Ngoài ra, FED có thể sửa đổi các tiêu chí đánh giá của mình và không tập trung quá mức vào cán cân thương mại, vì những đánh giá như vậy không phải lúc nào cũng phản ánh đúng thực tế.
Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết trong báo cáo sẽ được công bố hôm thứ Năm sẽ không tập trung chống Trung Quốc. Thời tổng thống Trump, Trung Quốc bị áp đặt cơ chế nước thao túng tiền tệ. Vài tháng sau, Mỹ hủy bỏ tư cách thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc. Vì điều này xảy ra ngay trước ngày ký kết Hiệp định thương mại giai đoạn 1, giới phân tích cho rằng tư cách thao túng tiền tệ không liên quan gì đến thực tế và Mỹ sử dụng cơ chế này nhằm mục đích thao túng chính sách thương mại.
Trên thực tế, từ năm 2019 đã có thể hiểu được điều này. Lần đầu tiên kể từ năm 1994, Mỹ chỉ trích Trung Quốc thao túng tiền tệ. Khi đó, tỷ giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc thực sự đã giảm hơn 6% trong thời gian tương đối ngắn và vượt qua mốc tâm lý 7 nhân dân tệ/USD. Thật ra, điều này liên quan đến leo thang cuộc chiến thương mại, sau khi Washington bổ sung một số công ty Trung Quốc vào danh sách đen của Bộ Thương mại và thông báo ý định áp đặt mức thuế bổ sung 10% đối với các sản phẩm của Trung Quốc với tổng trị giá 300 tỷ USD.
Những lý do khác khiến đồng nhân dân tệ suy yếu
Năm 2019, nhiều thị trường mới nổi bị suy thoái, đồng tiền các nước đó cũng tương ứng suy yếu theo. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng rupee của Indonesia, đồng rand của Nam Phi đều mất giá. Tất cả những yếu tố này gây áp lực lên đồng nhân dân tệ. Ngay cả các tổ chức tài chính uy tín của phương Tây cũng không đồng tình với Washington khi đánh giá chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Đặc biệt, IMF lưu ý rằng tương ứng với phương pháp luận đánh giá chính sách tỷ giá hối đoái, theo bất kỳ thông số nào Trung Quốc cũng không thể bị coi là quốc gia thao túng tiền tệ.
Giờ đây, còn hơn thế nữa, thậm chí không có lý do giả thuyết nào để gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Đồng nhân dân tệ duy trì tỷ giá khá ổn định và đã mạnh lên trong năm qua. Trung Quốc đối phó với đại dịch và hậu quả khủng hoảng coronavirus khá tốt. Ông Liu Dian, cộng tác viên khoa học tại Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói với Sputnik rằng, các nguyên tắc kinh tế cơ bản của Trung Quốc là rất đáng khích lệ.
“Khi Trung Quốc có vị thế mạnh hơn trong nền kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ của nước này có tác động mạnh mẽ hơn đến kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, để kinh tế thế giới phục hồi bình thường sau đại dịch COVID-19, cần có sự phối hợp nỗ lực của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đang kích thích nền kinh tế của mình bằng thanh khoản. Ngược lại, mặc dù đã đưa ra một số biện pháp kích thích ở giai đoạn đầu nhưng Trung Quốc vẫn duy trì được chính sách tiền tệ ổn định, đặc biệt là khi so sánh với Mỹ và một số nước châu Âu. Và nếu thị trường tài chính có bất kỳ biến động nào trong tương lai, Trung Quốc vẫn duy trì được khả năng điều động."
Trung Quốc đã đưa ra những biện pháp gì để kích thích kinh tế?
Năm ngoái, Trung Quốc thực sự đã thực hiện một số biện pháp nhất định để kích thích nền kinh tế. Nhưng đây chủ yếu là các biện pháp tài khóa hơn là biện pháp tiền tệ. Thâm hụt ngân sách tăng lên, hạn ngạch trái phiếu địa phương được mở rộng, việc phát hành trái phiếu chính phủ cho mục đích đặc biệt được thông qua để chống hậu quả đại dịch. Tuy nhiên, năm nay, khi tình hình được bình thường hóa, các nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu hủy bỏ dần các biện pháp khuyến khích này để ngăn chặn không cho kinh tế phát triển quá nóng. Trong khi đó, Mỹ đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá gần 2 nghìn tỷ USD. Như vậy, nhà máy in tiền của Mỹ vẫn hoạt động hết công suất. Về lý thuyết, chính sách như vậy sẽ gây ra lạm phát không kiểm soát được. Tuy nhiên, vì Hoa Kỳ được hưởng vị thế đồng đô la là tiền tệ thế giới, do đó Mỹ có thể duy trì các chỉ số kinh tế cơ bản trong giới hạn bình thường. Điều này xuất phát từ thực tế là tất cả các khoản dư thừa đều được chuyển sang thị trường chứng khoán, dẫn đến giá tài sản tăng bất thường. Tình hình thị trường chứng khoán Mỹ rất biến động. Do đó, bất chấp mọi mâu thuẫn giữa Washington và Bắc Kinh, Mỹ hiểu rằng hợp tác thực dụng vẫn là cần thiết. Chuyên gia giải thích:
“Từ đầu năm đến nay, thị trường đã rơi vào thế cực kỳ dễ bị tổn thương, và giới chuyên gia ở nhiều nước hiểu rõ điều này. Trong điều kiện như vậy, Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng. Mỹ hiểu rằng bất chấp đối đầu chiến lược, cần phải duy trì hợp tác thực dụng với Trung Quốc trong một số lĩnh vực nhất định. Mỹ nhận thức được rằng họ sẽ không gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Điều này có thể được coi là cử chỉ thiện chí, về mặt nào đó là nhượng bộ. Nhưng điều này cũng tạo ra những điều kiện nhất định cho phía Trung Quốc và kéo theo những thiệt thòi nhất định. Câu hỏi tiếp theo đặt ra là liệu Trung Quốc có chấp nhận những điều kiện này hay không”.
Năm ngoái, ngay cả trong thời Trump, khi FED công bố báo cáo, Mỹ đã gán tư cách nước thao túng tiền tệ cho Thụy Sĩ thân thiện. Ấn Độ cũng bị kiểm soát đặc biệt. Thời gian gần đây, Mỹ thường xuyên sử dụng "cây gậy" thao túng tiền tệ, đến mức công cụ này đã không còn tác dụng. Ngược lại, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ lại trở nên tích cực hơn trong các hoạt động can thiệp ngoại hối.
Hiện tại, Hoa Kỳ đang ở trong tình thế mà các phương pháp gây áp lực của họ đối với các nước khác đã phần nào mất giá, do sử dụng quá thường xuyên. Do đó, báo cáo sắp tới có thể sẽ nhẹ nhàng hơn. Nếu Mỹ sửa đổi các tiêu chí đánh giá cơ bản, thì cuối cùng gần một nửa số quốc gia sẽ thoát khỏi cái mác “nước thao túng tiền tệ”.