Cái giá đắt đỏ
Theo kế hoạch dài hạn của Lầu Năm Góc đến năm 2045, Hải quân nước này sẽ nhận khoảng 145 tàu mặt nước và tàu ngầm không người lái. Trong tương lai, các tàu này sẽ trở thành một thành phần quan trọng của hải tranh. Các tàu không người lái tương đối rẻ sẽ giúp lấp đầy sự thiếu hụt của các tàu chiến thông thường (vì hết niên hạn sử dụng) và sẽ giúp phát triển hạm đội. Hơn nữa, Hải quân Hoa Kỳ sẽ thay đổi các lớp tàu được ưu tiên. Sẽ có ít tàu tuần dương và tàu khu trục tên lửa hơn; chúng sẽ được thay thế bằng "bầy sói" gồm các khinh hạm cỡ nhỏ và UAV cỡ lớn.
Một trong những dự án đầy hứa hẹn của Lầu Năm Góc là Phương tiện bề mặt không người lái cỡ lớn (Large Unmanned Surface Vehicle – LUSV) trị giá gần 580 triệu USD, đây là một con tàu có chiều dài từ 60 đến 90 m và lượng choán nước từ 1.000 đến 2.000 tấn. Các tàu này có cấu trúc mô-đun và có thể mang các loại vũ khí tên lửa khá khủng: chống ngầm, chống hạm và đất đối hải. Mỹ cũng dự kiến chế tạo tàu UAV hạng trung có lượng choán nước khoảng 500 tấn để trinh sát và tác chiến điện tử.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp Mỹ gần đây đã cắt giảm tài trợ cho chương trình hạm đội không người lái vì họ không mấy tin tưởng vào nó. Quân đội sẽ không nhận được khoản tài trợ cho đến khi có kết quả thử nghiệm thành công đầu tiên. Xét theo mọi việc, Quốc hội không muốn tiếp tục chi những khoản tiền lớn cho các dự án Hải quân đầy tham vọng chưa có kết quả rõ ràng. Ví dụ, tàu sân bay Gerald Ford đã gây khó chịu vì không đáng tin cậy và thường xuyên hỏng hóc. Và các siêu khu trục hạm "tối tân" Zumwalt có giá hàng tỷ USD cũng chưa hoàn thiện, kết quả là Mỹ ban đầu dự tính đóng 32 chiếc tàu thuộc lớp Zumwalt nhưng cuối cùng giảm xuống còn chỉ 3 chiếc.
Đội tàu hoàn toàn tự động
Tuy nhiên, Hải quân Hoa Kỳ sẽ có tàu không người lái. Trong vài năm nay, Hải quân đã thử nghiệm Sea Hunter, loại tàu săn ngầm không người lái chạy bằng diesel dài 40 mét với lượng choán nước 145 tấn. Tốc độ tàu lên đến 30 hải lý/giờ, dự trữ hải trình độc lập 2 tháng. Tàu này được thiết kế để tìm kiếm, phát hiện và theo dõi tàu ngầm của đối phương. Tàu săn ngầm không người lái được trang bị sonar, radar và các cảm biến, sẽ thực hiện nhiệm vụ trong vùng ven biển Hoa Kỳ. Sea Hunter có thể tuần tra khu vực theo chương trình lập sẵn và có thể điều chỉnh hành trình một cách độc lập tùy theo tình hình.
Kể từ năm 2019, Mỹ thử nghiệm tàu ngầm không người lái Echo Voyager. Con tàu có chiều dài hơn 15 mét với khả năng kéo dài thân tàu thêm 10 mét, đường kính - 2,5 mét, trọng tải - 50 tấn, có tầm hoạt động hơn 6.500 dặm, dự trữ hải trình độc lập - vài tháng. Tàu ngầm được thiết kế để thiết lập bãi mìn hàng hải và cung cấp thiết bị trinh sát đến khu vực nhất định.
Còn quá sớm để cho phép UAV tự động khai hỏa
Theo ông Viktor Murakhovsky, thành viên Hội đồng chuyên gia của Ủy ban công nghiệp - quân sự Nga, các loại thiết bị không người lái là một trong những lĩnh vực hứa hẹn nhất trong quá trình phát triển lực lượng vũ trang.
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, ông Murakhovsky nói: “Phát triển các loại thiết bị chiến đấu không người lái trên không, trên biển, trên mặt đất là một xu hướng đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Các tàu ngầm và tàu mặt nước không người lái mở ra cơ hội lớn. Ví dụ, các thiết bị không người lái có thể được sử dụng để trinh sát ở các vị trí tuyến đầu. Kích thước nhỏ khiến chúng khó bị phát hiện và tiêu diệt”.
Theo chuyên gia Murakhovsky, UAV có thể giải quyết thành công vấn đề bom mìn - một trong những rủi ro nguy hiểm nhất. Ngay cả khi phương tiện không người lái bị mất, ví dụ, khi dò và phá thủy lôi, thiệt hại do điều này sẽ không quá nghiêm trọng so với việc mất tàu quét mìn cùng thủy thủ đoàn. Ngoài ra, thiết bị không người lái của hải quân sẽ đảm nhận nhiều chức năng phụ trợ, từ khảo sát đáy biển đến hỗ trợ hậu cần cho lực lượng tác chiến của hạm đội. Rõ ràng, sẽ có cả drone tấn công, mặc dù ở thời điểm hiện tại điều này gây ra nhiều vấn đề.
Viktor Murakhovsky nói: “Tất cả các chuyên gia, kể cả người Mỹ, chưa sẵn sàng giao cho trí tuệ nhân tạo quyền đưa ra quyết định về việc sử dụng vũ khí. Mọi người đều cho rằng, hiện nay các phương tiện không người lái cần phải được điều khiển từ xa - từ đài chỉ huy trên tàu có người lái và nên trao đổi dữ liệu giữa chúng. Cho đến nay chưa thể đảm bảo duy trì kiểm soát các phương tiện không người lái trong một vụ va chạm với đối phương được trang bị tốt các thiết bị tác chiến điện tử".
Nói cách khác, hiện nay lựa chọn tốt nhất cho hệ thống tác chiến không người lái của hải quân là một nền tảng mang vũ khí, nhưng, nó phải được điều khiển từ xa. Drone có thể thực hiện các chuyến bay một cách tự động, tuy nhiên, con người phải quyết định nó sẽ khai hỏa ở đâu và vào thời điểm nào.
Còn Nga thì sao?
Hiện nay, hầu hết tất cả các cường quốc quân sự hàng đầu đang phát triển các loại tàu chiến không người lái. Hải quân Nga bắt đầu sử dụng thiết bị không người lái trong công tác rà phá bom mìn và phụ trợ (theo dõi các tuyến hàng hải, đáy biển, tìm kiếm các tàu bị hư hỏng và chìm).
Một trong những phát triển mới nhất là phương tiện lặn không người lái hoàn toàn tự động Vityaz-D, mà Sputnik đã đưa tin về nó. Vào tháng 5 năm 2020, Vityaz-D trở thành phương tiện không người lái đầu tiên trên thế giới đạt độ sâu hơn 10 km, thực hiện chuyến thám hiểm ở độ sâu lớn như vậy và tự động nổi lên mặt nước.