Ngoại giao vắc xin đang được tăng cường

Chiếc máy bay chở Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev bay đến Hà Nội đã mang theo một lô vắc xin Sputnik V chống Covid-19. Đây là món quà không hoàn lại dành tặng cho nhân dân Việt Nam. Hành động của phía Nga phù hợp với xu hướng thế giới hiện đại, nhà phân tích Piotr Tsvetov của Sputnik viết trong bài báo của mình.
Sputnik

Đòn bẩy vắc xin của ngoại giao Trung Quốc

Từ lâu, Trung Quốc đã bắt đầu phân phối vắc xin của mình trên khắp thế giới. Bắc Kinh đã gửi hàng trăm nghìn liều vắc xin dưới dạng viện trợ miễn phí tới Campuchia, Lào và Philippines. Hai nước Thái Lan và Indonesia đã nhận được vắc xin của Trung Quốc nhưng mua bằng tiền. Việc Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho phép tiêm vắc xin Trung Quốc cho ông trước công chúng, trước sự chứng kiến ​​của tất cả mọi người, đã gây được tiếng vang lớn về mặt chính trị và tuyên truyền.

Giới lãnh đạo Trung Quốc quyết định gửi hàng chục nghìn liều vắc xin tới các nước Nam Mỹ như Trinidad-Tobago và Guyana. Hành động mà Bắc Kinh gọi là "vì lợi ích của công chúng toàn cầu" đã gây được tác động ngoại giao rõ rệt - chính quyền Guyan hứa sẽ xem xét lại quyết định cho phép Đài Loan mở Văn phòng đại diện thương mại ở nước này.

Nga hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam một lô vắc xin Sputnik V

QUAD tích cực sử dụng vắc xin

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Đối thoại Bốn bên về An ninh (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ) diễn ra một tuần trước được các nhà quan sát nước ngoài quan tâm, trước hết là vì các nước thành viên tập trung bàn về biện pháp chống coronavirus. Vốn bị nghi ngờ có ý định lập ra một kiểu "NATO châu Á", “Bộ tứ” ít đề cập đến chủ đề quân sự. Nhưng với tinh thần đối phó trước các hoạt động của Bắc Kinh, kể cả trong quan hệ nhân đạo với các nước Đông Nam Á, các nhà lãnh đạo Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ đã thỏa thuận với nhau về việc cho đến cuối năm 2022 sẽ cung cấp cho các nước trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương một tỷ liều vắc xin chống COVID-19. Mỹ, Nhật Bản, Australia sẵn sàng phân bổ 600 triệu USD cho việc này. Vắc xin sẽ được sản xuất tại các nhà máy dược phẩm ở Ấn Độ theo công thức của Johnson & Johnson.

Hội nghị thượng đỉnh QUAD dành sự tập trung như vậy cho vấn đề vắc xin chống COVID-19 cho phép Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gọi "Bộ tứ" là "lực lượng thiện chí hòa bình." Thật khó để nói ông Modi có lý đến mức nào. Tất nhiên, những người Ấn Độ vốn nổi tiếng là chiến sĩ đấu tranh vì hòa bình, ủng hộ hành động bất bạo động, không muốn bị cáo buộc tham gia hoạt động của một liên minh đang tìm cách trở thành khối quân sự. Và có thể chính Delhi sẽ cứu được liên minh này thoát khỏi những kế hoạch quân sự gây nguy hiểm cho nhân loại.

Tốt hơn hết là chứng tỏ sức mạnh của mình bằng tiến bộ y học, hơn là tăng cường tiềm năng quân sự và vũ khí.

Trong khi đó, vắc xin "Sputnik V" của Nga đã được phê duyệt ở 50 quốc gia. Tổng thống Argentina và Tổng thống Guinea đã tiêm chủng bằng loại vắc xin này.

Thảo luận