Việt Nam làm được điều bất ngờ, muốn xuất khẩu thiết bị 5G ra thế giới

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel vừa chính thức công bố kinh doanh thử nghiệm 5G tại Hà Nội. Đến nay, cả ba nhà mạng lớn nhất Việt Nam là VinaPhone, MobiFone và Viettel đều đã thử nghiệm thương mại 5G thành công tại Hà Nội và TP.HCM.
Sputnik

Kết quả này đưa Việt Nam vào top những quốc gia triển khai cung cấp dịch vụ 5G thương mại sớm nhất thế giới, làm chủ hoàn toàn công nghệ 5G, tiến tới mục tiêu phổ biến, đáp ứng nhu cầu trong nước, tiến tới xuất khẩu thiết bị 5G “Make in Vietnam”.

Viettel chính thức kinh doanh thử nghiệm 5G

Chiều 30/11, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel công bố chính thức kinh doanh thử nghiệm công nghệ 5G ở thủ đô Hà Nội.

Với sự kiện này, Viettel trở thành nhà mạng cung cấp trải nghiệm công nghệ 5G sớm nhất cho khách hàng sau thời gian phát sóng thử nghiệm về mặt kỹ thuật tại Việt Nam.

Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông Quân đội Viettel đã “quyết liệt”, “táo bạo” triển khai công nghệ 5G, mở ra trang mới cho sự phát triển ngành viễn thông Việt Nam.

Việt Nam thương mại hóa 5G bằng thiết bị của Viettel: Vấn đề kinh tế và chủ quyền

Đúng như lãnh đạo Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như người đứng đầu Viettel đã khẳng định trước đó, Việt Nam làm chủ được công nghệ 5G, không đi sau, không chậm so với thế giới mà đã sánh ngang, đi cùng nhịp với các nhà phát triển công nghệ 5G lớn trên toàn cầu.

Phát triển công nghệ di động 5G được giới chuyên gia đánh giá là cơ hội thay đổi thứ hạng, phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam và là cơ hội nâng tầm vị thế nền kinh tế số của đất nước.

Hiện, Viettel đã lắp 100 trạm BTS 5G ở Hà Nội. Theo kế hoạch mà Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội công bố, dự kiến, sau Hà Nội, Viettel sẽ mở rộng mạng lưới kinh doanh thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G thương mại cho khách hàng tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

Đáng chú ý, trên hạ tầng mạng lưới 5G, Viettel sử dụng cả thiết bị nhập khẩu và trong nước do Viettel tự sản xuất – hiện thực hóa khát vọng “make in Vietnam”.

Theo đó, nhóm khách hàng sử dụng thiết bị, điện thoại hỗ trợ công nghệ 5G ở những khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng của Hà Nội được quyền trải nghiệm dịch vụ mạng di động thế hệ thứ 5 mà không cần phải nâng cấp sim chuyên biệt.

Vì đây là chương trình kinh doanh thử nghiệm lần đầu tiên nên Viettel miễn phí hoàn toàn data 5G với dung lượng không giới hạn giúp khách hàng trảu nghiệm những ưu điểm vượt trội về tốc độ và khả năng kết nối 5G “siêu khủng”.

Việt Nam làm được điều bất ngờ, muốn xuất khẩu thiết bị 5G ra thế giới

Được biết, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghệ và Viễn thông Quân đội sở hữu số lượng trạm phát sóng 5G lớn nhất từ trước đến nay.

Theo thông tin mà Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ và Viễn thông Quân đội cung cấp, các trạm 5G Viettel sử dụng công nghệ NSA (Non-Standalone Access).

Đây là công nghệ hiện đang được những nhà mạng hàng đầu trên thế giới về 5G Verizon (Mỹ), Vodafone (Anh) hay SK Telecom, KT (Hàn Quốc) áp dụng.

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho biết, công nghệ NSA giúp cải thiện vùng phủ, tăng dung lượng và giảm nhiễu. Băng thông cải thiện giúp tốc độ 5G tăng tới hàng chục lần, độ trễ giảm đi 10 lần so với công nghệ 4G hiện nay.

Việt Nam là một trong những nước tiên phong cung cấp 5G trên thế giới

Có thể nói, sự kiện các nhà mạng Việt Nam tiến hành thử nghiệm kinh doanh thương mại 5G trong bối cảnh nhiều quốc gia đang chạy đua khốc liệt để giành vị thế dẫn đầu về công nghệ di động thế hệ thứ 5 có ý nghĩa vô cùng lớn lao.

Tại Việt Nam, Viettel là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tiên phong trong việc nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng công nghệ 5G, từng bước triển khai cung cấp dịch vụ thương mại 5G, đưa Việt Nam vào Top các quốc gia đầu tiên trên thế giới tiếp cận với mạng 5G.

Phát biểu về sự kiện đáng nhớ này, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Tập đoàn Viettel) – Thượng tá Đào Xuân Vũ cho biết, hiện tại, tốc độ đo kiểm của mạng 5G Viettel lên tới 1,2Gbps -1,5Gbps.

“Về quy mô mạng lưới, hiện Viettel triển khai mạng 5G với 100 trạm trên 3 quận trung tâm của TP Hà Nội là Hoàn Kiếm, Ba Đình và Hai Bà Trưng. Điều này đem lại vùng phủ rộng nhất và liền mạch”, vị lãnh đạo cho hay.

Ngoài ra, toàn bộ ăng-ten 5G của Viettel sử dụng đều là loại 64T64R (tức 64 thu, 64 phát).

Được biết, đây là ăng-ten 5G hiện đại nhất trên thế giới hiện nay, có ưu điểm vượt trội, gấp đôi cả về bán kính vùng phủ và dung lượng so với ăng-ten 4T4R (4 thu, 4 phát) đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam hiện nay.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về 5G, khẳng định mạng xã hội Việt Nam không kém nước ngoài

Đáng chú ý, điều rất tự hào đối với nền công nghiệp viễn thông Việt Nam, như đã đề cập ở trên đó là trong hệ thống thiết bị hạ tầng mạng 5G đang phát sóng hiện nay, đại diện Tập đoàn Viettel cũng cho biết, bên cạnh thiết bị của Tập đoàn Ericson, Thuỵ Điển còn có thiết bị 5G do Viettel nghiên cứu, chế tạo, sản xuất với cấu hình thu gọn, bảo đảm phủ sóng lấp đầy điểm lõm cho mạng lưới.

Phát biểu tại sự kiện công bố thử nghiệm thương mại 5G quy mô lớn, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông Quân đội cho biết, sự kiện đưa 5G thử nghiệm thương mại là bước khởi đầu cho quá trình đầu tư, phổ cập dịch vụ này ở Việt Nam trong tương lai gần.

Đồng thời, với hạ tầng số siêu tốc độ như hiện tại, một thời đại kết nối chính thức bắt đầu tại Việt Nam, đưa công cuộc chuyển đổi số được đặt lên bệ phóng với lực đẩy mạnh mẽ.

“Viettel đã bước thêm một bước tiến trên con đường kiến tạo hạ tầng số, xã hội số, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong cung cấp 5G trên thế giới nhằm hiện thực hóa mục tiêu hình thành xã hội số Việt Nam vào 2025”, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng khẳng định.

VinaFone và MobiFone thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G

Như vậy, hiện tại, cả ba nhà mạng của Việt Nam là VinaPhone, Mobifone và Viettel đều đã thử nghiệm thương mại thành công tại Hà Nội và TP.HCM.

VinaPhone chính là cái tên đầu tiên trong danh sách nhà mạng đầu tiên của Việt Nam phát sóng thử nghiệm thương mại VinaPhone 5G tại Hà Nội và TP.HCM trong hai ngày 26 và 27/11 vừa qua.

Ngay sau khi được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thử nghiệm thương mại 5G tại hai thành phố lớn nhất của cả nước, VinaPhone đã khẩn trương  triển khai lắp đặt trạm phát sóng tại nhiều khu vực trung tâm của 2 thành phố trên như: khu vực Hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và phố đi bộ Nguyễn Huệ và trung tâm quận 1, TP HCM.

Tập đoàn VNPT đang triển khai vùng phủ sóng 5G liền mạch tại các quận trung tâm của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, bao gồm các địa điểm tập trung đông người, không gian công cộng để người dùng có điều kiện trải nghiệm tốt nhất.

Đáng chú ý, bên cạnh việc cung cấp mạng 5G tốc độ cao, VNPT còn hướng đến việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ phong phú trên nền tảng mạng 5G bao gồm, các dịch vụ dữ liệu di động băng thông rộng tăng cường như dịch vụ data tốc độ cao, video nội dung 4K/8K, ứng dụng truy cập vô tuyến cố định FWA, video thực tế ảo VR hay các dịch vụ yêu cầu độ trễ thấp như điều khiển robot thông qua 5G với sự chính xác tuyệt đối.

Trong hai ngày 26 và 27/11 vừa qua, những khách hàng đầu tiên đã có cơ hội thử nghiệm công nghệ 5G với tốc độ internet đạt tới 1 Gbps, tức gấp hơn 10 lần tốc độ 4G hiện nay.

Đặc biệt, cùng với việc phát sóng VinaPhone 5G thử nghiệm thương mại, VNPT cũng chuẩn bị các điểm trải nghiệm 5G phục vụ miễn phí cho khách hàng.

Người dùng mạng di động có thể đến các điểm trải nghiệm 5G của VNPT tại Hà Nội và TP.HCM trên các mẫu điện thoại hỗ trợ 5G mới nhất cũng như các ứng dụng công nghệ như: AR/VR, điều khiển robot có ứng dụng công nghệ 5G.

Cùng với Tập đoàn VNPT, MobiFone cũng không nằm ngoài cuộc đua. Sau khi MobiFone tuyên bố thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G thương mại tại TP Hồ Chí Minh ngay trong tháng 12/2020, từ ngày 27/11, MobiFone cũng đã thử nghiệm tốc độ dịch vụ 5G tại thành phố mang tên Bác.

Cùng với đó, MobiFone đang gấp rút hoàn thiện lắp đặt thiết bị, chuẩn bị mọi mặt về kỹ thuật, nhân sự, địa điểm cho việc thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G thương mại.

Việt Nam làm được điều bất ngờ, muốn xuất khẩu thiết bị 5G ra thế giới

MobiFone cho biết sẽ thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ 5G trên băng tần 2.600MHz. MobiFone đang gấp rút triển khai các giải pháp, phương án kỹ thuật cho quá trình phát sóng thử nghiệm 5G thương mại.

Theo ghi nhận tốc độ cao nhất đạt được trong đợt thử nghiệm vừa qua lên tới 1,5Gbps, tương đương các gói internet cáp quang cao cấp hiện tại. Theo lãnh đạo Tập đoàn, MobiFone sẽ phủ sóng 5G tại Quận 1 ngay trong tháng 12 này.

Chia sẻ về kế hoạch thương mại hóa 5G, Tổng Giám đốc MobiFine Tô Mạnh Cường cho biết, hiện nay, nhu cầu dịch vụ 5G khác với những dịch vụ như 2G vì phục vụ cho những dịch vụ cần có tốc độ cao và độ trễ thấp.

MobiFone có kế hoạch triển khai 5G ở những vùng nơi có lưu lượng cao và nhu cầu lớn là các trung tâm các thành phố lớn, sau đó lan dần ra các khu vực khác.

Ông Tô Mạnh Cường nhận định, mặc dù nhu cầu 5G và cả thiết bị 5G cũng chưa phổ biến. Nhưng việc ra mắt iPhone 12 là điểm rơi phù hợp cho công nghệ này. Bên cạnh đó, nhu cầu và cung cấp dịch vụ 5G cũng như câu chuyện “con gà quả trứng” cái nào có trước cái nào có sau.

“Tôi cho rằng, khi mình cung cấp dịch vụ 5G sẽ phát sinh nhu cầu sử dụng công nghệ này với các ứng dụng như truyền hình độ nét cao hay xe tự lái”, Tổng Giám đốc MobiFone nhấn mạnh.

Hiện tại, mặc dù việc thử nghiệm thương mại 5G đã thành công, song theo nhiều chuyên gia, để mạng 5G phát triển mạnh thì cần có thiết bị tương ứng như điện thoại 5G. Hiện tại ở Việt Nam mới chỉ có điện thoại 5G do Vinsmart sản xuất có thể chạy trên nền công nghệ di động này.

Các nhà mạng cho biết, hiện nay số lượng thiết bị đầu cuối 5G được công bố tiếp tục tăng nhanh và tương đối sẵn sàng cho 5G thương mại. Đến nay, có 81 nhà cung cấp thiết bị đã công bố các thiết bị đầu cuối 5G có sẵn hoặc chuẩn bị ra mắt và 283 thiết bị đầu cuối được công bố. Tuy nhiên, một số dòng điện thoại hỗ trợ 5G giá còn cao, việc phổ cập sâu rộng 5G sẽ cần thêm một thời gian nữa.

Dù thế, không thể phủ nhận thành công của Việt Nam khi là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển thành công mạng 5G.

Việt Nam sẽ xuất khẩu thiết bị 5G?

Trước đó, ngay từ năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam nhằm hiện thực hóa giấc mơ để công nghệ viễn thông Việt Nam “sánh ngang” với các nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu thế giới, đã cấp phép thử nghiệm 5G cho 3 nhà mạng lớn nhất cả nước là Viettel, VNPT và MobiFone tại 4 tỉnh thành Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm chia sẻ, 5G là hạ tầng duy nhất có khả năng thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam muốn chủ động tiếp cận, nắm bắt kịp thời Cách mạng công nghiệp 4.0 cần có mạng 5G và mạng 5G sẵn sàng đi trước.

Vì sao Việt Nam cần công nghệ 5G?

Triết lý kinh doanh của tất cả các nhà mạng tại Việt Nam theo lời Thứ trưởng Phan Tâm đó là - mạng lưới phải có trước, hạ tầng kết nối phải có trước, đầu tư trước kinh doanh sau.

Nhấn mạnh việc, trong quá trình triển khai 5G, điều quan trọng là Việt Nam phải làm chủ thiết bị, Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, sản xuất nhiều thiết bị viễn thông từ thiết bị đầu cuối, thiết bị truyền dẫn và đặc biệt là các thiết bị mạng lưới.

“Việc thử nghiệm thương mại 5G của Viettel lần này là cơ hội để các sản phẩm thiết kế, chế tạo 5G ‘Make in Việt Nam’ được lắp đặt và trải nghiệm trên mạng lưới. Kết quả này là minh chứng sinh động cho sự chủ động cũng như năng lực của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong việc sản xuất thiết kế công nghệ cao, điều mà ít nước làm được”, Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định.

Phát biểu tại buổi lễ, nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng triển khai 5G, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Tập đoàn Viettel cũng cần quan tâm đến vấn đề như khi triển khai mạng 5G sử dụng băng tần tần số cao, có vùng phủ hạn chế nên số lượng trạm phát sóng lớn, đòi hỏi Viettel và các doanh nghiệp viễn thông khác sớm nghiên cứu, tìm giải pháp sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật.

Theo đó, không chỉ là hạ tầng giữa các nhà mạng viễn thông với nhau mà còn sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật liên ngành như bên điện, nước… để tối ưu hóa chi phí cho doanh nghiệp, giảm chi phí cho xã hội.

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị, Viettel nhanh chóng lên kế hoạch triển khai 5G ở những nơi có nhu cầu cao, tiếp tục đánh giá và hoàn thiện thiết bị để Việt Nam làm chủ hoàn toàn công nghệ 5G, sẵn sàng sản xuất thiết bị đáp ứng nhu cầu trong nước, tiến tới mục tiêu xuất khẩu.

Một yêu cầu khác cần lưu ý, trong quá trình triển khai thử nghiệm, Viettel cần lưu ý bảo đảm chất lượng mạng 4G và bảo đảm an toàn an ninh thông tin.

Thảo luận