COVID-19, thiên tai chưa từng có trong năm 2020 không làm Việt Nam lao đao

Trong năm 2020, “Việt Nam đã biến “nguy” thành “cơ” bằng sự linh hoạt, chủ động, sáng tạo, bằng sự lãnh đạo thống nhất, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết toàn dân”.
Sputnik

Về đối ngoại, năm 2020 là một năm thành công của Việt Nam, khi hoàn thành xuất sắc vai trò “kép”, chủ tịch ASEAN và ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Vậy trong đối nội, năm 2020 đã là năm như thế nào của Việt Nam?

Nhà phân tích, chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề đối nội và đối ngoại của Việt Nam Nguyễn Minh Tâm trả lời phỏng vấn của Sputnik về những điểm nổi bật nhất trong đối nội của Việt Nam năm 2020.

Cuộc chiến chống COVID-19: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng lên Việt Nam”

Sputnik: Đại dịch COVID-19 bùng phát một cách đầy bất ngờ và có tốc độ, mức độ lây lan mạnh nhất trong số các dịch bệnh từng biết đến đã làm cho nhiều quốc gia trở tay không kịp. Thậm chí, một số nước còn có thái độ coi thường, coi nó chỉ ở mức độ như cúm mùa; còn một số nước khác thì hy vọng vào sự miễn dịch tự nhiên khi số ca bệnh tăng lên. Nhưng Việt Nam đã có cách tiếp cận như thế nào và đã thành công như thế nào, thưa ông?  

Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm: Việt Nam đã có cách tiếp cận khoa học, hợp lý và sáng tạo.

Thành công đầu tiên của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19 là dự báo sớm. Vì đã có kinh nghiệm đối phó với các dịch bệnh tương tự nhứ SARS, MERS và một số dịch bệnh nguy hiểm khác vẫn còn đang lưu hành trên toàn cầu, nên Việt Nam đã biết tự lượng sức mình, đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Và ngay khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý còn chưa kết thúc, Chính phủ Việt Nam đã họp khẩn cấp và đưa ra cảnh báo dịch bệnh nguy hiểm còn trước cả cảnh báo của Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO) hàng tháng trời.

Vaccine Covid-19 Nanocovax: Việt Nam có quyền nói với thế giới “chúng ta đã làm được”

Thành công thứ hai của Việt Nam là đề ra và thực hiện tốt phương châm “chống dịch như chống giặc”. Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra phương châm này, không mấy ai hiểu được cội rễ của nó. Nhưng khi đã kinh qua một năm phòng chống đại dịch COVID-19 và nhìn lại, người ta dễ dàng thấy được những ý tưởng sâu xa trong cụm từ đơn giản đó.

Trước hết những kẻ thù xâm lăng mà Việt Nam đã “nghênh chiến” và “đuổi về” đều là những quân đội mạnh, có ưu thế hơn hẳn,vượt trội về binh-hỏa lực. Trong khi đó thì quân đội Việt Nam luôn ở thế phòng thủ và thua kém cả về quân số và trang bị. Nó cũng giống như virus SARS-COV-2 có tốc độ lây lan mạnh, nguy hiểm cho cộng đồng, trong khi tiềm lực y tế của Việt Nam còn mỏng yếu, chỉ có 1 bác sĩ/10.000 dân, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa hiện đại thì phải áp dụng chủ trương PHÒNG HƠN CHỐNG. Từ chủ trương này, Chính phủ Việt Nam đã kích hoạt sớm các biện pháp phòng ngừa, cách ly nhiều lớp, thực hiện các biện pháp y tế phòng bệnh mà đến nay được đúc kết thành “5K”: Khẩu trang/ Khử khuẩn/ Khoảng cách/ Không tụ tập đông người/ Khai báo y tế.

COVID-19, thiên tai chưa từng có trong năm 2020 không làm Việt Nam lao đao

Thứ hai là cách ly, cô lập nguồn bệnh một cách triệt để và nghiêm ngắt. Biện pháp này cũng xuất phát từ chủ trương phòng hơn chống. Người Việt Nam coi việc dập dịch mà không có thuốc điều trị đặc hiệu giống như dập một đám cháy trên rừng mà không có nước chữa cháy. Trong hoàn cảnh ấy, cách tốt nhất là bao vây cô lập nguồn bệnh tương tự như bao vây, cô lập một đám cháy nhỏ để nó không thể cháy lan và tăng cường điều trị, nâng đỡ sức chống chịu cho bệnh nhân. Khi “cháy” hết “nhiên liệu”, nguồn bệnh sẽ tắt. Song song với việc cô lập, dập tắt nguồn bệnh là việc “bao đê cho chặt” ngăn chặn nguồn bệnh từ nước ngoài “nhập cảnh”. Cho dù có phải chịu tổn thất về kinh tế nhưng sức khoẻ của người dân được đảm bảo. Bởi theo chân lý được đúc kết từ ngàn xưa của người Việt Nam thì “CÒN NGƯỜI LÀ CÒN CỦA”  Thế giới đánh giá cao biện pháp này của Việt Nam không chỉ bởi tính hiệu quả mà còn vì tính nhân văn cao của nó.

Thứ ba là việc chống dịch bằng những phương cách trên đây sẽ không thể thành công nếu không có sự chung tay góp sức, sự đồng lòng nhất trí của toàn dân. Và ngay cả khi đã có được vắc - xin phòng chống SARS-COV-2 mà Việt nam đang thử nghiệm trên người thì người Việt Nam cũng không vì thể mà mất cảnh giác, mà xa rời nguyên tắc “ĐOÀN KẾT, ĐẠI ĐOÀN KẾT” để tiến hành “KHÁNG CHIẾN TOÀN DÂN, TOÀN DIỆN” đánh bại Đại dịch COVID-19 đang làm lao đao cả thế giới.

Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc Covid-19 ở Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng

Cuối cùng, phải kể đến công lao to lớn của đội ngũ y bác sĩ và các nhà khoa học, với nguồn lực và phương tiện hạn chế, họ không chỉ đã cứu trên 1.200 bệnh nhân khỏi nhiễm COVID-19 mà còn chuẩn bị có được thành công lớn hơn nữa với vắc - xin NANOVAC “Made in Vietnam”. Phải kể đến công lao của các chiến sĩ quân đội. Họ đã không chỉ nhường doanh trại để tổ chức cách ly những người từ nước ngoài trở về mà còn tổ chức phục vụ đời sống sinh hoạt chu đáo cho người dân, gây ấn tượng lớn đối với dư luận trong nước và thế giới. Phải kể đến công lao của các chiến sĩ biên phòng ăn rừng, ngủ lán, ngày đêm tuần tra, canh gác, kiểm soát nghiêm ngặt để ngăn chặn các nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Phải kể đến công lao của các chiến sĩ công an đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để phát hiện các trường hợp F1, F2, F3, F4 giúp cho đội ngũ cán bộ y tế có biện pháp xử lý kịp thời, đúng đắn.

Mặc dù đến nay đã có 35 người Việt chết vì COVID-19 tại Việt Nam nhưng đó là một tỷ lệ rất thấp khi tính theo dân số Việt Nam (khoảng 96 triệu người). Số người mắc nhiễm ở Việt Nam tại 3 đợt lây nhiễm trong cộng đồng tại Hà Nội (tháng 3-2020), Đà Nẵng (tháng 7-2020) và TP Hồ Chí Minh (tháng 11-2020) chỉ chiếm chưa đến 50% tổng số số ca nhiễm. Số còn lại là các ca đến từ ngoài biên giới bao gồm cả người Việt và người các nước khác và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Và thêm một điều kỳ diệu nữa là cho đến nay, chưa có một ca bệnh nước ngoài nào tử vong trên lãnh thổ Việt Nam, kể cả những ca bệnh cực nặng như BN91 người Anh.

Bình luận về thành công của Việt Nam trong phòng chống Đại dịch COVID-19, Đại diện Ngân hàng thế giới (WB) nhận xét: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng lên Việt Nam”. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì tổng kết rằng “Việt Nam đã biến “nguy” thành “cơ” bằng sự linh hoạt, chủ động, sáng tạo, bằng sự lãnh đạo thống nhất, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết toàn dân”.

Việt Nam vững vàng vượt thiên tai, bão lũ

Sputnik: Năm 2020, thiên tai bão lũ hiếm gặp đã xảy ra ở miền Trung của Việt Nam. Việt Nam đã vượt qua “cơn bão tố” này như thế nào?

Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm: Đợt thiên tai bão lũ vừa qua ở Việt Nam do một loạt các tổ hợp thời tiết nguy hiểm đã diễn ra với nhiều cái “nhất” trong vòng hơn 21 năm trở lại đây.

Bộ Quốc phòng: Quân đội tăng cường lực lượng khắc phục hậu quả bão số 9

Trước hết là thời gian mưa kéo dài nhất và cường độ mưa lập kỷ lục lớn nhất. Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 11 năm 2020 với trọng điểm là tháng 9 và tháng 10-2020, “ông Trời” đã trút xuống các tỉnh miền Trung một lượng mưa khổng lồ. Tổng lượng mưa đo được cả đợt trên toàn địa bàn từ 1.000 đến 2.000 mm, có nơi 2.000 đến 3.000 mm, cao gấp ba đến năm lần so với mức trung bình cùng thời kỳ nhiều năm trước đây.

Thứ hai là dữ dội, khốc liệt nhất bởi chỉ trong vòng chưa đầy 100 ngày, đã có tới 5 cơn bão (số 5, 6, 7, 8, 9) đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc và Trung Trung bộ tạo nên tình trạng “bão chống bão”, kéo theo mưa lớn gây ngập lụt nặng. Hầu hết các con sông lớn và trong bình trên địa bàn đều có mực nước vượt qua mức lũ lịch sử các năm 1979, 1999. Chỉ trong một tháng đã có 3 trận lũ lụt lớn, tạo ra tình trạng “lũ chồng lũ” trên địa bàn 8 tỉnh Bắc và Trung Trung bộ và 3 tỉnh Bắc và Trung Tây Nguyên, ảnh hưởng trực tiếp tới 317.000 hộ với 1,2 triệu dân. Trong đó, tại tỉnh Quảng Bình có nơi ngập nước tới trên dưới 15 ngày với độ sâu từ 1,5 tới 3 m..

COVID-19, thiên tai chưa từng có trong năm 2020 không làm Việt Nam lao đao

Thứ ba là phức tạp nhất bởi mưa, lũ lớn liên tục kéo theo nhiều vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng, nhất là tại Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên Huế); Đoàn Kinh tế  - Quốc phòng 337 Hướng Hóa (Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam), cướp đi sinh mạng của hàng trăm dân thường cùng gần 40 cán bộ, chiến sỹ Quân đội, Công an và chính quyền đã hy sinh khi làm nhiệm vụ giúp dân chống lũ. Sạt lở đồi núi quy mô lớn là hiện tượng thiên tai nguy hiểm mới đã cùng với bão dày đặc, lũ kéo dài tạo thành bộ ba thiên tai hiếm gặp và nguy hiểm nhất từ trước tới nay cùng lúc tàn phá miền Trung Việt Nam.

Thứ tư là thiệt hại về vật chất là lớn nhất trong 10 năm trở lại đây. Về nhà ở: có trên 201.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái (riêng bão số 9 là trên 177.000 ngôi nhà). Về giao thông, có: trên 1,8 triệu m3 đất, đá sạt lở (riêng bão số 9 làm sạt lở 744.000 m3), gây chia cắt nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, cả quốc lộ, tỉnh lộ và các đường liên thôn, liên xã, gây khó khăn lớn cho công tác cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn. Sơ bộ ước tính thiệt hại về kinh tế là khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó riêng thiệt hại do bão số 9 là hơn 10.000 tỷ đồng, chưa kể nhiều cơ sở hạ tầng và hàng trăm km đê điều, kênh mương, bờ sông, bờ biển bị hư hỏng, sạt lở .v.v…

Bão số 9 gây mưa rất to gió giật ở Trung Bộ

Cũng như công tác phòng chống đại dịch COVID-19, trong đợt thiên tai bão lũ lịch sử này, Nhà nước Việt Nam cùng toàn dân đã đặc biệt quan tâm đến miền Trung, hướng về miền Trung với cả tấm lòng tương thân tương ái, với lực lượng con người và vật chất được huy động lớn nhất từ trước tới nay. Chính phủ đã liên tục chỉ đạo về công tác ứng phó thiên tai, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung. Các lực lượng chức năng, đặc biệt là quân đội, đã huy động tối đa lực lượng cho nhiệm vụ này. Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đứng ra vận động nhân dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị, huy động mọi nguồn lực để cứu trợ kịp thời cho bà con vùng bị bão lũ tàn phá.

Cho đến nay, tuy chưa có con số thống kê cuối cùng nhưng chỉ trong nửa cuối tháng 10 và cả tháng 11 đã có hàng triệu gói mỳ tôm, cháo khô, hàng chục vạn quần áo, hàng vạn tấm chăn ấm cùng hàng chục nghìn bình nước lọc và các nhu yếu phẩm khác.v.v… đã được người dân cả nước đưa đến miền Trung. Số lượng các đoàn cứu trợ của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tôn giáo và các nhóm dân cư lên tới trên 300 đoàn.

Trước khi cơn bão số 9 đổ bộ vào miền Trung, Chính phủ đã ban hành chỉ thị và phân công các lực lượng chức năng di dời 1,3 triệu người dân đến những nơi an toàn; đồng thời thành lập Sở chỉ huy tiền phương đóng tại Đà Nẵng, Tam Kỳ (Quảng Nam) và một bộ phận ở Quảng Ngãi để trực tiếp điều hành công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày sau khi nắm được thông tin về những thiệt hại to lớn của các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ đã ký lệnh khẩn cấp yêu cầu Bộ Tài Chính xuất cấp 11.000 tấn gạo từ kho dự trữ quốc gia để cứu trợ cho đồng bào các tỉnh miền Trung.

COVID-19, thiên tai chưa từng có trong năm 2020 không làm Việt Nam lao đao

Và không chỉ có gạo, Chính phủ cũng yêu cầu xuất cấp hàng loạt phương tiện đường thủy hạng nhẹ, áo pháo, nhà bạt, trang bị cá nhân  cho cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu trợ. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu trợ cấp cho các tỉnh miền Trung số tiền tổng trị giá 500 tỷ đồng.

Đến nay, đời sống của nhân dân miền Trung đã tạm ổn định. Không có nạn đói xảy ra. Không có hiện tượng tăng giá hàng hóa nhu yếu phẩm. Trẻ em đã đến trường học. Hơn 90% số nhà dân bị sập đổ, tốc mái đã được sửa chữa. Nguồn điện, nguồn nước sạch và hệ thống thông tin liên lạc đã được khôi phục. Một số tuyến đường giao thông bị hư hỏng nặng đã được sửa chữa. Sản xuất cơ bản đã trở lại bình thường.

Đẩy mạnh và quyết liệt hơn nữa cuộc chiến chống tham nhũng

Sputnik: Năm 2020 còn là năm quan trọng của Việt Nam về chính trị nội bộ với 67 Đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương và tất cả các đại hội Đảng bộ cơ sở, trên cơ sở đều thành công tốt đẹp. Các hoạt động chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã và đang diễn ra tích cực. Có thể nói đây cũng là một điểm nhấn quan trọng, nổi bật trong đối nội của Việt Nam năm 2020, cùng với công tác phòng chống tham nhũng?

Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm: Đúng vậy, đó là hoạt động nổi bật trong đối nội của Việt Nam trong năm 2020.

Công tác phòng, chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả tích cực

Các đại hội đã tổng kết công tác của nhiệm kỳ 2016-2020, chỉ ra những thành tựu đã đạt được, chỉ ra những nguyên nhân khuyết điểm cần khắc phục và rút ra những bài học kinh nghiệm xác đáng. Các đại hội đã kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Đảng và chính quyền ở 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và kiện toàn ban lãnh đạo 4 Đảng bộ Trung ương. Các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương cũng bầu ra các đoàn đại biểu của Đảng bộ mình tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chủ trì hội nghị đã nhận định. “Chúng ta tin tưởng vững chắc rằng, thành công của đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 là cơ sở, tiền đề rất quan trọng để góp phần vào thành công Đại hội XIII của Đảng”.

COVID-19, thiên tai chưa từng có trong năm 2020 không làm Việt Nam lao đao

Bên cạnh đó, năm 2020 cũng là năm mà Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh và quyết liệt hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất, làm trong sạch nội bộ Đảng. Điều này đã tạo ra tiền đề cho sự thành công của Đại hội Đảng các cấp, tiến tới thành công của Đại hội Đảng toàn quốc.

Sputnik: Chân thành cảm ơn ông Nguyễn Minh Tâm đã trả lời phỏng vấn của Sputnik. Chúc ông một Năm Mới sức khỏe, sáng tạo và thành công. Chúc Việt Nam vượt qua được đại dịch COVID-19, mọi khó khăn và phát triển phồn vinh!

Đọc thêm:

Thảo luận