Vi khuẩn ăn thịt người: Việt Nam ghi nhận ca tử vong do Whitmore, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

Liên quan đến việc tăng đột biến bệnh nhân mắc bệnh Whitmore - “vi khuẩn ăn thịt người” (Burkholderia Pseudomallei), đặc biệt đã có nhiều trường hợp tử vong, Bộ Y tế Việt Nam chỉ đạo khẩn, yêu cầu tăng cường chẩn đoán, điều trị.
Sputnik

Trước đó, chỉ tính riêng tại Quảng Trị, đã có 30 người mắc bệnh Whitmore trong đó có 4 trường hợp tử vong vì “vi khuẩn ăn thịt người” này. Theo Bộ Y tế, hiện chưa có vaccine phòng bệnh Whitmore, bệnh ít gặp nhưng tỷ lệ tử vong cao.

Việt Nam ghi nhận nhiều ca tử vong do mắc bệnh Whitmore

Thời gian vừa qua, tại các tỉnh miền Trung, nhất là sau đợt mưa lũ, thiên tai lịch sử vừa qua, bệnh Whitmore – do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (“vi khuẩn ăn thịt người”) đang diễn biến hết sức phức tạp với nhiều ca tử vong trong bối cảnh công tác xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị gặp nhiều khó khăn.

Cách khử khuẩn khẩu trang y tế đã sử dụng bằng lò vi sóng

Theo số liệu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, đơn vị đã ghi nhận 30 ca bệnh Whitmore. Đáng chú ý, đã có 4 trường hợp tử vong do mắc căn bệnh quái ác này.

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết, tính từ đầu tháng 2/2020 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận, chẩn đoán và điều trị cho 30 ca bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra. Ngành Y tế Quảng Trị cũng cho biết cụ thể về 4 ca bệnh tử vong liên quan đến “vi khuẩn ăn thịt người” này.

Theo đó, bệnh nhân tử vong đầu tiên chính là ông Nguyễn Văn B. (51 tuổi, trú quận Hải An, thành phố Hải Phòng) là một trong số 12 thuyền viên tàu Vietship 01 bị chìm và mắc kẹt ngoài khơi vùng biển Quảng Trị từ 8 – 11/10 vừa qua.

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, ông B. được các bác sĩ tiến hành xét nghiệm máu và chẩn đoán mắc phải vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây bệnh Whitmore hôm 14/10. Thuyền viên này sau đó đã tử vong.

Trường hợp bệnh nhân khác là Hồ Văn V. (75 tuổi, ở xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), Nguyễn Thanh L. (62 tuổi, trú xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), Hoàng Công D. (47 tuổi, trú xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị).

Vi khuẩn ăn thịt người: Việt Nam ghi nhận ca tử vong do Whitmore, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết, sau các đợt lũ liên tiếp, số ca mắc vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei tăng đột biến do nước lũ phát tán vi khuẩn gây bệnh ở nhiều nơi. Ngành y tế Quảng Trị cho biết, chỉ tính từ ngày 14/10, sau đợt lũ đầu tiên xảy ra đến nay trên địa bàn đã ghi nhận 24 ca mắc Whitmore.

Thông thường, trước đó, mỗi năm ở Quảng Trị chỉ ghi nhận khoảng 10 trường hợp mắc Whitmore.

Các ca bệnh Whitmore còn lại được ghi nhận ở các tỉnh như Nam Định, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh.

Vì sao Whitmore nguy hiểm, dễ gây tử vong?

Trao đổi với báo chí, BS. Lê Văn Lâm, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho hay, những trường hợp tử vong do bệnh Whitmore đa số được phát hiện quá muộn và có bệnh nền nặng.

Xử phạt 12 triệu đồng vì tung tin “vi khuẩn ăn thịt người”

Năm nay, mưa lũ liên tiếp, số ca bệnh Whitmore tăng đột biến do nước lũ phát tán vi khuẩn gây bệnh đi nhiều nơi.

“Người bị bệnh Whitmore thường không có biểu hiện lâm sàng cụ thể, đặc trưng nên rất khó phát hiện, khó chẩn đoán”, BS. Lê Văn Lâm cho hay.

Theo bác sĩ Lâm, điều đáng ngại hơn chính là biểu hiện bệnh Whitmore rất dễ lầm tưởng với các bệnh thông thường như viêm phổi.

“Người bệnh bị ho nên thường mua thuốc, kháng sinh trị ho uống có thể khỏi một thời gian rồi tái phát, nếu chủ quan, để tình trạng kéo dài thì rất nguy hiểm”, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị lưu ý.

Với tình hình số ca mắc Whitmore tăng nhanh, diễn biến phức tạp, Sở Y tế Quảng Trị yêu cầu Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Trị) tăng cường điều tra các ca bệnh, đánh giá yếu tố dịch tễ, phân tích nguy cơ, chủ động xây dựng kế hoạch và riển khai phòng, chống bệnh tại cộng đồng, nhất là nơi có nguy cơ cao, nơi ô nhiễm môi trường sau bão lũ, thiên tai, sạt lở đất, đá.

Bên cạnh đó, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, có nguy cơ cao để sớm phát hiện, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do bệnh Whitmore gây ra.

Đà Nẵng chính thức cảnh báo về “vi khuẩn ăn thịt người”

Trao đổi về tình hình bệnh Whitmore tại miền Trung, BSCKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, ở Huế, số bệnh nhân mắc Whitmore nhập viện tăng đột biến.

“Sau bão lũ, sẽ có rất nhiều vi sinh vật, chất thải theo dòng nước tràn ra gây ô nhiễm môi trường, người dân phải đối mặt với rất nhiều bệnh lý truyền nhiễm tiềm ẩn; vì vậy xử lý môi trường ô nhiễm, đảm bảo nguồn nước sạch và chăm sóc khỏe người dân sau lũ là hết sức quan trọng và cấp thiết”, Phó Giám đốc BV Trung ương Huế nhấn mạnh.

BS. Hoàng Thị Lan Hương cho hay, bệnh Whitmore hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm, điều trị bằng các loại kháng sinh đặc hiệu.

“Những trường hợp tử vong thường do bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng”, BS. Hương lưu ý.

Trước tình hình bệnh Whitmore diễn biến phức tạp ở khu vực miền Trung, đặc biệt là sau các đợt bão lụt liên tiếp xảy ra, BS. Hoàng Thị Lan Hương cho biết, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tổ chức hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp hoặc qua hệ thống Tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Health Center) trong chẩn đoán, điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn cho các Sở Y tế và bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương trong khu vực nếu có nhu cầu.

Việc này giúp chẩn đoán và điều trị hiệu quả, hạn chế thấp nhất số ca tử vong do loại vi khuẩn “ăn thịt người” này.

Việt Nam có ca tử vong vì bệnh Whitmore: Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

Trước tình hình số ca bệnh Whitmore tăng đột biến, nhất là đã có trường hợp tử vong, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa có văn bản yêu cầu các sở y tế địa phương thực hiện một số nội dung quan trọng nhằm phát hiện bệnh sớm, điều trị và giảm tối đa tỷ lệ tử vong.

Kinh hoàng: Ở Việt Nam tái xuất căn bệnh nguy hiểm, vi khuẩn ăn cả mũi

Bộ Y tế cho biết, theo thông tin từ một số bệnh viện tại khu vực Miền Trung, sau mưa bão tình hình mắc bệnh Whitmore có xu hướng gia tăng.

Để chủ động phát hiện sớm, điều trị kịp thời, giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ tử vong do bệnh whitmore, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành triển khai thực hiện tập huấn, phổ biến hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Whitmore.

Theo đó, những hướng dẫn này đã được Bộ Y tế ban hành theo Quyết định số 6101 ngày 30/12/2019 tới toàn thể nhân viên y tế trong ngành y tế Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng lưu ý, do bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng đa dạng và khó chẩn đoán nên khi có ca bệnh nghi ngờ cần tổ chức hội chẩn khoa, hội chẩn liên khoa, liên viện để kịp thời chẩn đoán và chỉ định xét nghiệm cho phù hợp.

Một người đàn ông bị vi khuẩn ăn thịt sau khi tắm biển

Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh nắm được các biện pháp phòng chống bệnh do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây nên này.

Bộ Y tế Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh Whitmore. Do đó, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, làm sạch hoàn toàn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống sôi.

Cùng với thông báo khẩn này, Bộ Y tế cũng yêu cầu Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp như quan trọng nhằm chủ động phòng bệnh Whitmore.

Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm, nhất là sau đợt lũ lịch sử vừa qua.

Ngành Y tế khuyến cao người dân sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn.

“Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng”, Bộ Y tế nhấn mạnh.

Cùng với đó, người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

Khuyến cáo của Bộ Y tế cũng nêu rõ, khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

“Những người có bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời”, Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bệnh Whitmore là gì?

Theo cơ sở dữ liệu Bệnh viện trung ương Quân đội 108 của Việt Nam, Bệnh Melioidosis, hay bệnh Whitmore, là một bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudo.

Vi khuẩn này còn được quan tâm đến như là một tác nhân tiềm năng trong chiến tranh sinh học và khủng bố sinh học.

Bệnh Whitmore là loại bệnh ít gặp, không gây bùng phát thành dịch bệnh nhưng diễn biến bệnh phức tạp, dễ gây nhầm lẫn, dễ tiến triển nặng do đó nguy cơ tủ vong cao.

Theo các chuyên gia y tế, những trường hợp có nguy cơ cao, hệ miễn dịch kém dễ rơi vào nguy hiểm khi bị Whitmore tấn công. Bệnh do “vi khuẩn ăn thịt người này gây ra” có thể gặp ở mọi lứa tuổi.

Việt Nam xuất hiện siêu vi khuẩn kháng tất cả kháng sinh, bác sĩ hết cách
Tuy nhiên, cũng như virus SARS-CoV-2, các bệnh nhân có tiểu sử mắc các bệnh nền nặng như đái tháo đường, gout, suy giảm hệ miễn dịch dễ có nguy cơ mắc và tiến triển bệnh nặng hơn. Do đó, cần đặc biệt lưu ý.

Bệnh Whitmore thường chủ yếu xảy ra ở các nước có khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, bắc Australia. Bệnh cũng thấy ở Nam Thái Bình Dương, Châu Phi, Ấn Độ, và Trung Đông.

Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore sống ở đất và nước, nơi có môi trường ô nhiễm. Chúng xâm nhập vào cơ thể người qua những vết trầy xước của người tiếp xúc. Vi khuẩn có thể xâm nhập đến các cơ quan trong cơ thể con người. Điều đáng lo ngại là, người mắc bệnh Whitmore không có biểu hiện lâm sàng cụ thể, đặc trưng nên rất khó phát hiện, khó chẩn đoán.

Triệu chứng phổ biến nhất của Melioidosis xuất phát từ nhiễm trùng ở phổi. Tình trạng bệnh có thể diễn tiến từ nhẹ đến viêm phế quản hoặc viêm phổi nặng. Bệnh nhân sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, đau ngực, và đau nhức các cơ bắp.

Ngoài ra, bệnh còn có thể xuất hiện ở các ổ nhiễm trùng trên da (viêm mô tế bào) kèm với sốt và đau cơ.

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore xâm nhập vào cơ thể qua da hoặc được hít vào qua đường hô hấp gây viêm nhiễm ở thần kinh trung ương, tuyến mang tai, xương khớp, gây abscess ở gan và lách, viêm nhiễm đường sinh dục, nhiễm trùng da, cơ vân. Đặc biệt, bệnh có thể lan toả từ da vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, hoặc diễn tiến thành một hình thái melioidosis mạn gây thương tổn đến tim, động mạch chủ bụng, não, gan, thận, khớp, và mắt.

Hiện nay, việc chẩn đoán bệnh chủ yếu thông qua xét nghiệm vi sinh học trong máu, nước tiểu, đờm, hoặc tại phần da bị tổn thương. Đồng thời, việc điều trị bao gồm việc dùng thuốc kháng sinh, tuỳ thuộc vào vị trí và mức độ của bệnh.

Thảo luận