Việt Nam đã có “vũ khí” để thành cường quốc công nghệ thế giới

Với việc chính thức lần đầu tiên có Trung tâm nghiên cứu về Trí tuệ nhân tạo (AI), Việt Nam đã có “vũ khí” để bước vào cuộc đua thành cường quốc công nghệ thế giới.
Sputnik

Trung tâm nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo này được kỳ vọng là nơi nghiên cứu cơ bản, tạo ra các đột phá công nghệ lõi “Made in Vietnam”.

Trung tâm nghiên cứu AI của Việt Nam được đối tác NAVER (tập đoàn công nghệ hàng đầu, được mệnh danh là “Google của Hàn Quốc”, có trụ sở chính tại Seongnam) tài trợ, đặt hàng nghiên cứu với kinh phí 4 -5 tỷ đồng/năm.

Việt Nam lần đầu tiên có Trung tâm nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo (AI)

Việt Nam chính thức có Trung tâm nghiên cứu về Trí tuệ nhân tạo (AI) được kỳ vọng sẽ tạo nên nhiều đột phá công nghệ trong “Chiến lược quốc gia về R&D và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI)”.

Camera trí tuệ nhân tạo của Bkav giúp Việt Nam bảo vệ biên giới?

Theo đó, ngày 31/3, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ nhân tạo (HUST-NAVER AI Center) chính thức ra mắt tại Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (SoICT), Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trung tâm AI của Việt Nam được thành lập và hoạt động theo mô hình trung tâm nghiên cứu quốc tế hỗn hợp vì mục đích phát triển nghiên cứu nền tảng chuyên sâu và đào tạo nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo.

Sự kiện ra mắt Trung tâm nghiên cứu về AI của Việt Nam có sự chứng kiến của ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Đáng chú ý, tham dự lễ ra mắt Trung tâm AI của Việt Nam còn có Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn NAVER - ông Choi InHyuk thông qua hình thức trực tuyến.

Được biết, trung tâm AI này là kết quả hợp tác giữa Đại học Bách khoa Hà Nội với NAVER - tập đoàn công nghệ được mệnh danh “Google của Hàn Quốc” - trong khuôn khổ dự án Vành đai Nghiên cứu AI toàn cầu (Global AI R&D Belt).

PGS.TS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng SoICT, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, Trung tâm AI này đặt mục tiêu trở thành đơn vị hàng đầu ở Việt Nam và khu vực về nghiên cứu và đào tạo trình độ cao trong lĩnh vực AI cũng như một “hub” kết nối các nhà khoa học để triển khai giải quyết các bài toán lớn, có tính liên ngành.

PGS.TS Tạ Hải Tùng cho hay, hiện khoảng một nửa nhân lực của SoICT (tương đương hơn 50 người) đang công tác toàn thời gian cho Trung tâm.

Được biết, Trung tâm AI của Việt Nam do hai đồng giám đốc - một người Việt Nam, một người Hàn Quốc (cũng là Tổng giám đốc điều hành NAVER Việt Nam) - điều hành và do GS Hồ Tú Bảo làm Giám đốc Khoa học.

PGS.TS Tạ Hải Tùng cho hay, 8 nhóm nghiên cứu đã được Trung tâm đề xuất thành lập. Cụ thể, phạm vi nghiên cứu bao gồm các nhóm đề tài về Tối ưu, Các hệ thống phân tán thông minh, Xử lý ngôn ngữ tự nhiên, Thị giác máy tính, Mạng thông minh, Học máy, Tin Sinh học, Công nghệ phần mềm thông minh.

“Trung tâm có mô hình hoạt động gọn nhẹ theo hướng mở để bất kỳ thầy cô nào cũng có thể đến làm nghiên cứu”, ông Tạ Hải Tùng khẳng định.

Đối tác Hàn Quốc giúp Việt Nam nghiên cứu và phát triển công nghệ AI

Trả lời báo chí, PGS.TS Tạ Hải Tùng cho biết, trước mắt, tập đoàn NAVER sẽ tài trợ, đặt hàng Trung tâm các đề tài nghiên cứu với khoản kinh phí khoảng 4-5 tỷ đồng/năm.

Việt Nam muốn dùng trí tuệ nhân tạo để phát hiện và loại bỏ hình ảnh “đường lưỡi bò”?

Theo ông Tùng chia sẻ với Khoa học và Phát triển, hiện Đại học Bách khoa Hà Nội đang tiến hành 17 đề tài/dự án nghiên cứu về AI với tổng kinh phí khoảng 50 tỷ đồng do Bộ Giáo dục và Đào tạo, NAFOSTED, VinBDI, USArmy, IBM và NAVER tài trợ.

“Hợp tác với NAVER, ngoài cái lợi là có kinh phí và có đầu bài, chúng tôi còn học hỏi được ở họ các kinh nghiệm triển khai nghiên cứu công nghệ để cạnh tranh toàn cầu,” PGS.TS Tạ Hải Tùng khẳng định.

Ông Tạ Hải Tùng cũng thông tin thêm rằng, không dừng ở việc hợp tác thành lập trung tâm nghiên cứu AI ở Đại học Bách khoa Hà Nội, NAVER còn có ý định thành lập một trung tâm R&D lớn ở Việt Nam.

“HUST-NAVER AI Center cần hoạt động hiệu quả để mở đường cho các hợp tác xa hơn giữa Việt Nam với NAVER”, PGS.TS Tạ Hải Tùng nêu rõ.

Kể từ tháng 7 năm ngoái tại Việt Nam, tập đoàn Hàn Quốc NAVER đã chọn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị đầu tiên để hợp tác.

Theo NAVER, Đại học Bách khoa Hà Nội Trường đứng thứ 4 Đông Nam Á trong lĩnh vực Kỹ thuật, Công nghệ trên bảng xếp hạng của Times Higher Education (chỉ xếp sau Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Kỹ thuật Nanyang và Đại học Malaya của Malaysia).

Theo nội dung hợp tác đã ký kết, hai bên sẽ mở một trung tâm nghiên cứu và đào tạo AI trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội.

Việt Nam là quốc gia giàu tiềm năng phát triển AI

Đối tác Hàn Quốc, ông Choi InHyuk, Tổng Giám đốc điều hành NAVER, phát biểu trong lễ ra mắt cũng khẳng định, Tập đoàn sẽ dành nhiều tâm huyết trong việc hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội để phát triển Trung tâm thành nơi tạo ra các sản phẩm AI có khả năng cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn ở Mỹ và Trung Quốc.

Việt Nam muốn dùng trí tuệ nhân tạo để phát hiện và loại bỏ hình ảnh “đường lưỡi bò”?

Ông Choi cho hay, tập đoàn NAVER rất ấn tượng trước sự phát triển của ngành công nghệ thông tin Việt Nam trong những năm qua.

“Việt Nam có rất nhiều tiềm năng mở rộng đào tạo nhân tài cấp cao về Trí tuệ nhân tạo”, Tổng Giám đốc điều hành NAVER khẳng định.

NAVER (được mệnh danh Google của Hàn Quốc) là tập đoàn công nghệ đa quốc gia sở hữu công cụ tìm kiếm với hơn 42 triệu người sử dụng, chiếm 75% thị phần ở xứ sở kim chi.

Kể từ tháng 10/2019, NAVER chính thức tiến hành dự án Vành đai Nghiên cứu AI toàn cầu với các đối tác ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp và Việt Nam với kỳ vọng có thể đối trọng với những chương trình AI của Google và Amazon của Mỹ hay Alibaba và Baidu của Trung Quốc.

Tại Việt Nam, ngoài hợp tác mở Trung tâm AI, NAVER còn cam kết hỗ trợ phát triển chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như hỗ trợ trao đổi nhà khoa học trong mạng lưới NAVER Labs và cấp học bổng cho sinh viên thực tập tại mạng lưới này.

Việt Nam đang hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về AI

Tại Việt Nam, từ năm 2014, trí tuệ nhân tạo (AI) đã được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển, coi đây là một trong những lĩnh vực đột phá, mũi nhọn giúp Việt Nam phát triển kinh tế số thành cường quốc công nghệ, cải thiện năng suất lao động, tăng tính sáng tạo, năng lực cạnh tranh và nâng tầm trí tuệ người Việt trên bản đồ công nghệ thế giới.

Nền kinh tế Trí tuệ nhân tạo: Thời điểm tốt nhất để Việt Nam bắt đầu

Phát biểu về Trung tâm AI đầu tiên của Việt Nam, GS. Hồ Tú Bảo cho biết, môi trường số đang tạo ra cơ hội vô giá.

Ông Bảo thậm chí còn cho rằng, đây là “cơ hội cuối cùng” để đất nước phát triển. Muốn thế, Việt Nam cần những trung tâm khoa học hàng đầu với đội ngũ nghiên cứu giỏi, làm chủ được các công nghệ quan trọng (kể cả AI) cùng với khát vọng cống hiến.

“Trung tâm AI này là một trung tâm như vậy”, GS. Hồ Tú Bảo nêu rõ.

Trên thực tế, việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo là một phần của Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 của Việt Nam.

Như Sputnik đã thông tin trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký và công bố quy hoạch tổng thể về trí tuệ nhân tạo của Việt Nam trong “Chiến lược quốc gia về R&D và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI)”.

Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN cũng như trên thế giới.

Cụ thể, Chính phủ Việt Nam nêu rõ mốc đến năm 2025 phải nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.

Đến năm 2030, Việt Nam cũng phấn đấu sẽ nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN. Ngoài ra, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Để làm được điều này, Việt Nam phải xây dựng được 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực, phát triển 3 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao.

Sản phẩm trí tuệ nhân tạo đầu tiên “Made in Việt Nam” (Video)

Ngoài ra, các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước phải có khả năng kết nối để tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ AI.

Đáng chú ý, hiện đã có rất nhiều sản phẩm công nghệ ứng dụng AI của Việt Nam gây được sự chú ý với cộng đồng công nghệ thế giới.

Điển hình như BiFace – Máy chấm công, điểm danh khuôn mặt 4.0 đầu tiên của Việt Nam, camera ứng dụng trí tuệ nhân tạo “bảo vệ biên giới” của Bkav, nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI của của Ban công nghệ tập đoàn FPT, robot trí tuệ nhân tạo đầu tiên của Việt Nam phục vụ giáo dục của chuyên gia Phạm Thành Nam cùng cộng sự Phạm Minh Toàn mang tên “Trí Nhân”.

Thảo luận