Chuyến đi của nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm tới khu vực này do tàu Queen Elizabeth dẫn đầu sẽ là một bước tiến quan trọng của Vương quốc Anh trong việc tăng cường hợp tác an ninh. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã tuyên bố như vậy khi phát biểu tại Indonesia. Trong hai ngày 7-9 tháng 4, ông Dominic Raab đến thăm Indonesia và Brunei. Hôm thứ Sáu, tại Brunei, trong ngày cuối cùng của chuyến công du, Ngoại trưởng Anh cùng các đồng nghiệp ASEAN thảo luận dưới hình thức hội nghị truyền hình về kế hoạch của Vương quốc Anh trở thành đối tác đối thoại ASEAN và khởi động đàm phán song phương về khu vực thương mại tự do.
Chuyến công du đầu tiên - đến Châu Á
Trả lời phỏng vấn Sputnik, bà Kira Godovanyuk, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm nghiên cứu Anh của Viện châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đã gọi việc ông Dominic Raab tới châu Á khi thực hiện công du nước ngoài đầu tiên sau khi công bố Chính sách đối ngoại và chiến lược an ninh của Vương quốc Anh hồi tháng 3 là chuyến thăm mang tính biểu tượng:
“Vương quốc Anh đang cố gắng khẳng định vị thế của mình trong khu vực này, do đó, việc cử một nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm là một bước rất quan trọng nhằm thể hiện ý định và năng lực nghiêm túc ở đó, để tuyên bố mình là một cầu thủ đóng vai trò quan trọng. Ngoài việc thể hiện hình ảnh, Vương quốc Anh còn muốn có các lợi ích mạnh mẽ về thương mại, kinh tế và đầu tư. Tái định hướng sang châu Á là một trong những ưu tiên kinh tế đối ngoại trong chiến lược thương mại của Anh sau khi ra khỏi EU. Châu Á là một trong các trọng tâm địa chính trị, Vương quốc Anh sẽ không bỏ lỡ cơ hội này."
Chuyên gia Kira Godovanyuk gọi việc nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm đi vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương là một minh chứng mới cho thấy ý định của Anh về chống Trung Quốc trong khu vực. Đồng thời, bà không loại trừ khả năng Anh muốn xây dựng liên minh mới, các trục tương tác mới với các đối tác trong khu vực, mặc dù hầu hết các nước ở Đông Nam Á chưa sẵn sàng ủng hộ bất kỳ hành động chống Trung Quốc nào của Anh.
Trung Quốc sẽ có phản ứng như thế nào?
Ông Yan Yan, giám đốc Trung tâm các vấn đề pháp lý và chính trị Biển Đông thuộc Viện Biển Đông của Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh có thể phản ứng với thực tế mới một cách thận trọng, không quá lo lắng hoặc thổi phồng vấn đề:
“Tàu chiến của một số nước châu Âu như Pháp, Đức đã đi qua Biển Đông trong năm 2021. Vương quốc Anh đã nhiều lần tuyên bố rằng họ có ý định làm điều đó. Nhìn chung, các nước này đang đưa ra những tuyên bố rất to lớn phản ánh mong muốn tăng cường tham gia vào các vấn đề ở Biển Đông. Trong khi đó, hoạt động của họ gây tác động tương đối hạn chế đối với tình hình trong khu vực. Trung Quốc có thể đối phó với những thách thức mới này một cách thận trọng mà không quá lo lắng hoặc thổi phồng vấn đề. Ngoài ra, Đức chẳng hạn, đã nói rõ rằng các tàu chiến của họ sẽ không đi vào vùng biển 12 dặm xung quanh các đảo và bãi đá ngầm đang tranh chấp, tức là không vào lãnh hải của Trung Quốc. Nói một cách dễ hiểu, các quốc gia này đang tiến hành tuyên truyền rầm rộ, đồng thời hành động tương đối thận trọng. Ngoài ra, việc tàu chiến châu Âu đi qua Biển Đông khẳng định tuyên bố của Trung Quốc rằng chưa bao giờ Trung Quốc có bất kỳ vấn đề gì về tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Trên thực tế, chúng ta thấy rằng không có gì ngăn cản họ di chuyển phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Chuyên gia Trung Quốc dự đoán phương Tây sẽ gia tăng hoạt động quân sự ở khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, theo ý kiến của ông, điều đó sẽ không thể cản trở Trung Quốc và các nước trong khu vực nỗ lực tăng cường hòa bình và hợp tác ở Biển Đông.
“Hoạt động quân sự của các nước châu Âu, Australia và Nhật Bản ở Biển Đông sẽ không thể ảnh hưởng đến lập trường của Trung Quốc, ASEAN và các nước khác trong khu vực. Chúng tôi là chủ sở hữu chung của khu vực này và chúng tôi có quyền xây dựng các quy tắc ứng xử của khu vực. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông, và cũng sẽ tăng cường hợp tác ở Biển Đông phù hợp với Tuyên bố hành động của các bên ở Biển Đông. Điều này áp dụng cho các lĩnh vực như chống cướp biển, bảo vệ môi trường biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, hợp tác hải quân. Các vấn đề hòa bình và hợp tác ở Biển Đông cần phải do các nước Biển Đông cùng giải quyết."
ASEAN vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc
Mới đây, Phó Vụ trưởng Bộ Thương mại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ông Wei Yan đã tuyên bố như vậy khi công bố kế hoạch tổ chức Hội chợ Trung Quốc-ASEAN EXPO lần thứ 18 vào tháng 9 tại Nam Ninh. Quan chức này lưu ý rằng trong năm 2020, thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đạt 684,6 tỷ USD, và bất chấp đại dịch đã tăng gần 6,7%/năm. Tổng khối lượng đầu tư lẫn nhau giữa Trung Quốc và ASEAN trong năm 2020 đạt 22,31 tỷ USD. Tất cả những điều này phản ánh tiềm năng mạnh mẽ và sự ổn định trong hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN.
Điều này có nghĩa là Vương quốc Anh sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc trên thị trường châu Á, và với Indonesia mà nước này có kim ngạch thương mại chỉ đạt 2,7 tỷ bảng Anh/năm. Đồng thời, theo chuyên gia Kira Godovanyuk, việc tăng cường hợp tác quân sự với các nước ASEAN có thể được Anh coi là một cách vận động hành lang vì lợi ích kinh tế của mình:
“Mối quan tâm thương mại của Vương quốc Anh trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương là rất lớn. Và rất có thể, các thỏa thuận quân sự sẽ trở thành nguyên cớ bổ sung trong việc thúc đẩy mối quan tâm này. Vương quốc Anh không chỉ quan tâm đến phát triển thương mại, mà điều quan trọng là nước này muốn đồng thời có sự hiện diện chiến lược khác ở châu Á. Điều này phù hợp với logic "nước Anh toàn cầu". Vương quốc Anh sẽ đề nghị các nước trong khu vực hỗ trợ và hợp tác trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, để đạt được các ưu đãi trong quan hệ kinh tế và thương mại."