Sputnik giới thiệu bài khảo sát về lý do tại sao người gốc Á đang là vấn đề nghiêm trọng đối với xã hội dân sự Hoa Kỳ.
Công trình nghiên cứu do Stop AAPI Hate công bố hôm thứ Ba cho thấy rằng trong năm 2020 đã xảy ra 3.795 trường hợp tấn công, lăng mạ và sỉ nhục, gây thiệt hại cho những người xuất thân từ châu Á. Thế mà mới chỉ một năm trước, thống kê chính thức về những vụ tội phạm như vậy là ít hơn 1.000. Nhưng kể từ đầu năm 2021, đã có khoảng 500 vụ và con số này còn tiếp tục tăng.
Nguyên cớ nào làm gia tăng bạo lực?
Trong cuộc phỏng vấn của NBC, ông John Young, Chủ tịch tổ chức trợ giúp pháp lý cho người Mỹ gốc Á nhận định rằng một trong những nguyên nhân khiến bạo lực gia tăng ở Mỹ là bởi «những lời hùng biện chứa ác cảm với dân châu Á xung quanh đại dịch coronavirus».
Trái lại, sáng lập gia kiêm Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận AAPI Data lại cho rằng không thể lấy đại dịch coronavirus để lý giải đầy đủ cho thái độ này. Theo quan điểm của ông, đại dịch chỉ làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn âm ỉ từ lâu gắn với cảnh nghèo đói và cuộc đấu tranh vì phương tiện sinh tồn.
Cụ thể, khơi lên sự phẫn nộ của cộng đồng xã hội đối với người Mỹ gốc Á chính là tuyên bố của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khi ông gọi thứ gây dịch bệnh COVID-19 là «virus Trung Quốc». Theo dữ liệu từ nguồn mở Google, cụm từ «virus Trung Quốc» lên đến đỉnh cao về lượng tìm kiếm hồi tháng 3 năm 2020. Những tìm kiếm như vậy vẫn đang tiếp diễn cho đến nay.
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, Giáo sư Chen Hao từ Khoa Tâm lý Xã hội của ĐHTH Nankai đã nói về những nguyên nhân có thể khiến gia tăng làn sóng phân biệt chủng tộc chống người châu Á:
«Khi chúng ta cố gắng giải thích nguyên nhân gây thiên tai, chúng ta luôn tìm kiếm thủ phạm, luôn tìm kiếm đối tượng chịu trách nhiệm như là đích ngắm. Lần này mục tiêu hoá ra là người Trung Quốc. Cư dân Mỹ không hiểu thấu đáo, lập tức coi bất kỳ người châu Á nào cũng là dân Trung Quốc vì vẻ ngoài với mắt và màu da. Đặc biệt là những người xuất thân từ Đông Á. Bởi vậy, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong quan hệ với người châu Á ở Mỹ đã tăng lên».
«Hãy xéo về Trung Quốc!»
Mới đây, một cặp vợ chồng người Hàn Quốc kể với Eyewitness News rằng khi đang đi trên đường phố New York, họ đã bị một phụ nữ không quen biết xúc phạm vô cớ. Trong đoạn video do các nạn nhân ghi lại, thấy rõ một phụ nữ trung tuổi ngồi trên taxi ngang qua lớn tiếng quát: «Hãy xéo về Trung Quốc!». Hai người Hàn Quốc này đã gửi cơ quan cảnh sát đơn kiện về tội phạm hận thù chủng tộc.
Còn vụ khác. Ngày 15 tháng 2, cũng tại New York, đối diện công viên Fred Samuel, một người đàn ông gốc Á 27 tuổi đang đi về phía chiếc ô tô của anh ta thì bất ngờ bị một đối tượng lạ mặt xô đẩy mạnh. Khi anh thanh niên cố gắng hỏi lý do của hành vi này, đối tượng nọ bắt đầu tuôn ra những lời xúc phạm, chửi bới người Trung Quốc và vung tay đấm vào mặt anh. Theo lời thuật lại của nạn nhân, người nọ đã gào lên: «Cút về Trung Quốc của mày đi!»
Như báo cáo Stop AAPI Hate cho biết, phần lớn nạn nhân của sự kỳ thị phân biệt chủng tộc là các cô gái – đến 68%.
Giáo sư Chen Hao nhận xét rằng sở dĩ như vậy là bởi các cô gái là mục tiêu dễ dàng đối với kẻ xấu.
«Nạn nhân thường là những ai yếu hơn. Xét dưới góc độ thể lực, phụ nữ yếu hơn nam giới. Kẻ xấu có thể cũng muốn tấn công đàn ông châu Á đấy nhưng vẫn phần nào e ngại. Đối với chúng, tấn công người phụ nữ Á châu bé nhỏ có vẻ dễ hơn».
Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ cao trong số những người bị tấn công vì hận thù chủng tộc có thể là do số lượng khiếu nại gửi cảnh sát nhiều hơn so với từ các nạn nhân nam giới. Theo xác nhận của cảnh sát New York, quả thực có nhiều trường hợp như vậy trong thành phố, nhưng đơn giản là không phải lúc nào nạn nhân cũng báo cảnh sát. Nhân tiện xin nói thêm, vừa đây có 3 tiệm massage châu Á bị tấn công ở Atlanta (bang Georgia). Theo thông báo, 6 trong số 8 người thiệt mạng là phụ nữ gốc Á.
Gia tăng bạo lực - xu thế đáng lo ngại
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, Giáo sư Xã hội học Rosalind Chou từ ĐHTH bang Georgia lưu ý rằng đà gia tăng bạo lực trong xã hội Mỹ đối với một số nhóm người riêng lẻ là xu thế rất đáng lo ngại:
«Sự gia tăng con số các cuộc tấn công đầy thù hận nhắm vào dân châu Á là đáng báo động. Nhưng hiện tượng này không đáng ngạc nhiên, nếu tính đến chuyện chính Donald Trump đã dùng những lời lẽ thô bạo để kích động tư tưởng bài ngoại trong đội ngũ những người ủng hộ ông ta. Cũng có thể thấy những tuyên bố kiểu như vậy trong vụ tấn công vào Điện Capitol của Hoa Kỳ. Những phát biểu đầy hằn thù và độc địa kích thích người ta tới hành động bạo lực. Tranh luận bài Á do chính những người nhắm đến mục tiêu dẫn dắt. Và thế là chúng ta đang chứng kiến đà gia tăng đáng báo động về những vụ tấn công nhắm vào người châu Á».
Nạn phân biệt chủng tộc chống người gốc Á đã tăng mạnh đáng kể không chỉ ở riêng Hoa Kỳ. Hồi tháng 2, vụ việc nghiêm trọng xảy ra ở miền đông-nam nước Anh: 4 người đàn ông da trắng tấn công một vị giáo sư người Hoa 37 tuổi và đánh vào mặt ông này.
Vào tháng 6 năm 2020, Viện Angus Reid đã tiến hành công trình nghiên cứu cho thấy rằng kể từ khi bắt đầu đại dịch, hơn 50% người gốc Á ở Canada đã phải chịu sự xâm hại dưới dạng này dạng khác, còn 40% bị đe dọa và 30% thường xuyên đối mặt với những hình vẽ graffiti hoặc tin nhắn mang ý phân biệt chủng tộc trong các mạng xã hội.
Bà Cary Wu, chuyên viên nghiên cứu từ ĐHTH York nói với Sputnik rằng theo dữ liệu thống kê của cảnh sát Vancouver, số lượng vụ tội phạm thù hận chống người gốc Á đã tăng 717%!
«Điều cực kỳ quan trọng là thông báo về tất cả những vụ việc phân biệt chủng tộc chống người châu Á. Chúng ta cũng cần nâng cao nhận thức cộng đồng rằng đây là vấn nạn phổ biến, không chỉ động chạm đến những người trực tiếp trong vụ việc mà còn ảnh hưởng đến những ai nhìn thấy tin tức này trên các phương tiện truyền thông. Rất cần xây dựng và ứng nghiệm hệ thống hỗ trợ sức khỏe tâm lý-thần kinh dành cho các nhóm cư dân yếu thế», - bà Cary Wu nhấn mạnh.
Tại Canada, dành cho mục tiêu này đã khởi động một nền tảng đặc biệt là «FIGHT COVID-19 RACISM», nơi các công dân châu Á có thể tự do thông báo tin tức về những trường hợp bộc lộ thù hận chủng tộc.
Trong số các yếu tố tiên quyết dẫn đến hành vi hung hăng đó, Giáo sư Wu chỉ ra tâm thế căng thẳng do đại dịch, những thông tin sai lệch về nguồn khởi phát virus, thành kiến lịch sử và cái nhìn mặc định coi các công dân Mỹ và công dân Canada gốc Á là «người nước ngoài vĩnh viễn».
Giáo sư Luật học Jonathan Simon từ Viện Đại học California-Berkeley nói với Sputnik như sau:
«Tất cả những điều này rất đáng báo động. Đại dịch và cảnh phong toả cô lập đang khơi lên sự tức giận trong mọi người, một phần đã tự phát gia tăng thành tâm thế «chủ nghĩa kẻ cướp» còn phần khác thành chủ nghĩa phân biệt chủng tộc».
Không chỉ những công dân bình thường vấp phải tình trạng thái độ này, mà cả những nhân vật nổi tiếng. Thành viên CLB bóng rổ «Warriors» là Jeremy Lin kể lại rằng trong trận đấu của giải G-League một cầu thủ đã gọi anh là «đồ coronavirus».
«Thậm chí một người gốc Á với biên chế 9 năm cống hiến ở NBA cũng không tránh khỏi việc bị gọi là «coronavirus» trên sàn đấu thể thao», - VĐV Lin viết trên trang Facebook cá nhân khi đó.
Đại diện Quốc hội Grace Meng cũng kêu gọi kiều dân Mỹ gốc Á hãy ngừng im lặng «chịu trận». Trong bài đăng trên Twitter cá nhân, nữ nghị sĩ đã viết:
«Tôi nhận không ít tin nhắn mang ý xúc phạm kỳ thị sắc tộc. Nhưng rất nhiều người đã thiệt mạng vì nạn phân biệt chủng tộc. Đang gia tăng các trường hợp hận thù với người Mỹ gốc Á. Chúng ta phải lên tiếng».
Theo dữ liệu từ cuộc khảo sát do các thành viên tham gia cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc chống người châu Á tiến hành hồi tháng 9 năm 2020, cứ 10 người Mỹ gốc Á thì có 8 người thấy có sự xúc phạm trong các chính sách mà Chính phủ thi hành và gọi những bài viết của Donald Trump đăng trên mạng xã hội là phân biệt chủng tộc.
Vào tháng 6, Trung tâm Pew Research Center đã thực hiện công trình nghiên cứu cho thấy 39% người Mỹ gốc Á cảm thấy không thoải mái khi đám đông xung quanh họ thể hiện sự khó chịu, 31% những người tham gia khảo sát thông báo rằng cá nhân họ bị phân biệt chủng tộc, xúc phạm hoặc chí ít là đùa cợt thiếu tôn trọng.
Khắc phục tình trạng này như thế nào ?
Giáo sư Chen Hao nêu ý kiến:
«Chúng tôi không biết liệu với sự xuất hiện của Biden thì tình hình có được cải thiện hay chăng. Nếu có chính sách đúng đắn với sự bảo vệ một cách hệ thống hơn trong cộng đồng xã hội, thì khi đó những người ác cảm với dân châu Á sẽ bắt đầu hiểu ra rằng phân biệt đối xử là sai. Khi đó có lẽ tình trạng phân biệt chủng tộc sẽ được cải thiện. Tôi mong rằng truyền thông Mỹ và công chúng Mỹ, dù là chính trị gia, học giả hay giới thượng lưu kinh doanh, sẽ nhận lấy vai trò khởi xướng dẫn đầu và lên tiếng phê phán những hành vi phân biệt chủng tộc. Theo tôi thấy, mọi người vẫn hy vọng rằng cả thế giới hay mỗi nước nói riêng sẽ phát triển theo hướng đúng».
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã chỉ thị phải lưu ý đến tình hình mới phát sinh. Hồi đầu năm nay, ông Biden đã ký Bản ghi nhớ, một phần cung cấp hướng dẫn cách Bộ Tư pháp cần ứng phó với tình trạng gia tăng các vụ việc phân biệt chủng tộc chống người Mỹ gốc Á.