Hiện tại, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện từng bước kế hoạch thương mại hóa công nghệ 5G bằng các thiết bị “Make in Vietnam”. Tuy nhiên, để mạng 5G thực sự trở nên phổ biến, cần thêm một thời gian nữa nhằm tăng thêm thiết bị đầu cuối và tính toán lợi nhuận từ các sản phẩm 5G.
Ericsson: Việt Nam cần công nghệ 5G để thăng hoa
Có thể nói, nhờ thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông, internet, nhất là giai đoạn 10 năm trở lại đây với sự xuất hiện của mạng di động 3G, 4G đã giúp Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đạt được mức tăng trưởng kinh tế đáng khâm phục. Mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, tinh thần, lối sống của người dân có nhiều thay đổi tích cực, tiến bộ rõ rệt.
Việt Nam vẫn đang kiên trì theo đuổi mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm số hóa Chính phủ, kinh tế, xã hội đất nước.
Tiếp tục chiến lược đưa Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đạo hóa cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2030, thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.
Trao đổi với báo chí về quá trình phát triển và triển khai công nghệ 5G tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào – ông Denis Brunetti cho biết, mục tiêu mà Việt Nam muốn đạt được và vươn tới, không thể thiếu sự đóng góp của công nghệ 5G.
Theo vị chuyên gia chia sẻ trên Thanh Niên, trước năm 1993, thời điểm mạng di động đầu tiên của Việt Nam hoạt động, 54% dân số thuộc diện nghèo, nhưng hiện nay, con số này ở Việt Nam chỉ 3%.
“Việt Nam từ một nước kém phát triển nay đã có thu nhập trung bình so với thế giới. Kể từ năm 2010, mạng 3G và 4G cho phép mọi người truy cập Internet và phục vụ cuộc sống từ các thiết bị di động. Với tốc độ phát triển này, Ericsson hoàn toàn tin tưởng vào khả năng hiện thực hóa các mục tiêu của chính phủ Việt Nam đã đặt ra”, Tổng Giám đốc Ericsson tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào nhấn mạnh.
Trên thực tế, Ericsson, công ty mạng và viễn thông đa quốc gia của Thụy Điển có trụ sở tại Stockholm, là một trong những hãng công nghệ chuyên cung cấp dịch vụ, giải pháp mạng viễn thông hàng đầu thế giới. Đây cũng là đơn vị góp phần quan trọng trong phát triển mạng di động tại Việt Nam từ những ngày đầu tiên khi hợp tác với Mobifone, và sau này là Vinaphone, Viettel hay Vietnamobile.
Được biết, hiện nay, Ericsson đang là đơn vị phối hợp với các nhà mạng Việt Nam để triển khai thí điểm 5G tại một số địa điểm thuộc các thành phố lớn.
Mặc dù ở thời điểm hiện tại, còn ngổn ngang nhiều việc phải làm trước khi có thể triển khai mạng 5G thương mại, nhưng nếu theo đúng lộ trình, Việt Nam sẽ nằm trong danh sách những quốc gia sớm thương mại hóa công nghệ mạng di động này.
Trong khi đó, ở quy mô toàn cầu, Ericsson đang có 109 hợp đồng thi công 5G với nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu và 61 trong số này thực sự đem 5G phục vụ người dùng.
Cũng theo Giám đốc Ericsson tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, tới năm 2025 sẽ có khoảng 3 tỷ người dùng mạng 5G trên toàn cầu và khoảng 25 tỷ thiết bị IoT (internet kết nối vạn vật) được kết nối với nhau, trong số đó có 5 tỷ là thiết bị IoT sử dụng kết nối mạng di động.
Theo giới chuyên gia, công nghệ 5G hứa hẹn kết nối internet tốc độ siêu cao trong khi độ trễ cực thấp, mở ra cơ hội cho rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, từ đó thúc đẩy tốc độ phát triển của kinh tế, xã hội.
Kinh tế Việt Nam đang dựa nhiều vào 2 ngành là sản xuất và nông nghiệp. Khi 5G được triển khai, ứng dụng IoT sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, mọi ngành nghề và lĩnh vực sẽ được chuyển đổi một cách số hóa và hoạt động hiệu quả hơn, năng suất hơn.
Theo ông Brunneti, nhiều công việc mới sẽ được hình thành từ các ngành công nghiệp, dịch vụ với ứng dụng công nghệ mới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chú trọng vào hệ sinh thái khởi nghiệp.
“Việt Nam đã có những bước nhảy vọt, vượt nhiều quốc gia trong khu vực nói riêng cũng như trên thế giới nói chung chỉ trong vòng 30 năm”, vị chuyên gia nhận định.
Để dẫn chứng, ông Brunetti nêu rõ, Việt Nam vẫn là đích đến đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài, cùng với đó là khối nhân lực kỹ thuật chất lượng cao đang ngày càng khẳng định vị thế.
“Nhà mạng và kỹ sư Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực viễn thông mà còn ở nhiều ngành khác đều có năng lực chuyên môn cao, có tinh thần cầu tiến, cần cù và cẩn thận. Chính họ đã giúp Ericsson vượt qua thách thức khi triển khai hạ tầng ở những vùng địa hình hiểm trở, phức tạp. Đội ngũ kỹ sư người Việt đang làm tại Ericsson thường được mời tới hỗ trợ dự án của chúng tôi ở những quốc gia khác”, Tổng Giám đốc Brunneti nêu rõ.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, các nhà mạng Việt Nam đang làm tốt vai trò trong việc cung ứng dịch vụ 3G, 4G chất lượng đến với khách hàng.
Trong tương lai, các thành phố thông minh sẽ được xây dựng dựa trên hạ tầng kỹ thuật số sử dụng mạng 5G. Nó sẽ là huyết mạch của bất kỳ thành phố thông minh nào. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML), AR/VR, tự động hóa, điện toán biên di động sẽ phát triển mạnh trên nền 5G.
“Kết nối di động tại Việt Nam, nói thật lòng là rất tốt. Tôi đang là Phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) nên từng tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp cũng như du khách nước ngoài. Khi được hỏi về chất lượng mạng di động tại đây, nhiều người đánh giá trải nghiệm rất tốt đối với băng thông di động, một số còn so sánh và đánh giá tốt như so với mạng tại quê hương của họ nhưng lại có mức giá rẻ hơn rất nhiều”, ông Brunneti cho biết.
Việt Nam đã làm chủ công nghệ 5G
Công nghệ 5G tối ưu các nền tảng kết nối công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), máy tự động và thông minh như: ôtô tự lái, in ấn 3D, vạn vật kết nối (IoT), công nghệ sinh học, nano và các ứng dụng VR/AR không dây, điều khiển robot từ xa.
Xét về mặt lý thuyết, tốc độ 5G có thể đạt tới 10 Gbps, gấp 10 - 100 lần 4G, năng lượng giảm tới 90% cho kết nối mạng, băng thông cho phép số lượng thiết bị cùng kết nối nhiều gấp cả 100 lần, độ trễ chỉ 4 ms hay thậm chí 1 ms, so với 75 ms của 4G.
Nói bằng ngôn ngữ dễ hiểu hơn, với mạng 5G người ta có thể tải một bộ phim 3D trong 30 giây, trong khi đó, để làm được điều này mạng 4G cần tới 6 phút. Hãng công nghệ Qualcomm đã tiến hành thí nghiệm cho thấy, tốc độ tải phim UHD 8K trên 5G sẽ nhanh gấp 500 lần trên 4G LTE.
Đồng thời, như Sputnik Việt Nam đã thông tin, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho biết đến tháng 10, Việt Nam sẽ tiến hành thương mại 5G bằng 100% thiết bị trong nước.
Trước đó, Tập đoàn Viettel đã thực hiện cuộc gọi video đầu tiên qua 5G được thực hiện thành công trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do tập đoàn này tự nghiên cứu và sản xuất. Qua đó, có thể nói Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G. Hiện nay, tập đoàn Viettel đang hợp tác với nhiều đối tác của Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ về chipset và phần cứng, phần mềm cho 5G.
Trước đó vào tháng 4, Tập đoàn VNPT cũng đã công bố thử nghiệm thành công mạng VinaPhone 5G tại Hà Nội và TP HCM. Kết quả thử nghiệm cho thấy mạng đạt tốc độ hơn 2,2 Gbps, nhanh gấp 10 lần mạng 4G và có độ trễ lý tưởng gần như bằng 0.
Trong năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép thử nghiệm mạng 5G cho 3 nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng. Đến thời điểm hiện tại, cả 3 doanh nghiệp này đều đã triển khai thực tế thử nghiệm 5G tại các địa bàn được cấp phép.
Được biết, các nhà sản xuất thiết bị di động đã bắt đầu tăng tốc trong cuộc đua mạng 5G trong năm 2019. Đáng mong đợi trong số đó là những chipset di động mới tích hợp modem 5G. Hầu như các thương hiệu lớn đều có lộ trình sản phẩm 5G.
Từ đầu năm 2020, có thêm nhiều mẫu smartphone hỗ trợ 5G được đưa ra thị trường thuộc phân khúc cao cấp, cận cao cấp với giá từ 12,5 triệu đến trên 20 triệu đồng như: ASUS (ROG Phone 3, Zenfone 7 Pro), Lenovo (Legion Phone Duel), LG (V50 ThinQ, V60 ThinQ Dual Screen, Motorola (One, Edge+, OnePlus 8 Pro); OPPO (Find X2 Pro, OPPO Reno), Huawei (P40 Pro, Poco F2 Pro); Samsung Galaxy (S10, Note10+, Note20 Ultra, Note20, S20, S20+, S20 Ultra, Fold2…); Sony (Xperia 1 II, Xiaomi Mi 10 Pro…).
Bên cạnh các modem 5G và các chipset tích hợp 5G cho smartphone cao cấp và cận cao cấp, hãng Qualcomm cũng đã bắt đầu "phổ cập 5G" cho những chipset phân khúc tầm trung vào tháng 6 vừa qua.
Điển hình như vừa qua, Công ty CP Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart với mẫu smartphone Vsmart Aris 5G đã trở thành thương hiệu Việt Nam đầu tiên sản xuất thành công thiết bị đầu cuối hỗ trợ công nghệ 5G.
Có thể nói, hiện việc triển khai công nghệ mạng 5G ở Việt Nam chỉ ở giai đoạn làm quen nhưng có thuận lợi hơn khi triển khai 4G chủ yếu là do sự chỉ đạo tập trung và sớm hơn của nhà nước, đặc biệt là khi gắn nó với chuyển đổi số toàn diện và toàn quốc.
Vì sao 5G chưa thể phủ sóng rộng?
Từ khoảng năm 2016, 2017, mạng 4G bắt đầu được các nhà mạng cung cấp tại Việt Nam. Mặc dù vậy, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT) Đoàn Quang Hoan cho NLĐ biết, tốc độ 4G dù được phủ sóng toàn quốc nhưng hiện chưa đạt tốc độ tiêu chuẩn do bị giới hạn bởi độ rộng băng tần và số người sử dụng.
Theo đó, tiêu chuẩn Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) quy định, tốc độ truyền tải dữ liệu của 4G phải cao hơn 3G hàng chục lần, chuẩn là 100 Mbps.
Trong khi đó, tốc độ truyền tải dữ liệu trung bình của mạng 4G tại Việt Nam chỉ đạt 35-37 Mbps, tức là chỉ cao gấp 3,5 - 4,5 lần tốc độ trung bình của mạng 3G hiện tại. Đối với người dùng di động, tốc độ mạng vẫn là chủ yếu và với nhu cầu phổ cập hiện nay, tốc độ 4G đã quá đủ để có thể thoải mái trải nghiệm.
Tại Việt Nam, thống kê của Viettel công bố hồi tháng 8 cho biết, số lượng thiết bị đầu cuối 5G chiếm rất ít. Cả với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM cũng chỉ mới có khoảng 2.000 thiết bị/TP.
Đến cuối năm 2020, mặc dù số lượng smartphone 5G chắc chắn tăng lên do có nhiều mẫu và thương hiệu hơn nhưng vẫn khó có số lượng hấp dẫn… nhà mạng. Thêm vào đó, do chi phí triển khai hệ thống trạm phát 5G không hề nhỏ nên càng khiến các nhà mạng phải cân nhắc.
Một điều chắc chắn là trong thời gian đầu, họ cũng sẽ chỉ dám cung cấp 5G tại những thành phố lớn, thậm chí khoanh vùng nhất định tại từng địa phương. Nhà mạng AIS của Thái Lan, nước Đông Nam Á đầu tiên triển khai 5G rộng rãi, đã phải chi tới 1,2 tỉ USD mà cũng chỉ đưa 5G đến được với 13% dân số. Nhiều dự đoán trên thế giới cho thấy rằng vào năm 2023, 5G chỉ chiếm hơn 10% kết nối di động.
Có một thực tế là không hãng smartphone nào dám kỳ vọng sẽ thu được nhiều lợi nhuận từ các sản phẩm 5G. Ở thời điểm hiện tại, các hãng chỉ đưa vào thị trường một số ít sản phẩm để xây dựng thương hiệu là chính.
Bởi vì người tiêu dùng sẽ cân nhắc rất kỹ khi phải đầu tư thêm vài ba triệu đồng để mua phiên bản 5G. Trong khi đó, dù đi nước ngoài du lịch hay công tác thì cũng chưa nhiều nơi có sóng 5G. Vì vậy, có thể còn khá lâu nữa, việc mua smartphone 5G vẫn là điều xa xỉ chứ không phải để đón đầu.
Một điểm đáng lưu ý, đó là cước dữ liệu 5G chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với 4G. Mobile World Live ước tính, giá cước bình quân tháng của 5G khoảng 89 USD so với 68 USD của 4G. Do cũng giống như 3G - 4G, cước tính theo dung lượng dữ liệu nên cách giải thích cước cao nhưng thời gian tải nhanh suy ra cước rẻ chỉ là nói theo thời 2G.
Vì vậy, cuộc đua 5G trong làng di động hiện chỉ là làm tăng uy tín thương hiệu và chứng tỏ sự sẵn sàng tham gia cuộc chơi của các hãng công nghệ. Để có thể thu hút nhiều người dùng hơn nữa, nhà mạng 5G phải mở rộng vùng phủ sóng, bảo đảm chất lượng cao và mức cước hợp lý. Các nhà sản xuất thiết bị cũng không thể cứ coi 5G như một tùy chọn trị giá nhiều triệu đồng.
Investopedia vừa qua cho biết, tính đến đầu năm 2020, thế giới có 34 nước đã triển khai 5G tại 378 thành phố. Trong số đó, Hàn Quốc là nước dẫn đầu - đã phủ sóng tại 85 thành phố.
Các nước còn lại như Trung Quốc - 57 thành phố, Mỹ - 50 thành phố. Nhiều nhà mạng viễn thông trên thế giới, nổi bật có AT&T Inc. (Mỹ), KT Corp (Hàn Quốc), China Mobile (Trung Quốc)... đang chạy đua xây dựng công nghệ 5G.
Nước đầu tiên trên thế giới mở băng thông cho 5G là Mỹ, từ tháng 7/2016, Ủy ban Viễn thông Liên bang FCC đã bắt đầu hình thành các quy định, luật lệ cho 5G.
Trong khi đó tại Việt Nam, sau khi thử nghiệm thành công tại một số địa phương, mạng 5G sử dụng các thiết bị “Make in Vietnam” sẽ được Viettel thử nghiệm thương mại vào tháng 10 tới đây.
Trong khi đó Mobifone và VNPT cho biết cũng có kế hoạch thương mại hóa 5G vào năm 2021. Có thể thấy, Việt Nam vẫn đang nỗ lực vượt bậc để thực hiện quyết tâm lọt nhóm các quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai công nghệ 5G.