Hoa Kỳ không tìm thấy đủ bằng chứng để kết luận Việt Nam và Thụy Sĩ, hai quốc gia được dán nhãn vào tháng 12 năm 2020, đang thao túng tỷ giá hối đoái để đạt được lợi thế thương mại hoặc ngăn cản việc điều chỉnh cán cân thanh toán. Tuy nhiên, báo cáo cho biết Việt Nam, Thụy Sĩ và Đài Loan sẽ phải chịu sự giám sát tăng cường do các hành động gần đây của họ.
Theo Đạo luật về thũ tục rút gọn và tuân thủ luật Thương mại năm 2015, một nước được coi là thao túng tiền tệ nếu có cán cân thương mại song phương với Hoa Kỳ xuất siêu vượt trên 20 tỷ đô la, có các can thiệp ngoại hối và thặng dư tài khoản vãng lai vượt quá 2% GDP. Việt Nam đáp ứng tất cả các chỉ số này, đặc biệt là trong thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ. Nếu năm 2019 là 55,8 tỷ USD, thì năm 2020, theo Tổng cục Thống kê CHXHCN Việt Nam, con số này đã lên 63,4 tỷ USD, trở thành đối tác thương mại với Hoa Kỳ có thặng dư lớn thứ ba, sau Trung Quốc, Mexico. Và theo các chuyên gia, quá trình này sẽ còn tiếp tục, đặc biệt sau khi ký các hiệp định CPTPP, RCEP, sẽ làm thay đổi dòng chảy thương mại trong khu vực. Mô hình hóa các tác động thương mại của cả hai hiệp định cho thấy Việt Nam là một trong những bên có lợi lớn nhất, và Hoa Kỳ là một trong những bên thua cuộc chính do những thay đổi dự kiến diễn ra trong thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, cái mác "thao túng tiền tệ" từ chính quyền Trump đã được xóa đối với Việt Nam và Thụy Sĩ. Phát ngôn viên Bộ Tài chính Hoa Kỳ lưu ý, những nội dung trong báo cáo có tính đến sự mất cân bằng thương mại khổng lồ, dòng chảy đồng vốn do đại dịch gây ra, cũng như các lựa chọn chính sách tài chính và tiền tệ mà chính phủ đưa ra để đối phó dịch bệnh. Sở dĩ Bộ Tài chính đưa ra quyết định này cũng là do họ đã liên tục tiếp xúc với đại diện các cơ quan đảng, nhà nước Việt Nam để làm rõ sự việc. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và không khuyến khích tăng trưởng thương mại không công bằng. Theo phát ngôn viên Bộ Tài chính Hoa Kỳ, họ "hoạt động không mệt mỏi để chống lại những nỗ lực của các nền kinh tế nước ngoài nhằm thao túng giá trị đồng tiền của họ một cách giả tạo, khiến người lao động Mỹ gặp bất lợi không công bằng", và sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán chính thức để khuyến khích Việt Nam, Thụy Sĩ, Đài Loan xây dựng kế hoạch với các hành động cụ thể để loại bỏ các nguyên nhân chính dẫn đến mất giá tiền tệ và mất cân đối ngoại thương.
"Tôi tin Hoa Kỳ đã đạt được mục tiêu của mình, - Giáo sư Vladimir Mazyrin, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Nga, nói trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, - Washington sẽ không áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với Việt Nam, điều đó không có lợi cho họ, cần thúc đẩy Hà Nội giảm thâm hụt thương mại và mua hàng hóa Mỹ. Và các bước đi đã được thực hiện để hướng tới điều này. Ví dụ, hai nước đã ký 2 và xem xét thêm 5 hợp đồng trị giá hàng tỷ đô la để xây dựng các nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ. Tiến bộ trong việc mua vũ khí của Mỹ cũng hoàn toàn có thể. Giờ đây, ý tưởng của Trump về việc đưa sản xuất trở lại Hoa Kỳ đã được chứng minh là không thể thực hiện được, người Mỹ sẽ đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn, bao gồm cả ở Việt Nam. Đối với họ, tình hình ở đó khá thuận lợi: chính quyền Việt Nam bật đèn xanh và không có đối thủ cạnh tranh nặng ký nào mà không thể thỏa thuận".
Quyết định của Bộ Tài chính Hoa Kỳ có phải là một phần của một trò chơi địa chính trị?
Quyết định của Bộ Tài chính Hoa Kỳ là một phần của trò chơi địa chính trị, giáo sư Mazyrin nói tiếp. Điều quan trọng đối với chính quyền Biden, cần làm mềm mại các phương pháp tiếp cận của mình, để đạt được không chỉ những thông số kinh tế, mà cả những nhượng bộ theo hướng mà Washington mong muốn.
"Điều này liên quan đến sự tán thành và ủng hộ của Hà Nội đối với khái niệm về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở và thành tố chính — QAUD (Bộ Tứ), liên minh quân sự giữa Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ. Liên quan đến CPTPP, theo tôi, Tổng thống Biden chắc chắn sẽ quay trở lại ngay sau khi giải quyết các vấn đề nội bộ nóng bỏng. Ý nghĩa của hiệp định này, không chỉ hợp nhất các quốc gia, thậm chí không khu vực, mà cả các lục địa, là rất lớn đối với Hoa Kỳ, đặc biệt là sau khi ký kết RCEP, mà Hoa Kỳ không thể chấp nhận được do sự gần gũi với Trung Quốc. Và ở đây sự ủng hộ của Hà Nội cũng rất quan trọng đối với Washington. Tôi cho rằng Tổng thống Biden sẽ theo đuổi đường lối với Việt Nam đã được Tổng thống Obama đặt ra và tích cực theo đuổi: sức hút toàn diện và tăng cường quan hệ với Việt Nam", chuyên gia Nga nói.