Cách cúng ông Công ông Táo và những kiêng kỵ người Việt cần tránh

© AFP 2023 / Hoang Dinh NamNgười phụ nữ gói cá chép gần hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Người phụ nữ gói cá chép gần hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.02.2021
Đăng ký
Năm 2021 cúng ông Công ông Táo vào ngày nào? Nên cúng ở đâu? Cách cúng ông Công ông Táo như thế nào? Mâm cỗ cúng và văn khấn cúng ông Táo cần chuẩn bị những gì? Những điều kiêng kỵ khi cúng ông Công ông Táo theo ý kiến chuyên gia và quan niệm của người Việt ra sao.

Lễ cúng ông Công, ông Táo đặc biệt quan trọng trong tâm linh mỗi gia đình người Việt nhằm bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đến những vị thần Táo quân (Thổ Công, Thổ Đại, Thổ Kỳ (ba vị đầu rau) đã luôn phù trợ cho gia chủ suốt một năm.

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và chuyên gia phong thủy, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh từng gia đình mà tổ chức lễ cúng, chuẩn bị lễ vật cho phù hợp, không cần quá cầu kỳ, mà quan trọng nhất chính là lòng thành kính, “cốt ở cái tâm” của gia chủ.

Vì sao phải cúng ông Công ông Táo?

Lễ cúng ông Công ông Táo (Tết Táo quân, thường vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm) là tập tục truyền thống, nét văn hóa tốt đẹp của người Việt. Đây là ngày lễ vô cùng quan trọng đối với mỗi gia đình Việt Nam từ xưa đến nay.

Nhận thức được tầm quan trọng của lễ cúng ông Công ông Táo, ở Việt Nam, cứ đến 23 tháng Chạp (thậm chí có một số nơi còn cúng sớm hơn), mỗi gia đình Việt Nam lại tất bật lo lễ lạt, bày mâm cơm, chuẩn bị văn khấn để tiễn ông Táo về trời.

Người dân làng Thuỷ Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ thu hoạch cá chép đỏ để bán vào dịp 23 tháng Chạp. - Sputnik Việt Nam, 1920, 16.01.2020
Cúng ông Công, ông Táo thế nào cho đúng?

Niềm tin rằng, chuẩn bị lễ cúng ông Táo đầy đủ, bài khấn, văn khấn thành tâm để tiễn ông Táo cưỡi cá chép lên trời chầu Ngọc Hoàng, báo cáo những việc trong gia đình của cả năm, giúp mỗi gia đình Việt Nam giữ bếp lửa nồng ấm hạnh phúc, mọi sự hạnh thông, đón năm mới với nhiều điều tốt đẹp nhất.

Theo các chuyên gia về văn hóa và phong thủy, Táo Quân, thực tế có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ, được người Việt Nam chuyển hóa sự tích hai ông một bà là vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Đối với tín ngưỡng dân gian Việt Nam, người dân vẫn quen gọi chung ba vị thần này là Táo quân hoặc ông Công ông Táo.

Vì sao phải cúng ông Công, ông Táo? Người Việt cho rằng, ba vị thần này được Ngọc Hoàng phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm thiện - ác của mỗi người, mỗi nhà trong một năm. Sau đó, cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt – xấu của con người trong một năm để Ngọc Hoàng nắm được, thưởng hay phạt theo đúng hành vi, nhân – quả của mỗi người, mỗi nhà.

© Ảnh : Hoàng Hiếu - TTXVNCác loại cá đủ kích cỡ.
Cách cúng ông Công ông Táo và những kiêng kỵ người Việt cần tránh - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.02.2021
Các loại cá đủ kích cỡ.

Tiễn ông Táo về trời cũng là tiễn đi những điều không may, bất hạnh, khó khăn của năm cũ, để chờ đêm 30 Táo quân trở về, đem đến khởi đầu mới, những điều tốt đẹp hơn trong năm mới sắp tới. Đây là ngày lễ và tập tục hầu như không thể bỏ qua hàng năm đối với mỗi người, mỗi gia đình Việt Nam.

Khi nào nên cúng ông Công ông Táo?

Liên quan đến truyền thuyết về Táo quân, cách cúng, thời điểm cúng ông Công ông Táo, các chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân tộc, chuyên gia phong thủy cũng có những quan niệm khác nhau.

Nếu quan niệm dân gian cho rằng, tốt nhất nên cúng ông Công ông Táo trước giờ Ngọ (12h trưa ngày 23 tháng Chạp) để Táo quân kịp về chầu Trời thì GS.Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng, ông chưa thấy có sách vở, tài liệu nào nói về việc phải cúng ông Táo trước 12h trưa ngày 23 tháng chạp.

Người dân thủ đô thủ đô thả cá chép tại khu vực hồ Giám. - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.01.2019
Vì sao có những cái chết đau lòng ngày tiễn ông Táo về trời?

Ông cho rằng, có người cúng vào buổi sáng, có người cúng buổi chiều, có người cúng hôm trước, nhưng nếu cúng đúng ngày 23 thì vẫn hay hơn và quan trọng nhất là đúng ngày. Vị chuyên gia cũng khuyến cáo tốt nhất không nên cúng quá sớm, trước vài ngày.

Nhiều chuyên gia phong thủy cũng cho rằng, lễ cúng ông Công ông Táo có thể cúng trước nhưng điều quan trọng hơn cả là nghi lễ phải được tiến hành với sự kính cẩn và thành tâm của gia chủ. Dù nếu cúng đúng ngày nhưng tiến hành qua loa, đại khái, khấn vái không lòng thành, thì cũng không được.

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Vĩnh Kiên cho biết, vẫn có thể cúng sau 12h trưa ngày 23 tháng Chạp, thậm chí, do nhiều yếu tố, điều kiện thời gian, hoàn cảnh, có thể cúng vào chiều tối, tuy nhiên, thời điểm tốt nhất vẫn là từ 11h-13h trưa ngày 23.

“Theo quan niệm dân gian từ 11h – 13h là giờ Ngọ và đây thời điểm các thần quy tụ để chuẩn bị về trời nên thời điểm đẹp nhất vẫn là tối 22 và sáng 23 tháng Chạp”, chuyên gia Nguyễn Vĩnh Kiên nhấn mạnh.

Cách cúng ông Công ông Táo: Nên cúng ở đâu?

Liên quan đến tín ngưỡng cúng ông Công ông Táo, GS.TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hoá Du lịch chia sẻ quan điểm cho biết, lễ cúng 23 tháng Chạp là lễ tiễn chung ông Công ông Táo về chầu Trời, việc mọi người gộp chung cúng Táo quân ngay trên bàn thờ là “chưa đúng”.

Người dân thủ đô thủ đô thả cá chép tại khu vực hồ Ngọc Khánh. - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.01.2019
Đi thả cá đưa ông Táo cùng con, mẹ trượt chân chết đuối

Theo vị chuyên gia, mỗi gia đình nên đặt mâm cúng ở hai nơi, ở bếp và bàn thờ tổ tiên.

“Ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên bàn thờ chính trên nhà cùng với gia tiên mới đúng”, GS.TS Vũ Gia Hiền lưu ý.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hoá Du lịch chia sẻ thêm thông tin rằng, bàn thờ ông Táo đặt trong bếp có thể bên cạnh hoặc bên trên bếp.

Lý giải điều này, GS. Vũ Gia Hiền nhấn mạnh, vị trí đặt bàn thờ cúng thể hiện tín ngưỡng của dân gian thờ vị thần cai quản chuyện bếp núc trong mỗi gia đình với mong muốn giữ cho bếp lửa luôn ấm, gia đình thuận hòa, sung túc.

Chuyên gia nghiên cứu tâm linh Nguyễn Văn Dương lại có ý kiến khác với Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa Du lịch – GS.TS Vũ Gia Hiền. Vị này cho rằng cúng ông Công ông Táo dưới bếp là chưa thật sự chính xác.

Ông Dương nêu quan điểm, điều này chưa thực sự đúng với phong tục cũng như nguyên tắc thờ cúng nhiều thế hệ người Việt Nam. Nhà nghiên cứu này cho rằng, tất cả các vị này đều phải được thờ phụng ở trên bàn thờ chính của gia đình.

“Không ai đi đặt bát hương hay bàn thờ ở dưới bếp để thờ cúng các vị thần linh như ông Táo cả. Nói cúng ông Táo ở dưới bếp mới đúng như vậy là không hiểu văn hóa, tín ngưỡng, quan niệm dân gian từ nhiều đời nay của dân tộc Việt Nam”, chuyên gia Nguyễn Văn Dương nói.

Theo ông Dương, bếp không phải là chỗ để thờ cúng, bởi nơi đó là nơi đun nấu có nhiều uế tạp còn chỗ thờ cúng phải là nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Lý học Đông phương lại chia sẻ chung quan điểm với GS.TS Vũ Gia Hiền.

Theo chuyên gia Nguyễn Vũ Tuấn Anh, các gia đình thường cúng ông Công ông Táo trên bàn thờ gia tiên, nhưng thực tế đây là hai vị thần khác nhau. Như vậy, ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên bàn thờ chính trên nhà cùng với gia tiên mới đúng.

Về vấn đề nên cúng ông Công ông Táo ở đâu, chia sẻ với VOV, Đại đức Thích Chúc Tiếp, Chánh văn phòng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên cho biết, theo truyền thống văn hóa dân gian thì bàn thờ ông Táo đặt trong bếp có thể bên cạnh hoặc bên trên bếp.

Đại đức thông tin rằng, hiện nay ở một số chùa lớn cũng thường có ban thờ riêng cúng Táo quân.

“Xưa, lễ cúng Táo quân thường đặt trong bếp, nơi đặt ban thờ riêng các Táo. Song ngày nay, việc thờ cúng đã đơn giản hóa, nhiều nhà không có ban thờ riêng ông Táo”, Đại đức Thích Chúc Tiếp nhấn mạnh.

Chánh văn phòng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên cũng nêu rõ, với những nhà không có ban thờ Táo quân riêng sẽ chuẩn bị một mâm cơm cúng đặt dưới gian bếp và thêm một mâm khác thắp hương ở ban thờ thần linh, gia tiên thực hiện nghi lễ cúng chính. Khi cúng người dân nên nổi lửa để bếp cháy đỏ rồi bày mâm cỗ cúng theo tục lệ.

Mâm cỗ cúng ông Táo cần những gì?

Người Việt dù bận rộn đến đâu cũng cố gắng chuẩn bị mâm cúng ông Công ông Táo chu tất ngày 23 tháng Chạp.

Chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo tươm tất cũng là cách người Việt thể hiện sự kính ngưỡng, biết ơn, lòng thành kính đối với các vị thần và hy vọng trong việc mang lại may mắn, hạnh phúc, sức khoẻ cho cả gia đình trong một năm.

Người dân thủ đô thủ đô thả cá chép tại khu vực hồ Thủ Lệ. - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.01.2019
Thả cá tiễn ông Táo về trời, người đàn ông cũng "về chầu Trời"

Thông thường, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo truyền thống ở miền Bắc gồm nhiều món. Một số gợi ý cơ bản như gạo, muối, cau, trầu, món rau xào thập cẩm, giò, xôi, gấc, chè, gà luộc, canh xương giò/móng giò hầm, hoa quả, trà, rượu, bình hoa…

Đặc biệt, không thể thiếu tiền vàng mã và cá chép (được coi là phương tiện để ông Táo lên chầu Trời). Cá chép sau đó sẽ được “phóng sinh”, thả về ao, hồ, sông, suối sau khi cúng.

Trao đổi về mâm cúng ngày 23 tháng Chạp, GS. Trần Lâm Biền, chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo không cần thiết phải quá sang trọng, mâm cao cỗ đầy hay cúng bái những món vàng mã đắt tiền như xe máy, điện thoại, iPad, iPhones…

“Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ở các miền có khác nhau một chút. Ngoài mâm cỗ cúng, người miền Bắc thường cúng cá chép sống, người miền Trung thường cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Ở miền Nam thì đơn giản hơn, người dân thường chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy”, GS. Trần Lâm Biền lưu ý.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, trước khi làm cỗ cúng, các gia đình nên dọn dẹp nhà cửa, ban thờ cho gọn gàng, sạch sẽ.

Theo quan niệm dân gian, lễ vật cúng ông Táo gồm: mũ ông Công ba chiếc (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà). Chiếc mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ dành cho Táo bà thì không có cánh chuồn.

Ngoài ra còn có hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi. Ba bộ mũ áo, hia hài Táo Quân cùng tiền vàng. Để đơn giản có khi người việt chỉ cúng tượng trưng một chiếc mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy.

Chọn cá chép để cúng ông Táo thế nào cho đúng?

Theo quan niệm dân gian, cá chép cúng táo không nhất thiết phải to, chỉ cần khỏe mạnh, không trầy xước, mất vảy. Không phải cứ mua thật nhiều cá mới là tốt và tăng thêm tài lộc.

đồng Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.01.2021
Tiền lương tháng 2 có được ứng trước để nghỉ Tết Nguyên đán?

Cá chép nên chọn loại cá đỏ. Khi mua, để xem cá còn khỏe hay không, bạn có thể chạm nhẹ vào mặt nước đựng cá, xem cá phản ứng, bơi nhanh, quẫy mạnh chứng tỏ cá còn khỏe. Kỹ hơn, bạn có thể lật nhẹ mang cá lên xem, mang cá còn đỏ tươi, chứng tỏ cá khỏe.

Khi đi phóng sinh, hãy chọn ao, hồ, sông, suối ít ô nhiễm. Không đứng trên cầu phóng sinh cá chép, vừa nguy hiểm, vừa trái với phong tục tín ngưỡng dân gian. Đặc biệt là không ném cả bao, bịch nilon đựng cá chép xuống dòng nước.

Các chuyên gia khuyến cáo, cách đúng nhất để phóng sinh cá là chọn chỗ mép nước gần, nhẹ nhàng nghiêng bát đựng cá hay bao cá để cá tự bơi xuống, hòa vào dòng nước.

Những điều kiêng kỵ khi cúng ông Công ông Táo

Đối với người Việt Nam, lễ cúng tiễn ông Công ông Táo về trời là phong tục tâm linh quan trọng, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, do đó, nhiều chuyên gia nghiên cứu và thầy phong thủy đều lưu ý một số kiêng kỵ nhất định, những sai lầm cần tránh như cúng lễ tùy tiện, bừa bãi, lễ vật quá nhiều, chỉ mong cầu xin tài lộc, tiền của…

Đâu là những món kiêng cúng khi tiễn ông Táo về Trời? Có thể nói, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh từng gia đình, điều quan trọng nhất là thành tâm.

Theo đó, mỗi gia đình có thể lễ chay hay mặn đều được. Lễ chay gồm có cau trầu, nước và hoa quả. Lễ mặn gồm giò chả, chân giò, xôi và nhiều món ăn khác phù hợp với phong tục, tập quán của người Việt. Mặc dù vậy, theo nhiều chuyên gia, khi bày mâm cúng, có một số loại thịt/món ăn cần kiêng như các món làm từ vịt, chim, ngỗng, trâu, dê, chó vì đây đều là những con vật được coi là mang lại điềm không lành.

Khu vực quầy bán vé tại Bến xe miền Đông mới. - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.01.2021
Vé xe Tết Nguyên đán tăng gấp rưỡi
Kiêng kỵ thứ hai liên quan đến việc đặt mâm lễ tùy tiện. Như ý kiến của một số chuyên gia đã nêu ở trên, nếu gia chủ có ban thờ Táo Quân ở dưới bếp thì có thể đặt mâm lễ cúng ở đây, tuy nhiên, vẫn cần một mâm lễ nữa ở ban thờ chính, bởi theo quan niệm dân gian thì ông Công là thần Thổ công, cai quản đất đai trong nhà. Cúng ông Công ông Táo thì phải chú ý điều này.

Đặc biệt, việc cúng lễ phải được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà, được dọn dẹp tươm tất, không bày mâm lễ tùy tiện.

Một sai lầm nữa cần tránh là lễ vậy càng nhiều càng tốt. Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, sự thành tâm của gia chủ mới là điều quan trọng nhất.

“Hiện có gia đình đốt nhiều vàng mã, có cả điện thoại iPhone, iPad, tiền đôla, xe ôtô giấy, sắm cá chép quý, đắt tiền với hy vọng lễ vật càng nhiều thì càng thiêng. Việc làm này không chỉ tốn kém tiền của mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống”, GS. Trần Lâm Biền nhấn mạnh.

Kiêng kỵ tiếp theo cần tránh đó là “chỉ chăm chăm cầu xin tài lộc”. Văn hóa Á Đông nói chung và tại Việt Nam nói riêng, rất nhiều người có thói quen, suy nghĩ, làm lễ cúng là phải cầu xin được làm ăn phát đạt, thịnh vượng, tiền vào như nước, học hành đỗ đạt, công danh thuận lợi.

Tuy nhiên, đối với lễ cúng ông Công ông Táo, người ta quên mất rằng, Táo Quân lên thiên đình là để trình báo việc lớn nhỏ của hạ giới với Ngọc Hoàng nên theo nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hóa, các gia đình chỉ nên khấn và cầu xin Táo Quân báo cáo điều tốt với Ngọc Hoàng là được, chứ đừng chỉ tham cầu tài cầu lộc, làm thay đổi ý nghĩa tâm linh của ngày lễ.

Sai lầm tiếp theo, theo quan niệm của dân gian và ý kiến của một số chuyên gia phong thủy đó là thả cá chép từ trên cao xuống. Theo đó, cá chép là phương tiện để Táo Quân về trời được xem như là biểu tượng của thần linh, do đó, các gia đình thả cá chép từ trên cao xuống hay bọc cá chép trong bao nilon rồi thả xuống được xem là mạo phạm, làm mất đi ý nghĩa tâm linh vốn có.

© Ảnh : Hoàng Hiếu - TTXVNCá chép đỏ tại chợ.
Cách cúng ông Công ông Táo và những kiêng kỵ người Việt cần tránh - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.02.2021
Cá chép đỏ tại chợ.

Thêm vào đó, việc thả cá chép cùng với bao nilon là hành động ảnh hưởng xấu đến môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng và gây khó khăn cho công tác thu gom rác sau mỗi dịp lễ.

Kiêng kỵ khi rút chân nhang, chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà chia sẻ trên Vietnamnet cho biết, năm 2021 này, ngày 23 tháng Chạp sẽ trùng với ngày Lập Xuân (4/2/2021). Sau lễ cúng, gia đình sẽ rút tỉa chân nhang, vệ sinh ban thờ, nhà cửa, dọn dẹp, trang hoàng, mua sắm, chuẩn bị đón Tết.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, nếu gia đình nào cúng ông Công ông Táo sớm vào các ngày 19, 20, 21, 22 tháng Chạp (ngày 22/12 âm lịch phải cúng sáng hoặc cúng chiều không cúng tối) thì nên rút tỉa chân nhang, bao sái, dọn dẹp tổng vệ sinh ngay sau khi cúng.

Trong khi đó, nếu gia đình cúng ông Công ông Táo đúng ngày 23 tháng Chạp thì cúng xong để an yên, sang sáng ngày 24 hay 25 mới được rút tỉa chân nhang. Vì ngày 23 tháng Chạp trùng ngày 4/2 dương lịch - ngày Lập Xuân, không thể rút tỉa chân nhang được, sẽ gây bất ổn cho vận khí đầu năm mới. Đồng thời, khi làm nghi thức rút chân nhang không được làm xê dịch bát hương, không xê dịch bàn thờ.

Tựu chung lại, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và chuyên gia phong thủy đều có chung quan điểm rằng, cúng ông Công ông Táo, không nhất thiết phải nghi lễ linh đình, long trọng, rình rang. Tùy theo hoàn cảnh của từng gia đình mà làm cho phù hợp. Điều cần nhất là “cốt ở tấm lòng”, sự thành tâm của gia chủ. Vừa thành kính, vừa hiểu được nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng người Việt, vừa ý thức được việc bảo tồn văn hóa, gìn giữ môi trường, đảm bảo sự an toàn cho mình, người thân và những người xung quanh khi tổ chức bất kỳ lễ hội nào.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала