Việt Nam đưa ra quyết sách gì trong ngày đầu tiên là Chủ tịch HĐBA LHQ?

HÀ NỘI (Sputnik) - Với cương vị là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo An Liên hợp Quốc trong tháng 4, Việt Nam tích cực, chủ động, có trách nhiệm giải quyết các vấn đề "nóng" trên thế giới.
Sputnik

Chiều 1/4, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý đã chủ trì buổi họp báo quốc tế trực tiếp kết hợp trực tuyến trên cương vị Chủ tịch Hội đồng bảo an ở trụ sở Liên hợp quốc.

Chủ động, linh hoạt tháo gỡ “nút thắt” Myanmar

Trong cuộc họp báo quốc tế chiều 1/4 (giờ Mỹ), Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức các cuộc tham vấn kín về tình hình Myanmar vào ngày 31/3 vừa qua.

​“Các thành viên Hội đồng Bảo an bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình xấu đi nhanh chóng, đồng thời lên án mạnh mẽ việc sử dụng bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa và cái chết của hàng trăm thường dân, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em” - Đại sứ nhấn mạnh.

Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, các thành viên của Hội đồng Bảo an nhắc lại lời kêu gọi quân đội thực hiện kiềm chế tối đa, sự cần thiết phải tôn trọng đầy đủ các quyền con người và theo đuổi đối thoại và hòa giải phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar.

ASEAN và Trung Quốc tìm cách giúp Myanmar ra khỏi bế tắc chính trị

“Các quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an kêu gọi tất cả các bên kiềm chế bạo lực,  trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị giam giữ, bao gồm cả Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint” - Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết thêm.

Các thành viên của Hội đồng Bảo an ghi nhận tuyên bố của Tổng thư ký ngày 27 tháng 3 năm 2021 kêu gọi phản ứng kiên quyết, thống nhất và kiên quyết từ cộng đồng quốc tế. Đồng thời, HĐBA LHQ cũng nhấn mạnh tiếp tục theo dõi tình hình chặt chẽ, nhanh chóng nắm bắt vấn đề.

Tất cả vì một Myanmar bình yên trở lại

Liên quan đến các nỗ lực giải quyết khủng hoảng tại Myanmar, ngày 2/4 HĐBA LHQ vừa mới đưa ra thông cáo báo chí về tình hình tại quốc gia Đông Nam Á này. Thông cáo nêu rõ:

“Các thành viên của Hội đồng Bảo an bày tỏ quan ngại trước những hạn chế đối với xã hội dân sự, nhà báo và nhân viên truyền thông. Chúng tôi kêu gọi mọi người cần tiếp cận nhân đạo một cách an toàn và không bị cản trở, bao gồm cả việc tái thiết lập các chuyến bay cứu trợ của Liên Hợp Quốc”.

Các thành viên của Hội đồng Bảo an nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các tổ chức khu vực, đặc biệt là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và hoan nghênh Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN ngày 1/2.

​Thông cáo trên còn nhấn mạnh về sự cần thiết phải giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng ở bang Rakhine, Myanmar và tạo điều kiện cần thiết cho sự trở về an toàn của tất cả những người bị bắt và giam giữ.

Các thành viên Hội đồng Bảo an tái khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với chủ quyền, độc lập chính trị, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của Myanmar./.

Thảo luận