Forbes: Việt Nam có 4 tỷ phú USD, Covid-19 thách thức tài sản giới siêu giàu

© Sputnik / Alexey WitwizkijForbes
Forbes - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Năm 2020, Việt Nam có 4 tỷ phú USD được xếp hạng trong danh sách tỷ phú thế giới do Forbes mới công bố. Không ai xa lạ, đó chính là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Sáng lập Sovico Holding và Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Thaco Trường Hải Trần Bá Dương và Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh.

Theo đó, so với năm 2019, năm 2020 Việt Nam có ít hơn 1 tỷ phú lọt danh sách của Forbes và tổng tài sản các tỷ phú cũng giảm 2,1 tỷ USD. Ông chủ Masan Nguyễn Đăng Quang không còn nằm trong danh sách vừa được công bố. Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới, túi tiền của các tỷ phú mà còn trực tiếp khiến công việc kinh doanh bị đình trệ với nhiều thách thức nghiêm trọng.

4 tỷ phú Việt trong danh sách của Forbes: Ông Phạm Nhật Vượng vẫn dẫn đầu

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Sputnik Việt Nam
Đại dịch Covid-19: Tỷ phú Phạm Nhật Vượng thuê máy bay đưa người Việt ở Ukraina về nước
Tối ngày 7 tháng 4, tạp chí Forbes đã công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2020. Riêng đối với Việt Nam, có bốn tỷ phú USD cùng góp mặt trong danh sách này và tất cả đều là những gương mặt hết sức quen thuộc trong giới kinh doanh và thị trường chứng khoán Việt Nam.

4 doanh nhân Việt Nam được Forbes công nhận là tỷ phú USD chính là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Sáng lập Sovico Holding và Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Thaco Trường Hải Trần Bá Dương và Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh.

Danh sách năm 2020 của Tạp chí Forbes gồm hơn 2.000 tỷ phú ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Để có tên trong danh sách, phương pháp được Forbes lựa chọn là đánh giá quy mô tài sản của một cá nhân dựa vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái tại ngày 18/3.

Được biết, Forbes đã chốt danh sách tổng cộng 2.095 tỷ phú tính đến hôm 18/3 và công bố vào ngày 7/4, muộ hơn một tháng so với năm ngoái. Danh sách của Forbes năm nay cũng ít hơn 58 người so với thời điểm năm 2019. Số tài sản của các tỷ phú thế giới này trị giá 8.000 tỷ USD, thấp hơn 700 tỷ USD so với năm ngoái.

So với năm 2019, Việt Nam cũng mất một tỷ phú USD là Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang. Tổng tài sản của 4 tỷ phú năm nay (Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Bá Dương và Hồ Hùng Anh) cộng dồn là 10,2 tỷ USD, giảm khoảng 2,1 tỷ USD (20%) sau hơn một năm.

Đây cũng là năm đầu tiên tài sản của ông Phạm Nhật Vượng suy giảm dù đã từng có lúc cán mốc 8 tỷ USD, trong khi đây là năm thứ 2 liên tiếp tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Trần Bá Dương cũng giảm xuống. Việc thị trường chứng khoán lao dốc giai đoạn đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến tài sản của các tỷ phú giảm mạnh.

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng: 5,9 tỷ USD, xếp hạng 286

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng vẫn dẫn đầu danh sách của Forbes tại Việt Nam. Tính đến tháng 4 năm 2020, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng là 5,6 tỷ USD. Số liệu thực cập nhật ngày 8/4 trên Forbes, Chủ tịch Vingroup hiện đang có 5,9 tỷ USD, xếp hạng 286 người giàu nhất thế giới năm 2020. Với thứ hạng này, ông Vượng bị tụt tới 47 bậc so với mức 239 hồi năm 2019.

Theo Forbes Việt Nam, các cổ phiếu thuộc họ Vingroup (VHM, VIC và VRE) đều giảm mạnh kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, lây lan và gây ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, hoạt động ở các trung tâm thương mại (Vincom) và các khu du lịch (Vinpearl) chịu ảnh hưởng rất lớn. Trước tình hình này, Vincom Retail đã phải tung gói hỗ trợ 300 tỷ đồng hỗ trợ các đối tác đang thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại thuộc hệ thống.

Xe VinFast - Sputnik Việt Nam
VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng mua lại hãng ô tô Holden của Australia?

Trong vòng ba tháng tính từ ngày 7.1, thị giá của VIC đã giảm khoảng 15%, còn 97.300 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu VHM của Vinhomes cũng giảm 20,86% còn 66.000 đồng/cổ phiếu, nhưng vẫn thấp hơn mức giảm gần 34% của Vincom Retail (VRE), còn 22.300 đồng/cổ phiếu.

Đặc biệt, trong năm nay, sự kiện lớn trong hoạt động kinh doanh Tập đoàn Vingroup chính là việc bắt tay với Masan, thỏa thuận sáp nhập Công ty VinCommerce (bán lẻ) và VinEco (nông nghiệp) của Vingroup vào CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng, bán lẻ.

Ngoài ra, việc hãng hàng không Vinpearl Air của tỷ phú Vương tuyên bố rút khỏi mảng kinh doanh vận tải hàng không sau thời gian ngắn được cấp phép cũng thu hút sự chú ý của dư luận.

Ông Phạm Nhật Vượng hiện đang lãnh đạo Tập đoàn Vingroup kinh doanh đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, công nghiệp chế tạo, mới đây doanh nghiệp này còn công bố sẽ triển khai việc sản xuất máy thở các loại (xâm nhập và không xâm nhập) và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam giữa tâm dịch Covid-19.

Doanh nhân Phạm Nhật Vượng được Forbes lần đầu công nhận tỷ phú USD vào năm 2013 với tổng tài sản 1,5 tỷ USD. Kể từ đó, ông liên tiếp có mặt trong danh sách của Forbes và dẫn đầu danh sách tỷ phú USD của Việt Nam.

Bà chủ Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo: 2 tỷ USD, xếp hạng 1001

Cũng như Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo sáng lập và chủ tịch Sovico Holding, bà chủ Vietjet Air cũng tiếp tục góp mặt trong danh sách tỷ phú USD của Việt Nam vừa được Forbes công bố. Tuy nhiên, tài sản của nữ tỷ phú tự thân đã giảm từ 2,3 tỷ USD năm 2019 xuống còn 2,1 tỷ USD năm 2020. Theo cập nhật trên trang Forbes, tính đến ngày 8/4/2020, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo là 2 tỷ USD, xếp hạng 1001 người giàu nhất thế giới và hạng 52 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2019.

Nguyễn Thị Phương Thảo - Sputnik Việt Nam
Tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vào Top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới 2018

Năm 2020 này, công việc kinh doanh của bà Thảo bị ảnh hưởng nặng nề, đại dịch Covid-19 khiến hãng hàng không Vietjet của nữ tỷ phú chịu thiệt hại nghiêm trọng trong bối cảnh suy giảm chung của ngành hàng không quốc tế và trong nước. Tính từ ngày 7.1 tới ngày 7.4, cổ phiếu VJC của Vietjet đã giảm 32,2% - xuống còn 99.000 đồng/cổ phiếu.

“Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong các nữ doanh nhân thế hệ mới, nổi bật nhất tại Việt Nam trong 10 năm qua. Từ kinh doanh thương mại thiết bị điện tử và nông sản, năm 21 tuổi, bà Thảo đã kiếm được 1 triệu USD đầu tiên”, Forbes Việt Nam cho biết.

Cùng với VietJet Air, hãng hàng không tư nhân có quy mô vốn hóa gần 3 tỷ USD (thời điểm giữa tháng 2.2019) thì tên tuổi của bà Nguyễn Thị Phương Thảo – nữ tỷ phú tự thân duy nhất của khu vực Đông Nam Á (theo Forbes) còn gắn liền với ngân hàng HDBank với vị trí Phó Chủ tịch thường trực. Năm qua, ngân hàng của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo báo lãi kỷ lục hơn 5.000 tỷ đồng.

Dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, với việc sở hữu khối tài sản lớn trên sàn chứng khoán, nguồn tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo được đánh giá là rất vững chắc.

Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương: 1,4 tỷ USD, hạng 1415 thế giới

Năm nay, Chủ tịch Thaco Trường Hải Trần Bá Dương xuất hiện trong danh sách của Forbes với khối tài sản của ông cùng gia đình ước tính đạt khoảng 1,5 tỷ USD vào tháng 4 năm 2020. Dù cập nhật thực tế trên Forbes ngày 8 tháng 4 cho thấy ông Dương đang sở hữu 1,4 tỷ USD, giảm 200-300 triệu USD so với khi xuất hiện tại Forbes 2019. Ông và gia đình hiện đang ở vị trí thứ 1415 thấp hơn thứ hạng hồi năm ngoài là 1349.

Forbes - Sputnik Việt Nam
Những gương mặt Under 30 năm 2020 được Forbes Việt Nam bình chọn

Thaco hiện là tập đoàn ô tô lớn nhất Việt Nam, chiếm 1/3 thị phần trong nước năm 2019. Tận dụng hiệp định thương mại tự do khu vực ASEAN – Atiga, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% trong khối các nước tham gia hiệp định, từ cuối 2019, Thaco đã chính thức xuất khẩu xe thương hiệu tập đoàn sang một số nước trong khu vực như Thái Lan, Myanmar, Philippines.

Ông Trần Bá Dương được Forbes công nhận sở hữu khối tài sản 1,76 tỷ USD (6.3.2018). Theo hồ sơ của Forbes, đến năm 2016, Thaco trở thành công ty ô tô lớn nhất của Việt Nam với thị phần ô tô chiếm 32%. Chủ tịch Thaco còn là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh.

Trong năm 2020 này, một trong những hoạt động đáng chú ý của Thaco chính là việc hôm 21/2 vừa qua, Sở KHĐT tỉnh Quảng Nam đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty TNHH Sản xuất xe mô tô Thaco – Thaco Motorcycle. Đây được xem là động thái cho thấy Thaco sẽ tham gia vào thị trường sản xuất xe máy sau một thời gian dài sản xuất kinh doanh ô tô, máy nông nghiệp.

Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh: 1 tỷ USD, xếp hạng 1990

Năm nay là năm thứ hai liên tiếp ông Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh được Forbes vinh danh trong danh sách tỷ phú thế giới.

Ngân hàng Techcombank - Sputnik Việt Nam
Techcombank thay đổi nhân sự cấp cao

So với lần xếp hạng năm 2019, tài sản của ông Hùng Anh năm nay giảm từ mức 1,7 tỉ USD ghi nhận tháng 3.2019 xuống còn khoảng 1 tỷ USD. Hiện ông đang đứng vị trí thứ 1990 trong danh sách của Forbes (theo số liệu cập nhật ngày 8/4/2020).

Chung bối cảnh khó khăn của thị trường chứng khoán thời corona, trong giai đoạn 7.1 tới 7.4, cổ phiếu Techcombank đã giảm 26,46%, xuống còn 16.950 đồng/cổ phiếu. Với việc tăng trưởng cho vay gắn với các dự án bất động sản của một số nhà phát triển bất động sản, trong đó có Vingroup, tác động đối với ngân hàng này là không tránh khỏi trong bối cảnh thị trường 2020 khó khăn vì dịch bệnh lẫn chính sách siết tín dụng vào bất động sản. 

Forbes Việt Nam cũng cho biết, hai ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang - chủ tịch tập đoàn Masan, tỷ phú năm ngoái nhưng không có mặt trong danh sách năm nay, được biết tới là bộ đôi trong công việc và sự nghiệp.

“Cả hai là du học sinh Đông Âu, là cộng sự, khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh mì gói và tương ớt, sau khi thành công tại thị trường Nga đều quay về Việt Nam kinh doanh. Cặp đôi doanh nhân này còn một điểm tương đồng là luôn kín tiếng với báo giới và không muốn đề cập đến vai trò cá nhân”, Forbes Việt Nam nhận định.

Trong danh sách năm nay của Forbes, Jeff Bezos là người giàu nhất thế giới với số tài sản 123 tỷ USD. Đứng thứ hai là Bill Gates với 102,1 tỷ USD.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала