Được biết, Quỹ Thiện Tâm của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã đóng góp tới 77 triệu USD cho các hoạt động từ thiện chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lọt Top nhà từ thiện hào phóng nhất châu Á
Vừa qua, tạp chí Forbes đã công bố danh sách những nhà từ thiện hào phóng tại châu Á năm 2020 (Heroes Of Philanthropy) với loạt gương mặt giới tỷ phú, giới siêu giàu hàng đầu khu vực. Gương mặt giàu nhất Việt Nam - tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup được Forbes nhắc đến đầu tiên trong danh sách này.
Đáng chú ý, trong danh sách này của Forbes có sự góp mặt của 15 tỷ phú, doanh nhân trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tạp chí danh tiếng đã bình chọn ra những người có nhiều cống hiến cho hoạt động từ thiện trong năm qua.
Forbes khẳng định đã xem xét, lựa chọn kỹ lưỡng thông qua hàng chục ứng viên để chọn ra 15 gương mặt tiêu biểu đưa vào danh sách năm 2020. Đây là năm thứ 14 Forbes công bố, điểm mặt gọi tên những nhà thiện nguyện hào phóng nhất châu Á.
Trong danh sách vừa công bố của Forbes, ngoài ông Phạm Nhật Vượng còn có tỷ phú Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc nổi tiếng.
Danh sách các tỷ phú thiện nguyện năm nay gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Pramod Bhasin – Chủ tịch Clix Capital, Ấn Độ, Robert – Chủ tịch Sino Group và Philip Ng – CEO Far East Organization, Singapore, Lý Gia Thành (Li Ka-shing) – Cố vấn cao cấp CK Hutchison Holdings và CK Asset Holdings, Hong Kong (Trung Quốc), John Gandel – Chủ tịch Gandel và Paul Gandel - Giám đốc Gandel, Australia, Lý Thư Phúc (Li Shufu) – Chủ tịch Geely Automobile Holdings, Trung Quốc, Huh Dong-Soo – Chủ tịch danh dự GS Caltex, Hàn Quốc, Tadashi Yanai – Chủ tịch Fast Retailing, Nhật Bản ông chủ của Uniqlo.
Cùng với đó còn có Eleanor Kwok Law Kwai Chun – Phó chủ tịch Sasa International, Hong Kong (Trung Quốc), Manuel Villar - Chủ tịch của Vista Mall, Vista Land và Landscapes, Philippines, Simon Lin – Chủ tịch Wistron, Đài Loan (Trung Quốc), Lee Su-Young – Chủ tịch Gwangwon Industry, Hàn Quốc, Lý Tây Đình (Li Xiting) – Chủ tịch Shenzhen Mindray Bio-Medical Electronics, Trung Quốc, Rakesh Jhunjhunwala – Nhà sáng lập Rare Enterprise, Ấn Độ và Maezawa Yusaku – Cựu chủ tịch Zoro, Nhật Bản.
Giới siêu giàu châu Á làm từ thiện hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19
Forbes cũng cho hay, một số nhà từ thiện lớn nhất trong năm nay có các hoạt động liên quan đến đại dịch Covid-19.
Điển hình như tỷ phú địa ốc Lý Gia Thành chi tới 250 triệu đôla Hong Kong (khoảng 32 triệu USD dưới nhiều hình thức viện trợ khác nhau thông qua quỹ của mình. Ông Lý Gia Thành chi 100 triệu đôla Hong Kong cho hoạt động cứu trợ cộng đồng ở Vũ Hán.
Trong khi đó, ông chủ Uniqlo Tadashi Yanai đã trao 11,2 tỷ Yên (105 triệu USD) cho hai trường đại học ở Nhật Bản, phần lớn trong số tiền đó sẽ được sử dụng để hỗ trợ nghiên cứu về bệnh tật và phát triển vắc xin phòng bệnh coronavirus.
Tạp chí Forbes khẳng định rằng danh sách này không bao gồm những khoản quyên góp từ công ty của những người giàu nhất châu Á (ngoại trừ việc quyên góp được thực hiện thông qua một công ty tư nhân mà họ là chủ sở hữu đa số).
“Như những năm trước, danh sách của chúng tôi không bao gồm những người gây quỹ hoặc đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận dù họ đóng vai trò quan trọng”, Forbes nêu rõ.
Anh em nhà tài phiệt Robert và Philip Ng đã coi hỗ trợ phòng chống đại dịch Covid-19 là ưu tiên hàng đầu trong năm nay. Quỹ từ thiện Ng Teng Fong có trụ sở tại Hồng Kông của họ đã đóng góp 50 triệu nhân dân tệ (7,4 triệu USD) vào tháng 3 cho Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh để hỗ trợ các nghiên cứu liên quan đến dịch bệnh Covid-19.
Đồng thời, các khoản quyên góp khác của hai anh em bao gồm 7 triệu khẩu trang, thiết bị bảo hộ, 60.000 bữa ăn, 4.200 gói chăm sóc cho những người sống ở viện dưỡng lão, 20 máy thở và hai máy sản xuất khẩu trang ở Hồng Kông, Singapore và nhiều nơi khác.
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng và Quỹ Thiện Tâm
Theo giới thiệu của tạp chí Forbes, ông Phạm Nhật Vượng thành lập quỹ Thiện Tâm năm 2006. Quỹ này đã quyên góp 77 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2020 này.
Quỹ từ thiện mang tên Quỹ Thiện Tâm của nhà lãnh đạo Phạm Nhật Vượng có mục tiêu hướng đến việc giúp đỡ những người nghèo ở Việt Nam, trao học bổng cho những trẻ em kém may mắn và chăm sóc sức khỏe miễn phí cho những người không có khả năng chi trả.
Quỹ Thiện Tâm của ông Vượng cũng có nhiều dự án xây dựng nhà ở, trung tâm y tế, thư viện và cơ sở hạ tầng cho cộng đồng thu nhập thấp, đồng thời cung cấp dịch vụ cứu trợ thiên tai tại Việt Nam.
Forbes cho hay, Vingroup đã tài trợ tới 55 triệu USD cho các hoạt động liên quan đến phòng chống và điều trị bệnh nhân Covid-19, như cung cấp máy thở và nhiều thiết bị khác cho các trung tâm y tế trên cả nước Việt Nam. Thông tin về các dự án này cũng được công bố rộng rãi.
Báo cáo tài chính của Tập đoàn Vingroup cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2020, tập đoàn này đã chuyển tiền tài trợ 2.300 tỷ đồng cho Quỹ Thiện Tâm.
Tỷ phú giàu nhất Việt Nam cũng là người sáng lập và sở hữu phần lớn Vingroup, tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của Việt Nam đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm sản xuất ôtô, bất động sản và công nghệ.
Theo cập nhật của Forbes đến ngày 11/11/2020, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang đứng thứ 286 người giàu nhất thế giới với khối tài sản 6,7 tỷ USD.