Tân Chủ tịch nước Việt Nam sẽ tuyên thệ như thế nào trong nhiệm kì tiếp theo?

HÀ NỘI (Sputnik) - Tuần này, Quốc hội khóa XIV họp kỳ cuối cùng, đồng thời Quốc hội sẽ tiến hành kiện toàn hàng loạt chức danh Nhà nước, trong đó có bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.
Sputnik

Dự kiến thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp cuối cùng của khóa XIV là 12 ngày, khai mạc vào ngày 24/03 và bế mạc ngày 8/4 (dự phòng ngày 9/4). Trong đó, phần lớn thời gian kỳ họp để làm công tác nhân sự.

Đã bầu xong Tổng Bí thư, khi nào Việt Nam bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng mới?

Về nội dung cụ thể, Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIV của Quốc hội và về nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước. Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (trong đó có nội dung quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Đặc biệt, dự kiến từ 30/03 sẽ tiến hành Công tác nhân sự. Theo đó, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; đồng thời bầu nhân sự thay thế giữ các chức danh này bằng hình thức bỏ phiếu kín. Tân Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ nhậm chức ngay sau khi được Quốc hội bầu.

Quốc hội cũng sẽ tiến hành bầu, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, bao gồm: Phó Chủ tịch nước, một số Phó Chủ tịch Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội, một số Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Ngoài ra, Quốc hội sẽ miễn nhiệm, bầu mới Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, một số Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng như Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh.

Chủ tịch nước Việt Nam tuyên thệ như thế nào?

Vào năm 2018, cụ thể là ngày 23/10, sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2021 tuyên thệ nhậm chức. Khi thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói:

"Dưới cờ đỏ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước, tôi, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam, xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".

Phát biểu nhậm chức sau lễ tuyên thệ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ:

Chủ tịch nước chỉ đạo khẩn trương về 5 đại án: "Không được làm tượng trưng là có xét xử"

“Trước hết, tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu tôi giữ chức Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một vinh dự vô cùng to lớn, đồng thời cũng là một trách nhiệm hết sức nặng nề đối với tôi. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ như tôi vừa tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào và cử tri cả nước. Sau đây tôi xin có một vài ý kiến có tính chất báo cáo thêm, giãi bày tâm tư, tình cảm của mình trước sự kiện này để mong được các đồng chí và các vị cùng chia sẻ. Chắc có  đại biểu muốn biết, tâm trạng của tôi lúc này thế nào. Tôi xin thưa thật rằng, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng là vì được Quốc hội, được nhân dân tin cậy, yêu mến giao nhiệm vụ. Lo là làm thế nào để hoàn thành được thật tốt trách nhiệm của mình. Đây là tâm tư, suy nghĩ thật lòng của tôi, cũng giống như tâm trạng của tôi cách đây hơn 12 năm, khi tôi được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khoá XI".

Khi phát biểu trước Quốc hội, Tổng bí thư từng ngẫu hứng lẩy 2 câu Kiều:

“Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn. Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay!”.

Chủ tịch nước báo cáo công tác nhiệm kỳ năm 2016-2021

Vừa qua, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa gửi báo cáo đến Quốc hội, tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước. Nhiệm kỳ vừa qua có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ Quyền chủ tịch nước từ ngày 23/9 đến ngày 23/10/2018.

Ngày 23/10/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước. Chủ tịch nước đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ được phân công. Báo cáo nêu:

Hội nghị Trung ương 2: Giới thiệu nhân sự ứng cử Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội

"Mặc dù nhiệm kỳ có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước và đặc biệt, từ cuối năm 2018, với trọng trách Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, trong mọi thời điểm, Chủ tịch nước đều nỗ lực thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân".

Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng khẳng định trong công tác và sinh hoạt luôn phấn đấu thể hiện trách nhiệm, toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc...

Về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, Nhà nước pháp quyền, Chủ tịch nước kiên quyết, kiên trì, quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, có hiệu quả. Vì vậy, tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp được phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử.

Nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố 72 luật, 2 pháp lệnh; ký quyết định thăng quân hàm cấp tướng đối với 400 sĩ quan quân đội; thăng cấp tướng đối với 174 sĩ quan công an; tước danh hiệu công an với 4 sĩ quan cấp tướng; giáng cấp bậc hàm với 2 sĩ quan cấp tướng...Trên cương vị là nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước đi thăm 19 quốc gia; đón tiếp, hội đàm với 26 đoàn nguyên thủ quốc gia thăm Việt Nam; dự 3 hội nghị quốc tế; chủ trì 11 hội nghị quốc tế lớn tổ chức tại Việt Nam (APEC 2017).

Thảo luận