Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Donald Trump để làm gì?

Cuộc điện thoại “dũng cảm” lúc nửa đêm của Thủ tướng Việt Nam với nhà lãnh đạo Donald Trump thể hiện thiện chí của Hà Nội, sẵn sàng trao đổi cởi mở với chính quyền Hoa Kỳ về những vấn đề “nóng” trong quan hệ Việt – Mỹ, nhất là cáo buộc thao túng tiền tệ nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không lành mạnh.
Sputnik

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa có cuộc điện đàm đặc biệt quan trọng với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump liên quan đến cáo buộc thao túng tiền tệ cũng như việc Cơ quan Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) đang điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Trump tuyên bố coi trọng quan hệ với Hà Nội, gửi lời chào thân ái tới người dân Việt Nam và khẳng định “rất quý trọng” đất nước, con người Việt Nam, mong muốn thăm Việt Nam thời gian tới.

Trump rốt cuộc sẽ "trừng phạt" Việt Nam bằng thuế thương mại?

Cuộc điện đàm quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Trump

Thông tin từ Chính phủ Việt Nam cho biết, cuối ngày 22/12 theo giờ Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các Bộ, Ban ngành của Việt Nam đã có cuộc điện đàm “đặc biệt quan trọng” với nhà lãnh đạo Hoa Kỳ Donald Trump về một số vấn đề nóng trong quan hệ Việt – Mỹ thời điểm hiện tại.

Có mặt trong cuộc điện đàm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là đại diện lãnh đạo các Bộ, Ngành, cơ quan Trung ương của Việt Nam như, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng nhiều đồng chí lãnh đạo khác.

Tại cuộc điện đàm với ông chủ Nhà Trắng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa đánh giá cao vai trò lãnh đạo và tình cảm tốt đẹp Tổng thống Donald Trump dành cho Việt Nam trong những năm qua.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cảm ơn Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump luôn quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển quan hệ Hà Nội – Washington trên tất cả các lĩnh vực.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố về một Việt Nam “mạnh mẽ, độc lập, thịnh vượng” với vị thế và vai trò địa chính trị ngày càng được nâng cao, ngày càng quan trọng tại khu vực là mong muốn của người dân Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Donald Trump để làm gì?

Lãnh đạo Chính phủ khẳng định, điều này hoàn toàn phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ.

Xuyên suốt cuộc điện đàm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump có chung nhận định và đánh giá quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và đặc biệt là trong những năm gần đây.

Lãnh đạo hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ tin tưởng quan hệ giữa Hà Nội - Washington sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, ổn định, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Đối với quan hệ Việt – Mỹ, hợp tác kinh tế thương mại là trọng tâm và động lực của quan hệ song phương, do đó, hai bên đang nỗ lực giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy hơn nữa liên kết, trao đổi dòng chảy thương mại giữa hai nước.

Tổng thống Trump: Hoa Kỳ coi trọng quan hệ với Việt Nam

Theo thông tin phát đi về cuộc điện đàm, Tổng thống Donald Trump trong cuộc trao đổi qua điện thoại với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã “trân trọng nhờ” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời chào hỏi thân ái tới người dân Việt Nam.

Việt Nam và Mỹ ‘không phải là đối thủ’ của nhau

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ khẳng định rất “quý trọng” đất nước và con người Việt Nam. Ông Trump bày tỏ mong muốn được đến thăm Việt Nam thêm lần nữa vào thời gian sắp tới.

Đặc biệt, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khẳng định “Mỹ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam”.

Lãnh đạo Nhà Trắng cũng chúc mừng Việt Nam đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời có đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực.

Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump chúc mừng Chính phủ và người dân Việt Nam đang ứng phó thành công với đại dịch Covid-19.

Lãnh đạo chính quyền Mỹ cũng hoan nghênh hợp tác giữa hai nước trong việc phòng chống đại dịch Covid-19 và mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực này thời gian tới.

Về vấn đề này, trao đổi với Tổng thống Trump, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin thêm về tình hình kiểm soát dịch Covid-19 ở Việt Nam, đồng thời chúc mừng Tổng thống Donald Trump về thành công của Chiến dịch thần tốc (Operation Warp Speed), trong đó Mỹ đã phát triển thành công 2 loại vaccine trong thời gian ngắn kỷ lục.

Việt Nam và Mỹ thảo luận vấn đề thao túng tiền tệ và điều tra gỗ

Đáng chú ý, điểm quan trọng trong điện đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ liên quan một số vấn đề nóng trong quan hệ kinh tế-thương mại hai nước thời gian qua.

Cụ thể lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và Tổng thống Donald Trump đã trao đổi về việc Cơ quan Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) đang tiến hành điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam theo Điều khoản 301 của Luật Thương mại năm 1974 của Hoa Kỳ.

Trao đổi thẳng thắn với nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, nên điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các bộ, ngành Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.

Cuối thông cáo từ trang thông tin Chính phủ Việt Nam còn đề cập lại việc, trong các ngày 22/11 và ngày 16/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump đã có thư thăm hỏi nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ.

Thượng viện Hoa Kỳ phân bổ 170 triệu đô la viện trợ cho Việt Nam
Mỹ điều tra Việt Nam định giá thấp đồng tiền và nhập khẩu, sử dụng gỗ không rõ nguồn gốc

Trước đó, hôm 7/10/2020, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) tuyên bố cho biết đang điều tra về tính xác thực và ảnh hưởng của các biện pháp can thiệp của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực ngoại hối, dẫn đến việc định giá thấp đồng tiền của Việt Nam.

Phía USTR tin rằng, Chính phủ Việt Nam tiếp tục can thiệp vào tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam đồng thông qua Ngân hàng Nhà nước nhằm thúc đẩy xuất khẩu.

Đồng thời, theo phân tích của một số cơ quan chức năng Hoa Kỳ, đồng tiền của Việt Nam đã bị định giá thấp hơn mức thực tế khoảng 7% trong năm 2017 và khoảng 8,4% năm 2018, và cả năm 2019.

Việt Nam phủ nhận thao túng tiền tệ

Liên quan đến việc điều tra mặt hàng gỗ của Việt Nam, trong một thông báo khác USTR khẳng định đang tiến hành công tác điều tra đối với việc Việt Nam nhập khẩu và sử dụng gỗ không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, đã xuất hiện các báo cáo cho thấy một lượng lớn gỗ nhập khẩu từ Campuchia về Việt Nam đã được khai thác trên các vùng đất cần được bảo vệ, các khu bảo tồn động vật hoang dã, hoặc các khu chưa được cấp giấy phép.

Thậm chí, theo phía Hoa Kỳ, một lượng lớn gỗ xuất khẩu từ Campuchia qua biên giới sang Việt Nam đều vi phạm lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn của Campuchia và có thể vi phạm nội luật của Việt Nam, không phù hợp với Công ước cấm buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp.

Việt Nam phủ nhận cáo buộc thao túng tiền tệ

Về cáo buộc thao túng tiền tệ, như Sputnik Việt Nam đã liên tục cập nhật thông tin cùng các bình luận liên quan đến vấn đề này, ngày 16/12, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”.

Trong báo cáo tháng 12/2020 này, Bộ Tài chính Mỹ đã xác định Việt Nam và Thụy Sĩ là hai quốc gia thao túng tiền tệ theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại quốc tế Omnibus năm 1988 với đầy đủ các tiêu chí mà chính quyền Hoa Kỳ đang áp dụng.

Ngoài Việt Nam và Thụy Sĩ, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng đưa vào danh sách giám sát 10 nền kinh tế gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Singapore, Ấn Độ, Malaysia, Đài Loan và Thái Lan.

Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ cho Việt Nam: Liệu có phải “trò chơi chính trị”?

Ngay sau đó, ngày 17/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra thông cáo chính thức, phủ nhận cáo buộc Việt Nam thực hiện chính sách thao thúng tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, việc điều hành tỷ giá trong những năm qua của Việt Nam đều “nằm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung” – nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lý giải, thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố, trong đó có các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Đối với việc mua ngoại tệ can thiệp thời gian, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố chỉ nhằm “đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ” trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

“Việt Nam coi trọng mối quan hệ kinh tế-thương mại ổn định và bền vững với Hoa Kỳ. Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến tới quan hệ thương mại hài hoà, bền vững”, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhắc lại.

NHNN tái khẳng định quan điểm chính sách tiền tệ “linh hoạt” và chỉ nhằm đảm bảo tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ có những điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, “không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng”, cơ quan này cho biết.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng tuyên bố Hà Nội và Washington vẫn đang tiếp tục trao đổi tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giữa hai bên.

Hà Nội không muốn làm phiền Trump trong quãng thời gian cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống
“Tôi khẳng định lại rằng, Việt Nam rất coi trọng kinh tế thương mại với Hoa Kỳ và đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại theo hướng bền vững và hài hòa lợi ích, cân bằng với cả hai bên. Khi có bất kỳ vấn đề nào phát sinh trong quan hệ hai nước, chúng tôi đều có trao đổi tiếp xúc với phía Hoa Kỳ trên tinh thần thẳng thắng và cởi mở nhằm tháo gỡ các vấn đề này. Và chúng tôi luôn mong muốn quan hệ hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ và phù hợp với lợi ích của cả hai bên”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Tiếp đó, trong cuộc họp chiều ngày 18/12 của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan ngang bộ, tiếp tục trao đổi, hợp tác chặt chẽ với các đối tác Mỹ để duy trì quan hệ hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên.

Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh, Chính phủ có chỉ đao xuyên suốt về vấn đề này thời gian qua. Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan Việt Nam đã chủ động hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ, đạt nhiều kết quả rất tích cực, nhất là về thương mại, đầu tư và cùng xử lý những tồn tại, vướng mắc, duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, hai bên cùng có lợi.

Thảo luận