Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã thành công. Đất nước phát triển được như hôm nay có sự đóng góp rất lớn của hoạt động dân cử và Quốc hội.
Khi nào Việt Nam bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội mới?
Sáng 15/3, tại tòa nhà Quốc hội, Phiên họp thứ 54 Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì đã diễn ra. Đây là phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội trước kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin cho biết kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra trong 12 ngày, bắt đầu từ 24/3/2021 và bế mạc vào ngày 8/4/2021.
Được biết, tại kỳ họp thứ 11 cuối cùng này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác nhân sự, kiện toàn một số chức danh chủ chốt của Nhà nước như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.
Theo chương trình dự kiến, nửa đầu kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ tập trung cho hoạt động đánh giá nhiệm kỳ công tác của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, nội dung trọng tâm tiếp theo của kỳ họp này là về công tác nhân sự.
Theo Ban Thư ký Quốc hội, dự kiến chương trình đã bố trí việc miễn nhiệm và bầu nhân sự thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiến hành theo 3 đợt: Chủ tịch Quốc hội, một số phó chủ tịch Quốc hội và một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để luôn bảo đảm số lượng cần thiết thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, phần công tác nhân sự sẽ bắt đầu với nội dung trình miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân vào ngày 30/3 tới đây.
Đồng thời, ngay sau nội dung miễn nhiệm Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Ông Phúc cũng cho biết, kết quả bầu Chủ tịch Quốc hội mới dự kiến được công bố ngày 31/3. Tân Chủ tịch Quốc hội của Việt Nam sẽ tuyên thệ nhậm chức ngay sau đó.
Từ ngày 1/4/2021, Quốc hội thực hiện việc miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và tiếp tục nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Ngày 2/4, tân Chủ tịch nước của Việt Nam ra mắt, tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hộI và toàn thể nhân dân.
Cùng ngày, dự kiến, Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nghe tân Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ mới. Từ ngày 5/4, Quốc hội bỏ phiếu bầu Tân Thủ tướng.
Sau khi có kết quả phiếu bầu, Tân Thủ tướng Chính phủ của Việt Nam cũng thực hiện nghi lễ tuyên thệ nhậm chức ngay sau đó.
Cùng với việc kiện toàn các chức danh chủ chủ chốt như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam cũng sẽ bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, một số ủy viên Ủy ban Thường Quốc hội, chủ nhiệm một số ủy ban của Quốc hội.
Bên cạnh đó, các chức danh như Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội cũng là các nhân sự được trình miễn nhiệm và bầu mới tại kỳ họp này.
Theo chương trình, dự kiến Chánh án TAND tối cao tuyên thệ nhậm chức trong ngày 6/4.
Nhìn vào chương trình dự kiến của kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV của Việt Nam có thể thấy, bên cạnh vị trí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã tái đắc cử, các chức danh chủ chốt lãnh đạo Nhà nước, đại diện cho cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp của Việt Nam đều được kiện toàn tại kỳ họp này vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 tới đây.
Cũng tại kỳ họp này, Thủ tướng Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ chủ chốt, các Phó Thủ tướng, bộ trưởng và thành viên chính phủ khác.
Cụ thể, trong hai ngày 7 và 8/4, dự kiến Việt Nam sẽ thông qua quy trình phê chuẩn miễn nhiệm một số Phó Thủ tướng, thành viên khác của Chính phủ và phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự mới thay thế theo phương án tân Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội.
Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia trình Quốc phê chuẩn việc miễn nhiệm và phê chuẩn bổ nhiệm vụ một số Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Chủ tịch nước mới sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm một số Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh.
Dự kiến, trong chiều 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự trình Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội: Xem xét kỹ lưỡng, thận trọng công tác nhân sự
Phát biểu khai mạc phiên họp 54, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết chương trình cụ thể phần công tác nhân sự tại kỳ họp sẽ được chốt lại sau ngày 23/3, ngày diễn ra phiên làm việc giữa Ban cán sự Đảng Chính phủ với Đảng đoàn Quốc hội để thảo luận về nội dung liên quan.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu lưu ý tập trung làm kỹ hồ sơ các nhân sự được giới thiệu vào các chức danh phải được chuẩn đầy đủ, chu toàn.
“Đây là Phiên họp ngắn, chỉ diễn ra một ngày nhưng Thường vụ Quốc hội sẽ dành thời gian khá quan trọng để thực hiện công tác nhân sự, kiện toàn một số chức danh của nhà nước. Công tác nhân sự được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, được sự đồng thuận cao của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho hay, để thực hiện nguyên tắc làm việc (quyết định theo đa số) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến, chương trình, đã bố trí việc miễn nhiệm và bầu nhân sự thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiến hành theo ba đợt gồm: Chủ tịch Quốc hội, một số Phó Chủ tịch Quốc hội, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ để đảm bảo số lượng thành viên cần thiết cho UBTVQH.
Hiện các cơ quan liên quan đang khẩn trương tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện tài liệu của các nội dung và gửi đến đại biểu Quốc hội.
Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng nhấn mạnh, Văn phòng Quốc hội đã chủ động triển khai và phối hợp với các cơ quan hữu quan để chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ công tác phục vụ kỳ họp. Trong đó đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các phương án bảo đảm phòng, chống dịch phục vụ kỳ họp (kể cả việc xét nghiệm Covid-19) cho các đại biểu.
Đặc biệt, tại kỳ họp cuối cùng của khóa XIV này, Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hiệu quả sử dụng các gói hỗ trợ, đưa ra các giải pháp, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn nếu tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài.
Đồng thời, đề cập trong trong Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã “thành công”
Phát biểu tại phiên họp sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá, nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV đã thành công.
Theo đồng chí, Quốc hội khóa này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, cử tri, nhân dân giao phó.
Mặc dù vậy, ở góc độ cá nhân, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng, bản thân ông còn nợ người dân hai điều. Trong đó, nợ lớn nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, khi dân ta cứ mãi “được mùa, mất giá”.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Giàu, dù đã khắc phục được một số sản phẩm, nhưng nhiều sản phẩm nông sản khác của Việt Nam vẫn bị.
“Năm nay được giá lúa thì giá xoài không được. Suốt năm 2019 giá cá không được. Đây là điều tôi băn khoăn nhất, thấy nợ nhiều nhất”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội chia sẻ.
Đồng chí Nguyễn Văn Giàu bày tỏ, vừa qua, Thủ tướng đã trình Bộ Chính trị, báo cáo ra Đại hội XIII đưa hai công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Cần Thơ - Châu Đốc vào giai đoạn sau năm 2021, nghiên cứu triển khai sớm trong giai đoạn 2021 -2025.
Theo ông, khu vực đồng bằng sông Cửu Long muốn tăng khả năng cạnh tranh, giảm giá thành, thì phải sớm đầu tư đường sắt TP. HCM - Cần Thơ. Điều này vừa giải tỏa cơ sở hạ tầng đường bộ, đồng thời giảm vận chuyển hàng hóa, đi lại đỡ vất vả hơn.
Ngoài những mặt đã làm được để đánh giá Quốc hội khóa XIV rất thành công, đồng chí Trần Văn Túy, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Quốc hội vẫn còn một số băn khoăn như vấn nạn rác thải môi trường, an ninh nguồn nước và tăng trưởng GDP bền vững.
Theo ý kiến của ông Túy, dù FDI đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của Việt Nam, nhưng như thế không thực chất vì không bắt nguồn từ sản xuất trong nước. Ngoài ra, FDI chưa liên kết với doanh nghiệp trong nước, chuyển giao công nghệ hạn chế nên càng tạo sự chênh lệch phát triển, càng khó tạo thế bền vững, lâu dài.
Theo đồng chí Trần Văn Túy, cần phải phát triển công nghệ nguồn, ít nhất là công nghệ chế tạo, để tạo ra giá trị gia tăng trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, nhiệm kỳ này của Quốc hội đã thành công.
“Chúng ta khiêm tốn không nói là thành công nhất hay là quá thành công. Một nhiệm kỳ thành công và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho. Tôi thấy khiêm tốn cách mấy thì chúng ta cũng có thể đánh giá được”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là kỳ họp mà tinh thần dân chủ được phát huy mạnh mẽ. Tuy nhiên, “dân chủ trong kỷ cương” và đúng theo quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, tại kỳ họp này, Quốc hội mở rộng dân chủ từ thảo luận sang tranh luận. Trước đây dù có tranh luận nhưng cách thể hiện và mức độ chưa rõ nét, mạnh mẽ như nhiệm kỳ này.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân cũng rất hài lòng về hoạt động của các thành viên Chính phủ tại Quốc hội. Theo bà, các thành viên Chính phủ đứng trước Quốc hội giải trình, báo cáo rất rõ ràng, lưu loát, nắm công việc trên từng lĩnh vực rất chặt chẽ, sâu sắc, hỏi đến đâu trả lời đến đó. Các cơ quan của Quốc hội càng ngày công việc càng chất lượng, hiệu quả hơn.
“Điều đó nâng cao vị thế, quyền lực của cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân. Phản biện sâu sắc, chọn đúng, trúng vấn đề cử tri quan tâm, chọn đúng vấn đề đất nước cần tháo gỡ để đi lên”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, những thành tựu và dấu ấn của nhiệm kỳ XIV sẽ là tiền đề, cần được đánh giá sâu sắc và tích lũy kinh nghiệm cho nhiệm kỳ mới (Quốc hội khóa XV).
Cho rằng, mỗi Quốc hội khóa sau làm tốt hơn khóa trước, đó là quy luật, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, phải như vậy, đất nước mới tiến bộ, phát triển được.
“Đất nước phát triển được như hôm nay có sự đóng góp rất lớn của hoạt động dân cử nói chung và của Quốc hội nói riêng”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận.