Vingroup chơi lớn, VinFast IPO ở Mỹ, ông Phạm Nhật Vượng sẽ vào top 50 giàu nhất thế giới

Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang cân nhắc phát hành cổ phiếu lần đầu IPO ngay trên đất Mỹ đối với Công ty ‘ô tô quốc dân Made in Vietnam’ VinFast huy động khoảng 2 tỷ USD, hướng đến mức định giá 50 tỷ USD sau niêm yết, sánh ngang với Ford, BMW, Ferrari, Honda, Huyndai.
Sputnik

Với mức định giá ít nhất 50 tỷ USD của VinFast, IPO và niêm yết thành công ở Mỹ, tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thể vào top 50 người giàu nhất thế giới, bỏ rất xa những người giàu nhất khu vực.

VinFast cân nhắc IPO tại Mỹ, muốn thu về 3 tỷ USD

Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, đang cân nhắc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ cho Công ty sản xuất xe ô tô VinFast với kỳ vọng thu về 3 tỷ USD.

Theo đó, truyền thông Mỹ (các nguồn tin Bloomberg, Reuters) khẳng định, Vingroup JSC của ông Phạm Nhật Vượng, được thành lập vào năm 1993 tại Ukraina, hiện đang bắt tay với Credit Suisse Hong Kong để chào bán, phát hành cổ phiếu VinFast lần đầu, qua đó chính thức IPO tại thị trường Chứng khoán New York (NYSE) ngay trên đất Mỹ.

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và loạt ‘nước cờ chiến lược’ dồn sức cho VinFast

Trước đó, hôm 12/4, Bloomberg ước tính Vingroup của tỷ phú Vượng có thể huy động tới 3 tỷ USD trong đợt IPO đầu tiên ngay của mình tại Hoa Kỳ, trở thành doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu lớn nhất Việt Nam từ ​​trước đến nay.

Các nguồn tin cho biết đợt kế hoạch IPO chào bán cổ phiếu VinFast sẽ diễn ra vào quý II/2021 này. Hiện đại diện tập đoàn Vingroup vẫn chưa lên tiếng bình luận về thông tin doanh nghiệp có ý định IPO tại Mỹ.

Theo đó, các nguồn tin khẳng định, Vingroup JSC,  tập đoàn sở hữu VinFast, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam được cho là đang làm việc với các nhà tư vấn để đợt IPO có thể diễn ra ngay trong quý II. Đáng chú ý, mức định giá tối thiểu của VinFast sau khi niêm yết ít nhất lên đến 50 tỷ USD.

Nếu IPO thành công tại Hoa Kỳ, thương vụ chào bán cổ phiếu tiềm năng VinFast ra thị trường Chứng khoán New York (NYSE) tại Mỹ, thương vụ IPO này cũng sẽ lập kỷ lục ‘vô tiền khoáng hậu’. Trước đó, Vinhomes, đơn vị thành viên của Vingroup chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản cũng đã tạo dấu ấn với thương vụ IPO thu về 1,4 tỷ USD hồi năm 2018 và đưa tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiến nhanh trong danh sách những người giàu nhất.

Cùng với đó, VinFast cũng sẽ trở thành nhà sản xuất ô tô đầu tiên của Việt Nam niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ, một trong những sàn chứng khoán khốc liệt nhất thế giới NYSE.

VinFast với mức định giá 50 tỷ USD: Ngang Ford, BMW, Honda?

VinFast, đơn vị thành viên của Vingroup, công ty sở hữu hãng xe quốc dân ‘Made in Vietnam’, đã trở thành nhà sản xuất ô tô nội địa chính thức đầu tiên của Việt Nam khi các mẫu xe chạy xăng đầu tiên được sản xuất được tung ra thị trường vào năm 2019.

Hồi tháng 3 năm nay, VinFast đã bắt đầu đàm phán giai đoạn đầu với doanh nghiệp công nghệ Foxconn của Đài Loan cùng hợp tác trong lĩnh vực xe điện, nhằm nâng cấp các dòng sản phẩm của mình, điển hình như đối với VF e34, hay VF e35 cho riêng phân cấp thị trường Mỹ.

Vingroup chơi lớn, VinFast IPO ở Mỹ, ông Phạm Nhật Vượng sẽ vào top 50 giàu nhất thế giới

Nếu đúng với ước tính Vingroup sẽ thu về từ 2-3 tỷ USD trong lần IPO này, đồng thời hướng đến mức định giá tối thiểu 50 tỷ USD vốn hóa, VinFast sẽ vươn lên sánh ngang với hàng loạt các ông lớn về xe hơi trên thế giới như Ford (Mỹ, 49,8 tỷ USD), Honda (Nhật Bản, 51 tỷ USD), Huyndai (Hàn Quốc 51,22 tỷ USD), Ferrari (Ý, 51,3 tỷ USD) hay BMW (Đức, 58,7 tỷ USD).

Liệu thị trường Nga có chấp nhận xe ô tô điện mới của VinFast?
Trong khi đó, hiện tại, một số hãng xe hơi trong khu vực như Kia Hàn Quốc hiện đang có vốn hoá thị trường 30,68 tỷ USD, Suzuki Nhật Bản vốn hoá thị trường 21,95 tỷ USD hay Nissan Nhật Bản 21,64 tỷ USD, thậm chí Mazda Nhật Bản hiện cũng chỉ có 5,4 tỷ USD.

Hiện tại, 10 công ty sản xuất xe ô tô dẫn đầu thị trường thế giới hiện nay là Tesla của tỷ phú Elon Musk (673,79 tỷ USD), Toyota (214,99 tỷ USD), Volkswagen (160,87 tỷ USD), Daimler (doanh nghiệp sở hữu Mercedes Benz – 160,87 tỷ USD), General Motors (85,96 tỷ USD), BYD (công ty sản xuất ô tô hàng đầu Trung Quốc – 69,08 tỷ USD), BMW (68,4 tỷ USD), NIO (Trung Quốc – 60,85 tỷ USD), Stellantis (Hà Lan – 55,5 tỷ USD), Ferrari (52,16 tỷ USD).

Việc đưa ra mức định giá tối thiểu 50 tỷ USD đối với VinFast có lẽ đã được cân nhắc, thông qua nhiều tính toán kỹ lưỡng, khoa học vì việc định giá một hãng xe là vô cùng phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đơn cử như Tesla của Elon Musk có giá trị vốn hóa cao nhưng lượng xe bán ra không lớn, lợi nhuận thực tế không quá cao.

Ông Phạm Nhật Vượng nêu lý do vì sao VinFast phải vào thị trường Mỹ

Vừa qua, truyền thông thế giới dành sự chú ý nhất định đến hãng xe ô tô Việt Nam – VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

VinFast ngay khi vừa tung ra thị trường Việt Nam ô tô điện đầu tiên VF e34 đã lập kỷ lục khi nhận được 3.692 đơn đặt hàng trong nước chỉ sau 12h mở bán.

Vì sao các hãng xe thế giới phải dè chừng VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng?

Công ty khởi nghiệp này đặt mục tiêu cung cấp những chiếc xe điện đầu tiên của mình đến Hoa Kỳ, Canada và Châu Âu vào năm tới và đang tìm cách mở một nhà máy sản xuất xe hơi ngay trên đất Mỹ, cạnh tranh trực tiếp với các hãng xe hàng đầu thế giới ở  môi trường khốc liệt này.

Những kế hoạch vĩ mô này cho thấy, cuộc chơi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã không chỉ thu mình phát triển ở thị trường nội địa mà bắt đầu hiện thực hoá tham vọng vươn ra thị trường thế giới mà khởi điểm thị trường Mỹ - lãnh địa của các nhà sản xuất ô tô hàng đầu toàn cầu.

Trong Đại hội cổ đông thường niên hồi năm 2020, đích thân ông chủ Vingroup, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã gọi VinFast, Vinsmart là startup và nêu rõ, các doanh nghiệp này cần đặt mục tiêu cao, nghiêm khắc hơn, nên cả hai sẽ chinh phục ở thị trường khó nhất là Hoa Kỳ.

Vingroup chơi lớn, VinFast IPO ở Mỹ, ông Phạm Nhật Vượng sẽ vào top 50 giàu nhất thế giới

Cụ thể, theo ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ khi đó, đối với trọng tâm của Vingroup là hai mảng công nghệ và sản xuất, đều hướng đến xuất khẩu, nhưng tập đoàn chỉ chọn duy nhất thị trường Mỹ là trọng điểm.

“Sau khi đạt sản lượng nhất định tại Mỹ mới triển khai các thị trường khác. Điều này cũng như một phép thử, nếu ta làm được thị trường khó nhất thì vào những thị trường khác đơn giản, dễ dàng. Với những công ty mới, mang tính startup, chúng ta phải đặt những mục tiêu rất cao, rất nghiêm khắc”, ông Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh.

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cũng nêu rõ, với VinFast và Vinsmart, Vingroup sẵn sàng chấp nhận mấy năm tới không phải kiếm lợi nhuận mà trước hết là chiếm lĩnh thị trường và gia tăng thị phần.

Gần đây, bà Thái Thanh Hải - Tổng giám đốc VinFast chia sẻ với báo giới rằng, tầm nhìn của VinFast là trở thành một công ty sản xuất ô tô điện thông minh toàn cầu và Mỹ là một trong những thị trường quốc tế đầu tiên mà công ty sẽ tập trung toàn lực.

“Ban đầu chúng tôi sẽ phát triển các mẫu cao cấp dành cho thị trường Mỹ”, bà Hải khẳng định.

Theo Công ty chứng khoán KB Việt Nam cho biết, VinFast có kế hoạch hòa vốn EBITDA trong vòng 5 năm tới nhờ việc tăng sản lượng để gia tăng thị phần, cũng như giảm chi phí sản xuất. Trước đó, vào quý IV năm 2020, doanh thu của VinFast, Vinsmart tăng cao và chiếm gần 20% tổng doanh thu của tập đoàn Vingroup. Chứng khoán KB cũng cho biết, VinFast có kế hoạch chiếm lĩnh 30% thị phần ô tô tại Việt Nam.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ bứt tốc vào top 50 người giàu nhất thế giới?

Nếu IPO và niêm yết VinFast thành công ở sàn chứng khoán Mỹ, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng có thể sẽ có sự gia tăng đột biến và vươn lên lọt top 50 người giàu nhất hành tinh. Ông Phạm Nhật Vượng cũng là người giàu nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Như chúng tôi đã thông tin về thống kê số liệu của Forbes ghi nhận 6 tỷ phú USD của Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) đang sở hữu khối tài sản lên tới 7,3 tỷ USD. Người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam xếp thứ 344 trong danh sách tỷ phú năm 2021.

Trong khi đó, theo số liệu cập nhật mới nhất (trưa ngày 13/4) cho thấy, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã tăng lên 9,7 tỷ USD (tương đương tăng 13,05%), đưa tỷ phú Việt Nam vươn lên thứ 262 trong bảng xếp hạng.

Hiện nay, VinFast đang làm việc với các tổ chức tư vấn để tiến hành IPO ngay trong quý II năm 2021. Mức định giá thấp nhất cho VinFast ở vào khoảng 50 tỷ USD. Tới đây, nếu công ty VinFast có thể thực hiện IPO và niêm yết cổ phiếu thành công tại thị trường Mỹ, ông Vượng hoàn toàn có cơ hội lọt vào top 50 tỷ phú giàu nhất thế giới, bởi vì ông và công ty riêng đang sở hữu lượng lớn cổ phần của công ty này.

Với VinFast, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang làm thay đổi thái độ của thế giới về Việt Nam
Theo dữ liệu trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Vingroup sở hữu hơn 51% cổ phần tại Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast, là cổ đông lớn nhất của hãng sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam.

Hai cổ đông lớn tiếp theo là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (sở hữu 40,98% cổ phần) và riêng ông Phạm Nhật Vượng (sở hữu 5% cổ phần). Như vậy, ông Vượng đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp gần 46% cổ phần VinFast.

Dựa trên định giá kỳ vọng thấp nhất là 50 tỷ USD, số cổ phần tương đương khoảng 23 tỷ USD. Forbes thực hiện việc định giá tài sản của các tỷ phú dựa trên đánh giá quy mô tài sản ròng, căn cứ vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái sau khi trừ đi các nghĩa vụ tài chính.

Tạp chí tài chính uy tín của Mỹ đánh giá tài sản của ông Phạm Nhật Vượng dựa trên khối tài sản từ lượng cổ phần Vingroup do ông Vượng và công ty riêng (Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam) sở hữu sau khi trừ đi số cố phần liên quan đến các nghĩa vụ tài chính.

Nếu thành công niêm yết VinFast, ông Phạm Nhật Vượng sẽ có khoảng 32 tỷ USD (bao gồm tài sản ròng ở thời điểm hiện tại theo cập nhật của Forbes và số cổ phần tại VinFast). Số tài sản này có thể đưa ông Vượng lọt vào top 50 người giàu nhất hành tinh. Hiện nay, người xếp thứ 50 trong bảng xếp hạng của Forbes là tỷ phú Trung Quốc Tần Anh Lâm (Qin Yinglin), Chủ tịch Muyuan Foodstuff, người khởi nghiệp chỉ với trang trại nuôi 22 con lợn. Theo Forbes, ông Tần và gia đình sở hữu khối tài sản vào khoảng 30,7 tỷ USD.

VinFast VF e34 của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có đủ sức thay đổi cuộc chơi?

Theo đó, số tài sản ước tính của tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng (sau khi niêm yết thành công VinFast) ở đây vẫn chưa tính đến việc cổ phiếu Vingroup và VinFast tăng giá. Trong phiên giao dịch sáng nay 13/4, cổ phiếu VIC tăng 5,3% lên mức cao kỷ lục và là mã có mức tăng tốt nhất trong nhóm VN30. Cổ phiếu của tỷ phú Vượng, theo Bloomberg, đã tăng 27% trong năm nay, mang lại cho công ty giá trị thị trường khoảng 20 tỷ USD.

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, theo số liệu của Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), VinFast đã bán được khoảng 30.000 xe trong năm 2020 và dự báo doanh số hơn 45.000 xe cho năm 2021, lọt top những thương hiệu xe được ưa chuộng nhất thị trường Việt Nam.

Công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ bắt đầu xuất xưởng xe điện từ Hải Phòng khoảng tháng 12/2021, đồng thời đặt mục tiêu bán xe điện cho thị trường Mỹ, Canada, châu Âu vào năm 2022 và lên kế hoạch mở một nhà máy tại Mỹ.

Ngoài ôtô, VinFast còn sản xuất cả xe đạp điện và xe bus (VinBus). VinFast cũng đã chính thức được cấp giấy phép thử nghiệm xe tự hành trên đường phố công cộng ở California vào đầu năm nay [nL4N2G60HH].

Vingroup đã phát triển trở thành một trong những công ty niêm yết lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn này hiện là doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất TTCK Việt Nam với định giá đạt hơn 19 tỷ USD.

Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng từng tập trung vào lĩnh vực bất động sản và mảng bán bán lẻ, tuy nhiên, hiện tại, doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam này cũng bắt đầu chuyển sang đầu tư nghiên cứu sản xuất các dòng sản phẩm công nghệ cao từ tivi, điện thoại thông minh (Vsmart) đến thương hiệu xe ô tô VinFast Made in Vietnam với chất lượng và kiểu dáng không thua kém gì các dòng xe nhập ngoại.

“Chúng tôi mong muốn xây dựng một thương hiệu Việt Nam có danh tiếng tầm cỡ thế giới”, tỷ phú Phạm Nhật Vượng khẳng định.
Thảo luận