Thêm đường mới từ Việt Nam đến Mỹ

Vừa có thêm tuyến vận tải biến kết nối Việt Nam và Mỹ. Tuyến dịch vụ Palmetto vừa được hãng tàu Thụy Sĩ – Ý nổi tiếng MSC ra mắt.
Sputnik

Theo hãng MSC, dịch vụ Palmetto chính là tuyến vận tải đường biển mới, kết nối trực tiếp cảng từ Việt Nam và Diêm Điền, Thâm Quyến, Trung Quốc sang khu bờ Đông, Hoa Kỳ.

Nói về vận tải đường biển, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh, đây là điểm sáng tăng trưởng kinh tế Việt Nam bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Palmetto: Tuyến vận tải biển mới kết nối Việt Nam với Mỹ

Đường đến nước Mỹ không chỉ có một. Thông tin về việc hãng tàu MSC ra mắt tuyến vận tải mới, kết nối trực tiếp cảng từ biển của Việt Nam và Diêm Điền, Thâm Quyến, Trung Quốc với bờ Đông nước Mỹ đang gây chú ý không chỉ với ngành logistics.

Tuyến dịch vụ này mang tên Palmetto, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 5 tới tùy thuộc vào các yêu cầu, quy định hiện hành.

Việt Nam mở cửa sau Covid-19: Khôi phục vận chuyển hàng không với Trung Quốc

Có thể nói, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới khi nhu cầu mua bán, vận chuyển, trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia, khu vực ngày càng tăng.

Ngày nay, vận chuyển quốc tế bằng đường biển (hàng hải) đã trở thành phương thức phổ biến, thuận lợi với nhiều ưu thế vượt trội trong ngành logistics so với vận chuyển hàng không và đường bộ.

Vừa qua, hãng tàu biển MSC (Mediterranean Shipping Company, Công ty Vận tải biển Địa Trung Hải S.A. - hãng tàu quốc tế Thụy Sĩ-Ý, có trụ sở tại Geneve) đã thông tin cho biết về tuyến vận chuyển hàng hải mởi, kết nối trực tiếp giữa Việt Nam với Hoa Kỳ.

Theo đó, dịch vụ Palmetto có ưu thế thời gian vận chuyển nhanh nhất so với những dịch vụ vận tải biển tương tự đến cảng Savannah (thuộc bang Georgia), Charleston (thuộc bang Carolina) cũng như New York.

“Dịch vụ mới này sẽ cho phép MSC cải thiện việc phân phối luồng hàng hóa trong mạng lưới hiện có và cải thiện độ tin cậy về lịch trình cho khách hàng so với các dịch vụ khác trên tuyến vận chuyển này”, hãng tàu MSC khẳng định.

Đồng thời, chi tiết đầy đủ về việc triển khai dịch vụ Palmetto, ngày bắt đầu, hải trình và thời gian vận chuyển sẽ được MSC thông báo vào thời gian thích hợp.

Thêm đường mới từ Việt Nam đến Mỹ

Trước khi ra mắt Palmetto, hãng tàu MSC cũng giới thiệu dịch vụ vận chuyển mới, mang tên Sentosa kết nối giữa khu vực Đông Nam Á và khu bờ Tây nước Mỹ.

Được biết, dịch vụ Sentosa dự kiến sẽ bắt đầu được triển khai từ đầu tháng 4/2021. Đồng thời, theo MSC, tàu container MSC Ornella sức tải 4.900 TEU, sẽ là tàu đầu tiên của dịch vụ.

Theo thông tin mà MSC cung cấp liên quan đến dịch vụ Sentosa, hải trình dự kiến sẽ bắt đầu từ Singapore, qua Tanjung Pelepas (Malaysia) – Laem Chabang (Thái Lan) – Vũng Tàu (Việt Nam) – Long Beach (Mỹ) – Thượng Hải (Trung Quốc) – Ninh Ba (Trung Quốc) – Hạ Môn (Trung Quốc) rồi quay trở lại quốc Singapore.

Có những đường nào vận chuyển hàng từ Việt Nam đi Mỹ?

Theo thông tin từ hãng MSC, các tàu chở hàng hóa sử dụng dịch vụ Palmetto sẽ được quá cảnh kênh đào Panama khi thực hiện hải trình từ Việt Nam đến Hoa Kỳ.

Hiện nay, để vận chuyển hàng hóa đi từ Việt Nam sang khu vực châu Mỹ, có ba tuyến đường thông dụng, phổ biến là thông qua kênh đào Suez (qua Ai Cập) hoặc mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope Nam Phi) và kênh Panama (tại Trung Mỹ, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương).

Dịch vụ mới vận chuyển container hàng hóa giữa Việt Nam và Liên bang Nga

Trong ba tuyến này, kênh vận chuyển thông qua kênh đào Panama được xem là ngắn nhất và đi qua vùng có điều kiện khí hậu, thời tiết ổn định hầu hết ngày trong năm, tránh được các nguy hiểm phổ biến khi vận tải đường biển.

Thông tin thêm về tuyến dịch vụ vận tải đường biển mới này, JOC Group, đơn vị chuyên cung cấp thông tin (tình báo toàn cầu) về hàng hải, thương mại, vận tải và hậu cần chuyên gia, thuộc sở hữu của IHS Inc. cho hay, tuyến dịch vụ Palmetto được tạo ra như giải pháp mang tính hỗ trợ (“giải phóng” hàng hóa bị ùn ứ ở các cảng biển do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19).

Theo đó, việc cho ra mắt Palmetto được các nhà làm dịch vụ tính toán trong bối cảnh nhiều cảng biển Los Angleles và Long Beach đang trong tình trạng quá tải hàng hoá nhập khẩu từ nửa cuối năm 2020, tác động đến tất cả bộ phận của chuỗi cung ứng, bị đứt gãy, trì trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong khi đó, theo dữ liệu từ PIERS (cũng thuộc IHS Market) cho thấy, khu vực bờ Đông nước Mỹ đã chứng kiến mức tăng hàng hoá nhập khẩu từ châu Á 1,97% so với cùng kỳ năm ngoái (mức tăng của Bờ Tây là 3,93%).

Thời gian qua, trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế toàn cầu, đặc biệt kể từ thời điểm nổ ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam trở thành mối quan tâm, “điểm sáng”, đón nhận sự chuyển dịch lớn trong việc tìm kiếm, cung ứng nguồn hàng cho các nhà bán lẻ, giới đầu tư Mỹ cũng như nhiều nhà nhập khẩu khác thay thế cho Trung Quốc vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

PIERS cũng cho hay, tỷ trọng của Việt Nam trong giày dép xuất khẩu sang Mỹ đã tăng từ 18% lên 29% trong khi thị phần của Trung Quốc giảm từ 41% xuống 30% trong cùng kỳ.

Vận tải biển là điểm sáng tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Đây là nhận định do chính Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang trong cuộc trao đổi với báo chí hồi đầu năm 2021.

Theo vị lãnh đạo, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượt tàu vào cảng và sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển có xu hướng tăng trưởng chậm so với cùng kỳ năm 2019.

Việt Nam vận chuyển "hàng đặc biệt của Nhà nước" như thế nào?

Mặc dù vậy, kết quả thu phí, lệ phí hàng hải trong năm 2020 đạt được kế hoạch đề ra. Tổng số nộp ngân sách nhà nước đạt 2.881 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2019, đạt gần 100% so với dự toán giao. Cùng với đó, phí cảng vụ đạt 1.1175 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2019 và đạt 107% so với dự toán giao.

Các dự án của ngành đều đã hoàn thành nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng bảo đảm đúng tiến độ, đã thực hiện thanh quyết toán dự án, giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao và không có nợ đọng xây dựng cơ bản.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Xuân Sang dẫn số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD), đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Indonesia, Malaysia) và thứ 30 trên thế giới.

Về sản lượng vận tải hàng hóa của đội tàu biển Việt Nam năm 2020, theo Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Xuân Sang, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển vẫn tăng trưởng, ước đạt 159,42 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2019.

Trong đó, sản lượng hàng container của đội tàu biển Việt Nam ước đạt 2,6 triệu Teus, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, đội tàu của Việt Nam vẫn đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời.

Theo Cục trưởng Sang, đội tàu container Việt Nam hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn như: Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một số tàu hàng rời đã vận tải hàng hóa trên các tuyến châu Âu.

Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh, hệ thống cảng biển Việt Nam đã được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng như cầu bến, phao neo, trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa, phát triển cơ bản hoàn chỉnh, đầy đủ chức năng, quy mô và được phân bố trải rộng theo vùng miền.

Các cảng biển Việt Nam tận dụng tối đa được điều kiện tự nhiên, đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa vận tải bằng đường biển, phục vụ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển và cả nước, tạo động lực thu hút, thúc đẩy các ngành kinh tế, công nghiệp liên quan cùng phát triển.

Đáng chú ý, theo Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2019, Ngân hàng Thế giới WB đã xếp hạng chỉ số hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam là 39/160, tăng tới 25 bậc so với năm 2016.

Việt Nam xuất siêu 1,64 tỷ USD hai tháng đầu năm 2021

Tổng Cục Hải quan vừa có báo cáo cho biết, trong hai tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu 48,74 tỷ USD, nhập khẩu 47,1 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam xuất siêu 1,64 tỷ USD trong tháng 1 và tháng 2 vừa qua.

Cụ thể, trong nửa cuối tháng 2 (từ 16/2 đến 28/2), giá trị hàng hoá Việt Nam xuất khẩu ước đạt 10,23 tỷ USD, tăng 2,9% so với nửa đầu tháng.

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, một số mặt hàng được xuất khẩu mạnh là điện thoại và linh kiện tăng 11,5%, sắt thép các loại tăng 98%, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 9,8%.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong nửa cuối tháng 2 đạt 11,37 tỷ USD, tăng 23% so với nửa đầu tháng. Việt Nam nhập khẩu mạnh máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (tăng 22,9%), chất dẻo nguyên liệu tăng 61,7%.

Câu chuyện thành công của Việt Nam khiến nhiều nước phải ‘lo sợ’ như thế nào?

Tính chung 2 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tháng 2 là 95,85 tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, khối FDI vẫn chiếm vai trò chủ đạo khi xuất khẩu đạt hơn 37 tỷ USD, chiếm 75,9%, còn nhập khẩu là 31,51 tỷ USD, chiếm 66,9%.

Đáng chú ý, theo Tổng Cục Hải quan, chỉ tính riêng nửa đầu tháng 2, Việt Nam có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và hàng hóa dệt may.

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam vẫn gặt hái nhiều thành công trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia cũng như thế giới chịu tác động tiêu cực của đại dịch do coronavirus gây nên cũng như tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu do dịch bệnh và xung đột thương mại Mỹ - Trung.

Tổng Cục Hải quan thống kê cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%, nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%.

Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, đây là mức cao nhất của Việt Nam trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Thảo luận