Hai chiến thắng vĩ đại cách nhau ba chục năm

Cuối tháng 4 - đầu tháng 5 là khoảng thời gian thực sự quan trọng nổi bật đối với cả Nga và Việt Nam. Ngày 9 tháng 5 năm 1945, Liên Xô đánh bại bọn Đức Quốc xã. Ngày 7 tháng 5 năm 1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh bại quân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sputnik

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, các chiến sĩ Việt Nam phất cao lá cờ đỏ chiến thắng trên dinh thự thủ phủ của chế độ Sài Gòn. Và đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng mang tính biểu tượng đặc biệt: cũng vào ngày 30 tháng 4 nhưng là năm 1945, những người lính Xô-viết đã cắm lá cờ chiến thắng trên nóc nhà nghị viện Berlin - tòa nhà chính của nước Đức phát-xít. 

Hai chiến thắng vĩ đại cách nhau ba chục năm

Điều này được thảo luận tại hội nghị trọng thể do Hội Hữu nghị Nga-Việt tổ chức tại Matxcơva. Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch BCH TƯ Hội, Giáo sư Vladimir Buyanov, người từng có nhiều năm làm việc xây dựng nhà máy nhiệt điện Phả Lại ở Việt Nam đã nhận xét như sau:

«Nếu không có chiến thắng của nhân dân Liên Xô năm 1945, thì chắc là bức tranh thế giới hôm nay đã hoàn toàn khác. Có lẽ cũng đã không có chiến thắng của Việt Nam năm 1975, không có đất nước Việt Nam thịnh vượng ngày nay, một tấm gương cho nhiều nước trên thế giới và ở khía cạnh nào đó, ngay cả nước Nga noi theo học tập».
75 năm Chiến thắng Vĩ đại: Trách nhiệm chung trước lịch sử và tương lai

Chủ tịch đương nhiệm của Đoàn Chủ tịch Tổ chức Xã hội Liên vùng của các cựu chiến binh Nga trong Chiến tranh Việt Nam, ông Nikolai Kolesnik, người lần thứ nhất đến thủ đô Việt Nam vào cuối tháng 4 năm 1965 trong thành phần đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô nêu ý kiến trên diễn đàn hội nghị.

«Nhiệm vụ của chúng tôi khi ấy là trong vòng 4 tháng chuẩn bị thành lập những trung đoàn tên lửa đầu tiên của QĐND Việt Nam. Tuy nhiên, do thực tế những cuộc tập kích của máy bay Mỹ quá thường xuyên và có sức hủy diệt lớn nên phía ta đã không đợi kết thúc đợt huấn luyện này và quân nhân tên lửa Xô-viết đã trực tiếp xung trận chống Không lực Hoa Kỳ, trên những tổ hợp đã được cung cấp cho Việt Nam. Thêm vào đó, phải khai hoả với cơ số tối giản: thay vì 70 người mỗi sư đoàn như là tiêu chuẩn thế giới thời bình thì chúng tôi chỉ vẻn vẹn 30 người. Trận đánh tên lửa đầu tiên diễn ra ngày 26 tháng 7, kết quả là bắn hạ 3 chiếc «Phantom» Mỹ, và tôi tự hào là một thành viên tham gia trận đánh lịch sử này». 
Hai chiến thắng vĩ đại cách nhau ba chục năm

Hướng tới cử toạ trong hội nghị, bà Nguyễn Quỳnh Mai thay mặt Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại LB Nga đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành với những người Nga đã sát cánh cùng quân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến. 

«30 tháng 4 là ngày hội rực rỡ nhất và thiêng liêng nhất ở đất nước tôi. Đây là một ngày đặc biệt hàm chứa cả niềm vui và nỗi buồn. Chúng tôi thương tiếc tưởng nhớ những người đã khuất trong chiến tranh, trong đó có các chuyên gia quân sự Liên Xô đã hy sinh mạng sống vì sự nghiệp thống nhất đất nước chúng tôi, vì tự do, vì tương lai của các thế hệ ngày nay. Chúng tôi trân trọng đánh giá cao sự giúp đỡ của các chuyên gia Xô-viết đã kề vai sát cánh cùng những người yêu nước Việt Nam chiến đấu chống kẻ thù tàn bạo. Chúng tôi luôn ghi ơn sự giúp đỡ vô giá của Liên Xô. Cần giáo dục thế hệ trẻ để họ hiểu được giá trị và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng năm 1975. Hiện nay, Việt Nam tiếp tục thi hành đường lối hướng tới sự phát triển toàn diện bền vững của đất nước và tăng cường các liên hệ quốc tế. Như nhấn mạnh trong Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam CSVN, kế thừa và phát huy quan hệ hợp tác tốt đẹp với LB Nga là một trong những định hướng quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Tôi tin chắc rằng tình hữu nghị bền lâu giữa Nga và Việt Nam, được xây đắp, gắn bó và trải qua thử thách chiến tranh khắc nghiệt, sẽ mãi là nền tảng vững chắc và là bảo đảm để tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của chúng ta». 

Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga, TBT tạp chí «Châu Á và Châu Phi ngày nay», ông Alexei Vasiliev từng công tác tại Việt Nam những năm 1967-1969 với tư cách là phóng viên của báo «Pravda», cơ quan ngôn luận trung ương Liên Xô đương thời. Trong khuôn khổ hội nghị ở Matxcơva đã diễn ra buổi giới thiệu cuốn sách mới của ông nhan đề "Chiến tranh Việt Nam. Tại sao người Mỹ thất bại". Theo lời tác giả, những năm ở Việt Nam là thời kỳ tươi sáng nhất trong cuộc đời ông. 

Có một ngày hai lần nổi bật trong lịch sử thế giới hiện đại

«Chiến tranh Việt Nam diễn ra trên bộ, trên không, trong các cuộc đàm phán ngoại giao và trong không gian thông tin toàn cầu. Vai trò cá nhân của tôi khi ấy là một chiến sĩ trên mặt trận thông tin.
Tôi và tất cả các đồng hương Xô-viết của tôi có mặt tại Việt Nam khi đó, đã tận mắt chứng kiến cảnh ​​những con người của đất nước nông nghiệp nhỏ bé, ban đầu trang bị vũ khí còn chưa tốt, nhưng đã kiên cường chiến đấu hàng chục năm, đã có thể tổ chức cuộc kháng chiến anh dũng nhân danh mục tiêu chung cao quý vì tự do, độc lập và thống nhất. Chúng tôi thấy rõ dã tâm của đế quốc Mỹ như tòa nhà chọc trời hoàn toàn dối trá, mà nền tảng là vụ «vịnh Bắc Bộ» khét tiếng. Sự giúp đỡ từ phía Liên Xô, đóng góp của các chuyên gia và cố vấn Xô-viết đã đóng vai trò to lớn trong việc đẩy lùi bọn xâm lược Mỹ. Phúc đáp yêu cầu của ban lãnh đạo Việt Nam, Liên Xô đã gửi sang Việt Nam những trang thiết bị quân sự hiện đại nhất. Từ tháng 4 năm 1965 đến tháng 12 năm 1974, Matxcơva đã chuyển giao hơn 500 máy bay, 120 máy bay trực thăng, hơn 5.000 khẩu pháo phòng không và 2.000 xe tăng. Và còn nữa - 95 tổ hợp tên lửa-phòng không với 7.658 tên lửa, mà cho đến lúc đó, những vũ khí này còn chưa từng được sử dụng ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Tôi đã thấy người Việt Nam quý trọng và hết mình bảo vệ các chuyên gia Liên Xô ra sao. Tất cả những điều đó đã tạo nên nền tảng vững chắc cho quan hệ của chúng ta với Việt Nam, sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, và nhờ đó quan hệ đối tác toàn diện của chúng ta đang tiếp tục được củng cố và phát triển.
Hai chiến thắng vĩ đại cách nhau ba chục năm
Nhưng bây giờ có những người đang ra sức phủ nhận tầm vóc chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam và ý nghĩa của viện trợ Liên Xô dành cho chiến thắng này. Có những dòng nguệch ngoạc và những tuyên bố xuyên tạc, thậm chí cả ở nước Nga ngày nay, cố biện minh cho hành động xâm lược của Mỹ, hô hào quên đi cuộc chiến Việt Nam, quên đi tội ác mà quân đội Mỹ gây ra ở Việt Nam. Đập lại những luận điệu xảo trá đó là một trong hai lý do thôi thúc khiến tôi quyết định viết cuốn sách này. Còn lý do thứ hai là từ tình cảm – tôi muốn qua cuốn sách này tôn vinh chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Việt Nam, tri ân các chuyên gia Liên Xô đã giúp các bạn Việt Nam chiến thắng».

Viện sĩ Vasiliev kết thúc cuốn sách của mình bằng lời ca từ một bài hát thời Xô-viết nói về cuộc chiến chống phát-xít: «Chúng ta cần chiến thắng. Mỗi người vì mọi người. Chúng ta sẽ không lui vì bất cứ giá nào». Viện sĩ cho rằng trong suốt những năm chống Mỹ xâm lược những lời tâm huyết này hoàn toàn phù hợp với trạng thái tinh thần và tâm thế của những người yêu nước Việt Nam cùng các chuyên gia Xô-viết đã đến hỗ trợ để giành chiến thắng.

Đọc thêm: Nhìn lại cuộc chiến “chấn động địa cầu” của quân và dân Việt Nam

Thảo luận