Đại diện Sở Y tế Hà Nội xác nhận việc Bộ Công an đang vào cuộc điều tra các gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội.
Vì sao Bộ Công an làm việc với Bệnh viện Tim Hà Nội?
Ngày 12/4, lãnh đạo Sở Y tế thành phố Hà Nội xác nhận về việc Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã làm việc với Bệnh viện Tim Hà Nội, yêu cầu cung cấp tài liệu để xác minh các gói thầu mua sắm thiết bị y tế, đề án xã hội hóa tại bệnh viện công lập này.
Theo Sở Y tế Hà Nội, liên tục từ ngày 9/4, tổ công tác đặc biệt của C03 cơ quan điều tra đã làm việc với bệnh viện. Công tác thu thập tài liệu, xác minh của công an diễn ra kể cả ngày cuối tuần, chủ nhật.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đang xác minh vụ việc liên quan đến công tác thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế, vật tư y tế, thực hiện các đề án xã hội hóa tại các bệnh viện công lập.
Bộ Công an đã đề nghị Bệnh viện Tim Hà Nội cung cấp tài liệu liên quan quy chế hoạt động làm việc, quy chế thu chi tài chính của cơ sở khám chữa bệnh này. Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát Điều tra cũng yêu cầu Bệnh viện Tim Hà Nội cung cấp tài liệu liên quan đến việc thực hiện đấu thầu mua sắm thiết bị và quá trình thực hiện hợp đồng đối với gói thầu trang thiết bị y tế, vật tư y tế, trong đó có vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch từ năm 2015 đến thời điểm hiện tại.
TS.BS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cũng xác nhận với báo chí về việc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an đang làm việc với cơ sở y tế này để thu thập tài liệu liên quan việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư và thực hiện các đề án xã hội hóa tại bệnh viện công lập của Việt Nam.
“C03 làm việc với phía bệnh viện trong mấy ngày qua. Đơn vị sẽ cung cấp các tài liệu theo yêu cầu”, TS.BS Nguyễn Sinh Hiền nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Bệnh viện Tim, phạm vi làm việc của cơ quan chức năng rất rộng – từ máy móc, vật tư, đến hoạt động xã hội hóa. Thời gian làm việc cũng chưa rõ bao giờ mới kết thúc.
Bộ Công an ‘sờ gáy’ hàng loạt bệnh viện tuyến đầu của Việt Nam
Trước vụ việc tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bộ Công an cũng đã ‘sờ gáy’ hàng loạt đơn vị từ CDC Hà Nội, đến Sở Y tế nhiều địa phương, cũng như một số bệnh viện Trung ương, tuyến đầu của cả nước như Bạch Mai, Bệnh viện Mắt TP.HCM…
Liên quan đến mua sắm thiết bị y tế, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP.HCM” cũng như vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Bệnh viện Bạch Mai.
Đối với Bệnh viện Mắt TP.HCM, như Sputnik Việt Nam đã thông tin, ngày 9/2, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện các lệnh khám xét, lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Bệnh viện mắt TP.HCM, để điều tra về hành vi Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 222, bộ luật Hình sự.
Ông Nguyễn Minh Khải được xác định liên quan đến các gói thầu thủy tinh thể nhân tạo. Cùng với Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, ngày 8/2, C01 cũng đã có quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam bà Võ Thị Chinh Nga, Phó giám đốc, Phí Duy Tiến, nguyên phó giám đốc và Nguyễn Quốc Toản (nguyên trưởng khoa của Bệnh viện mắt TP.HCM) để điều tra cùng về tội danh Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối với vụ án ở Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Công an đã khởi tố ông Nguyễn Quốc Anh, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cùng ba cựu cán bộ cơ sở y tế này để điều tra. Trong đó có các bị can như Trịnh Thị Thuận (nguyên Kế toán trưởng BV Bạch Mai), Phạm Đức Tuấn (Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty BMS) và Ngô Thị Thu Huyền (Phó giám đốc Công ty BMS).
Đến đầu tháng 2 vừa qua, C03 tiếp ra quyết định khởi tố các bị can Lý Thị Ngọc Thủy (Phó trưởng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện (BV) Bạch Mai), Phan Minh Dung (Tổng giám đốc Công ty CP thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội - Công ty VFS), để điều tra hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Vụ việc thổi giá thiết bị ở Bệnh viện Bạch Mai gây chấn động dư luận khi có sự cấu kết giữa lãnh đạo Bệnh viện và doanh nghiệp. Điển hình, đối với 1 ca phâux thuật theo thiết bị robot Rosa chỉ có giá vào khoảng 4 triệu nhưng bị đội chi phí lên thành 23 triệu đồng.
Robot nhập về theo hóa đơn hải quan chỉ khoảng 7,6 tỷ, cộng với các chi phí liên quan như bảo trì, đào tạo vào khoảng 10 tỷ đồng nhưng lại được báo giá lên tới 39 tỷ…Hàng trăm bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai bị ‘móc túi’ một cách trắng trợn.
Đối với Bệnh viện Tim Hà Nội, đơn vị nằm trong số ít bệnh viện địa phương được xếp vào nhóm bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của Việt Nam, với nhiều kỹ thuật được đánh giá cao như mổ tim hở, can thiệp tim mạch, vụ việc vẫn tiếp tục được cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an khẩn trương làm rõ.