Đại diện Bộ GTVT cho biết, hiện đang có rất nhiều người hiểu nhầm ngày 31/3/2021 là ngày dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào khai thác thương mại. Trên thực tế, đây chỉ là mốc thời gian phải hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang tiến hành các bước bàn giao
Chiều nay, 24/2, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) thông tin về tiến độ triển khai dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cho biết, dự án đang tiến hành các bước bàn giao.
Trước đó, trao đổi với báo chí, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT nhấn mạnh, hiện các bên liên quan đang nỗ lực hoàn tất công tác nghiệm thu, đánh giá an toàn để báo cáo Hội đồng nghiệm thu Nhà nước.
Cơ quan này cũng cho biết, trong quá trình làm thủ tục, hiện còn một số vướng mắc liên quan đến quá trình làm thủ tục, quản lý vận hành. Tuy nhiên, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT khẳng định đây không phải vấn đề lớn nên sẽ được các bên trao đổi thống nhất, hoàn thiện trước khi bàn giao dự án Cát Linh – Hà Đông cho Hà Nội.
Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường cũng xác nhận, hiện nay các bên đang tiến hành thực hiện các bước bàn giao theo chỉ đạo của Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội.
“Đến 31/3 sẽ ký biên bản bàn giao đưa vào khai thác thương mại theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Trường cho biết.
Theo thông tin từ đại diện Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội, hiện nay các đơn vị đã xây dựng kế hoạch 4 giai đoạn, 15 nhóm công việc và 85 đầu việc.
Trong đó, đáng chú ý là các công việc trọng tâm liên quan đến dự án Cát Linh – Hà Đông như diễn tập ứng phó với các tình huống khẩn cấp trong hoạt động đường sắt đô thị, thực hiện vận hành thử toàn hệ thống (từ ngày 1/12/2020 đến ngày 31/12/2020) và thực hiện công tác đánh giá an toàn hệ thống (do Tư vấn ACT - Pháp đánh giá) khách quan, tổng thể.
Hanoi Metro khẳng định, từ đầu năm 2021, các đơn vị của TP. Hà Nội, Bộ GTVT và phía Tổng thầu tiếp tục xây dựng kế hoạch, phối hợp để triển khai thực hiện các công việc.
Trong đó có thể kể đến như tiếp tục duy trì chạy tàu, diễn tập các tình huống để thuần thục cho đội ngũ nhân viên, thực hiện công tác kiểm đếm hiện trường, trang thiết bị tài sản, công tác kiểm đếm hồ sơ tài liệu phục vụ cho quá trình bàn giao.
Đáng chú ý, các bên cũng phối hợp để khắc phục các lỗi đã được phát hiện trong quá trình vận hành thử toàn hệ thống đường sát Cát Linh – Hà Đông.
Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, các bên liên quan đang tiến hành thực hiện các bước bàn giao theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, UBND thành phố Hà Nội và bám sát kế hoạch đã đề ra.
Dự kiến giá vé tàu Cát Linh – Hà Đông là bao nhiêu?
Theo chính quyền Hà Nội, trong ngày 24/2, Sở Tài chính Hà Nội đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Hanoi Metro nhằm xây dựng phương án trợ giá cho hành khách sử dụng dịch vụ trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội trước đó đã phê duyệt phương án giá vé đường sắt đô thị và chia thành nhiều khung giá khác nhau, cụ thể, vé tháng sẽ có hai mức là 100.000 đồng/tháng đối với nhóm hành khách thuộc đối tượng ưu tiên. Trong khi đó, nhóm hành khách thông thường sẽ thanh toán khung giá 200.000 đồng/ tháng.
Đặc biệt, nhà chức trách cho biết, giá vé không giới hạn số lần sử dụng trong một ngày là 30 nghìn đồng/vé. Vé lượt tính theo chặng sử dụng, dao động từ 8.000-15 nghìn đồng/ chặng.
Bao giờ Cát Linh – Hà Đông mới “chạy thật”?
Liên quan đến dự án này, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng, nhiều người đang hiểu lầm ngày 31/3/2021 là ngày dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào khai thác thương mại.
Đại diện lãnh đạo Bộ GTVT nêu rõ 31/3 chỉ là mốc thời gian phải hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Trước đó, Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT thông tin, từ ngày 12 đến 31/1/2020, Tổng thầu EPC Trung Quốc đã thực hiện vận hành thử dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông với 5.700 chuyến tàu, được đánh giá “an toàn” trên tổng số hơn 70 nghìn km.
Bộ GTVT cho hay, quá trình chạy thử này tuân thủ theo đúng biểu đồ vận hành chạy tàu khai thác thương mại với 287 lượt chạy tàu/ngày, khung giờ cao điểm từ 5 - 6 phút/lượt, giờ bình thường 10 phút/lượt.
Thời gian bắt đầu vận hành từ 5 giờ sáng đến 23 giờ hằng ngày dưới sự giám sát của các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn độc lập của Pháp, các cơ quan chức năng và Hội đồng nghiệm thu Nhà nước.
Đáng chú ý, căn cứ theo văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và quyết định điều chỉnh tiến độ của Bộ GTVT ban hành tháng 12/2020, dự án Cát Linh – Hà Đông được điều chỉnh tiến độ thực hiện đến 31/3/2021.
Ông Vũ Hồng Phương, Quyền Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đường sắt, Bộ GTVT cho biết, việc hoàn thành vận hành thử toàn hệ thống 20 ngày vừa qua là “dấu mốc quan trọng” để dự án bước vào giai đoạn vận hành thương mại.
Theo đại diện Bộ GTVT, hiện nay, dự án còn tiếp tục phải hoàn thiện hồ sơ tài liệu, khắc phục hiện trường, thực hiện nghiệm thu, báo cáo.
“Các nội dung này cần tập trung giải quyết cùng lúc, trong thời gian rất ngắn và có liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, cấp có thẩm quyền”, đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt nêu rõ.
Do đó, Ban Quản lý dự án đường sắt yêu cầu Tổng thầu EPC Trung Quốc, Tư vấn giám sát ACT, Metro Hà Nội cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, phối hợp tốt trong quá trình thực hiện các công việc còn lại để tàu Cát Linh – Hà Đông “chạy thật”.
Ngày 2/2, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trả lời tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Metro Hà Nội kiểm đếm về tài sản, quá trình bàn giao sẽ thuận lợi, rút ngắn được thời gian.
“Chúng tôi cũng phối hợp với Hà Nội huấn luyện thêm các cán bộ, nhân viên khai thác hoạt động sau này. Làm tiếp các thủ tục về giấy tờ để nghiệm thu cuối cùng. Chúng tôi xác định, lên kế hoạch với Hà Nội không thể bàn giao trong một ngày, một tuần mà phải kéo dài, dự kiến đến cuối tháng 3/2021”, ông Đông nói.
Về dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km gồm 12 ga và 1 khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỷ.
Dự án bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Tổng thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.