Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nêu bài học từ chùm dịch Covid-19 Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 – thành trì quan trọng của ngành y tế Việt Nam trong cuộc chiến với đại dịch SARS-CoV-2.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nêu nguyên nhân dịch Covid-19 tái bùng phát mạnh tại thủ đô và yêu cầu khẩn trương cách ly F0, truy vết F1 càng sớm càng tốt, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
CDC Hà Nội thông tin về 42 ca mắc Covid-19 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2
Tính đến chiều ngày 6/5, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã có ít nhất 52 bệnh nhân Covid-19 ở 15 tỉnh, thành lây lan từ chùm ca bệnh liên quan ổ dịch Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 Đông Anh.
Trong số này, tỉnh Bắc Ninh nhiều có đến 11 ca mắc nCov, kế đó là Hà Nội với 9 ca mắc (huyện Đông Anh 2 trường hợp, huyện Sóc Sơn 3, quận Nam Từ Liêm 2, Sơn Tây 1, Ba Đình 1).
Một số tỉnh khác ghi nhận các ca bệnh liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 trong đó, Phú Thọ có 4 bệnh nhân, Yên Bái 1 bệnh nhân, Vĩnh Phúc 5 ca, Thái Bình 5 ca, Sơn La 1 người, Quảng Ninh 1 người.
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã ra thông báo khẩn về việc, tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và người dân đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 từ ngày 14/4 đến 4/5/2021 cần liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn theo dõi sức khỏe và hỗ trợ y tế, tránh nguy cơ lây dịch ra cộng đồng.
“Rất nhiều bài học cho công tác phòng dịch Covid-19 tại Việt Nam”
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, sáng 6/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã đến tiêm vaccine Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai.
Phát biểu tại buổi làm việc sau khi hoàn tất việc tiêm chủng, ông Long nhấn mạnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là “thành trì quan trọng” của ngành y tế khu vực phía Bắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Bệnh viện là nơi tiếp nhận, điều trị tất cả bệnh nhân Covid-19, bao gồm các ca nặng. Cho đến giờ, bệnh viện đã điều trị hơn 1.000 ca Covid-19. Đặc biệt, chưa có trường hợp nào tử vong được ghi nhận tại viện, kể cả các ca rất nặng. Đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng từ tất cả nhân viên y tế trong bệnh viện.
“Chúng tôi đánh giá rất cao tập thể các y bác sĩ, những người đã quên mình hơn một năm rưỡi qua trong trận chiến hết sức cam go này”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đến nay thì thành trì vững chắc này cũng đã phải ‘thất thủ’ do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Sau 2 ngày 5 và 6/5, đã có 22 ca nhiễm được ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Đến chiều nay, CDC Hà Nội cho biết, có tới 42 ca mắc coronavirus được ghi nhận tại cơ sở 2.
Trong số đó có bao gồm nhân viên y tế (1 bác sĩ và 1 điều dưỡng), bệnh nhân cùng người nhà bệnh nhân. Đã có ít nhất 4 tỉnh thành phát hiện tổng cộng 19 ca nghi nhiễm liên quan viện Nhiệt đới. Trong số đó, có 9 trường hợp ở Bắc Ninh 9 ca, 5 ca ở Thái Bình, 2 người ở Hưng Yên và 3 ca ở Hà Nội (gồm 2 ca là người chăm sóc bệnh nhân và một bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 105 đi học tại viện Nhiệt đới).
Theo Bộ trưởng Long, mầm bệnh có thể lây giữa các khoa trong bệnh viện hoặc lây từ người nhà bệnh nhân. Hiện các chuyên gia y tế đang phối hợp làm việc để đánh giá nguyên nhân lây nhiễm tại đây.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, sự việc lần này đã mang đến rất nhiều bài học cho công tác phòng dịch tại Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý nhất là bài học về môi trường cách ly, quản lý cách ly, lây nhiễm trong môi trường cách ly.
Trước hết, Bộ Y tế đã đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân các trường hợp dương tính sau 14 ngày cách ly. Do đó, Bộ quyết định nâng thời gian cách ly tập trung lên 21 ngày và yêu cầu áp dụng ngay.
Sau đó là bài học về việc chú trọng khâu bàn giao giữa cơ sở cách ly với các địa phương nơi cư trú. Bộ đã đưa ra hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai chặt chẽ khâu bàn giao này, áp dụng ngay từ chiều 5/5.
Thứ ba là khâu theo dõi tại địa phương sau khi hoàn thành cách ly tập trung, nghĩa là giai đoạn cách ly tại nhà hoặc tại nơi cư trú. Các địa phương phải thực hiện nghiêm, giám sát và theo dõi sức khỏe người cách ly thêm 7 ngày sau khi người đó hoàn thành thời gian cách ly tập trung.
Tiếp đó là bài học về công tác xét nghiệm trong thời gian cách ly. Việc xét nghiệm này hiện có thể còn bỏ lọt các mẫu dương tính. Vì vậy, Bộ yêu cầu nâng tần suất xét nghiệm trong thời gian cách ly từ 2-3 lần lên 4-5 lần để đảm bảo an toàn tối đa cho cộng đồng.
Vấn đề cuối cùng là khả năng lây nhiễm trong bệnh viện. Đây là tình trạng đã từng xảy ra. Do đặc thù bệnh viện là nơi phát hiện các ca lây nhiễm nên khả năng dịch bệnh lây nhiễm tại môi trường này là rất lớn. Do đó, tất cả bệnh viện phải sàng lọc kỹ lưỡng và liên tục đối với nhân viên y tế cũng như nhóm bệnh nhân nguy cơ cao.
“Phải triển khai mọi biện pháp để đảm bảo không có lây nhiễm trong các cơ sở y tế”, Bộ trưởng nêu rõ.
Sau khi vừa phát hiện cụm dịch ở cơ sở 2 bệnh viện (tại Đông Anh, Hà Nội), Bộ Y tế đã cho cách ly y tế toàn bộ cơ sở 2, đồng thời sàng lọc tất cả mọi người trong bệnh viện. Tất cả người đến khám chữa bệnh kể từ ngày 14/4 đến nay đã được lên danh sách, gửi về các địa phương để truy vết, cách ly, xét nghiệm.
“Cách làm này chúng ta đã có kinh nghiệm, Bệnh viện Bạch Mai trước đây là một ví dụ. Bạch Mai lớn hơn rất nhiều so với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới”, người đứng đầu ngành y cho biết.
Theo Bộ trưởng, ngành y tế tin rằng các địa phương đang khẩn trương truy vết tìm ra những người tiếp xúc, có liên quan và có thể trở thành nguồn truyền nhiễm để cách ly, xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng động viên tất cả nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương dù tình hình khó khăn, phức tạp nhưng không ai rời vị trí, sẵn sàng trong điều trị đối với bệnh nhân. Bệnh viện hiện vẫn tiếp tục tiếp nhận điều trị những ca Covid-19 nặng.
Vì sao dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Hà Nội?
Phát biểu chỉ đạo tại phiên làm việc của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố chiều ngày 6/5, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu tăng cườnh nhiều biện pháp trong giai đoạn “diễn biến dịch căng thẳng” tại thủ đô hiện nay.
Đại diện lãnh đạo thành phố cũng nêu ra một số nguyên nhân khiến dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Hà Nội.
Theo ông Dũng, thứ nhất, hiện nay, số ca dương tính đang tăng nhanh với nhiều F0 trong cộng đồng. Thứ hai, chủng virus corona (SARS-CoV-2) ghi nhận tại đợt bùng phát này lây lan nhanh, tỷ lệ F1 biến thành F0 rất lớn. Nguyên nhân thứ ba, theo Phó Chủ tịch Hà Nội đó là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trên địa bàn đang trở thành “ổ dịch rất lớn” với khoảng 50 ca mắc.
Theo ông Chử Xuân Dũng, cũng cần lưu ý rằng, nguồn lây nhiễm đối với Hà Nội cũng rất đa dạng.
“Đó là các trường hợp F0 đang âm thầm trong cộng đồng, từ các cơ sở cách ly tập trung, từ nguồn nhập cảnh và nhập cảnh trái phép và từ việc người dân các tỉnh lân cận đến sinh hoạt, làm việc, học tập tại Hà Nội”, ông Dũng cho biết.
Đáng chú ý, tại cuộc họp hôm nay, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, khoảng 14h chiều ngày 6/5, toàn bộ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh) đã được phun khử khuẩn.
Đồng thời, qua rà soát cho thấy, đã có trên 2.600 người đến khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế tại đây. Thành phố hiện đang theo dõi chặt chẽ và tiếp tục điều tra thêm. Bà Hà cũng cho biết, có thể sẽ ghi nhận thêm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị quyết liệt truy vết, ngăn chặn, cắt đứt cơ chế lây lan của dịch bệnh, khẩn trương cách ly F0, truy vết F1 càng sớm càng tốt.
Ông Dũng cũng yêu cầu đơn vị, chính quyền địa phương vận động người dân không ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K và yêu cầu tạm dừng các dịch vụ không thiết yếu.
Về vấn đề báo chí phản ánh tại Hồ Gươm, người dân vẫn chưa thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, dừng tập thể dục thể thao, Phó chủ tịch Hà Nội yêu cầu Công an cấp cơ sở nhắc nhở, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cùng với đó, ông Dũng yêu cầu các địa phương theo hướng dẫn của Sở Y tế khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm các khu vực có nguy cơ.
Đối với các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng đề nghị cần khẩn trương xét nghiệm các trường hợp liên quan từ 14/4 đến 5/5 để nhanh chóng truy vết ca bệnh.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an Hà Nội, thông tin ngày 4/5, đơn vị đã phát hiện thêm 12 trường hợp nhập cảnh trái phép ở quận Hà Đông.
Theo ông Dương, tính đến nay, công an TP. Hà Nội đã phát hiện 62 trường hợp nhập cảnh trái phép. Tất cả đều được xét nghiệm và có kết quả âm tính lần 1. Trong đó, 2 vụ án đã được khởi tố đúng quy định của pháp luật.
Riêng về các vi phạm về phòng dịch, lực lượng công an cơ sở đã xử lý nhiều trường hợp không đeo khẩu trang với số tiền phạt lên tới gần 2,5 tỷ đồng.
“Tình trạng không đeo khẩu trang đã giảm hẳn”, Đại tá Dương nhấn mạnh.
Theo ông Dương, liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, qua rà soát có 27 cán bộ, chiến sĩ có đưa các trường hợp vi phạm pháp luật vào viện để xét nghiệm theo quy định.
“Qua xét nghiệm, 27 cán bộ, chiến sĩ này đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1”, Phó Giám đốc Công an Hà Nội thông tin.
Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá năng lực chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch theo phương châm “bốn tại chỗ”. Các bệnh viện tăng cường khám sàng lọc, khu công nghiệp, khu chế suất tăng cường rà soát chặt chẽ người lao động, không để xảy ra ổ dịch. Sân bay Nội Bài cũng đặc biệt phải nâng cao biện pháp phòng chống dịch.
Việt Nam đứng đầu thế giới về độ hài lòng với xử lý khủng hoảng Covid-19
Trong khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mức độ hài lòng của người dân đối với việc xử lý khủng hoàng của nhiều quốc gia trên toàn cầu giảm mạnh thì tại Việt Nam câu chuyện hoàn toàn khác.
Theo kết quả thăm dò dư luận của Viện Nghiên cứu thị trường Latana (The Latana Market Research Institute) thực hiện cho biết phần lớn người dân trên khắp thế giới ngày càng tỏ ra không hài lòng với cách kiểm soát và phòng chống dịch Covid-19 của chính phủ nước mình.
Căn cứ vào kết quả thăm dò dư luận của Latana, có thể thấy, quan điểm đánh giá về cách thức phản ứng của chính phủ các nước với đại dịch Covid-19 của người dân trên toàn cầu có sự phân hóa, chia rẽ mạnh khi có trung bình 58% số người được hỏi tin rằng chính phủ nước mình đã “phản ứng tốt” với đại dịch do coronavirus gây nên.
Theo Viện Nghiên cứu thị trường Latana, tổng quan, các nước châu Á có tỷ lệ hài lòng trung bình cao nhất (75%), tiếp đến là châu Âu (45%) và Mỹ Latinh (42%).
Đáng chú ý, theo kết quả thăm dò dư luận cho thấy, trong danh sách 53 quốc gia/vùng lãnh thổ được khảo sát, Việt Nam xếp ở vị trí cao nhất – dẫn đầu thế giới khi có tới 96% số ý kiến người dân khẳng định tin tưởng và hài lòng với công tác phòng chống đại dịch Covid-19 cùng các quyết sách của Chính phủ.
Tỷ lệ ủng hộ cao của người dân Việt Nam thậm chí còn xếp trên dân Trung Quốc với mức độ hài lòng là 93%.
Theo kết quả khảo sát của Latana, tỷ lệ hài lòng của người dân với cách mà chính quyền Brazil đối phó với khủng hoảng Covid-19 thấp nhất thế giới – chỉ 19%.
Riêng tại CHLB Đức, tỷ lệ này cũng giảm mạnh. Nếu vào thời điểm mùa xuân 2020 có tới 71% ý kiến đồng thuận, hài lòng với cách chống dịch của Chính phủ bà Markel thì sang năm 2021 tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 48%.
Khảo sát này của Viện Nghiên cứu thị trường Latana được thực hiện từ ngày 24/2-14/4 với hơn 50.000 người ở 53 quốc gia và khu vực, chiếm trên 3/4 dân số thế giới toàn cầu hiện nay.