Kinh tế Việt Nam bứt phá sau 14 năm gia nhập WTO

Sau hơn một thập kỷ, kinh tế Việt Nam tăng trưởng thần tốc, GDP tăng hơn 300% cùng nhiều thành tựu ấn tượng. Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á Thái Bình Dương.
Sputnik

Ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mở ra cánh cửa để đất nước hội nhập sâu rộng và tích cực vào sân chơi toàn cầu.

Quá trình chuyển mình mạnh mẽ

Gia nhập WTO là bước tiến quan trọng trong chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Năm 1995, Việt Nam nộp đơn xin gia nhập WTO. Từ năm 1997-2001 là giai đoạn “minh bạch hóa thể chế chính trị và kinh tế”.

Những nghị quyết sẽ được xem xét tại đại biểu Quốc hội khóa XV
Gần 6 năm tiếp theo, 2002-2007, nước ta bước vào quá trình đàm phán song phương với các nước có yêu cầu và đa phương với WTO, đồng thời thực hiện sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để đáp ứng các yêu cầu của WTO. Nếu như năm 2006, quy mô kinh tế của đất nước còn khá khiêm tốn, nằm trong nhóm nước thu nhập thấp. Cho đến năm 2016, Việt Nam đã vào nhóm nước thu nhập trung bình thấp, là một trong 32 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 100 tỷ USD khi tham gia các AEC và FTA mới. Trong đó một số mặt hàng đứng hàng đầu thế giới, là nước thu hút FDI ổn định nhất trong ASEAN.

Năm 2020, Việt Nam đã xếp hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế, duy trì thứ hạng đã đạt được năm 2019 và được các chuyên gia WIPO đánh giá là cao hơn so với trình độ phát triển hiện nay. Trong nhóm 29 quốc gia có thu nhập trung bình thấp năm 2020, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu (năm 2019 nhóm có 26 quốc gia và Việt Nam cũng đứng đầu). Trong 10 quốc gia khu vực Đông Nam Á, Việt Nam duy trì vị trí thứ 3, sau Singapore và Malaysia.

“Điểm sáng” của khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 7%/năm. Năm 2018 đạt 7,08% - cao nhất trong 10 năm trở lại. 

Thành công kinh tế phi thường của Việt Nam vào năm 2020
Năm 2019, bất chấp tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và tính bất ổn của hệ thống thương mại toàn cầu, GDP Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng - đạt 7,02%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt trong năm 2020, dưới ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới suy thoái, thương mại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, song Việt Nam đã thực hiện khá thành công “mục tiêu kép”: vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế.

Trên mặt trận kinh tế, khi hầu hết trung tâm kinh tế của thế giới tăng trưởng âm, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 đạt 2,9%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Nhiều lĩnh vực phục hồi mạnh mẽ sau dịch như nông nghiệp, công nghiệp, tài chính, ngân hàng… Theo đánh giá của IMF, kinh tế nước ta đã vượt mốc 340 tỷ USD.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt kỷ lục, vượt 540 tỷ USD. Việt Nam có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đáng chú ý, Việt Nam đã xuất siêu kỷ lục gần 20 tỷ USD. Dù còn nhiều thách thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ phấn đấu đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% và đặt mức tăng cao hơn nữa trong các chỉ tiêu về kinh tế. Thủ tướng nhấn mạnh thêm:

"Ðất nước ta sẽ tiếp tục đối diện với nhiều cơ hội mới đan xen thách thức mới. Chúng ta cần tiếp tục hun đúc, gìn giữ ngọn lửa khát vọng, tinh thần lạc quan, bền bỉ cho 5 năm tiếp theo và xa hơn, với niềm tin và sự kiên định với lý tưởng và con đường mà Ðảng và Bác Hồ đã lựa chọn".

Song dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Chính phủ Việt Nam đều nhận diện những hạn chế như tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thực sự bền vững. Công ăn việc làm của một bộ phận người dân chưa được bảo đảm, nhất là ở vùng nông thôn. Mặt bằng thu nhập vẫn còn thấp và thiếu ổn định, nhất là dưới tác động của dịch Covid-19.

Về công tác chống dịch, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định Việt Nam đạt thành tích chống Covid-19 vào loại hàng đầu thế giới. “Việt Nam có thành tích gần như độc nhất vô nhị trong việc chống lại cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19”, trích Báo cáo Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 12/2020 của WB.

Hội nhập quốc tế sâu rộng

Cùng với tham gia WTO từ năm 2007, việc thực thi các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350% - đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký kết và đang tham gia đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, có hai FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Các chuyên gia định vị nước Nga trong thế giới "ba đế chế kinh tế"

Bộ trưởng cho biết nhờ gia nhập WTO và tham gia các FTA, thị trường xuất khẩu của Việt Nam được mở rộng và đa dạng hóa, thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA. Đặc biệt, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác tăng, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước.

Các FTA góp phần kiện toàn bộ máy nhà nước thông qua cải thiện chính sách và pháp luật theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Tính đến tháng 8/2020, Việt Nam đã thu hút 32.539 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 381,2 tỷ USD. Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đã chọn Việt Nam làm điểm đến, như: Intel, Microsoft, Samsung, LG, Nokia, Canon, Mitsubishi, Toyota, Honda...Như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói:

“Với những thành tựu to lớn đã đạt được, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp St.Petersburg, Giáo sư Vladimir Kolotov cho rằng quyết định gia nhập WTO của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, ông lưu ý:

"Việt Nam nằm ở Đông Á, trên thực tế nằm trên biên giới của hai phần Đông Bắc và Đông Nam. Hình thức thành công nhất cho sự phát triển kinh tế của các quốc gia trong khu vực này là nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Đây là mô hình kinh tế duy nhất cho tất cả các nước trong khu vực, với các hệ thống và định hướng chính trị khác nhau. Hoàn toàn không thể phát triển định dạng này nếu không là thành viên WTO. Trong những năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế Việt Nam đạt xấp xỉ 7%. Tất nhiên, ngoại trừ năm ngoái, năm COVID, nhưng ngay cả khi đó Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Sau khi trở thành thành viên WTO, Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị gia tăng thế giới, mở ra thị trường mới. Nếu không có điều này, sẽ có sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế của đất nước. Việt Nam hiện nay đang tự tin hóa thành hổ châu Á.
Một số yếu tố tích cực, cả bên trong và bên ngoài, đã đóng vai trò trong thành tựu của Việt Nam. Về mặt đối nội, đó là trật tự xã hội, giữ vững việc kiểm soát tình hình trong nước . Chính nhờ sự trật tự và khả năng huy động mà Việt Nam đã vượt qua  thử thách liên quan đến đại dịch. Và đã chứng minh bằng chỉ số hiệu suất tốt nhất trên thế giới trong lĩnh vực chống coronavirus. Ngoài ra, Việt Nam có đồng tiền quốc gia ổn định, tức là có thể lập kế hoạch lâu dài. Tình hình bên ngoài cũng thuận lợi cho Việt Nam - đây là những năm cuối nhiệm kỳ tổng thống của Trump và cuộc chiến kinh tế Mỹ - Trung. Trump kêu gọi các doanh nghiệp, cả Mỹ và các quốc gia có quan hệ thân thiết với Mỹ, rời khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Kết quả là, một phần cơ sở doanh nghiệp ở Trung Quốc đã chuyển sang Việt Nam. Tuy nhiên, về lâu dài, nước này cần chuẩn bị cho những vòng xoay số phận có thể xảy ra, vì không biết chính quyền Biden sẽ hành xử như thế nào đối với Trung Quốc. Việt Nam hiện là nơi tập trung hàng hóa, sản phẩm của các tập đoàn xuyên quốc gia nước ngoài. Nhưng thành công thực sự sẽ đến khi nước cộng hòa này có các tập đoàn của riêng mình, chẳng hạn như Samsung và LG của Hàn Quốc, không chỉ làm hài lòng thị trường trong nước mà còn xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài với số lượng rất lớn. Khi đó Việt Nam sẽ trở thành một con hổ Châu Á thực sự, tình hình kinh tế sẽ ổn định và vững chắc hơn rất nhiều.
Thảo luận