Với việc công bố thông tin bất ngờ về Quỹ VinFuture do vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng bà Phạm Thu Hương khởi xướng, giá cổ phiếu VIC của Vingroup hôm nay trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam khởi sắc, bứt phá mạnh mẽ.
5 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam 2020 là ai?
Năm nay 2020 là năm đầy khó khăn của nền kinh tế Việt Nam và cả thế giới. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam vẫn giữ vững đà tăng trưởng, giúp tài sản của một số doanh nhân trên thị trường chứng khoán giữ ở mức cao.
Năm doanh nhân top đầu của sàn chứng khoán Việt Nam đều là những người thành công làm được điều này.
Cuối năm 2020, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt khi cổ phiếu VIC một lần nữa trở lại “Câu lạc các cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng/CP”.
Chốt phiên cuối tuần trước 18/12, VIC dừng ở mức 104.700 đồng/CP, giúp tài sản của ông Vượng lên tới con số hơn 200.000 tỷ đồng (khoảng 8,6 tỷ USD). Giá trị cổ phiếu VIC của ông Vượng thậm chí cao gần gấp đôi so với tổng giá trị cổ phiếu của các đại gia còn lại trong Top 5.
Số liệu của Forbes cũng cho thấy, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng là người giàu nhất Việt Nam, với tổng tài sản là 6,7 tỷ USD.
Người giữ vị trí thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt Nam là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát. Ông lấy lại được vị trí này nhờ đà tăng mạnh của cổ phiếu HPG.
Đóng cửa tuần trước, cổ phiếu HPG dừng ở mức 38.600 đồng/CP, tăng 19.370 đồng/CP, tương đương 100% so với phiên cuối cùng của năm 2019. Như vậy, sau gần 1 năm, vốn hoá thị trường Hoà Phát đã tăng gấp đôi và tài sản của ông Trần Đình Long cũng theo đó tăng gấp đôi lên 33.350 tỷ đồng.
Một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19 năm nay là hàng không. Do đó, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VJC của Công ty cổ phần hàng không Vietjet cũng đối mặt nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau thời gian giảm sâu, VJC vẫn phục hồi ngoạn mục. Với mức giá 125.000 đồng/CP, VJC đem đến cho bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO Vietjet) khối tài sản trị giá 26.696 tỷ đồng. Bà Thảo là tỷ phú giàu thứ ba trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời là người phụ nữ duy nhất trong danh sách top 5 này.
Trái với hàng không, một ngành không chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 là tiêu dùng. Giữa đại dịch, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan vẫn tăng trưởng mạnh. Cổ phiếu của MSN đã tăng đáng kể trong thời gian qua. Sau gần 1 năm giao dịch, MSN tăng 34.590 đồng/CP, tương đương 70% so với phiên cuối cùng của năm 2019.
Nhờ đó, tài sản của ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan đã tăng lên đáng kể.
Tải sản của ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang lần lượt ở mức 21.946 tỷ đồng và 21.486 tỷ đồng. Đây là 2 tỷ phú ở vị trí thứ 4 và thứ 5 trong danh sách 5 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt hiện nay.
Ngoài ra, cổ phiếu TCB của Techcombank cũng đóng góp đáng kể vào tải sản của ông Anh và ông Quang. Cả hai đều là những cổ đông lớn của Masan và Techombank. Sau gần 1 năm giao dịch, cổ phiếu TCB tăng 7.600 đồng/CP, tương đương 35,2% so với phiên ngày 31/12/2019.
Công bố quỹ VinFuture, giá cổ phiếu VIC của Vingroup khởi sắc
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, Tập đoàn Vingroup vừa qua đã công bố thông tin ra mắt Quỹ VinFuture do tỷ phú hàng đầu sàn chứng khoán Việt – ông Phạm Nhật Vượng và vợ là bà Phạm Thu Hương khởi xướng.
Đây là Quỹ được thành lập để tổ chức Giải thưởng khoa học và công nghệ quốc tế đầu tiên do người Việt Nam khởi xướng và là một trong những giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất thế giới.
Như phía Tập đoàn Vingroup công bố trước đó, hàng năm, VinFuture sẽ có một giải thưởng chính và ba giải đặc biệt với tổng giá trị là 104,5 tỷ đồng (tương đương 4,5 triệu USD).
Với thông tin tích cực này, trên thị trường chứng khoán sáng nay của Việt Nam, giá cổ phiếu VIC ngập sắc xanh, nằm trong top dẫn đầu với giá trị vốn hoạt đạt trên 357.185 tỷ đồng. Trong phiên giao dịch sáng nay, giá cổ phiếu VIC của Vingroup tăng 0,86% lên 105.600 đồng sau 4 phiên giao dịch lêin tiếp không tăng giá.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/12, sàn VN30 – Index tăng 1,26% (13,62 điểm) lên 1.081,08 điểm với 22 mã tăng và 4 mã giảm, trong đó có hai mã trần là SSI và EIB.
Tuy nhiên ngoài ngân hàng và chứng khoán, cũng chỉ có ít cổ phiếu tăng mạnh bằng hoặc hơn chỉ số như GAS tăng 1,65%, FPT tăng 1,05%, KDH tăng 1,44%, MWG tăng 1,04%, REE tăng 1,07%.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay duy trì sắc xanh nổi bật với đà tăng điểm suốt phiên giao dịch. Thanh khoản toàn thị trường, với khối lượng giao dịch đạt 732,44 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 14.557,17 tỷ đồng. Toàn thị trường, có 225 mã tăng giá, 86 mã đứng giá và 114 mã giảm giá.
Trong phiên giao dịch hôm nay, nhóm cổ phiếu tài chính vẫn là tâm điểm của các nhà đầu tư. Thanh khoản thị trường duy trì mức cao với giá trị giao dịch 3 sàn đạt gần 17.000 tỷ đồng.
Tại sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, HNX-Index tăng 2,88% lên 182,11 điểm, tăng 5,09 điểm (+2,88%). Thanh khoản đạt tổng cộng có 115,77 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 1.477,67 tỷ đồng. Toàn sàn chứng khoán Hà Nội có 104 mã tăng, 190 mã đứng giá và 61 mã giảm giá.
Tring khi đó, trên thị trường UPCoM, UPCom-Index tăng 0,97% lên 71,64 điểm. Thanh khoản toàn thị trường, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 53,22 triệu cổ phiếu, giá trị tương ứng đạt hơn 663,30 tỷ đồng.
Tại sàn TP Hồ Chí Minh, chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 13,62 điểm (+1,28%) và lên mức 1.081,08 điểm. Thanh khoản đạt hơn 706,88 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch đạt 14.077,79 tỷ đồng. Toàn sàn có 292 mã tăng, 62 mã đứng giá và 138 mã giảm giá.