Hướng đi nào cho vấn đề "chảy máu nhân lực" ngành Y ở bệnh viện Bạch Mai?

HÀ NỘI (Sputnik) - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên: "Việc bác sĩ thôi việc, bỏ việc trong thời gian qua có ảnh hưởng một phần đến chất lượng đội ngũ cán bộ y tế cũng như công tác khám, chữa bệnh tại các đơn vị. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục gia tăng trong những năm tới thì sẽ ảnh hưởng đến định hướng, chiến lược chung của đơn vị, ngành"
Sputnik

Câu chuyện hơn 200 nhân lực cán bộ, y bác sỹ thôi việc ở bệnh viên Bạch Mai đã đặt ra một dấu chấm hỏi lớn cho chất lượng đội ngũ cán bộ y tế cho ngành y tế nói chung. Tuy nhiên, làm sao để giữ chân "nhân tài" trong điều kiện còn nhiều chênh lệch như hiện tại, đã và đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với ngành Y tế địa phương.

Không chỉ ở Bạch Mai mà những lãnh đạo của Sở Y tế tỉnh Điện Biên cũng đã và đang phải đối mặt với tình trạng "cháy máu" chất xám ngành Y. Tuy nhiên để giải quyết triệt để tình trạng này, Sở Y tế tỉnh Điện Biên đã có những cách giải quyết được cho là "lạt mềm cột chặt".

Bệnh viện Bạch Mai không phải là trường hợp duy nhất

Trên thực tế, trước khi được cử đi đào tạo, các cán bộ y tế đều ký cam kết:

Uẩn khúc đằng sau việc hơn 200 nhân lực trình độ cao của bệnh viên Bạch Mai nghỉ việc

“Sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ trở về đơn vị cũ tiếp tục công tác lâu dài theo quy định của tỉnh và của ngành. Nếu không thực hiện đúng cam kết tôi xin chịu trách nhiệm đối với mọi quy định của ngành và pháp luật”.

Chính vì thế, tỉnh Điện Biên cũng đã ban hành 2 quyết định liên quan trực tiếp đến vấn đề này, với nhiều nhiều nội dung rất cụ thể, như:

“Cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo”.

Hoặc quy định những trường hợp:

“Phải đền bù chi phí đào tạo khi đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết”.

Qua rà soát, đã có 27 trường hợp cán bộ y tế, bác sĩ của Điện Biên được đào tạo trở về tự ý bỏ việc (từ năm 2018 đến nay) đều là học tập trung, toàn thời gian. Trong khi đó, tùy vào trình độ theo học mà mỗi người “tiêu tốn” của cơ quan mình số tiền khác nhau, hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Đây là những đối tượng cơ quan cử đi học, nên vẫn được nhận lương, thưởng, thu nhập tăng thêm và được hỗ trợ toàn bộ kinh phí đào tạo.

Cụ thể như trường hợp bác sĩ B.Ð.L, Khoa Sản (Bệnh viện Ða khoa tỉnh Điện Biên) được cử đi đào tạo thạc sĩ năm 2015 - 2017 nhưng đã thôi việc vào năm 2018. Theo tính toán, số tiền hỗ trợ đào tạo lên tới 116,5 triệu đồng, bao gồm tiền vé xe, học phí và các chi phí khác theo quy chế bệnh viện, tiền thưởng, thu nhập tăng thêm...

Ma túy bay lắc ở Bệnh viện Tâm thần: Giám đốc viết kiểm điểm, thế là xong?

Tuy nhiên, đa phần các trường hợp sau khi nộp đơn đều không trở lại, không tham gia giải quyết sự việc, cũng như nhận quyết định nghỉ việc, khiến cho các cam kết này đều bị phá vỡ. Còn các cơ sở y tế địa phương thì cũng không biết tìm ai để đòi khoản kinh phí đã bỏ ra đầu tư cho các cán bộ, bác sĩ này đi đào tạo.

Về những tồn đọng này, bà Dương Thị Quỳnh Châu - Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên), chia sẻ đơn vị có 4 cán bộ, bác sĩ bỏ việc sau đào tạo từ năm 2018 đến nay. Bà cho biết thêm:

“Khi tiếp nhận đơn xin thôi việc của các cán bộ, bác sĩ, đơn vị đều tìm cách gặp gỡ, chia sẻ, trò chuyện, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các đồng chí ấy. Nhưng khi họ nộp đơn là đã quyết định rồi, nên dù có tạo điều kiện thuận lợi thế nào cũng không giữ chân được".

Ðinh Thị Thu Hà, Phó trưởng Phòng Tổ chức cán bộ (Sở Y tế) cũng đưa ra trường hợp khác:

"Kinh phí đào tạo mà các cơ sở đã thanh toán cho cán bộ, bác sĩ gần như không thu lại được. Chỉ có bác sĩ P.X.T, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nghỉ việc cuối năm 2018 là đã hoàn trả với tổng số tiền gần 60 triệu đồng, bởi người này vừa mới tốt nghiệp bác sĩ trở về cơ quan tiếp tục công tác, chưa được cấp chứng chỉ hành nghề”.

Có nên ràng buộc trách nhiệm đối với cán bộ làm việc?

Hiện nay các cơ sở y tế cũng như ngành Y tế Điện Biên chưa có giải pháp cứng rắn nào đối với các trường hợp, cán bộ, bác sĩ phá vỡ cam kết sau khi được cử đi đào tạo, mà sử dụng các biện pháp “lạt mềm buộc chặt”. Tức là giữ “chân” cán bộ, bác sĩ bằng cách tạo điều kiện sắp xếp bố trí cho cán bộ sau khi được đào tạo nâng cao trở về làm việc đúng chuyên khoa, thực hiện đầy đủ chế độ cho cán bộ theo quy định; xây dựng chính sách đãi ngộ đối với nhân lực y tế; huy động mọi nguồn lực, đầu tư cải thiện môi trường làm việc…

Bộ Công an điều tra vụ mua sắm thiết bị Bệnh viện Tim Hà Nội

Tuy nhiên, với tiềm lực của ngành Y tế tại một tỉnh miền núi khó khăn như Điện Biên, thì dù cố gắng tạo điều kiện về chính sách cũng chưa đủ sự hấp dẫn đối với đội ngũ bác sĩ chất lượng cao. Bởi khi có trình độ chuyên môn cao, họ có nhiều cơ hội lựa chọn làm việc ở những đơn vị có thu nhập cao hơn và môi trường làm việc tốt hơn, với cơ chế, chính sách phù hợp. Bởi, theo tính toán của ngành Y tế Điện Biên, thực tế hiện nay bình quân 1 cán bộ y tế có tổng thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng. Con số này được đánh giá là thấp so với mặt bằng chung.

Đơn cử như một số bác sĩ của Bệnh viện Ða khoa tỉnh hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ đã bỏ việc, chuyển sang “đầu quân” cho bệnh viện tư tại các tỉnh, thành lớn được với thu nhập hiện tại khoảng 40 - 50 triệu đồng/người/tháng. Những con số có thể khiến người làm trong ngành Y tế buộc phải đặt ra phép so sánh. Ông Phạm Giang Nam - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên cho biết:

“Hiện nay ngành Y tế địa phương đang từng bước giao các đơn vị sự nghiệp công lập có thu thực hiện tự chủ một phần tài chính. Nhưng với đặc thù Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới đặc biệt khó khăn về kinh tế, giao thông…, trên 90% kinh phí còn do ngân sách nhà nước cấp. Bệnh nhân chủ yếu khám chữa bệnh bằng BHYT, nguồn thu từ các dịch vụ y tế hầu như không có, nên không thể nâng cao thu nhập cho cán bộ y tế và bác sĩ được”.

Khi "lạt mềm" không còn "buộc chặt"?

Ngoài ra, sự chênh lệch về áp lực công việc giữa cơ sở khám chữa bệnh tư và những tồn tại, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh tại cơ sở y tế công miền núi càng khiến cho các cán bộ, bác sĩ thêm quyết tâm “dứt áo ra đi”. Tuy nhiên, khi “lạt mềm” không thể “buộc chặt”, thì việc xem xét đến những biện pháp mạnh tay hơn là cần thiết.

Bộ Y tế đình chỉ công tác giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương I

Năm 2020, UBND tỉnh Điện Biên được xem là mạnh tay khi ban hành Quyết định quy định việc cán bộ được cử đi đào tạo (trừ trường hợp đào tạo sau đại học) phải tự túc học phí, kinh phí đào tạo. Nhà nước không hỗ trợ hoặc thanh toán học phí, kinh phí đào tạo. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn đề.

Để “Cởi trói” cơ chế, bổ sung các chính sách thu hút vùng đặc thù, cải thiện môi trường làm việc, đồng thời tăng thu nhập cho người lao động là điều không chỉ bác sĩ, mà bất cứ ai đã và đang thực hiện nhiệm vụ tại các khu vực miền núi, khó khăn đều mong muốn. Tuy nhiên, để làm được những điều đó thì không chỉ từ địa phương, mà cần sự thay đổi từ nhiều cấp.

Thảo luận