Nhân mốc kỷ niệm này, phi công vũ trụ Liên Xô, hai lần Anh hùng Liên Xô, phi hành gia còn sống cuối cùng từ đội du hành vũ trụ thứ nhất, người đã thực hiện hai chuyến bay vào không gian, ông Boris Volynov đã chia sẻ với Sputnik về cuộc tuyển chọn phi hành gia thời đó, về quan hệ của ông với Gagarin và về chuyện xung quanh nguyên nhân tử vong của nhà du hành vũ trụ số 1.
Sputnik: Xin hãy kể về chuyện ông được chọn vào đội phi công vũ trụ như thế nào?
Boris Volynov: Năm 1955 tôi tốt nghiệp trường đào tạo và trở thành phi công của lực lượng phòng không Matxcơva, phục vụ ở Yaroslavl. Công tác rất phức tạp, khó khăn. Thực tế là không có ngày nghỉ. Một hôm, tôi nhận lệnh lên ban chỉ huy trung đoàn. Trước khi vào văn phòng, tôi được mời tới một phòng khác, nơi đại diện Cơ quan An ninh Quốc gia KGB yêu cầu tôi ký cam kết không tiết lộ bí mật. Tôi đã ký. Bước vào văn phòng, thấy không có trung đoàn trưởng, mà thay vào đó là những người lạ. Tôi được đề nghị làm công việc với sự mạo hiểm tính mạng là bay với tốc độ lớn và độ cao cao hơn các máy bay tiêm kích của chúng tôi, mặc dù chúng tôi vẫn tự hào về thực tế chúng tôi bay ở tốc độ và độ cao bậc nhất đương thời. Tôi đồng ý nhận công tác mới, rồi sau một khoảng thời gian ngắn, tôi nhận lệnh thực hiện chuyến công tác tới Matxcơva. Chúng tôi trải qua cuộc tuyển chọn trong buồng áp lực, trên máy ly tâm, trên chiếc xích đu đặc biệt để kiểm tra bộ máy tiền đình. Tổng thời gian thử thách là 40 ngày đêm. Trong số 5 phi công của trung đoàn được gọi đến quân y viện, duy nhất có tôi là người vượt qua kỳ kiểm tra với kết quả «Phù hợp». Sau một thời gian nữa, lại nhận lệnh về Matxcơva. Có 12 người, hôm sau thêm người thứ 13. Trong nghề hàng không, đây là con số mà người ta rất e ngại. Không một chiếc máy bay nào trong đơn vị không quân của chúng tôi mang số đuôi 13, không căn hộ nào trong thị trấn quân sự đánh số 13. Chi tiết như vậy vẫn in đậm trong ký ức.
Sputnik: Ông còn nhớ cuộc làm quen với Gagarin chứ?
Boris Volynov: - Chúng tôi quen biết anh ấy gần gũi hơn qua những lần nhảy dù. Anh ấy cho rằng tôi nhảy rất ổn và đến để tham khảo ý kiến. Chúng tôi bố trí dù cùng với nhau. Yura đã nhận biết không nhầm. Ngay sau lần nhảy thứ 17, theo yêu cầu của trưởng nhóm, tôi được cắt cử làm hướng dẫn viên và giúp đỡ các bạn. Chúng tôi giao tiếp không chỉ về công việc. Chúng tôi còn chơi bóng chuyền cùng nhau.
Sputnik: Hồi đó không lập tức rõ ngay là Yuri Gagarin sẽ trở thành nhà du hành vũ trụ đầu tiên. Khi nào ông biết chuyện ai sẽ bay vào ngày 12 tháng 4?
Boris Volynov: - Cho đến giây phút cuối cùng, chúng tôi vẫn không biết ai sẽ bay, Yuri Gagarin hay là German Titov. Ví dụ, trong du hành vũ trụ, trọng lượng người bay là rất quan trọng. Thừa cân luôn gây lãng phí nhiên liệu của tên lửa đẩy. German nhẹ cân hơn Yura. Chỉ tại cuộc họp của Ủy ban Nhà nước về vũ trụ, người ta mới quyết định ai bay đầu tiên. Chúng tôi không có mặt ở đó, mà chỉ biết về sự lựa chọn này trong thời gian chuyến bay, khi nghe thấy tín hiệu gọi «Kedr» («Thông tuyết») của Gagarin trong cuộc liên lạc vô tuyến với Trái đất. Mặt khác, sau đó không bao lâu German cũng bay vào vũ trụ. Nếu Gagarin thực hiện một vòng quay xung quanh Trái đất và không cảm thụ được hết «niềm sảng khoái» của tình trạng không trọng lượng, thì German là người đầu tiên trên thế giới tự mình trải nghiệm mọi thứ trong chuyến bay dài một ngày đêm của anh. Vào thời điểm đó, chưa ai biết và cũng không ai giải thích được việc tình trạng không trọng lượng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến bộ máy tiền đình, nơi trong đầu chứa đầy máu.
Sputnik: Ông đã đón ngày 12 tháng 4 năm 1961 như thế nào và ở đâu?
Boris Volynov: - Hôm đó tôi đang ở Khabarovsk tại trạm thu phát sóng vô tuyến. Nhiệm vụ của tôi là đảm bảo liên lạc với Yura. Khi bay ngang qua chỗ chúng tôi, anh ấy bắt đầu báo cáo: «Tôi đang đi vào vùng bóng tối của Trái đất». Tất cả chúng tôi đều tự hỏi – Thế là thế nào? Lúc đó không ai biết về điều này. Thì còn gì nữa, năm 1961 mà. Sao lại bóng tối của Trái đất chứ? Mãi sau chúng tôi mới hiểu ra. Yura hạ cánh, công việc của chúng tôi hoàn thành, đã đến lúc trở về Matxcơva. Trong thành phố, chúng tôi đã thấy cảnh tượng thật tưng bừng. Hôm đó là ngày làm việc trong tuần, nhưng rất đông người hân hoan đổ ra phố nên tôi chỉ có thể so sánh sự kiện này với lễ hội kỷ niệm Ngày Chiến thắng.
Sputnik: Theo ông nghĩ thì tại sao chính Gagarin được chọn? Do những phẩm chất con người vốn có của ông ấy chăng?
Boris Volynov: - Yura luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác. Ngay cả vào thời điểm khó khăn, anh ấy cũng biết cách tháo gỡ xoa dịu tình thế.
Anh ấy đã trải qua nhiều vất vả gian khổ, nhưng tôi chưa bao giờ thấy anh ấy xúc phạm một ai. Yura luôn sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ. Anh có đủ tư cách, kỹ năng, sự thông tuệ để tìm ra tiếng nói chung với mọi người.
Có lần chúng tôi cùng anh ấy đến phân xưởng sửa chữa. Anh hiểu tất cả, biết nói cùng thứ tiếng với những người thợ. Còn sau chuyến bay, anh ấy nói chuyện với các thành viên Viện Hàn lâm Khoa học. Ở mọi nơi mọi lúc Yura luôn là «người mình».
Sputnik: Ông có tham gia cuộc điều tra về cái chết của Gagarin không?
Boris Volynov: - Có.
Sputnik: Ông Alexei Leonov có giả thiết riêng về những gì xảy ra với chiếc máy bay phản lực bay ngang qua máy bay của Gagarin. Còn ông nghĩ gì về chuyện này?
Boris Volynov: - Giả thiết của anh ấy không hợp lý. Một lần truyền hình trung ương mời tôi, Alexei Leonov, Viktor Gorbatko, phi công thử nghiệm Stepan Mikoyan, người đã nói rằng toàn bộ giả thiết này là nhảm nhí. Còn Leonov nói rằng ông ấy không nêu họ tên của viên phi công thử nghiệm có lỗi, người lúc ấy đã 90 tuổi, để tránh làm hỏng cuộc đời của người đó. Mà Mikoyan thì biết toàn bộ các phi công thử nghiệm. Chỉ có một người 90 tuổi nhưng người ấy không thể bay qua gần Gagarin ở chế độ siêu thanh, vì ông ấy chuyên thử nghiệm máy bay vận tải. Mikoyan thậm chí còn thực hiện cuộc thử nghiệm: anh ấy lấy chiếc máy bay MiG-15UTI, rồi theo yêu cầu bố trí hai phi công thử nghiệm, bay cùng độ cao và với cùng vận tốc khi máy bay hiện đại siêu thanh bay bên cạnh họ với các hướng khác nhau, phía dưới, phía trên, ở những góc độ khác nhau. Chiếc MiG-15UTI vụt lên rồi lao xuống, nhưng không xảy ra tình huống khẩn cấp nào cả. Đó là góc độ quan điểm của một phi công thử nghiệm chuyên nghiệp.
Sputnik: Theo ông thì đây có phải là bối cảnh ngẫu nhiên bi thảm?
Boris Volynov: - Khó nói. Không hiểu gì hết. Có rất nhiều giả thuyết, trong đó đâu là sự thật thì lại không thể biết nổi. Một trong những giả thiết là có người lính phóng khinh khí cầu khí tượng. Đây là thiết bị nặng khoảng 1 kg. Nếu máy bay va chạm với nó trong ánh sáng của đèn pha ở tốc độ cao, sẽ không phải là chuyện nhỏ. Đồng thời, cũng không thể sớm nhìn thấy quả bóng được khi đang bay với tốc độ cao.
Sputnik: Thời kỳ làm việc tích cực của ông trùng với giai đoạn cạnh tranh giữa Liên Xô và Hoa Kỳ. Bây giờ người ta nói nhiều hơn về sự hợp tác. Theo cách nhìn của ông thì nên cạnh tranh hay là hợp tác tốt hơn?
Boris Volynov: - Cạnh tranh cũng không phải là tệ. Năm 1969, chúng tôi và những người Mỹ tham dự hội nghị quốc tế ở Delhi. Do có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp khám phá không gian, phi hành gia Neil Armstrong được nhận giải thưởng cao nhất của Liên đoàn Vũ trụ Quốc tế cho lần hạ cánh đầu tiên trên thế giới lên bề mặt Mặt trăng, còn chỉ huy tàu vũ trụ Boris Volynov và nhà nghiên cứu du hành vũ trụ Evgeny Khrunov nhận giải thưởng về lần đầu tiên trên thế giới ghép nối hai con tàu vũ trụ và đi từ tàu này sang tàu khác ngoài không gian mở. Tại hội nghị quốc tế này tôi và Neil Armstrong đã bắt tay nhau. Tôi có nói chuyện với anh ấy, đó là một con người bình thường và đã học hỏi được rất nhiều điều trong cuộc đời mình. Thời còn là một chú bé con, anh ấy đã muốn bay trên những chiếc phi cơ. Bên họ cũng có các Câu lạc bộ bay giống như chúng ta có ở Liên Xô, chỉ khác là người Mỹ phải trả tiền còn ở ta miễn phí. Để kiếm tiền trang trải cho việc học, Neil Armstrong đã làm công việc dọn vệ sinh. Kết quả là cả hai chúng tôi đều bay lên không gian vũ trụ.