Trả lời phỏng vấn của Sputnik, các chuyên gia nói lên ý kiến rằng, việc Mỹ hứa giúp Nhật Bản trong cuộc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư là "lằn ranh đỏ" đe dọa trực tiếp lợi ích và an ninh của Trung Quốc.
Theo dự báo của họ, Hoa Kỳ sẽ không phản ứng gay gắt trước việc Nhật Bản tìm kiếm sự cân bằng giữa thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Các vấn đề liên quan đến Trung Quốc là trọng tâm cuộc hội đàm giữa hai người đứng đầu cơ quan đối ngoại của Mỹ và Nhật Bản. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu đã nói như vậy. Ông ủng hộ lập trường của người đồng cấp Mỹ, lên tiếng phản đối những nỗ lực của Trung Quốc, mà theo quan điểm của Hoa Kỳ và Nhật Bản nỗ lực này nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, liên minh Mỹ-Nhật là nền tảng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản lưu ý rằng, cả hai bên đang làm việc cùng nhau để đảm bảo cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Về phần mình, Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Nobuo Kishi bày tỏ quan tâm đến việc thảo luận các sáng kiến cụ thể mà Nhật Bản và Hoa Kỳ nên thực hiện để tăng cường khả năng răn đe và củng cố liên minh Nhật-Mỹ. Tổng kết kết quả cuộc gặp song phương, Bộ trưởng Nhật Bản nói lên mối quan ngại nghiêm trọng chung về việc Trung Quốc chính thức ra luật cho phép lực lượng Hải Cảnh có mọi biện pháp cần thiết, bao gồm cả việc nổ súng vào tàu nước ngoài.
Hôm thứ Ba, phát biểu trước một nhóm lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản, Antony Blinken đã kêu gọi tăng cường quan hệ kinh tế song phương. Đại dịch đã bộc lộ những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các sản phẩm quan trọng. Theo nhà ngoại giao Mỹ, đây là các thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và chất bán dẫn. Ông kêu gọi cùng nhau xây dựng các chuỗi cung ứng an toàn và bền vững.
Các nhà quan sát cho rằng, xét theo những tuyên bố này Mỹ có ý định thúc đẩy chính sách ngoại giao kinh tế, khơi dậy niềm tin của các doanh nghiệp Nhật Bản với thị trường cởi mở của Mỹ. Niềm tin này đã bị lung lay nghiêm trọng dưới thời chính quyền tiền nhiệm.
Doanh nghiệp Nhật sẽ phản ứng như thế nào?
Trong khi đó, giới doanh nghiệp Nhật Bản sẽ phản ứng đặc biệt thực dụng trước những ưu tiên kinh tế mà Hoa Kỳ tuyên bố. Trong khi phát triển quan hệ với các đối tác Mỹ, họ sẽ thận trọng để không gây tổn hại quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Ekaterina Arapova, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Học viện Ngoại giao Matxcơva (MGIMO), chuyên gia của Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga, cho biết:
“Cần phải tách các ưu tiên kinh tế khỏi các ưu tiên chính trị. Nhật Bản luôn khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ. Đồng thời, trong quan hệ kinh tế, Tokyo theo chủ nghĩa thực dụng. Nhật Bản đang tập trung mạnh mẽ vào cả thị trường Mỹ và Trung Quốc. Do đó, chính sách kinh tế của Nhật Bản sẽ rất đa dạng. Nhật Bản không thể ủng hộ cách tiếp cận của Hoa Kỳ trong tất cả các lĩnh vực. Ví dụ, hai nước có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, kỹ thuật sinh học, công nghệ sinh học. Tuy nhiên, trong những lĩnh vực mà Nhật Bản tập trung vào thị trường Trung Quốc, các đối tác Trung Quốc sẽ là ưu tiên đối với Tokyo. Đây là những nguồn cung cấp kim loại hiếm và cơ khí công nghệ cao. Trong quan hệ kinh tế Nhật Bản sẽ cố gắng duy trì sự cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, đồng thời họ sẽ cố gắng duy trì quan hệ đối tác chính trị với Washington”.
Biden coi trọng việc thiết lập một cuộc đối thoại với các đối tác
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Ekaterina Arapova nhận xét rằng, Hoa Kỳ sẽ không chỉ thất bại trong việc rút Nhật Bản ra khỏi chuỗi sản xuất Trung Quốc mà còn Mỹ sẽ không phản ứng gay gắt với việc Nhật Bản tìm kiếm sự cân bằng giữa thị trường Trung Quốc và Mỹ:
“Hiện nay, một điều quan trọng đối với Tổng thống Biden là thiết lập một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các đối tác. Ông Biden thực sự muốn khôi phục và củng cố những mối quan hệ và liên hệ đã bị ảnh hưởng tiêu cực dưới thời Trump. Ngay cả khi thấy Nhật Bản cố gắng tìm kiếm sự cân bằng, Hoa Kỳ sẽ không có phản ứng gay gắt, ít nhất là trong 1-1,5 năm tới. Điều này sẽ giúp Nhật Bản tự tin hơn theo đuổi chính sách thực dụng đối với Trung Quốc. Hơn nữa, Nhật Bản hiện có thể thu được những lợi ích khá lớn từ việc tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Trung Quốc cũng đang theo đuổi chính sách cân bằng. Bắc Kinh cũng hưởng lợi từ việc ký kết thỏa thuận hợp tác này. Vì vậy, các mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ phát triển theo những hướng khác nhau, không phụ thuộc vào lập trường của Hoa Kỳ".
Tại cuộc hội đàm 2+2, Mỹ cũng nói lên ý muốn làm việc với Nhật Bản và các đồng minh để phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Đồng thời, họ không nói gì về vai trò được giao cho Trung Quốc và Nga trong quá trình này. Trong khi đó, rõ ràng là nếu không có sự tham gia của Matxcơva và Bắc Kinh, thì cả Washington, Tokyo hay bất kỳ đồng minh nào khác của họ không thành công trong cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng.