Theo ghi nhận, vào khoảng 9 giờ Quảng Nam có mưa lớn, gió rất mạnh khiến một số khu vực trên địa bàn huyện miền núi Nam Trà My xảy ra sạt lở.
Ngọn núi sau nhà một số hộ dân ở xã Trà Mai (H.Nam Trà My) xảy ra sạt lở, đất đá tràn vào nhà. Rất may, tại thời điểm đó người dân đã được sơ tán đến nơi an toàn. Đồng thời nước ở các con sông đang lên cao, tràn qua các cầu.
Một cán bộ H.Nam Trà My cho biết, hiện trên địa bàn mưa rất to, gió rít mạnh khiến nhiều nơi đã xảy ra sạt lở, một số cổng chào bị gió đánh bay: "Đến thời điểm này theo thống kê sơ bộ đã có hơn 20 ngôi nhà dân ở các xã trên địa bàn huyện bị tốc mái".
Tại các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang mưa lớn cũng bắt đầu xuất hiện từ sáng sớm nay 28.10, kèm theo gió lớn khiến một số cây cối dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đã bị bật gốc.
Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả tạm thời trước khi bão đổ bộ vào đất liền.
Gió mạnh cũng khiến một số nhà dân ở xã Tam Giang (H.Núi Thành) bị tốc mái, bên cạnh đó một số trường học tại huyện núi thành bị gió đánh bay nhiều mái tôn. Đồng thời nước sông Trường Giang dâng cao khiến nhiều tàu thuyền của ngư dân va đập mạnh vào nhau.
Theo một lãnh đạo UBND xã Tân Hiệp (TP.Hội An), hiện sóng biển Cù Lao Chàm quá lớn đang uy hiếp đến nhiều nhà dân, tàu thuyền, sóng cũng đang làm xói lở nhiều đoạn đường sát biển.
Đà Nẵng huy động xe lội nước BTR 152 ứng phó bão số 9
Trước diễn biến phức tạp của bão số 9, Bộ Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng đã điều động một số xe lội nước BTR 152 làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.
Sáng 28/10, gió rít liên hồi kèm theo mưa lớn khiến hàng chục cây xanh ở TP Đà Nẵng gãy đổ. Trên các tuyến đường, nhiều tấm bảng hiệu quảng cáo, mái tôn bị thổi bay. Cơ quan chức năng yêu cầu người dân không ra đường cho đến khi bão số 9 tan.
Trước dự báo cường độ gió sẽ tăng cấp trong những giờ tới, Bộ Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng đã huy động 3 xe lội nước BTR 152 sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Đây là loại xe hàn thép, vỏ giáp có độ dày từ 15-9 mm. Cabin xe có 2 cửa, kính chắn gió được bảo vệ sẽ giúp lực lượng quân đội cơ động ứng cứu người dân trong bão lũ.
Theo đại tá Nguyễn Quốc Hương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng, đơn vị đã huy động 1.000 cán bộ, chiến sĩ (trong đó bộ đội thường trực là 442 người) cùng 54 ôtô các loại, 1 xe cứu thương để ứng phó với bão số 9.
Trưa nay, vùng gió mạnh do bão số 9 đã mở rộng ra nhiều khu vực khác, không chỉ còn tập trung ở Quảng Ngãi và Bình Định. Bắc Tây Nguyên đã quan trắc được sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam có gió giật cấp 8. Nhưng chỉ trong vòng 3-6 giờ tới, cường độ gió ở Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ tăng lên đến cấp 10, giật cấp 13.
Lúc 10h, tâm bão nằm ngay trên vùng bờ biển các tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15. Các khu vực nằm trong bán kính khoảng 250 km tính từ tâm bão sẽ chịu gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên. Các tỉnh nằm trong bán kính 100 km tính từ tâm bão sẽ có gió mạnh đến cấp 10, giật cấp 12.
Những giờ tới, bão đi theo hướng tây tây bắc, vận tốc 25 km/h và đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 14, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Chuyên gia cảnh báo gió mạnh và mưa lớn trên đất liền có thể kéo dài hết đến tối nay, 28/10.
Bão số 9 đang cuồng nộ, lo tiếp bão số 10
Một vùng thấp trên Thái Bình Dương đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và có hướng di chuyển về Philippines, đây được dự báo là cơn bão số 10 trên Biển Đông năm nay.
Hiện tại vùng áp thấp nhiệt đới trên hoạt động ở tọa độ khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc, 140,5 độ Kinh Đông và đang mạnh dần lên, phía Philippines đã đưa ra cảnh báo về vùng áp thấp nhiệt đới này.
Mô hình dự báo của Nhật Bản cũng đã phát bản tin về áp thấp nhiệt đới trên. Áp thấp nhiệt đới đang di chuyển chậm theo hướng tây nam, khi vào đất liền Philippines sẽ đổi hướng tây bắc.
Theo bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cho biết mô hình dự báo của Mỹ cho rằng áp thấp này sẽ thành bão số 10.
Về đường đi cơn bão số 10, bà Lan cho biết nó có hướng di chuyển khá giống bão số 9 (Molave). Vùng đổ bộ có khả năng lệch xuống phía nam so với cơn bão số 9.
Thời gian vào Biển Đông nếu nhanh sẽ rơi vào ngày 1-11, chậm hơn là ngày 2 và cũng có cường độ khá mạnh.
Tuy nhiên, do thời gian còn dài nên sẽ có sự thay đổi trong các bản tin dự báo, bà Lan cảnh báo người dân cần theo dõi sát các bản tin của cơ quan chức năng để có bước chuẩn bị.
Thời điểm hiện tại đang có không khí lạnh tăng cường từ phía Bắc, do đó thời điểm bão số 10 vào Biển Đông sẽ bị đẩy lệch xuống phía Nam hơn so với bão số 9. Đồng thời không khí lạnh cũng áp chế sức mạnh của cơn bão này.