Cáo trạng quy chụp tôi. Ông Đinh La Thăng nói ‘không họ hàng’ gì với Út ‘trọc’

Cựu Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam, cựu Bộ trưởng Bộ GTVT - ông Đinh La Thăng cho rằng mình bị “quy chụp” và khẳng định cáo trạng nêu sai sự thật về mối quan hệ họ hàng với cựu Thượng tá Quân đội Đinh Ngọc Hệ.
Sputnik

Tại phiên tòa, ông Đinh La Thăng phủ nhận hầu hết các cáo buộc, chỉ nhận trách nhiệm hành chính trong vụ đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Trong khi đó, cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cảm thấy “ân hận, xót xa” khi để xảy ra sai phạm gây thiệt hại lớn cho Nhà nước ở dự án cao tốc TP.HCM – Trung Lương này chỉ vì quan hệ nể nang cấp trên – cấp dưới.

Ông Đinh La Thăng nói không trực tiếp chỉ đạo dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Sáng 16/12, HĐXX tiếp tục ngày làm việc thứ ba xét xử ông Đinh La Thăng cùng 19 bị cáo liên quan vụ đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ phủ nhận chuyện “đi đêm”, “nhờ vả” ông Đinh La Thăng

Kết thúc phần xét hỏi đối với bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út ‘Trọc’) và đồng phạm, HĐXX chuyển sang xét hỏi các bị cáo từng công tác tại Bộ GTVT.

Khai trước tòa, ông Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng GTVT) khẳng định cáo trạng truy tố mình phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” chỉ có một điểm đúng một phần còn 5 nội dung khác là không đúng.

Theo ông Thăng, với cương vị Bộ trưởng, ông chỉ chịu trách nhiệm về mặt hành chính chứ không giữ vai trò chỉ đạo xuyên suốt như cáo trạng nêu ra.

Trong dự án đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ông Thăng cho rằng bản thân chỉ ký một văn bản trình Thủ tướng, một quyết định thành lập Hội đồng đấu giá và một lần bút phê. Các giấy tờ còn lại đều do các thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.

Ông Thăng cũng trình bày trước HĐXX về việc yêu cầu cơ quan điều tra cho tiếp cận với văn bản của Thủ tướng gửi về cho Bộ GTVT ai là người xử lý, nhưng đến bây giờ cơ quan điều tra vẫn chưa cung cấp.

“Đến bây giờ có thể nói, trực tiếp chỉ đạo văn bản mà khi Thủ tướng gửi về Bộ GTVT thì tôi không trực tiếp chỉ đạo. Theo lĩnh vực và nhiệm vụ được phân công mà các Thứ trưởng cứ thế tiếp nhận”, ông Thăng khai trước tòa về dự án cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Vụ án ông Đinh La Thăng ở cao tốc Trung Lương: Tội lỗi ‘đổ hết lên đầu’ Đinh Ngọc Hệ
Theo ông Thăng, mỗi dự án đều có những người chịu trách nhiệm khác nhau. Trong vụ án này, ông Thăng đã giao cho Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, chỉ những văn bản nào ông Trường không ký được thì Bộ trưởng mới ký.

“Bởi vì anh Trường là Thứ trưởng, anh không tự ký được cho mình, cho nên mới trình tôi ký”, bị cáo Đinh La Thăng trả lời.

Cựu Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh bản thân chỉ ký tờ trình gửi Thủ tướng về đồng ý tiếp nhận lại sau khi BIDV trả lại không đầu tư tiếp (8/2011) và hai năm sau tháng 10/2013 mới ký quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá.

“Tháng 6/2015, khi Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể (hiện là Bộ trưởng GTVT) thay bị cáo Trường, trình ký văn bản liên quan Công ty Yên Khánh, bị cáo mới bút phê đề nghị làm đúng pháp luật. Tuy nhiên phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, chủ đầu tư, Tổng Công ty Cửu Long và các đơn vị liên quan”, ông Đinh La Thăng cho biết về bút phê chỉ đạo.

Ông Đinh La Thăng phủ nhận quan hệ thân thiết với Đinh Ngọc Hệ

Chủ tọa phiên tòa chất vấn ông Đinh La Thăng về quan hệ với bị cáo Đinh Ngọc Hệ.

“Bị cáo với bị cáo Đinh Ngọc Hệ có mối quan hệ thân quen, bạn bè hay dòng họ gì không?”, Chủ tọa hỏi.

Trả lời câu hỏi của HĐXX về mối quan hệ với Đinh Ngọc Hệ, ông Đinh La Thăng cho biết giữa hai người không hề có quan hệ kinh tế - chính trị. Cả hai chỉ quan hệ thuần túy, thông thường trong xã hội thông qua người khác.

“Quen biết nhưng ở mức độ như tất cả mọi người”, ông Thăng nói.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát cáo buộc, ông Đinh La Thăng đã gọi điện cho Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Công ty Cửu Long) nhằm giới thiệu Đinh Ngọc Hệ và Công ty Yên Khánh để Hệ có thể tiếp cận đề án thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

“Tại các bản khai trong hồ sơ, cả Dương Tuấn Minh và bị cáo Hệ khẳng định tôi không giới thiệu gì để Hệ tiếp cận dự án cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Tháng 8/2012, Công ty Cửu Long mới được giao lập dự án, không có lý do gì tháng 2/2012 tôi lại gọi cho Minh để nói về dự án này”, ông Thăng lý giải.

Theo ông, cho đến tháng 10/2013, dự án này vẫn là dự án thuộc Bộ GTVT quản lý, Bộ ra quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá. Dương Tuấn Minh chỉ là 1 trong số 7 thành viên.

Vụ án ông Đinh La Thăng ở cao tốc Trung Lương – TP.HCM, Đinh Ngọc Hệ bác tên Út ‘trọc’

Theo ông Thăng, bị cáo Minh không có vai trò gì, được giao nhiệm vụ gì cụ thể nên không có việc ông nhờ người này ưu ái cho Đinh Ngọc Hệ. Cho nên thẩm quyền quyết định dự án vẫn là của Bộ GTVT.

“Không có lý do gì tôi phải gọi điện cho anh Minh cả”, ông Đinh La Thăng nêu rõ.
“Cáo trạng nêu bị cáo và Hệ có mối quan hệ từ trước nên giới thiệu là mang tính suy đoán, không có căn cứ bởi có những bị cáo đến đây tôi mới gặp, chứ không tác động gì. Cáo trạng nêu như vậy sai sự thật, quy chụp tôi”, ông Đinh La Thăng khẳng định.

Đối với số tiền 725 tỷ, ông Thăng khẳng định bản thân ông không liên quan vì thất thoát đến từ hành vi gian dối doanh thu.

“Từ đầu tới cuối, văn bản quy định pháp luật mà các bị cáo triển khai là dựa vào hướng dẫn Bộ Tài chính về đấu giá. Không thể dùng văn bản đấu thầu để áp dụng. Cáo trạng nói hành vi vi phạm Thông tư liên tịch 05 là không đúng. Bởi đó là thông tư hướng dẫn đấu thầu chứ không phải đấu giá, mà đấu giá và đấu thầu hoàn toán khác nhau”, ông Thăng kết luận,

Bị cáo Dương Văn Minh khẳng định ông Đinh La Thăng có gọi điện ‘tác động’

Cáo trạng của Viện Kiểm sát xác định, khi triển khai thực hiện dự án bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương - TP.HCM, Bộ trưởng Bộ GTVT khi đó là ông Đinh La Thăng đã điện thoại cho Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Công ty Cửu Long) giới thiệu Hệ để tiếp cận đề án. Ông Thăng và Minh có quan hệ quen biết từ trước.

Di lý cựu Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng từ Hà Nội vào TP.HCM để xét xử

Như Sputnik đã thông tin ngày qua, trả lời xét hỏi của HĐXX, bị cáo Minh khai là ủy viên của hội đồng bán đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương - TP.HCM. Hội đồng có tổng cộng 7 thành viên. Bộ trưởng Đinh La Thăng là người ký quyết định thành lập hội đồng.

Tuy nhiên, chủ tịch hội đồng không giao nhiệm vụ cụ thể cho bị cáo Minh. Bị cáo cũng cho rằng bản thân không hề biết khi Công ty Yên Khánh nộp hồ sơ đấu giá.

"Ông Đinh La Thăng gọi điện giới thiệu với bị cáo là có anh Hệ ở Công ty Thái Sơn của Bộ Quốc Phòng muốn tìm hiểu một số công việc liên quan việc mua đấu giá bán quyền thu phí”, ông Dương Tuấn Minh khai trước tòa.

Bị cáo thừa nhận nắm rõ các quy định về việc bán tài sản Nhà nước nhưng do chịu tác động từ ông Thăng, biết Đinh Ngọc Hệ có mối quan hệ cá nhân với ông Thăng, đồng thời nhận chỉ đạo từ ông Nguyễn Hồng Trường nên đã thực hiện thủ tục pháp lý để bán đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ phủ nhận cáo trạng và tội danh

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ khai biết thông tin về việc đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương - TP.HCM qua tivi nên đã bảo Phạm Văn Diệt (Tổng giám đốc Công ty Đức Bình) tìm hiểu rồi trả giá bằng đúng giá Công ty Cửu Long đăng báo là 2.004 tỷ.

Hệ thừa nhận có tiếp xúc, gặp gỡ Dương Tuấn Minh tại Công ty Cửu Long nhưng là để giải quyết công việc liên quan Tổng công ty Thái Sơn. Cũng như ông Thăng, Út “trọc” phủ nhận việc được cựu Bộ trưởng Bộ GTVT giới thiệu để đấu giá thu phí cao tốc.

Sắp xử các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung, Vũ Huy Hoàng

Bị cáo cũng phủ nhận cáo buộc chỉ đạo đồng phạm làm hồ sơ hồ sơ tài chính giả cho Công ty Yên Khánh và Khánh An để thỏa điều kiện tham gia đấu giá. Theo bị cáo, việc điều hành công ty đã giao toàn quyền cho Diệt.

“Bị cáo có biết Diệt được hưởng gì không? Lỗ, lãi như thế nào?”, chủ tọa truy vấn.

Trả lời câu hỏi này, Đinh Ngọc Hệ khai rằng bản thân không biết gì về chuyện này.

“Bị cáo trình bày mọi người nghe có hợp lý không? Bị cáo thành lập các công ty này làm gì rồi không được hưởng lợi gì hết, giao hết cho Diệt muốn làm gì thì làm. Thu lợi nhuận mà không kiểm tra, bỏ vốn xong cho người khác quản lý”, chủ tọa tiếp tục đặt câu hỏi.

Một lần nữa, Đinh Ngọc Hệ tiếp tục nói không biết việc chung chi trong quá trình thu phí, không được cấp dưới báo cáo số liệu, thu nhập thu phí hàng năm...

Bị cáo cũng phủ nhận việc chiếm đoạt 725 tỷ đồng từ việc gian lận số liệu thu phí như cáo trạng truy tố.

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đau xót trước thiệt hại của Nhà nước

Trong phiên tòa xét xử sáng nay, cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường (63 tuổi) thừa nhận các cáo buộc của cơ quan điều tra và tố tụng.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nói gì về bút phê vụ ông Đinh La Thăng và Út “trọc”?

Cáo trạng khẳng định ông Trường đã ký văn bản thông báo Công ty yên Khánh và Công ty Khánh An của Đinh Ngọc Hệ đủ điều kiện tham gia đấu giá, từ đó dẫn đến hậu quả những doanh nghiệp này không đủ năng lực nhưng vẫn được tham gia đấu thầu và trúng thầu.

Ông Nguyễn Hồng Trường cũng nói ông Đinh Ngọc Hệ có “mối quan hệ” với cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng, xuất phát từ việc nể nang trong quan hệ “cấp trên – cấp dưới” nên đã dẫn đến sai phạm trong việc chỉ đạo cho Công ty Yên Khánh trúng thầu nộp tiền làm ba lần trái quy định của pháp luật.

Đồng thời, ông Trường cũng được xác định đã ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá quyền thu phí nhưng không thông qua hội đồng xác định giá hoặc thuê tổ chức thẩm định giá.

Cựu Thứ trưởng GTVT cũng ký quyết định hội đồng bán chỉ định chỉ có một người tham gia đấu giá và trả giá bằng giá khởi điểm.

Khai báo trước tòa, bị cáo Nguyễn Hồng Trường, thừa nhận được giao phụ trách xây dựng đề án thu phí cao tốc vào tháng 8/2012. Trước khi đề án được bắt đầu triển khai, ông Trường cho rằng Công ty Cửu Long từng tham gia nhiều lần với Tổng cục Đường bộ và đã có quy định cho phép đơn vị thu tiền ba lần.

Từ Đinh La Thăng đến Trịnh Xuân Thanh: Việt Nam xử nghiêm nhiều đại án tham nhũng

Ông Trường cho hay việc xây dựng đề án đấu giá quyền thu phí cao tốc kéo dài một năm rưỡi, hết sức công phu, tỉ mỉ. Cá nhân ông nhiều lần tổ chức họp, xin ý kiến các bộ ngành liên quan rồi mới ra thông báo chỉ đạo Công ty Cửu Long thực hiện.

Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc bị cáo có trực tiếp xem xét, nghiên cứu các văn bản pháp luật hay không, ông Trường cho biết đã tổ chức cuộc họp tại Văn phòng Bộ GTVT, mời bộ phận tham mưu, từ đó mới kết luận và đưa vào thông báo thực hiện.

“Quá trình thực hiện đề án, bị cáo ra rất nhiều thông báo chỉ đạo cho Công ty Cửu Long và các đơn vị làm, tránh gây ra thiệt hại cho tài sản của Nhà nước”, cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.

HĐXX nhấn mạnh rằng, điểm cốt yếu của đấu giá là phải thành lập hội đồng định giá để đưa ra mức giá nhưng bị cáo Nguyễn Hồng Trường đã không thực hiện.

Ông Trường giải khi Bộ Tài chính trình văn bản đề xuất đơn vị đấu thầu có đủ điều kiện, nếu không có dòng “đề nghị xem xét” thì Thứ trưởng sẽ ký duyệt. Đó là cách thức hoạt động của Bộ GTVT thời điểm đó.

Theo cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, 5/7 thành viên trong hội đồng định giá đã có mặt tại phiên đấu giá nên nếu tổ chức họp cũng sẽ cho kết quả như vậy nên ông đã tự ký phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá quyền thu phí.

Khai trước tòa, cựu Thứ trưởng Bộ GTVT nói hoàn toàn tin tưởng vào Dương Tuấn Minh và Công ty Cửu Long có đủ năng lực, kinh nghiệm trong việc đấu giá.

Trình bày trước HĐXX, bị cáo Nguyễn Hồng Trường bày tỏ sự ăn năn, dằn vặt khi đã để xảy ra sai phạm gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.

“Bị cáo rất xót xa, bản thân bị cáo là người được giao nhiệm vụ mà để xảy ra lỗi như vậy”, cựu Thứ trưởng nói.
Thảo luận