Chợ Tết mùa Covid: Kẻ ế ẩm, người đắt hàng

HÀ NỘI, (Sputnik) - Khác với cảnh nườm nượp mọi năm, chợ Tết trên phố Hàng Lược, Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội) năm nay vắng vẻ, im ắng hơn hẳn vì tác động của dịch Covid-19.
Sputnik

Sau khi công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng, lượng khách tham quan và mua sắm tại khu chợ Tết Tân Sửu 2021 trên tuyến phố Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Rươi giảm hẳn. Năm nay, số lượng người mua sắm tại phố Hàng Mã cũng giảm. Dọc chợ hoa Hàng Lược chỉ có khoảng 5 - 7 hộ kinh doanh đào, quất, lan loại nhỏ. Thời gian hoạt động của chợ Tết năm nay diễn ra từ ngày 27/1 đến 20 giờ ngày 11/2 (tức từ ngày 15 đến ngày 30 tháng Chạp năm Canh Tý).

Cách cúng ông Công ông Táo và những kiêng kỵ người Việt cần tránh

Hàng Mã vắng bóng người mua 

Hàng năm vào những ngày cận Tết, đặc biệt vào ngày cúng ông Công ông Táo (23 tháng Chạp), các tiểu thương tại phố Hàng Mã phải làm việc liên tục để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 hiện tại khiến không khí buôn bán tại đây trở nên trầm lắng. Bà Nguyễn Thị Thao, một chủ cửa hàng bán vàng mã trên phố Hàng Mã, cho biết:

“Ngày trước khi dịch bùng trở lại khách hàng tới đặt mua liên tục, toàn bộ nhân viên ở đây phải hoạt động liên tục từ sáng tới tối. Có thời điểm phải có 7 - 8 người làm việc liên tục mới có thể đáp ứng đủ hàng hóa cho khách hàng. Thế nhưng, do dịch mấy ngày nay chả có khách mấy. Người dân chủ yếu đặt vàng mã online, ship tận nơi."

Ế ẩm vì Covid là thế nhưng các hoạt động cúng ông Công ông Táo vẫn diễn ra như bình thường trên tuyến phố như mâm cỗ cúng hay đốt vàng mã, tiễn ông Táo về trời.

Chợ hoa Tết đìu hiu vì Covid

Dạo quanh một vòng chợ hoa Tết năm nay, dễ dàng bắt gặp khung cảnh thưa thớt khách tham quan và người mua hàng. Do dịch Covid-19 bùng phát lại mới đây, cả người mua và người bán đều tuân thủ đeo khẩu trang. Anh Vũ Hoa Mạnh, cửa hàng quất Nhật số 16 Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm, chuyên kinh doanh loại quất (ớt) Nhật độc đáo cho biết:

Chợ Tết mùa Covid: Kẻ ế ẩm, người đắt hàng
“Tình hình Covid bán chậm lắm. Khách sợ lây nhiễm nên cũng không dám đi chợ nhiều. Mặt hàng quất Nhật này mình bán được 3 năm rồi. Ngoài ra còn có đỗ quyên, tulip, phất lộc. Trong đó Tulip bán chạy nhất vì trồng trong chậu nhỏ, dễ bày, khi nở màu sắc rực rỡ rất đẹp.” 

Đặng Trần Thủy Tiên: Bông hoa căng tràn nhựa sống sau cuộc chiến ung thư
Kinh doanh quất Tứ Liên lâu năm tại 39 Hàng Lược, Chị Thư, chủ cửa hàng chia sẻ, năm nay cửa hàng của chị cũng không tránh khỏi ảnh hưởng do dịch. Chị Thư cho biết:

“Những hàng này ngày xưa chưa có Covid thì nhà chị bán 1,7 triệu - 2 triệu. Bây giờ chị chỉ bán được 1,4 triệu - 1,5 triệu, dịch nên bị giảm người mua. Từ lúc mở hàng tới giờ, nhà chị cũng bán được 100 cây, so với Tết năm ngoái là giảm mất một nửa.” 

Hoa lan “đắt hàng” nhờ Covid

Trái ngược với khung cảnh “ế ẩm”, mặt hàng hoa lan lại rất đắt hàng. Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Nga, chủ sạp hàng hoa lan tại chợ hoa Hàng Lược, cho biết hoa lan chơi Tết hầu hết là lan công nghiệp, giá bán tại khu chợ thường giao động dưới 1,5 triệu đồng/cây.

“Nhà em bán “hot” lắm! Còn chẳng có hàng để bán. Em đang nghĩ xm có nên nhập về nữa không vì vừa tiếc khách nhưng cũng lo dịch. Nhà em mở hàng từ 18 âm lịch. Khách hàng chủ yếu là dân văn phòng, ngại tiếp xúc vì dịch. Họ mua lan về để bàn vì đẹp và giá cả phải chăng.” 
Chợ Tết mùa Covid: Kẻ ế ẩm, người đắt hàng

Trong thời gian diễn ra chợ hoa Tết truyền thống, quận Hoàn Kiếm yêu cầu các phường trên địa bàn bố trí lực lượng ứng trực tại các cổng ra vào khu vực chợ hoa Tết, thực hiện đo thân nhiệt, yêu cầu người ra vào khu vực chợ hoa Tết phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trước tình hình dịch COVID-19 đang lây lan.

Thảo luận