Ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Việt Nam đề nghị lên Ban Bí thư thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng.
Vì sao ông Tất Thành Cang bị đề nghị khai trừ Đảng?
Chiều nay 22/3/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) vừa ra thông cáo chính thức về đề nghị đưa ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ra khỏi hàng ngũ Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thông cáo mới nhất cáo mới nhất của mình, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, trong các ngày 18, 19 và 22/3, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII đã họp kỳ thứ hai, xem xét nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc đề nghị thi hành khai trừ ra khỏi Đảng ông Tất Thành Cang.
Đồng chí Trần Cẩm Tú, ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - chủ trì kỳ họp lần thứ hai của UBKTTƯ này.
Theo thông cáo, cụ thể, sau khi xem xét các nội dung Báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật đối với đảng viên, xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang và một số cá nhân liên quan.
Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư “khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Tất Thành Cang.
Nêu lý do vì sao đề nghị đưa cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM ra khỏi hàng ngũ của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang đã có một số vi phạm “rất nghiêm trọng”.
“Ông Tất Thành Cang đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO)”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận.
Ông Tất Thành Cang sai phạm những gì?
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, 16/12/2020, Công an TP.HCM đã thực hiện lệnh khởi tố, bắt tạm giam và khám xét nơi ở, nơi làm việc của nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang liên quan việc Công ty Tân Thuận (IPC) bán chỉ định cổ phiếu cho Nguyễn Kim tại SADECO.
Ông Tất Thành Cang bị bắt để điều tra về tội 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí' theo điều 219, Bộ Luật hình sự 2015. Sai phạm của ông Tất Thành Cang là vô cùng nghiêm trọng và “có hệ thống”.
Việc cựu Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang bị bắt là động thái được Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TP.HCM đưa ra sau gần hai năm ông Cang bị cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM với hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.
Cùng ngày, Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã hoàn tất thủ tục tạm đình chỉ tư cách đại biểu HĐND thành phố đối với ông Tất Thành Cang nhiệm kỳ 2016 -2021 theo điều 100 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Theo đó, Thường trực HĐND TP.HCM quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu HĐND của ông Tất Thành Cang.
Ngày 20/12/2020, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã có quyết định tạm đình chỉ 3 tháng chức vụ Phó ban biên soạn lịch sử đảng bộ TP.HCM đối với ông Tất Thành Cang để phục vụ công tác điều tra.
Liên quan đến vụ án trên, ngày 10/3/2021, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP.HCM cho biết đã trả lại hồ sơ cho Cơ quan Điều tra Công an TP.HCM vụ án ông tất Thành Cang cùng đồng phạm ở IPC và SADECO để điều tra bổ sung.
Theo đó, VKSND TP.HCM yêu cầu Cơ quan Điều tra Công an TP.HCM xác định lại thiệt hại trong vụ án “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên phát triển công nghiệp Tân Thuận IPC và Công ty Phát triển Nam Sài Gòn SADECO liên quan cựu lãnh đạo TP.HCM Tất Thành Cang và 18 bị can khác.
Theo Kết luận điều tra số 481 của PC 03, Công an TP.HCM đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan đến hành vi phát hành sai quy định 9 triệu cổ phiếu SADECO cho Công ty Nguyễn Kim. Cùng với đó, kết luận của Cơ quan Điều tra Công an TP.HCM cũng đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang vì gây thiệt hại 157 tỷ đồng.
Liên quan vụ án này, Công an TP.HCM cũng chỉ rõ bị can Tề Trí Dũng, cựu Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận IPC kiêm Chủ tịch HĐQT SADECO cùng với bà Hồ Thị Thanh Phúc, cựu Tổng Giám đốc của SADECO bị đề nghị truy tố về tội “Tham ô” hơn 1,7 tỷ đồng (theo khoản 4 Điều 353 Bộ Luật Hình sự của Việt Nam).
Đồng thời, hai bị can Tề Trí Dũng và Hồ Thị Thanh Phúc còn bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí (khoản 3 Điều 219 Bộ Luật Hình sự).
Hai bị can khác cũng đóng vai trò trong vụ án này là Phạm Văn Thông, nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM và Huỳnh Phước Long, nguyên chuyên viên Văn phòng Thành ủy, nguyên thành viên HĐQT Công ty Sadeco - công ty con của IPC.
Cơ quan Điều tra Công an TP.HCM khẳng định, vụ án liên quan đến sai phạm ở nhiều lĩnh vực, nhiều hành vi phạm tội khác nhau, liên quan nhiều đơn vị, doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Đồng thời, các cá nhân sai phạm giữ vị trí cao, chủ chốt, quan trọng tại các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước.
Phía nhà chức trách Việt Nam khẳng định, đây là vụ án được các cấp lãnh đạo quan tâm, việc xử lý vụ án được dư luận quan tâm.
“Việc điều tra, xử lý vụ án kịp thời đã góp phần thu hồi tài sản cho Nhà nước và góp phần ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn TP.HCM”, Công an TP.HCM kết luận.
Ông Tất Thành Cang là ai?
Ông Tất Thành Cang sinh năm 1971, quê ở Long An, là Ủy viên Trung ương Đảng khoá XI (dự khuyết), khoá XII của Việt Nam.
Từ năm 2004 đến năm 2009, ông Tất Thành Cang là Bí thư Thành Đoàn TP.HCM và giữ vị trí Bí thư kiêm Chủ tịch UBND quận 2 từ năm 2009 đến năm 2012.
Từ tháng 10/2012 đến tháng 6/2014, ông Tất Thành Cang làm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, sau đó là Phó chủ tịch UBND thành phố.
Ông giữ chức Phó bí thư Thành uỷ TP HCM từ năm 2016 đến tháng 12/2018 sau khi bị kỷ luật và chuyển sang làm Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo công trình “Lịch sử TP.HCM”.
Ngày 26 tháng 12 năm 2018, Hội nghị Trung ương 9, khóa XII đã thông qua việc kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức: Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.
Bên cạnh việc bị khởi tố, xử lý hình sự vì chấp nhận chủ trương phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn SADECO, gây thiệt hại Nhà nước ít nhất 157 tỷ đồng, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang còn liên quan đến ít nhất ba sai phạm khác trong suốt thời gian làm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.
Với hàng loạt sai phạm được Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xác định là đặc biệt nghiêm trọng, “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, quy trình xử lý công việc”, gây bức xúc trong xã hội và làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật thì việc bị đề nghị khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Cang chỉ là việc sớm hay muộn.
Những năm qua, rất nhiều cử tri Việt Nam đều bày tỏ quan điểm “không thể bao che” cho những sai phạm nghiêm trọng của cựu Phó Bí thư Thường trực Tất Thành Cang.