Ông Tất Thành Cang bị khai trừ Đảng: Củi tươi, củi khô cũng phải vào lò

Ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM bị khai trừ ra khỏi Đảng. Việt Nam tiếp tục công cuộc ‘đốt lò’, công tác xây dựng Đảng, làm trong sạch đội ngũ đảng viên dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sputnik

Ông Tất Thành Cang, cùng với nguyên Chánh án TAND Phú Yên Lê Văn Phước, bị Ban Bí thư thi hành kỷ luật vì có những sai phạm hết sức nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng.

Khai trừ Đảng ông Tất Thành Cang

Thông tin ông Tất Thành Cang bị khai trừ Đảng được công bố sau cuộc họp ngày 7/4/2021 của Ban Bí thư dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trụ sở Trung ương Đảng.

Việc ông Tất Thành Cang bị đề nghị khai trừ ra khỏi Đảng chỉ là ‘sớm hay muộn’

Theo đó, Ban Bí thư họp nhằm xem xét, thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên Phó Trưởng Ban Biên soạn lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh và ông Lê Văn Phước, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên.

Thông cáo báo chí sau cuộc họp cho thấy, Ban Bí thư đã xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương liên quan đến đề nghị kỷ luật hai ông Tất Thành Cang và Lê Văn Phước.

Ban Bí thư nhận thấy: Trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang đã “vi phạm rất nghiêm trọng” nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Những vi phạm của ông Cang gây thiệt hại, thất thoát rất lớn ngân sách Nhà nước, đồng thời, ông Tất Thành Cang cũng đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Đối với ông Lê Văn Phước, Ban Bí thư khẳng định, với trách nhiệm Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên, ông Phước đã vi phạm Quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Đặc biệt, ông Lê Văn Phước được xác định có hành vi tham ô, chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước, đã bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng quyết định xử phạt 12 năm 6 tháng tù về tội “Tham ô tài sản”.

Vụ ông Tất Thành Cang ở IPC và SADECO: Vì sao Viện Kiểm sát phải trả hồ sơ?

Ban Bí thư nêu rõ, vi phạm của 2 ông Tất Thành Cang và Lê Văn Phước là rất nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng.

Từ đó, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với hai ông Cang và Phước.

“Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Tất Thành Cang và ông Lê Văn Phước”, Ban Bí thư khẳng định.

Trước đó, như Sputnik Việt Nam đã thông tin, ngày 22/3, tại kỳ họp thứ hai của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan này đã thống nhất đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang thông qua hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Tất Thành Cang đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).

Quan lộ và sai phạm của ông Tất Thành Cang

Ông Tất Thành Cang sinh năm 1971, quê ở Long An, là Ủy viên Trung ương Đảng khoá XI (dự khuyết), khoá XII của Việt Nam.

Từ năm 2004 đến năm 2009, ông Tất Thành Cang là Bí thư Thành Đoàn TP.HCM và giữ vị trí Bí thư kiêm Chủ tịch UBND quận 2 từ năm 2009 đến năm 2012.

Vì sao chưa thể truy tố ông Tất Thành Cang?

Từ tháng 10/2012 đến tháng 6/2014, ông Tất Thành Cang làm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, sau đó là Phó chủ tịch UBND thành phố.

Ông giữ chức Phó bí thư Thành uỷ TP HCM từ năm 2016 đến tháng 12/2018 sau khi bị kỷ luật và chuyển sang làm Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo công trình “Lịch sử TP.HCM”.

Sai phạm của ông Tất Thành Cang là vô cùng nghiêm trọng và “có hệ thống”. Ngày 26 tháng 12 năm 2018, Hội nghị Trung ương 9, khóa XII đã thông qua việc kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức: Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Hôm 16/12/2020, Công an TP.HCM đã thực hiện lệnh khởi tố, bắt tạm giam và khám xét nơi ở, nơi làm việc của nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang liên quan việc Công ty Tân Thuận (IPC) bán chỉ định cổ phiếu cho Nguyễn Kim tại SADECO.

Đồng thời, ông Cang bị bắt để điều tra về tội 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí' theo điều 219, Bộ Luật hình sự 2015.

Bên cạnh việc bị khởi tố, xử lý hình sự vì chấp nhận chủ trương phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn SADECO, gây thiệt hại Nhà nước ít nhất 157 tỷ đồng, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang còn liên quan đến ít nhất ba sai phạm khác trong suốt thời gian làm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.

Đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang

Ông Tất Thành Cang là một trong những trường hợp cựu lãnh đạo bị kỷ luật để lại bài học sâu sắc về công tác cán bộ ở Việt Nam.

Chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nhận xét về vụ việc của ông Tất Thành Cang nhấn mạnh rằng, đây là bài học sâu sắc cần rút kinh nghiệm,

“Đây là bài học sâu sắc không chỉ đối với đồng chí Tất Thành Cang mà là với tất cả chúng ta”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói đồng thời yêu cầu cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa, tránh đi vào vế xe đổ như ông Cang cũng như để lại nỗi đau đối với người thân, gia đình, bạn bè, đồng chí.
Thảo luận