Sau VinFast, ông Trịnh Văn Quyết tham vọng gì khi muốn IPO Bamboo Airways ở Mỹ?

Sau tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cân nhắc đưa VinFast IPO ở Mỹ, đến lượt Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết muốn IPO Bamboo Airways IPO tại sàn chứng khoán Hoa Kỳ.
Sputnik

Cơ hội IPO tại Mỹ của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như Vingroup (với VinFast), FLC (với Bamboo Airways) là rất lớn, tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ, “đường đến đích không chỉ rải hoa hồng”.

Bamboo Airways của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết muốn IPO ở Mỹ

Truyền thông Mỹ những ngày qua đưa tin rầm rộ về việc các doanh nghiệp Việt Nam như Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hay FLC của đại gia Trịnh Văn Quyết muốn đưa “những đứa con cưng” – lần lượt là VinFast và Bamboo Airways của mình IPO tại Mỹ.

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) của ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, đang cân nhắc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ tại thị trường Chứng khoán New York (NYSE) cho Công ty sản xuất xe ô tô VinFast “Made in Vietnam” với kỳ vọng thu về 3 tỷ USD, đồng thời hướng đến mức định giá tối thiểu của VinFast sau khi niêm yết ít nhất lên đến 50 tỷ USD.

Sau VinFast, ông Trịnh Văn Quyết tham vọng gì khi muốn IPO Bamboo Airways ở Mỹ?

Trong khi đó, hãng hàng không Bamboo Airways của ông chủ FLC Trịnh Văn Quyết cũng không giấu giếm tham vọng IPO tại Mỹ, thực hiện bước đi chiến lược tương tự VinFast của tỷ phú Vượng.

Trả lời phỏng vấn Reuters, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nói về kế hoạch cân nhắc đưa Bamboo Airways IPO tại Mỹ.

Tạm giam tiếp viên Bamboo Airways vì hành vi buôn lậu xì gà
Theo đó, Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết cho biết hãng hàng không Tre Việt đã có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ trong quý 3/2021.

Ông chủ tập đoàn bất động sản nghỉ dưỡng nổi tiếng của Việt Nam cũng xác nhận việc này với các cơ quan truyền thông trong nước và khẳng định Bamboo Airways đặt mục tiêu huy động vốn khoảng 200 triệu USD thông qua việc phát hành từ 5 - 7% cổ phần.

Ông Trịnh Văn Quyết thông tin rằng, giá khởi điểm 60.000 - 80.000 đồng/cổ phiếu, và giá trị vốn hóa thị trường của Bamboo Airways lên mức khởi điểm 4 tỷ USD theo ước tính của Bamboo Airways.

Được biết, trong khi VinFast đang bắt tay với Credit Suisse Hong Kong để chào bán, phát hành cổ phiếu VinFast lần đầu, qua đó chính thức IPO tại Mỹ thì hiện hãng hàng không Bamboo Airways cũng đã lựa chọn một công ty kiểm toán quốc tế để chuẩn bị cho kế hoạch IPO. Dự kiến Sàn Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) là lựa chọn ưu tiên cho tham vọng này.

Reuters đánh giá, việc hãng hàng không có trụ sở tại Hà Nội, Việt Nam - Bamboo Airways có kế hoạch huy động tới 200 triệu USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Mỹ là “một hành trình dài đầy khó khăn”.

Vì sao Bamboo Airways muốn IPO ở Mỹ?

Báo chí Mỹ đánh giá, cơ sở quan trọng để hãng hàng không Việt Nam nuôi tham vọng IPO ở Mỹ chính là nhờ những thành công gần đây ngay trên sân nhà.

Theo đó, nhờ tăng trưởng kỷ lục xuất khẩu, Việt Nam trở thành một trong số ít nền kinh tế hiếm hoi tăng trưởng tích cực trên thế giới trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch do Covid-19 – GDP đạt 2,9% năm 2020, đồng thời, theo thông tin của cơ quan cung cấp dữ liệu du lịch toàn cầu - Công ty Nghiên cứu dữ liệu hàng không OAG cho biết, quốc gia Đông Nam Á này là thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất thế giới, xếp thứ 19 toàn cầu trước đại dịch về khối lượng, tần suất, tỷ trọng vận tải, hoạt động của Bamboo Airways được duy trì thường xuyên.

Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết được phép bay thẳng đến Mỹ

Cùng với đó, vừa qua, nhờ hoạt động kinh doanh khả quan, Bamboo Airways vừa tiếp tục thông báo tăng vốn điều lệ đăng ký từ 10.500 tỷ đồng lên 12.500 tỷ đồng (thay đổi ngày 13/4). Đây là lần tăng vốn thứ hai của hàng không Tre Việt kể từ đầu năm.

Lần đầu tiên hãng hàng không của đại gia Trịnh Văn Quyết tăng vốn từ 7.000 – 10.500 tỷ đồng. Từ thời điểm thành lập vào tháng 5/2017 đến nay, vốn điều lệ của Bamboo Airways đã tăng 18 lần.

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết hiện nắm giữ 43,24%, FLC Faros nắm 8,57% và Tập đoàn FLC nắm 39,4%. Nhóm cổ đông trong hệ sinh thái FLC vẫn nắm giữ hơn 83% vốn của Bamboo Airways.

Theo cập nhật báo cáo kinh doanh, lợi nhuận trước thuế của Bamboo Airways đạt 400 tỷ đồng trong năm 2020. Hãng đã đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế trong năm 2021 đạt 500 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Hãng hàng không Tre Việt hiện khai thác thương mại trên 60 đường bay nội địa, đã vận chuyển hơn 7 triệu lượt hành khách, đạt 20% thị phần – tăng gấp đôi chỉ sau một năm, đồng thời dự kiến chiếm 30% thị phần năm nay thông qua.

Bamboo Airways cũng liên tục duy trì tỷ lệ bay đúng giờ cao nhất trên thị trường hàng không Việt Nam, tỷ lệ an toàn đạt tuyệt đối 100%.

Trả lời báo chí lần đầu tiên về kế hoạch huy động 200 triệu USD thông qua IPO ở Mỹ, vốn hóa thị trường dự kiến đạt khoảng 4 tỷ USD, ông Trịnh Văn Quyết cho biết tại Đại hội Cổ đông thường niên của FLC hôm 12/4, Bamboo Airways có thể IPO sớm nhất ngay quý II và muộn nhất trong quý III năm nay, giá khởi điểm 60.000 một cổ phiếu.

“Kế hoạch IPO tại Mỹ là một phần trong tiến trình mở rộng mạng lưới dịch vụ trên quy mô toàn cầu của Bamboo Airways”, ông Trịnh Văn Quyết khẳng định khi nêu tham vọng vì sao muốn chào bán cổ phiếu hãng hàng không Tre Việt lần đầu ở Mỹ.

Chủ tịch FLC cũng nhấn mạnh, đây là kế hoạch mới nhất của hãng, theo đó, việc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam đang là kế hoạch dự phòng, tùy thuộc vào các điều kiện thị trường hiện tại.

“Sớm nhất quý 2, chậm nhất quý 3, chúng tôi sẽ niêm yết Bamboo Airways, giá khởi điểm 60 nghìn đồng/cổ phiếu. Hiện nay, Bamboo Airway đã chiếm 20% thị phần ngành hàng không”, ông Quyết khẳng định.

Combo nghỉ dưỡng hàng không: Vinpearl hợp tác với Bamboo Airways
Theo ông Quyết, Bamboo Airways đang tiến hành nâng quy mô đội máy bay từ 30 lên 40 chiếc vào cuối năm nay, bao gồm các máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliners (2 chiếc).

Ngoài ra, hàng không Tre Việt cũng đặt mục tiêu mang tính tham vọng khác như khai thác các đường bay thẳng tới nhiều nước, bao gồm Mỹ, Australia, Đức, Nhật Bản, Anh năm 2021, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt và mọi thứ thuận lợi.

Trước đó, vào tháng 11/2020, Bamboo Airways đã chính thức được Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cấp giấy phép vận chuyển hành khách, hàng hóa, bưu phẩm giữa Việt Nam và Mỹ.

Đáng chú ý, trong cuộc trả lời phỏng vấn với Reuters, Chủ tịch Bamboo Airways cho biết, nằm trong mục tiêu trên, hãng dự kiến thực hiện các chuyến bay thuê chuyến tới Mỹ vào tháng 7 tới, bay thẳng kết nối TP.HCM và San Francisco.

“Chúng tôi sẽ bắt đầu thực hiện các chuyến bay bán chuyến (charter) tới Mỹ vào tháng 7 và đặt mục tiêu triển khai đường bay thẳng thương mại nối TP.HCM và San Francisco vào tháng 9, với tần suất ban đầu 3 chuyến mỗi tuần”, đại gia Trịnh Văn Quyết cho biết.

Doanh nghiệp Việt IPO ở Mỹ: Không chỉ toàn hoa hồng

Thực tế, kế hoạch niêm yết tại sàn chứng khoán quốc tế (nhất là ở Mỹ) được rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam tính đến, tuy nhiên, cơ hội lớn luôn đi kèm với thách thức không nhỏ.

Bamboo Airways muốn chia lại thị phần hàng không Việt Nam

Một công ty Việt Nam khởi đầu ở lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng giao thông, thủy điện, đầu tư xây dựng có tên Cavico đã từng giao dịch ở thị trường phi tập trung OTC của Hoa Kỳ năm 2009 khi bắt đầu chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq.

Tuy nhiên, Cavico sau đó buộc phải rời Nasdaq khi bị xác định có một số sai phạm liên quan đến vấn đề cung cấp thông tin.

Đường đến đích vốn không chỉ toàn hoa hồng. Vinamilk từng muốn lên sàn chứng khoán Singapore, tuy nhiên kế hoạch sau đó cũng không như mong muốn. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex, Hoàng Anh Gia Lai, PVFC, Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hay Công ty Chứng khoán SSI cũng từng muốn đưa cổ phiếu lên các sàn quốc tế ở Mỹ, Singapore, Hongkong, London.. nhưng hiện vẫn chưa thể thực hiện.

Lý do nào khiến các doanh nghiệp Việt Nam chưa niêm yết ở nước ngoài?

Theo TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cấp cao tại Đại học Bristol (Anh), việc các doanh nghiệp Việt Nam chưa niêm yết tại các thị trường chứng khoán quốc tế có 3 nguyên nhân chính.

“Đầu tiên là vấn đề lợi ích niêm yết. Với những doanh nghiệp tốt như Vinamilk, Hòa Phát, việc niêm yết ở nước ngoài trong giai đoạn trước không đem lại nhiều lợi ích hơn cho họ so với niêm yết trong nước nhưng lại làm chi phí và gánh nặng công bố thông tin, tuân thủ chuẩn mực nhiều hơn”, tiến sĩ Tuấn cho hay.

Chuyên gia cho rằng, việc niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán quốc tế không phải lúc nào cũng có thể giúp doanh nghiệp huy động được số vốn lớn hơn so với trong nước. Thậm chí, cả những doanh nghiệp lớn của Việt Nam khi niêm yết ở nước ngoài cũng khó lọt được vào nhóm chính. Như vậy, dòng tiền thu hút từ thị trường ngoại không cao.

Bamboo Airways sở hữu chiếc Boeing 787-9 Dreamliner đầu tiên

Một vấn đề khác là chuẩn mực niêm yết. Theo ông Tuấn, vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng đủ điều kiện để IPO ở nước ngoài. Các điều kiện đó bao gồm yêu cầu về lợi nhuận, doanh thu, dòng tiền, chất lượng tài sản. Bên cạnh đó, số lượng cổ phiếu lưu hành cũng là một trong các tiêu chuẩn của thị trường chứng khoán quốc tế, trong khi Việt Nam lại có nhiều doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông cô đặc.

Vấn đề thứ ba là thị trường. Chuyên gia cho rằng, ngày trước, dòng tiền chảy vào những kênh huy động vốn trên sàn quốc tế như SPAC hay các phương án niêm yết dễ hơn không mạnh. Vì vậy, doanh nghiệp niêm yết không "được giá".

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, đã có sự bùng nổ của những kênh huy động vốn thông qua SPAC từ năm 2020 đến nay, cũng như tăng cao nhu cầu tìm kiếm cơ hội của dòng tiền trong bối cảnh lãi suất thấp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp ngày nay có nhiều cơ hội niêm yết và huy động được nhiều vốn hơn trước đây.

Theo TS. Tuấn, triển vọng các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên thị trường ngoại sẽ phụ thuộc vào thời gian “nóng” của các kênh như SPAC.

"Cơ quan quản lý thị trường ở Anh không thích SPAC và nhiều thị trường châu Âu cũng sẽ thận trọng. Quan điểm của Ủy ban Chứng khoán Mỹ cũng có thể sẽ siết lại nhưng thị trường Hong Kong và Singapore có vẻ lại thích xu hướng này", TS. Hồ Quốc Tuấn chia sẻ quan điểm với Zing.

Theo ông, điều kiện thị trường sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến việc niêm yết của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường chứng khoán quốc tế. Trong thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp Việt đang có lợi thế khi mà nhiều nhà đầu tư quốc tế, nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản, cho thấy sự quan tâm đến Việt Nam.

Thảo luận