Ngành giáo dục kỳ vọng gì vào tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn?

HÀ NỘI (Sputnik) - Việt Nam vừa có Tân Bộ trưởng GD&ĐT mới, thay cho ông phùng Xuân Nhạ. Trên cương vị mới, điều mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn áp lực nhất chính là kiên định với đường hướng cải cách giáo dục.
Sputnik

Ngày 08/04, ông Nguyễn Kim Sơn được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm là Bộ trưởng GD&ĐT, thay ông Phùng Xuân Nhạ. Có thể nói rằng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là một vị trí thách thức và khó khăn, sau đây là những thử thách về Giáo dục mà ông Nguyễn Kim Sơn sẽ phải đối mặt trong nhiệm kỳ của mình.

Ngành giáo dục kỳ vọng gì vào tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn?

Những công việc còn dở dang của người tiền nhiệm

Ông Nguyễn Kim Sơn thay thế ông Phùng Xuân Nhạ trong một bối cảnh rất đặc biệt của ngành giáo dục, đó là khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới. Việc đại dịch đã, đang và sẽ có những tác động trực tiếp đến ngành giáo dục là điều không thể tránh khỏi. Chính vì thế cần có những biện pháp đề phòng trường hợp xấu nhất có thể.

Chân dung 12 Tân Bộ trưởng, trưởng ngành của Chính phủ

Cải cách giáo dục, cải cách sách giáo khoa và thi cử luôn là những chủ đề có tính thời sự được đông đảo độc giả cả nước quan tâm. Cụ thể, chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới triển khai ở lớp 1 và theo lộ trình thì còn phải 4 năm nữa mới hoàn thiện, những công việc phải triển khai tới đây đến đội ngũ nhà giáo ở các nhà trường sẽ rất lớn.

Đặc biệt, chất lượng thực của giáo dục bậc phổ thông vẫn đang là một vấn đề nan giải, đổi mới giáo dục, thi cử chưa mang tính ổn định nên thầy trò ở các nhà trường cũng vất vả theo.

Tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra thường xuyên, liên tục. Thái độ thờ ơ trong học tập của một bộ phận học sinh, sinh viên vẫn xảy ra. Một bộ phận giáo viên đang dè chừng trong công việc, nhất là giáo dục đạo đức cho học trò bởi chính những ràng buộc về quy định liên quan đến đạo đức nhà giáo, thi đua của ngành.

Bất cập về bằng cấp cho giáo viên

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói gì về sách Tiếng Việt lớp 1 và đổi mới giáo dục ở Việt Nam?
Ngoài ra, những hội thi, cuộc thi của giáo viên và học sinh vẫn luôn là đề tài gây tranh cãi về tính trung thực, mới đây nhất là cuộc thi khoa học kĩ thuật quốc gia có những đề tài đạt giải nhưng lại trùng lặp với các giải năm trước và vấn đề này cũng từng xảy ra tương tự ở một số năm trước đây.

Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 quy định chuẩn trình độ của giáo viên mầm non là cao đẳng, từ tiểu học đến trung học phổ thông là đại học nên lộ trình đào tạo tới đây cho giáo viên chưa đạt chuẩn cũng là một bài toán khó.

Chứng chỉ ngoại ngữ và tin học của giáo viên đã bỏ nhưng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện nay vẫn chưa ngã ngũ giữa quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục. Hay việc thăng hạng, giữ hạng, xuống hạng, lương, phụ cấp của giáo viên vẫn là đề tài được giáo viên luôn quan tâm nhiều nhất...

Ngành giáo dục kỳ vọng gì vào tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn?

Trước hết, Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ưu tiên cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với những khối lớp còn lại ở những năm tới đây thật tốt. Chương trình thành công hay không, trước tiên phải xác định giáo viên sẽ là trung tâm cho việc đổi mới lần này. Vì thế, việc đầu tiên là giảm bớt áp lực cho giáo viên đối với những công việc vô bổ, không cần thiết.

Chương trình bồi dưỡng giáo viên cần trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn nhưng dễ tiếp cận bởi thực tế trình độ giáo viên hiện nay có nhiều thế hệ khác nhau nhưng thiết kế phần mềm tập huấn hiện nay còn dàn trải, giáo viên phải học nhiều nhưng lại rất khó “đọng lại” bao nhiêu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về Chữ Việt Nam song song 4.0

Việc thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa phải thật sự thận trọng, cần lắng nghe những góp ý chân thành từ dư luận để tránh tình trạng lặp lại sách giáo khoa lớp 1 ở năm học 2020-2021 vừa qua. Mỗi một lần cải cách sách giáo khoa sẽ kéo theo một chương trình trên dưới 20 năm trời nên những năm đầu tiên giáo viên cần được ưu tiên, đầu tư nhiều mới tạo được thuận lợi để làm tiền đề cho những năm kế tiếp.

Bên cạnh đó, Bộ cần mạnh dạn sửa đổi, thay thế những việc, những điều không hoặc chưa phù hợp đối với ngành giáo dục hiện nay. Chính vì thế, Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ cần có những đề xuất, tham mưu tốt cho Chính phủ, Quốc hội, Trung ương về các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp đối với giáo viên. Những văn bằng, chứng chỉ nếu thấy không phù hợp thì Bộ mạnh dạn bỏ bớt để giảm tải cho giáo viên, cũng là cách giảm những tiêu cực, hạn chế hiện nay.

Ngoài ra, những phân tích mổ xẻ và góp ý giải pháp từ chính người trong cuộc là các nhà giáo, các cán bộ quản lý giáo dục đương tại vị hay đã về hưu, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu vẫn nên cập nhật thường xuyên. Bởi, những ý kiến đóng góp cho Bộ và Bộ trưởng sẽ mang nhiều hơi thở thực tiễn đời sống giáo dục, bổ khuyết cho những gì Bộ trưởng khó có thể tìm thấy qua các báo cáo chính thức theo ngành dọc.

Hy vọng, với bản lĩnh, trí tuệ và kinh nghiệm quản lý, công tác của ông Nguyễn Kim Sơn trong hàng chục năm qua ở nhiều vị trí khác nhau sẽ là những kinh nghiệm quý báu để thầy Sơn làm tốt vai trò Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong những năm tới đây. Điều mà tất cả mọi người dân, học sinh, sinh viên mong muốn chính là nền giáo dục nước nhà nhanh chóng tìm được điểm đột phá để sánh ngang cùng các cường quốc trên thế giới.

Thảo luận