao đổi với Bộ Công an ở mọi cấp để kịp thời xử lý.
Cứ lễ, Tết Công an lại đi thu tiền của dân?
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10. Quốc hội khóa XIV, chiều nay, 6/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn với nhiều điểm đáng chú ý.
Tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều nay 6/11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã nhận được câu hỏi chất vấn của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cùng nhiều đại biểu khác về các vấn đề tiêu cực trong lực lượng Công an, xử lý sai phạm trong ngành. Cùng với đó, nhiều ĐBQH đã có câu hỏi gửi đến Bộ trưởng Công an Tô Lâm về vấn đề an ninh mạng, giải pháp làm trong sạch bộ máy, tội phạm xâm phạm trẻ em, việc chậm ban hành quyết định danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, tình trạng tội phạm giết người gia tăng, tạo điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra.
Cụ thể, đại biểu Trần Thị Dung (đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) chất vấn, Luật An ninh mạng có hiệu lực đã 23 tháng và cho đến nay Bộ Công an vẫn còn nợ quyết định ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Công an cho biết việc chậm ban hành này ảnh hưởng thế nào đến hiệu lực của Luật An ninh mạng?
Trong khi đó, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, dư luận hết sức bất bình khi hiện nay, cứ vào dịp lễ, Tết là công an cơ sở lại đi thu tiền của bà con buôn bán.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị Bộ trưởng Công an có giải pháp để chấm dứt chuyện này, tránh ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của ngành công an.
Về phần mình, ĐB Bùi Quốc Phòng (đoàn Thái Bình) cho biết, Thông báo số 483 của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 cho thấy tình hình tội phạm giết người tiếp tục gia tăng. Đáng lưu ý, số vụ giết người thân tăng mạnh, lên đến 171,8%.
Đi kèm với đó là tình trạng con cái ngược đãi cha mẹ, trong khi số vụ việc về xâm hại phụ nữ và trẻ em diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân của những vấn đề trên thì có nhiều, trong đó có sự xuống cấp về đạo đức và văn hóa.
Đại biểu Bùi Quốc Phòng đề nghị Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết giải pháp khắc phục của Bộ trong thời gian tới?
Bộ trưởng Tô Lâm: Xử nghiêm cán bộ sai phạm, không bao che bất kể trường hợp nào
Trả lời chất vấn của các đại biểu Trần Thị Dung, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, ngay sau khi Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua, Bộ Công an đã tiến hành xây dựng các văn bản liên quan để triển khai thực hiện.
Đến nay, Bộ cơ bản đã dự thảo ban hành các nghị định quy định về phạm vi của Luật An ninh mạng.
Theo đó, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 04 ngày 27/12/2019 quy định về trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo đảm an ninh mạng. Luật và các nghị định này hiện đang đi vào cuộc sống.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng đã làm xong dự thảo danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn một nghị định nữa là Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng. Hiện Nghị định này cũng đã dự thảo xong và báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhiều lần.
“Hiện nay chưa ban hành được là do một số yêu cầu về đối ngoại và đặc biệt là cân đối, xem xét cho phù hợp với một số quy định của quốc tế nên Thủ tướng chưa ký ban hành nghị định này. Chưa ban hành nghị định này thì cũng chưa có căn cứ để ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia”, người đứng đầu ngành Công an cho biết.
Đối với phần chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về vấn đề tiêu cực của công an cấp cơ sở, Đại tướng Tô Lâm khẳng định nếu thực sự có chuyện như đại biểu nêu thì đó là trường hợp hết sức “cá biệt”.
Đồng chí Tô Lâm cũng cho hay, hiện Bộ Công an đã triển khai lực lượng Công an xuống cơ sở, cấp phường, thị trấn và cấp xã. Việc này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.
“Quan điểm của Bộ Công an là kiên quyết trong xử lý các sai phạm, tiêu cực và đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, tiêu cực của cán bộ chiến sĩ, không bao che một trường hợp nào”, Đại tướng Tô Lâm khẳng định.
Đồng thời, đồng chí Bộ trưởng Công an cũng nêu ra một số biện pháp cụ thể để chống nhũng nhiễu, tiêu cực trong lực lượng công an cũng như công an cấp cơ sở.
Cụ thể, đó là tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng trong toàn lực lượng Công an Nhân dân với quan điểm "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất" theo như quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra khi làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương.
Bên cạnh đó, Đại tướng Tô Lâm cũng nhấn mạnh việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm quản lý cán bộ trong từng đơn vị được phân công phụ trách. Trong trường hợp có cán bộ vi phạm thì truy cứu trách nhiệm của người đứng đầu.
Ngành công an cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng trong Công an nhân dân. Bộ trưởng Công an cho biết, quan điểm của Bộ là kiên quyết xử lý các vi phạm, không bao che, né tránh, đồng thời công khai, minh bạch kết quả xử lý.
“Nhân đây tôi cũng đề nghị đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, các đại biểu và cử tri, nhân dân cả nước nếu phát hiện ra công an có tiêu cực, vi phạm thì trao đổi với Bộ Công an ở mọi cấp. Bộ Công an sẵn sàng tiếp nhận mọi thông tin đó để xử lý kịp thời”, Đại tướng Tô Lâm nói.
Vì sao ngày càng nhiều vụ giết người?
Trước vấn đề mà đại biểu Bùi Quốc Phòng (đoàn Thái Bình) nêu ra về xâm hại phụ nữ trẻ em, Đại tướng Tô Lâm nhận định, tình hình tội phạm liên quan đến nguyên nhân xã hội đang ở mức đáng quan ngại.
Ông Tô Lâm cho biết, thời gian gần đây, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội đang có xu hướng gia tăng.
Trong năm 2020, đã xảy ra 1.113 vụ việc liên quan đến nguyên nhân xã hội, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số đó, có 212 vụ người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau.
“Để giải quyết tận gốc, chúng tôi thấy tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp về kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng xã hội lành mạnh, khắc phục sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức con người”, người đứng đầu ngành Công an cho biết.
Đại tướng Tô Lâm cũng lưu ý, chúng ta không nên chỉ quan tâm vấn đề kinh tế mà còn cần phải coi trọng những vấn đề xã hội trong quá trình phát triển.
Trước mắt, Bộ trưởng Công an đề nghị các cấp, các ngành cùng lực lượng công an tăng cường nắm tình hình, phối hợp giải quyết, hòa giải các mâu thuẫn trong nhân dân ngay từ khi mới phát sinh.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa các loại đối tượng, không để nảy sinh tội phạm.
Ngành công an cũng cần tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng cơ sở, nhất là công an cấp xã, cấp phường, góp phần giải quyết các mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở để ngăn ngừa các điều kiện nảy sinh tội phạm, đặc biệt là tội phạm trong từng gia đình.
“Với các đối tượng dễ phạm tội như đối tượng ngáo đá, tâm thần, cần quản lý chặt chẽ hơn nữa bên cạnh việc ngăn ngừa xuống cấp đạo đức xã hội”, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Liên quan đến chất vấn của đại biểu Quốc hội (trong đó có câu hỏi của ĐB Lưu Bình Nhưỡng) về việc tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư được tham gia tố tụng, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, các cơ quan điều tra luôn luôn tạo điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra theo đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, ngày 10/10/2019, Bộ Công an ban hành Thông tư số 46 quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 liên quan đến đảm bảo quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, trong đó quy định cụ thể biện pháp để thực hiện các quyền nêu trên và tạo điều kiện cho luật sư tham gia và thực hiện.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong năm 2020, cơ quan điều tra các cấp đã cấp 3.765 giấy chứng nhận bào chữa theo yêu cầu của bị can, tăng so với trước là 2,42% và cấp 7.156 giấy chứng nhận bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, tăng 17,8%.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu Nhưỡng rằng, nhiệm vụ của tòa án trong các bản án hành chính là ra quyết định đúng thời hạn, đúng quy định. Trong quá trình xét xử, Tòa án sẽ tạo môi trường tranh tụng thuận lợi cho các bên. Tòa án không phải chủ thể tranh tụng.
Cùng với đó, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao nêu rõ, luật sư cần thực hiện đúng pháp luật trong biện luận là con đường đi đến công lý.
“Chúng tôi đã chỉ đạo toàn hệ thống không hạn chế thời gian tranh tụng và tất cả vấn đề trong tranh tụng cần được giải quyết tại tòa, ghi vào biên bản”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ.