Hiện nay, khi có sân đỗ trực thăng tại bệnh viện, chỉ mất khoảng 3 phút tính từ khi trực thăng đáp xuống sân bay của bệnh viện là các bác sĩ có thể tiếp cận, cấp cứu được bệnh nhân.
Bệnh viện đầu tiên có sân bay trực thăng cấp cứu hoạt động thế nào?
Ngày 19/12, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc Phòng) đã đưa vào hoạt động sân bay cấp cứu bằng trực thăng trên nóc tòa nhà Viện Chấn thương Chỉnh hình của bệnh viện. Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, sân bay trực thăng này đã được nghiệm thu, bay thử, đủ điều kiện, tiêu chuẩn đưa vào khai thác sử dụng.
Khi đi vào vận hành, ngoài phục vụ vận chuyển cấp cứu cho chiến sĩ và người dân gặp tai nạn ở Trường Sa, sân bay cấp cứu trực thăng của Bệnh viện Quân y 175 sẽ là điểm phát triển cấp cứu nhanh, hướng đến là Trung tâm cấp cứu đa năng đường bộ – đường thủy – đường không. Việc này giúp giải quyết tất cả tình huống, sự cố thảm họa, thiên tai; đảm bảo phục vụ tốt sức khỏe cán bộ, nhân dân TP.HCM, các tỉnh lân cận và khu vực.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cũng cho biết, trước đây, các ca bệnh nặng, khó, phức tạp cấp cứu bằng đường không được đưa về sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó chuyển về bệnh viện mất một khoảng thời gian nhất định. Hiện nay, khi có sân đỗ trực thăng tại bệnh viện, chỉ mất khoảng 3 phút tính từ khi trực thăng đáp xuống sân bay của bệnh viện là các bác sĩ có thể tiếp cận, cấp cứu được bệnh nhân.
Được sự quan tâm đầu tư của Quân ủy Trung ương, Chính phủ và Bộ Quốc phòng, Bệnh viện Quân y 175 triển khai xây dựng dự án Viện Chấn thương chỉnh hình, quy mô 500 giường, theo mô hình viện trong bệnh viện và có sân bay, đỗ trực thăng để bảo đảm kịp thời cho công tác cấp cứu, điều trị đối với các ca bệnh nặng, khó, phức tạp từ vùng biển đảo phía Nam của Tổ quốc về bệnh viện điều trị.
Thường xuyên duy trì huấn luyện tổ cấp cứu đường không – cấp cứu trực thăng
Cũng trong khuôn khổ buổi lễ ra mặt sân bay trực thăng, tổ bay cấp cứu, Bệnh viện Quân Y 175 đã thực hiện 2 tình huống giả định vận chuyển 2 bệnh nhân cấp cứu bằng trực thăng. Máy bay trực thăng vận chuyển bệnh nhân sau khi hạ cánh trên nóc Viện Chấn thương Chỉnh hình đã được đội ngũ y bác sĩ túc trực sẵn tiếp nhận bệnh nhân và vận chuyển xuống khu vực cấp cứu. Quy trình từ lúc tiếp nhận, vận chuyển đến khu cấp cứu chỉ khoảng hơn 5 phút.
Được biết, Bệnh viện Quân y 175 thường xuyên duy trì huấn luyện tổ cấp cứu đường không – cấp cứu trực thăng; chủ động phối hợp kịp thời cùng Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không – Không quân, Binh đoàn 18 sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ cấp cứu biển đảo khi có lệnh.
Mỗi năm Bệnh viện Quân Y 175 phối hợp cùng các đơn vị vận chuyển cấp cứu 7 đến 10 bệnh nhân ở các vùng biển đảo trong tình hình thời tiết phức tạp, có chuyến đón 2 bệnh nhân ở 2 đảo khác nhau.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, ngành Y tế thành phố xem cấp cứu ngoại bệnh viện là hoạt động rất quan trọng, mục tiêu phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, tiếp cận được nhiều loại hình cấp cứu như các nước trên thế giới. Cấp cứu trực thăng mở ra thêm một hướng mới, giúp cứu sống kịp thời những bệnh nhân cần can thiệp khẩn cấp cần chuyển về những bệnh viện tuyến cuối.
Về định hướng tương lai, ông Thượng chia sẻ có thể coi sự kiện này là tiền đề, qua đó có thêm các sân bay cấp cứu bằng trực thăng tại các bệnh viện TP.HCM như Nhân dân 115, Ung bướu, Nhi Đồng Thành phố để công tác cấp cứu ngày một hiệu quả, ngang tầm khu vực.