"Đó không phải chỗ thải nước". Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích kế hoạch của Nhật Bản đổ nước phóng xạ ra biển

Moskva (Sputnik) - Thái Bình Dương không phải là cống rãnh của Nhật Bản để đổ nước thải phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1 bị hư hại xuống đó, Trung Quốc có quyền hành động chống lại Tokyo trong việc này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) phát biểu hôm thứ Tư.
Sputnik

Xử lý nước phóng xạ

"Đại dương không phải là thùng rác của Nhật Bản, Thái Bình Dương không phải rãnh nước thải của Nhật Bản. Thế giới không phải trả giá cho việc Nhật Bản xả nước nhiễm phóng xạ. Về việc một số quan chức Nhật Bản nói rằng" sẽ không có gì xảy ra ngay cả khi uống thứ này", thì xin mời họ uống trước, rồi chúng ta sẽ nói chuyện tiếp", Triệu Lập Kiên nói tại cuộc họp báo.

"Chúng tôi kêu gọi phía Nhật Bản nhận thức rõ trách nhiệm của mình, tuân thủ cách tiếp cận khoa học, thực hiện nghĩa vụ quốc tế và tính đến những mối quan tâm nghiêm túc của cộng đồng thế giới, các quốc gia láng giềng và người dân của chính đất nước mình", đại diện ngoại giao Trung Quốc nói thêm.

"Sẽ không có ai đứng ra chịu trách nhiệm". Giới chuyên gia bình luận về việc xả nước từ Fukushima-1 ra đại dương

Hôm thứ Ba, chính phủ Nhật Bản quyết định xả nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1 bị hư hại ra biển. Nước này được sử dụng để làm mát lò phản ứng và hiện được lưu trữ trong các bể chứa sẽ được làm sạch hoàn toàn khỏi các nguyên tố phóng xạ, đặc biệt là triti, trước khi thải ra ngoài. Nếu mức độ của các nguyên tố phóng xạ thấp hơn đáng kể so với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, nước sẽ được xả ra đại dương. Thời gian bắt đầu xả nước dự kiến ​​vào khoảng năm 2023

Tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1

Hậu quả của trận động đất 9.0 độ richter và sóng thần vào ngày 11/3/2011 đã khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1 trải qua vụ tai nạn tồi tệ nhất kể từ sự cố Chernobyl. Do rò rỉ phóng xạ nên cư dân của các khu vực phía đông tỉnh Fukushima đã phải sơ tán. Nhờ việc tẩy độc được thực hiện ở một số nơi vùng nên chế độ sơ tán được bãi bỏ, người dân được phép trở về nhà. Tuy nhiên, một số khu vực vẫn không thể sinh sống được. Theo đánh giá của nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1 - công ty TEPCO, để loại bỏ hoàn toàn hậu quả của vụ tai nạn tại nhà máy và tháo dỡ các lò phản ứng sẽ phải mất 40 năm tính từ thời điểm xảy ra thảm kịch nói trên.

Đọc thêm:

Thảo luận