Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2020
Ngày 28/2, Cục quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2021, 33.611 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 21.636 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 8.380 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, 3.595 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 3.595 doanh nghiệp, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2020. Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 16/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là sản xuất phân phối, điện, nước, gas; vận tải kho bãi và Khai khoáng với tỷ lệ tăng lần lượt là 220%; 53,2% và 50%.
Riêng trong tháng 2/2021, cả nước có 8.038 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 179,7 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 56,9 nghìn người, giảm 20,3% về số doanh nghiệp, tăng 15,9% về vốn đăng ký và giảm 50,9% về số lao động so với tháng 1/2021. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 22,4 tỷ đồng, tăng 45,5% so với tháng trước và tăng 111,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, cả nước có hơn 18.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172,8 nghìn lao động, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% về vốn đăng ký và tăng 9,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 11.033 doanh nghiệp, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2021 giảm ở 12/17 lĩnh vực. Trong đó, chủ yếu là các ngành nghề chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí; Giáo dục và đào tạo; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Khai khoáng; Xây dựng; Vận tải kho bãi.
Lượng doanh nghiệp ngừng kinh doanh tăng cao so với cùng kỳ cho thấy sự ảnh hưởng rộng và lâu dài của Covid-19.
“Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường, tìm kiếm những ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi triển khai các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp, chưa “đóng cửa” doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này”, - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, để giảm số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì ngoài cải thiện môi trường đầu tư, Chính phủ và các bộ cần hoạch định các chính sách thúc đẩy sự phục hồi và phát triển cho nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ. Đồng thời, gia hạn các gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.