Thấy gì qua tuyên bố của lãnh đạo cấp cao Việt Nam về tình hình Biển Đông?

Tình hình Biển Đông còn căng thẳng, phức tạp. Thấy gì về chiến lược phòng thủ, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tăng sức mạnh quân đội, quyết không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống qua tuyên bố của lãnh đạo cấp cao Việt Nam?
Sputnik

Nhắc về tình hình Biển Đông vốn là vấn đề tranh chấp biển đảo hết sức nhạy cảm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, phải ứng phó, xử lý hết sức khôn khéo, tế nhị trong quan hệ với các nước, tránh để bùng nổ xung đột.

Trong khi đó, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thừa nhận, tình hình Biển Đông diễn biến căng thẳng phức tạp, đặt ra thách thức cho Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, Hà Nội đã có chiến lược bảo vệ chủ quyền quốc gia ở Biển Đông với những kế sách hết sức “căn cơ, bài bản, mềm dẻo và lâu dài”.

Vấn đề Biển Đông nhạy cảm và tế nhị: Việt Nam đã làm rất tốt, rất khôn khéo

Bí mật quốc gia thì không thể “lộ ra ngoài” nhưng có thể khẳng định, tình hình Biển Đông chưa bao giờ bị lãng quên tại nghị trường Việt Nam. Nói cách khác, Biển Đông chưa “lặng sóng”, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam chưa thể an lòng.

Không chỉ lãnh đạo cấp cao của chính quyền Hà Nội, các đại biểu Quốc hội, mà từng cử tri, người dân, “bất kể ai là người Việt Nam” cũng trăn trở khi Biển Đông còn “dậy sóng”, “kẻ thù” còn lăm le, đe dọa quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở khu vực tranh chấp này.

Cho Hải cảnh nổ súng ở Biển Đông, Trung Quốc muốn uy hiếp cả Việt Nam và Mỹ?

Ngay từ Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội Đảng XIII do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc Đại hội XIII đã nêu dự báo về tình hình Biển Đông trong thời gian tới.

Theo đó, trong báo cáo được Nguyên thủ quốc gia Việt Nam – Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng.

“Tại Đông Nam Á, môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn diễn biến phức tạp”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết.

Cùng với đó, trong khu vực, vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, nhất là an ninh mạng, ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe doạ nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới và Việt Nam.

Hà Nội đã rất nhiều lần lên tiếng, khẳng định quan điểm, lập trường nhất quán về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời, yêu cầu các quốc gia, không xâm phạm mà cần tôn trọng chủ quyền, quyền lịch sử hợp pháp của Việt Nam.

Như Sputnik Việt Nam đưa tin, trong các cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng luôn khẳng định, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với các công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó.

“Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, không có các hành động gia tăng căng thẳng, tiếp tục đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, giữ gìn hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ.

Đến phiên khai mạc kỳ họp 11, Quốc hội Khóa XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Chủ tịch nước (với sự thay đổi về nhân sự khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang đột ngột từ trần) có nêu rõ đường lối ứng xử, chiến lược ngoại giao đặc biệt tinh tế, khôn khéo, phù hợp với quan điểm đối ngoại của Việt Nam – “không đi với nước này để chống nước kia”.

Thấy gì qua tuyên bố của lãnh đạo cấp cao Việt Nam về tình hình Biển Đông?
Philippines sẽ điều thêm tàu ​​tới Biển Đông để tăng cường tuần tra

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, bộ máy chính quyền Việt Nam, với sự vào cuộc đồng lòng của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân, an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ và biển đảo thiêng liêng luôn được giữ vững. Vấn đề Biển Đông đã được cả hệ thống xử lý rất kịp thời, hiệu quả.

“Có những việc không thể nói công khai nhưng có những thời điểm, có những sự cố xảy ra ở Biển Đông xử lý thế nào, phía Tây của chúng ta thế nào, phía Tây Nam thế nào, quan hệ với nước bạn thế nào. Có những cái xử lý phải nói rất thật với các bạn, các đồng chí là hết sức tế nhị, hết sức khôn khéo nhưng cả hệ thống chúng ta làm rất tốt”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.

Cùng với đó, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam cũng khẳng định, liên quan đến nhiệm vụ an ninh quốc phòng, chính quyền đã tham gia chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án, chiến lược đảm bảo giữ vững nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và biển đảo của Tổ quốc.

“Hiện nay chúng tôi cũng đang chỉ đạo xây dựng một số chiến lược có liên quan trực tiếp đến quốc gia, cực kỳ quan trọng, không thể để bất ngờ, bị động. Trong bất cứ tình hình nào, chúng ta không được để bất ngờ về quốc phòng an ninh ở tất cả các hướng, cả phía Đông, phía Tây Nam, phía Bắc, với các nước ở xa, ở gần, nước lớn, nước nhỏ”, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho hay.

Thượng tướng Phan Văn Giang: Sẵn sàng thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược

Trong phiên làm việc ngày 28/3 của Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang đã có bài phát biểu truyền đạt chuyên đề “Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam”.

Báo Trung Quốc nói Việt Nam và Philippines “vu khống” Bắc Kinh ở Biển Đông

Theo Thượng tướng Phan Văn Giang, quốc phòng là công cuộc giữ nước được thực hiện bằng việc huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó, sức mạnh quân sự, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.

“Việc phòng thủ, bảo vệ, giữ gìn đất nước phải được làm từ sớm, từ xa, từ khi ngay trong thời gian hòa bình để luôn sẵn sàng chiến thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược nếu điều đó có xảy ra”, Thượng tướng Phan Văn Giang khẳng định.

Quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đóng vai trò quan trọng trong hệ thống quan điểm, đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng. Đây được xem là “kim chỉ nam” cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam cũng nhấn mạnh, trong suốt chiều dài lịch sử, nhận thức, tư duy của Đảng về quốc phòng luôn luôn phát triển, đổi mới sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của từng giai đoạn cách mạng, từ đó hoàn thành mọi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời đại mới, bối cảnh mới.

Ông Giang cũng nêu rõ, sau khi xem xét, nghiên cứu kỹ càng tình hình trong nước, khu vực, quốc tế và xu thế của thời đại, Đại hội XIII của Đảng đã có nhiều bổ sung, phát triển những quan điểm cơ bản về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Theo Thượng tướng Phan Văn Giang, trong những năm tới, môi trường chính trị, an ninh thế giới và trong khu vực sẽ còn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Các chiến lược và phương thức phát triển sẽ được thay đổi để thích nghi với tình hình mới.

Thấy gì qua tuyên bố của lãnh đạo cấp cao Việt Nam về tình hình Biển Đông?
“Chi phí cho ngân sách quốc phòng tăng cao, chạy đua vũ trang trở nên quyết liệt và phổ biến hơn. Trong số đó, sẽ có những quốc gia tiến hành đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, tăng cường năng lực quân sự với những vũ khí thế hệ mới”, Thứ trưởng Phan Văn Giang lưu ý.

Ông Giang dẫn chứng, hàng năm Hàn Quốc đầu tư khoảng trên 40 tỷ đô la cho mua sắm vũ khí trang bị, vẫn “kém xa” các nước lớn, ví dụ, Mỹ gần 1 nghìn tỷ đô la, Nga khoảng 200 tỷ, Trung Quốc cũng tương đương như vậy.

“Nhưng con số của Hàn Quốc gấp rất nhiều lần và hơn các nước ASEAN cộng lại. Điều đó cho thấy, các nước có điều kiện kinh tế đều tăng cường tiềm lực về trang bị vũ khí hiện đại”, Thượng tướng Phan Văn Giang thông tin.

Tàu chiến Pháp vào Biển Đông, thăm Việt Nam là “đang đùa với lửa”?
Bên cạnh đó, còn những yếu tố ảnh hưởng đến việc bảo vệ chủ quyền quốc gia đó là sự bành trướng của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Tính thực dụng, cường quyền của các nước lớn trong quan hệ quốc tế gia tăng. Đi kèm với đó là việc các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trở nên phổ biến hơn.

“Sự can dự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, không gian chiến lược mới, cùng các loại hình tác chiến mới sẽ đặt ra nhiều thách thức mới đối với hòa bình, ổn định trên thế giới, khu vực; đe doa đến độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước, nhất là nước nhỏ đang phát triển”, Thượng tướng Phan Văn Giang nói.

Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là trong mảng công nghiệp số sẽ tạo ra những đột phá cả ở lĩnh vực quốc phòng, nhiều hình thái chiến tranh mới xuất hiện được dự báo sẽ làm thay đổi môi trường chiến lược. Cùng với đó là hàng loạt các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại sẽ làm thay đổi cơ bản tổ chức quân đội, hình thái, phương thức chiến tranh.

Với sự phát triển của internet, chiến tranh mạng trong tương lai sẽ tác động sâu sắc đến quốc phòng, an ninh thế giới, khu vực và của mỗi quốc gia. Các yếu tố an ninh phi truyền thống, bao gồm khủng bố, thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp.

Tình hình Biển Đông căng thẳng: Việt Nam phải có sách lược mềm dẻo

Theo Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là nơi cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, do vậy tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Việt Nam nói vụ Trung Quốc tập trận Biển Đông, luật bầu cử Hong Kong

Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, bao gồm tranh chấp trên biển, đảo diễn ra ngày càng căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đối mặt với các thách thức lớn về nguy cơ xung đột.

“Riêng về tình hình biển Đông vẫn có những diễn biến căng thẳng, phức tạp, đang đặt ra thách thức mới về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo”, Tổng Tham mưu trưởng Phan Văn Giang cho biết.

Thượng tướng Phan Văn Giang cho biết thêm, diễn biến trên Biển Đông trong tình hình đang có sự tranh chấp giữa các nước có liên quan đến Biển Đông với nhiều vấn đề chưa giải quyết được.

Tuy nhiên, theo Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, đối với tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam phải giải quyết một cách bài bản, căn cơ, lâu dài, chiến lược, kiên định, nhưng phải có sách lược mềm dẻo, đúng đắn để giải quyết phù hợp các tình huống trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế mà trên Biển Đông là thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông), các nước ASEAN với một số nước khác và tiến tới xây dựng COC (Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông) vv…

“Tất nhiên trong quá trình thực hiện, có những việc chúng ta phải xử lý theo tình hình thực tế”, Thượng tướng Phan Văn Giang nêu rõ.

Việt Nam bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ

Theo Tướng Phan Văn Giang, sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao, tuy nhiên, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẫn phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức.

Vì sao Biển Đông là ‘miếng bánh’ hấp dẫn với nhiều nước trên thế giới?

Chính vì lẽ đó, cần phải nghiên cứu kỹ, phải tiến hành một cách chặt chẽ hơn nữa việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh ở một số lĩnh vực và tại một số địa phương, đơn vị.

“Những vấn đề phức tạp về quốc phòng đang dần trở. nên công khai, quyết liệt và trực diện”, ông Giang thừa nhận.

Về nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam, Tướng Phan Văn Giang nêu rõ, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định, cần phải phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, .... để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa...

“Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”, Thượng tướng Phan Văn Giang khẳng định.

Theo đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc đến từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh tổng hợp của đất nước cả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước mà lực lượng vũ trang làm nòng cốt.

Theo Tướng Phan Văn Giang, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã yêu cầu, công cuộc bảo vệ Tổ quốc được thực hiện bằng sức mạnh tổng hợp của Nhà nước xã hội chủ nghĩa và của nhân dân, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung thống nhất của Nhà nước.

“Kiên định nguyên tắc chiến lược, đồng thời linh hoạt về sách lược trong xử trí các tình huống liên quan đến quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ, bảo đảm cho đất nước luôn chủ động về chiến lược trong mọi tình huống”, Tổng Tham mưu trưởng nhấn mạnh.
Đến năm 2030, Việt Nam xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại

Theo bài phát biểu của Thượng tướng Phan Văn Giang, Đại hội XIII xác định phương hướng, mục tiêu “xây dựng Quân đội nhân dân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”, đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh.

Sở hữu Hải quân hiện đại nhất Đông Nam Á, Việt Nam làm gì để thành cường quốc biển?

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định, đến năm 2030 xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại.

Nhằm thực hiện đường lối này, theo ông Giang, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, bước đầu đạt được kết quả quan trọng, đảm bảo sự cân đối và tương đối đồng bộ giữa quân, binh chủng, giữa cơ quan đơn vị, giữa lực lượng thường trực và dự bị động viên.

Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam dẫn chứng, sau 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, quân đội có 11 quân khu, sau đó đã giải thể, sáp nhập, giờ chỉ còn 7 quân khu. Quân khu Thủ đô cũng chuyển thành Bộ tư lệnh thủ đô để giảm biên chế, tinh gọn bộ máy.

Đồng thời, khi chiến tranh biến giới xảy ra, trong các quân khu, có quân đoàn, và có cả đặc khu (đặc khu Quảng Ninh), còn sau chiến tranh biên giới thì giải thể các quân đoàn, đặc khu, giải thể một số sư đoàn.

Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam khẳng định, ngày xưa một quân khu có thể 5 - 7 sư đoàn, bây giờ mỗi quân khu chỉ còn lại 1 sư đoàn đóng quân.

“Cùng với đó là các quân đoàn không thường trực, đoàn kinh tế quốc phòng và đơn vị hỏa lực, lực lượng phục vụ bảo đảm để sẵn sàng nhân đôi nhân 3 mà như chiến tranh giải phóng, chống Mỹ cứu nước chúng ta đã làm”, Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.

Từ 2016 tới nay, Quân đội giảm, điều chỉnh 800 tổ chức biên chế. Đơn cử như trong lĩnh vực đào tạo, Quân đội quyết định giải thể các trường nghề ở 61 tỉnh, chỉ để lại hai trường quân sự ở TP.HCM và Hà Nội. Cùng với đó là tăng cường quân số cho các nơi trọng yếu, biên giới vũ khí trang bị mới như môi trường tác chiến mới như không gian mạng...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ‘xông đất” đầu năm Đà Nẵng: Biển Đông còn phức tạp

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Quốc phòng, để xây dựng quân đội hiện đại, công nghiệp quốc phòng cũng từng bước phát triển, đáp ứng một phần vũ khí cho lực lượng vũ trang, tiến tới “tự lực, tự cường trang bị cho quân đội và đáp ứng một phần cho kinh tế - xã hội”.

“Chúng tôi đang đi theo hướng này để mình tự lực tự cường trang bị cho quân đội và đáp ứng một phần cho kinh tế cho xã hội”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định.

Thượng tướng Phan Văn Giang cũng nêu rõ, Đại hội XIII của Đảng xác định, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên”, là cơ sở tiền đề tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế.

“Kinh tế phát triển, đất nước mạnh lên sẽ là “phương thức hữu hiệu” để bảo vệ Tổ quốc. Đây là quan điểm lý luận cơ bản, chi phối, quy định toàn bộ các nội dung về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Tướng Giang nhắc lại.
“Thái bình nên gắng sức, non nước mới ngàn thu”

Đề cập lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam, Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, dựng nước phải đi đôi với giữ nước là quy luật tất yếu.

Tướng Vịnh nói về Biển Đông: Việt Nam không để bị động, bất ngờ

Đúng như phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hay báo cáo chuyên đề của Thượng tướng Phan Văn Giang, tư tưởng “dựng nước phải đi đôi với giữ nước” được Việt Nam thường xuyên, chủ động chuẩn bị về mọi mặt ngay trong thời bình.

“Phải coi xây dựng, củng cố quốc phòng, tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân thực hiện tư tưởng “quốc phú, binh cường”, “ngụ binh ư nông”, “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “khoan thư sức dân”… là kế sâu rễ, bền gốc, là thượng sách để giữ nước”, Thượng tướng Phan Văn Giang nêu rõ.

Dẫn lại lời của ông Hồ Nguyên Trừng: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”. Tổng Tham mưu trưởng Phan Văn Giang tái khẳng định, ông cha ta cũng đã tổng kết “thái bình nên gắng sức, non nước vững ngàn thu”.

Vậy mới thấy, Việt Nam vốn đã có chiến lược riêng rõ ràng, tế nhị, khôn khéo, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu, đảm bảo cân bằng mối quan hệ hòa hảo tốt đẹp với không chỉ các nước láng giềng trong khu vực, các bên có chung tranh chấp ở Biển Đông, mà còn đủ thông minh trong đường hướng ứng phó với những thách thức, nguy cơ xung đột mới, đặc biệt là cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc lớn trên thế giới điển hình như Mỹ - Trung Quốc.

Thảo luận