Liên quan đến vụ án của ông Nguyễn Đức Chung, nhiều luật sư cho rằng, cơ quan điều tra, tố tụng không áp dụng thủ tục rút gọn, tuy nhiên quá trình điều tra rất khẩn trương, nhanh chóng, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm về chức vụ, liên quan đến các vụ án kinh tế lớn.
Ông Nguyễn Đức Chung có thể bị mức án tù nào?
Hôm 21/11 vừa qua, thông cáo từ Bộ Công an cho biết Bộ đã hoàn tất điều tra vụ án “chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” xảy ra tại Hà Nội, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao đề nghị truy tố 4 bị can về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, quy định tại điều 337 Bộ Luật Hình sự (BLHS).
Các bị can trong vụ án bao gồm ông Nguyễn Đức Chung (53 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội), ông Phạm Quang Dũng (37 tuổi, nguyên cán bộ công an), ông Nguyễn Hoàng Trung (37 tuổi, nguyên chuyên viên phòng thư ký biên tập) và ông Nguyễn Anh Ngọc (46 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng Thư ký biên tập, Văn phòng UBND TP Hà Nội).
Theo đó, các bị can bị truy tố trong vụ án này bao gồm: ông Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội), Phạm Quang Dũng (sinh năm 1983, nguyên cán bộ Phòng 8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an) bị Cơ quan An ninh Điều tra đề nghị truy tố về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” theo khoản 3, Điều 337 Bộ Luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất lên tới 10-15 năm tù.
Tài xế riêng của ông Nguyễn Đức Chung - Nguyễn Hoàng Trung (sinh năm 1983, chuyên viên Phòng Thư ký biên tập, Văn phòng Ủy ban nhân dân TP Hà Nội), đối tượng có 1 tiền sự “Cướp giật tài sản” vào năm 2001 và Nguyễn Anh Ngọc (sinh năm 1974, nguyên Phó trưởng phòng Thư ký biên tập, Văn phòng Ủy ban nhân dân TP Hà Nội) bị đề nghị truy tố theo khoản 1, Điều 337 Bộ Luật Hình sự 2015 với khung hình phạt từ 2-7 năm tù.
Theo Luật sư Nguyễn Minh Long (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho TTXVN biết, hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước được quy định tại Điều 337 Bộ Luật Hình sự 2015, có hiệu lực ngày 1/1/2018, sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017.
Luật sư Nguyễn Minh Long dẫn điều Điều 337 Bộ Luật Hình sự 2015, theo Khoản 1, người nào cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật Nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Trong khi đó, theo Khoản 2, nếu ông phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Đó là làm lộ bí mật Nhà nước thuộc độ tối mật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
Luật sư cũng cho biết, theo Khoản 3, người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm như phạm tội có tổ chức, làm lộ bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật, phạm tội 2 lần trở lên hay ây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Theo khoản 4 của Điều 337, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Nghiêm trọng hơn, nếu hành vi được xác định là "phạm tội có tổ chức" thì ông Chung và đồng phạm phải đối mặt với mức án từ 10 năm đến 15 năm tù.
Được biết, các loại tài liệu, thông tin thuộc dạng bí mật nhà nước được chia thành nhiều cấp độ như: Mật, tối mật, tuyệt mật. Trong đó, tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án hình sự là tài liệu mật, không được phép công bố.
Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh, an toàn, đến những bí mật Nhà nước được quy định trong luật bảo vệ bí mật Nhà nước.
Theo pháp luật hiện hành, người nào tiết lộ, tiêu hủy, chiếm đoạt các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ điều tra vụ án hình sự sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Luật sư phân tích việc truy tố ông Nguyễn Đức Chung tội chiếm đoạt tài liệu mật
Trong khi đó, theo luật sư Đặng Văn Cường, động cơ, mục đích của hành vi phạm tội là rất quan trọng, từ đó giúp chứng minh các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Vị chuyên gia đặt vấn đề vì sao các đối tượng lại phải bất chấp quy định pháp luật, liều mình để chiếm đoạt tài liệu mật này và việc chiếm đoạt tài liệu mật này nhằm phục vụ cho mục đích gì, có phải là thủ đoạn để che giấu tội phạm hay không?
Ông Cường cũng nhấn mạnh, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân, động cơ, làm cơ sở để xác định những hành vi sai phạm khác (nếu có).
Theo luật sư, ông Nguyễn Đức Chung hiện còn nằm trong diện tình nghi dính líu một số tội danh khác liên quan đến vụ án “Công ty Nhật Cường”.
“Nếu ông Nguyễn Đức Chung còn có hành vi khác có thể cấu thành tội phạm khác thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục khởi tố bị can để điều tra”, luật sư Cường cho biết.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, tại phiên xét xử sắp tới, nếu các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, lời khai nhận tội phù hợp với các tài liệu chứng cứ mà cơ quan chức năng thu thập được thì đây sẽ là tình tiết để hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.
Trong trường hợp bị cáo không thừa nhận tội danh truy tố, cơ quan tố tụng phải có trách nhiệm chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo bằng những chứng cứ được thu thập được theo trình tự, thủ tục luật định.
“Các bị can trong vụ án này đều là những người rất am hiểu pháp luật nên câu chuyện oan sai ít khi xảy ra. Tuy nhiên, dù hiểu biết pháp luật đến đâu, dù trước khi bị bắt có địa vị xã hội như thế nào thì khi bị khởi tố, tạm giam, bị can vẫn luôn ở thế yếu và vẫn cần phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ của những người bào chữa”, luật sư Cường phân tích.
Một số tình tiết giảm nhẹ trong vụ án này có thể được liệt kê như: bị cáo có nhiều thành tích trong học tập, công tác, gia đình có công với cách mạng…
Hội đồng xét xẻ sẽ xem xét tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để quyết định hình phạt cụ thể trong trường hợp tuyên bố bị cáo phạm tội.
Theo vị chuyên gia, vụ án này không áp dụng thủ tục rút gọn, tuy nhiên quá trình điều tra như vậy là rất khẩn trương, nhanh chóng.
“Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm về chức vụ, liên quan đến các vụ án kinh tế lớn. Vụ án khi được đưa ra xét xử cũng sẽ làm sáng tỏ một số nội dung, tình tiết có liên quan đến vụ án xảy ra tại công ty Nhật Cường Mobile”, luật sư Cường chia sẻ quan điểm của mình.
Đọc thêm:
Bộ Công an lên tiếng về sức khỏe của ông Nguyễn Đức Chung, vụ bắt TS. Phạm Đình Quý