Việt Nam vào top 15 nền kinh tế phục hồi tốt nhất thế giới hậu Covid-19

Việt Nam tăng 4 bậc, vươn lên vị trí số 11, lọt top 15 nền kinh tế có khả năng phục hồi tốt nhất, mạnh mẽ nhất thế giới hậu Covid-19.
Sputnik

Còn theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhờ kiểm soát thành công dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,7% trong năm 2021 và khoảng 7% trong năm 2022.

Tuy nhiên, ADB cũng khuyến nghị rằng Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng bằng cách làm dịu đi tác động của đại dịch Covid-19 đối với nghèo đói và thu nhập, qua đó cải thiện “nốt trầm” của nền kinh tế.

ADB dự báo gì về tăng trưởng kinh tế Việt Nam?

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 với Việt Nam và các nước đang phát triển tại khu vực châu Á, trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng mở rộng vaccine Covid-19 được triển khai mạnh mẽ cũng như nhu cầu xuất khẩu trên thế giới tăng mạnh.

Việt Nam vào top 15 nền kinh tế phục hồi tốt nhất thế giới hậu Covid-19

Ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam đã có những chia sẻ trên tại cuộc họp báo công bố Cập nhật báo cáo triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam 2021-2022 của ADB.

Theo ông Jeffries, trong năm 2020,  sức cầu bên ngoài yếu dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự trì trệ của tiêu dùng nội địa đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

“Tuy nhiên, với những thành công đạt được trong việc kiểm soát dịch bệnh, kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay và năm sau”, chuyên gia của ADB khẳng định.

Nhóm nghiên cứu của ADB dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng 6,7% trong năm 2021 và 7% trong năm 2022. Động lực tăng trưởng của đất nước sẽ bao gồm các ngành công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư gia tăng và thương mại mở rộng mạnh mẽ hơn nữa.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao hơn mức của thế giới và tiếp tục dẫn đầu
Ngoài ra, trong năm 2021, công nghiệp là lĩnh vực được dự báo sẽ tăng 9,5%, qua đó đóng góp 3,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Ngay từ quý I/2021, công nghiệp đã có sự khởi động mạnh mẽ khi tăng đến 6,3% so với 3 tháng đầu năm 2020. Chỉ số quản trị mua hàng tăng 53,6 điểm trong tháng 3. Đây là mức cao nhất được ghi nhận từ tháng 1/2019.

ADB cũng lưu ý vai trò quan trọng của việc kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 cũng như thực hành tiêm chủng phổ quát vaccine Covid-19.

Theo đó, việc tiêm vaccine Covid-19 đã tạo thuận lợi việc đi lại trong nước cũng như cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu tăng cao trước sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn. Trong khi đó, ngành xây dựng được dự báo sẽ tăng nhanh khi Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng lớn trong năm 2021, cũng như lãi suất thấp kích thích hoạt động xây dựng bất động sản.

Kinh tế, GDP, FDI tăng trưởng ngoạn mục, nguồn tiền thế giới đổ về Việt Nam
Đối với kinh tế Việt Nam, dự kiến, ngành dịch vụ cũng được dự báo sẽ phục hồi với mức tăng trưởng 6% năm 2021, đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Theo giới chuyên gia, tăng trưởng của khu vực này đến từ tiến trình chuyển đổi số, tăng chi tiêu vào vaccine Covid-19, niềm tin kinh doanh cải thiện và mặt bằng lãi suất thấp.

Nhờ các cải cách cơ cấu được duy trì, khu vực nông nghiệp cũng được dự báo sẽ hoạt động mạnh hơn trong năm nay. Tiếp cận thị trường đối với hàng nông sản xuất khẩu theo các hiệp định thương mại tự do khu vực được cải thiện, và giá lương thực toàn cầu cũng tăng cao hơn do nhu cầu tăng.

Bên cạnh những yếu tố trên, theo các chuyên gia của ADB, một trong những động lực tăng trưởng then chốt cho năm nay và năm sau là sự gia tăng đầu tư. Thành công của công tác chống dịch và việc ban hành Luật Đầu tư hồi tháng 1/2021 đã làm giảm bớt các rào cản quy định về kinh doanh, từ đó giúp thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài.

Thống kê cho thấy, đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng 17,8% trong quý I/2021 so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ còn tăng nhờ đầu tư tư nhân, vốn đã gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, còn có yếu tố xúc tác là mặt bằng lãi suất thấp và chi tiêu công tăng.

Trong năm 2021, thương mại sẽ duy trì tốt trong bối cảnh có sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc và Mỹ, vốn là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Ngoài ra, việc Việt Nam tham gia vào 15 hiệp định thương mại tự do lớn với hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới cũng đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng thương mại.

Việt Nam đạt mức xuất siêu hàng hóa 2 tỉ USD trong quý I/2021. Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 34,35% và sang Mỹ tăng 32,8%. Trong năm nay và năm sau, xuất khẩu hàng hóa được dự báo sẽ tăng 8%.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không nên nới lỏng chính sách tiền tệ?

Trong báo cáo của mình, ADB cho biết, tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ cải thiện trong năm 2021, nhờ có các đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2020 và sự phục hồi nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp.

Điều gì đằng sau việc Hoa Kỳ hủy bỏ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ?

Ngân hàng Nhà nước đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán là 12% năm 2021. Các ngân hàng thương mại cũng đã được chỉ đạo để tiếp tục cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi cho đến hết năm 2021 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chống chọi với các tác động tiêu cực từ đại dịch.

“Tuy vậy, vẫn còn khá nhiều rủi ro lớn trong năm nay và năm sau, đặc biệt nếu không triển khai vaccine kịp thời để ứng phó với các biến chủng mới của virus gây Covid-19”, theo các chuyên gia của ADB.

Ngân hàng này cũng lưu ý, do Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, nên tốc độ triển khai tiêm chủng Covid-19 không đồng đều trên toàn cầu có khả năng sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam so với trước đại dịch.

Về những lo ngại phát sinh nợ xấu khi mà nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ông Andrew Jeffries nhận định, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam thời gian qua khá hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu đã được kéo giảm đáng kể. Điều này cho thấy sức mạnh ứng phó của hệ thống ngân hàng Việt Nam là tương đối tốt, nên rủi ro nợ xấu bùng phát là khó xảy ra.

“Dù là thế, trong năm 2021, để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước không nên theo đuổi việc nới lỏng chính sách tiền tệ, điều này sẽ có nhiều rủi ro”, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam lưu ý.

Top 15 nền kinh tế có khả năng hồi phục tốt nhất và “nốt trầm” cần cải thiện

Trong báo cáo của mình, ADB cũng nhận định, Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng bao trùm bằng cách làm dịu đi tác động của đại dịch Covid-19 đối với nghèo đói và thu nhập. Đó chính là “nốt trầm” trên con đường tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Bộ máy lãnh đạo mới của Việt Nam ảnh hưởng gì đến tăng trưởng kinh tế?

Theo tính toán của ADB, ảnh hưởng của đại dịch do coronavirus gây ra sẽ làm giảm thu nhập trên đầu người của hộ gia đình trung bình 9,8%, và nhóm có thu nhập thấp nhất sẽ bị giảm đến 10,2% thu nhập. Ngoài ra, tỷ lệ hộ nghèo trong ngũ phân vị có thu nhập nghèo nhất sẽ tăng 40%.

Các báo cáo của ADB và Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, dù nền kinh tế và tình hình xã hội được duy trì ổn định, Việt Nam vẫn gặp phải một số khó khăn thách thức để đảm bảo công bằng thu nhập cho các nhóm đối tượng xã hội khác nhau. Nhóm chuyên gia của ADB lưu ý rằng, Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng bao trùm thông qua việc làm dịu đi tác động của đại dịch đối với nghèo đói và thu nhập.

“Việt Nam nên có chiến lược bền vững, dài hạn để giúp đỡ người nghèo và người dễ bị tổn thương thông qua những biện pháp như đào tạo nghề và cải thiện tiếp cận với tín dụng vi mô cho các doanh nghiệp mới”, báo cáo của ADB khuyến nghị kế sách lâu dài, bền vững mà Việt Nam nên áp dụng.

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin trước đó, theo xếp hạng tháng của Bloomberg đánh giá khả năng phục hồi của 53 nền kinh tế, Việt Nam đã tăng 4 bậc so với xếp hạng tháng trước, vươn lên vị trí thứ 11 và nằm trong top 15 nền kinh tế có khả năng phục hồi tốt nhất hậu Covid-19.

Bloomberg đánh giá nhờ vào các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả mà kinh tế Việt Nam sẽ có thể phục hồi mạnh mẽ và được dự báo tăng trưởng tới 7,3% trong năm nay.

Thảo luận