Tăng thời gian cách ly ít nhất 21 ngày
Bản tin mới nhất vào ngày 6/5 của Bộ Y tế cho biết, Việt Nam ghi nhận thêm 8 ca mắc Covid-19 mới tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ghi nhận tổng cộng 22 người mắc Covid-19 tại đây bao gồm: 1 nhân viên, 17 bệnh nhân và 4 người nhà.
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ở cơ sở Kim Chung đang thực hiện cách ly y tế từ 5/5 đến 15/5. Trong thời gian này, bệnh viện vẫn tiếp nhận các ca bệnh Covid-19 mới.
Việt Nam đang phải đối mặt giai đoạn mới của dịch Covid-19 khi các ca nhiễm virus không rõ nguồn lây. Điển hình là chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Trong khi đó, đây là nơi cách ly, điều trị số lượng bệnh nhân Covid-19 lớn nhất cả nước.
Trước ổ dịch này, UBND TP. Hà Nội yêu cầu người dân thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài và không tập trung đông người tại nơi công cộng. Do dịch Covid-19 đã xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành như Hà Nam, TP.HCM, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hưng Yên, Quảng Nam, Đồng Nai, Hải Dương từ những nguồn tái dương tính Covid-19 sau cách ly...Chính vì thế Bộ Y tế vừa kéo dài thời gian cách ly tập trung với F1 và các trường hợp nhập cảnh.
Các trường hợp này sẽ cách ly tập trung ít nhất 21 ngày thay vì 14 ngày so với trước đây.
Việt Nam đang mất dấu nhiều nguồn lây nhiễm
Theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), từ ngày 4/5, cơ sở y tế này phát hiện một số ca dương tính với SARS-CoV-2, gồm nhân viên y tế và người bệnh. Qua điều tra, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, kết luận toàn bộ ca nhiễm mới đều chưa xác định được nguồn lây, đường lây.
Bước đầu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định đây là chùm ca bệnh do lây nhiễm trong khu điều trị bệnh nhân nội trú tại cơ sở Kim Chung. Do đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị Cục Y tế Dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Sở Y tế Hà Nội, làm đầu mối điều tra dịch tễ và truy vết người nhiễm nCoV tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và những trường hợp liên quan ngoài cộng đồng.
Cơ quan trên cần hướng dẫn, thông báo cho các sở y tế về những trường hợp F1 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để địa phương có liên quan tiếp tục điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly theo quy định.
Trước đó, theo chuyên gia dịch tễ Trần Đắc Phu, không phải tất cả ổ dịch đều tìm được F0, việc cần làm trước mắt là tập trung chống dịch bằng cách truy vết triệt để F1, F2. Cụ thể, Đà Nẵng cần nhanh chóng tìm F1, F2 của BN 2982 và BN2989 để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Có 3 giả thiết nguồn lây tại Đà Nẵng: Nguồn lây từ người nhập cảnh hợp pháp mà cách ly không tốt; Lây trong khu cách ly; Các ổ dịch lẩn khuất trong động đồng mà chưa phát hiện ra, chưa bùng phát do người dân vẫn đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Thứ trưởng Y tế: 'Việt Nam không cấm chuyên gia nhập cảnh'
Chiều 5/5, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định Việt Nam không có chủ trương cấm chuyên gia nhập cảnh, tuy nhiên đề xuất phải phù hợp, đúng người, hiệu quả. Theo ông Thuấn, Thủ tướng đã yêu cầu kích hoạt lại tổ công tác gồm đại diện 5 bộ là Ngoại giao, Quốc phòng, Y tế, Công an, Giao thông Vận tải với mục đích:
"Để cân nhắc, xét xét từng trường hợp cụ thể đưa chuyên gia vào, vì bên cạnh hiệu quả vẫn phải đảm bảo an toàn".
Từ tháng 3/2020 đến nay, các chuyến bay thương mại quốc tế đều được cấp phép bay theo hình thức một chiều chở khách từ Việt Nam đi, chiều vào Việt Nam chỉ chở hàng. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn tổ chức các chuyến bay giải cứu công dân bị mắc kẹt ở nước ngoài. Chính phủ cũng xem xét, cấp phép cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, nhà đầu tư nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Theo quy định trước đây, tất cả người nhập cảnh phải cách ly 14 ngày, xét nghiệm 2 lần âm tính thì tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày nữa.
Hồi tháng 4, nhóm chuyên gia Trung Quốc sau khi xuất cảnh Việt Nam bị phát hiện nhiễm Covid-19. Nhóm này sau khi nhập cảnh vào Yên Bái, hoàn thành cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 3 lần âm tính. Nhưng trong thời gian theo dõi, giám sát sức khỏe tại nơi cư trú sau đó, nhóm chuyên gia này "đã tự ý di chuyển đi nhiều nơi".
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Yên Bái hôm 2/5, lãnh đạo Sở Y tế Yên Bái thừa nhận việc quản lý, giám sát sau cách ly với nhóm chuyên gia này "còn lỗ hổng, sơ suất". Ông Nguyễn Trường Giang, Trung tâm Y tế TP Yên Bái, đã bị đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm việc xảy ra lây nhiễm Covid-19 tại khu cách ly người nước ngoài.