Báo cáo của IAEA chỉ ra rằng, tới ngày 18 tháng 2, lượng uranium đã làm giàu của Iran đạt 2.967,8 kg, tức là gấp hơn 14 lần mức quy định theo thỏa thuận JCPOA năm 2015.
Cuối năm 2020, Quốc hội Iran đã thông qua đạo luật tăng cường làm giàu uranium lên 20% và khôi phục lò phản ứng nước nặng như trước khi có thỏa thuận hạt nhân năm 2015, bằng cách này Iran đưa ra tối hậu thư cho "bộ ba châu Âu": nước này sẽ cấm IAEA thực hiện các cuộc thanh tra mở rộng nếu Tehran không thể tự do kinh doanh dầu và thực hiện các giao dịch tài chính thông qua cơ chế thương mại.
Kể từ ngày 23 tháng 2, Iran đã hạn chế các hoạt động thanh tra của IAEA, và các nước trong "bộ ba châu Âu" chỉ trích gay gắt biện pháp này. Anh, Đức và Pháp cáo buộc Iran vi phạm các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân khi đình chỉ việc thực thi nghị định thư bổ sung.
Điều này có nghĩa là Iran đã vượt qua lằn ranh đỏ trong việc sản xuất vũ khí hạt nhân? Cần phải làm giàu ở mức độ nào để tạo ra plutonium cấp độ vũ khí ở Iran? Trả lời phỏng vấn của Sputnik, Anton Khlopkov, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và An ninh của Liên bang Nga, Tổng biên tập tạp chí Yaderny Klub, thành viên Hội đồng Khoa học thuộc Hội đồng An ninh Liên bang Nga, cho biết, thậm chí với các hành động nói trên, Iran không vượt qua bất kỳ lằn ranh đỏ nào theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT):
“Không có điều kiện tiên quyết nào để nói rằng Iran đang tiến tới việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Nước này vẫn là một bên ký kết Hiệp ước NPT, theo đó Iran phải thực hiện nghĩa vụ không phát triển, không chế tạo hay tìm cách để có vũ khí hạt nhân. Các cuộc thanh tra của IAEA vẫn tiếp tục theo thỏa thuận giữa Iran và IAEA. Và những gì Iran đang làm hiện nay chỉ là giảm bớt các cam kết tự nguyện theo JCPOA, được gọi là thỏa thuận hạt nhân, mà các cam kết này vượt ra ngoài các nghĩa vụ của Iran theo NPT và Thỏa thuận với IAEA.
Đến nay chính quyền mới của Mỹ vẫn chưa thực hiện các bước để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, và Iran đáp trả bằng cách cắt giảm các nghĩa vụ theo JCPOA".
Iran sẽ nâng mức làm giàu uranium đạt cấp độ sản xuất vũ khí?
Một số người chỉ trích Iran và bày tỏ sự lo ngại rằng, việc IAEA không thể thực hiện một số cuộc thanh tra nhất định sẽ khiến chương trình hạt nhân của Iran trở nên “không minh bạch”, điều này sẽ cho phép Iran tiến gần hơn đến việc làm giàu uranium đạt cấp độ sản xuất vũ khí. Nỗi lo sợ càng dâng cao sau khi Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố:
“Mức độ làm giàu uranium của Iran sẽ không bị giới hạn ở 20%. Chúng tôi sẽ tăng nó lên bất cứ mức nào mà đất nước cần. Chúng tôi có thể tăng nó lên 60%”.
Theo Anton Khlopkov, lời tuyên bố của Lãnh tụ Tối cao Iran không có nghĩa là Iran có khả năng tạo ra vũ khí hạt nhân trong một sớm một chiều. Chuyên gia Nga giải thích rằng, để tạo ra vũ khí hạt nhân cần phải làm giàu uranium lên tới 90%:
“Trong quá trình sản xuất vũ khí hạt nhân, người ta thường sử dụng uranium được làm giàu ở mức 90% và cao hơn. Plutonium cũng có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân. Để tạo ra vũ khí hạt nhân, một quốc gia lần đầu tiên làm việc này cần phải làm giàu uranium lên tới ít nhất 90%. Và Iran vẫn còn cách rất xa mục tiêu này.
Hơn nữa, theo Hiệp ước NPT, việc làm giàu uranium đến mức cao như vậy không bị cấm. Bởi vì uranium được làm giàu ở mức độ này có thể được sử dụng không chỉ cho mục đích quân sự để tạo ra vũ khí hạt nhân mà còn cho các mục đích dân sự và nghiên cứu, ví dụ, trong một số cơ sở hạt nhân sử dụng nhiên liệu uranium được làm giàu rất cao. Nhưng, Iran không có các cơ sở hạt nhân sử dụng uranium được làm giàu đến 90%. Ở Iran có lò phản ứng nghiên cứu tại Tehran sử dụng uranium độ giàu thấp 20%. Ngày nay ở Iran không có cơ sở dân sự nào có thể sử dụng uranium được làm giàu ở mức cao hơn 20%”.
Vào đầu tháng 1, người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabii cho biết, quá trình sản xuất uranium được làm giàu 20% đã bắt đầu tại cơ sở hạt nhân ngầm Fordow. Theo kết quả cuộc đàm phán tại Tehran, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết rằng, Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã đạt được một thỏa thuận kỹ thuật tạm thời để tiếp tục giám sát các cơ sở hạt nhân của Iran trong thời gian tối đa là ba tháng. Do đó, những tuyên bố của một số quốc gia Trung Đông và châu Âu dường như Iran có ý định phát triển vũ khí hạt nhân đều là các cáo buộc vô căn cứ, ông Khlopkov nói. Theo quan điểm của ông, một số thế lực đang “ác quỷ hóa” Iran:
“Một số quốc gia ở khu vực Trung Đông, các quốc gia châu Âu và Hoa Kỳ đang cố gắng “ác quỷ hóa” Iran, cáo buộc nước này đang thực hiện các bước đi nhằm tăng mức độ làm giàu uranium. Thật vậy, theo thỏa thuận JCPOA, mức độ làm giàu uranium của Iran được phép lên tới 3,67%. Và kể từ đầu năm nay, Iran bắt đầu làm giàu uranium tới mức 20%, vượt xa ngưỡng cam kết theo JCPOA. Tuy nhiên, việc làm giàu uranium ở mức 20% không vi phạm các nghĩa vụ của Iran theo văn kiện chủ chốt trong lĩnh vực không phổ biến vũ khí hạt nhân – Hiệp ước NPT và Thỏa thuận với IAEA.
Làm giàu uranium lên 20% khác hẳn so với việc làm giàu uranium lên 90%. Do đó, việc một số quốc gia khẳng định nếu Iran làm giàu uranium lên 20% thì sẽ sớm sở hữu vũ khí hạt nhân chỉ là cáo buộc vô căn cứ”.
Làm thế nào để giảm bớt căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran?
Anton Khlopkov kết luận rằng, để giảm bớt mức độ căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran, cần phải tổ chức một cuộc họp không chính thức của 7 quốc gia ký kết Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) năm 2015: Iran, Anh, Đức, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Pháp:
“Tôi hy vọng rằng, những tiến bộ ban đầu được thể hiện bởi chính quyền mới của Hoa Kỳ sẽ được phát triển hơn nữa. Điều quan trọng là Iran đã nhiều lần tuyên bố rằng, họ sẵn sàng tái tuân thủ những cam kết hạt nhân của nước này theo thỏa thuận mang tên Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) nếu các bên còn lại tham gia thỏa thuận, chủ yếu là Hoa Kỳ, cũng tuân thủ những cam kết liên quan. Do đó, bây giờ quả bóng đang ở phía sân của Hoa Kỳ. Điều quan trọng là cần phải thực hiện sáng kiến đang được thảo luận về việc tổ chức một cuộc họp không chính thức của tất cả các bên tham gia JCPOA, bao gồm cả Hoa Kỳ.
Ở đây nói về cuộc họp không chính thức bởi vì Hoa Kỳ không còn là một bên của JCPOA và Iran không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Do đó, về mặt chính thức, họ (Iran và Mỹ) không thể gặp nhau, nhưng, cả hai bên có thể tham gia cuộc họp không chính thức. Và nếu cuộc gặp được chuẩn bị tốt, thì rất có thể Iran không sớm hơn và không muộn hơn mà song song với Hoa Kỳ sẽ quay trở lại thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình. Theo tôi, Iran sẵn sàng ngừng làm giàu uranium ở mức 20% và quay trở lại mức đã được ghi trong JCPOA - 3,67%”.