Chuyên gia nhận định khả năng VinFast, Bamboo Airways IPO thành công ở Mỹ

Việc VinFast, đơn vị thành viên Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hay Bamboo Airways gắn với tên tuổi đại gia FLC Trịnh Văn Quyết quyết tâm IPO ở Mỹ, niêm yết tại thị trường chứng khoán quốc tế được đánh giá góp phần thay đổi “vị thế” của doanh nghiệp Việt Nam.
Sputnik

Theo các chuyên gia, việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), niêm yết tại thị trường nước ngoài sẽ tạo được uy tín cho quốc gia, thu hút dòng vốn ngoại và nâng tầm vị thế doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, chuyên gia đánh giá như thế nào về khả năng IPO thành công của VinFast, Bamboo Airways và các doanh nghiệp Việt Nam khác tại Mỹ hay thị trường chứng khoán nước ngoài ra sao?

VinFast, Bamboo Airways IPO ở Mỹ: Sánh vai với những gã khổng lồ quốc tế

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, thời gian qua một số doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch gọi vốn tham vọng tại thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.

Theo đó, VinFast (hãng xe quốc dân – doanh nghiệp thuộc tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng) và Bamboo Airways (Hàng không Tre Việt của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết) lên kế hoạch lần đầu chào bán cổ phiếu (IPO) ngay trên chính các sàn chứng khoán Mỹ thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận trong và ngoài nước.

VinFast ‘không nhượng bộ’, chủ kênh GoGo TV Trần Văn Hoàng nói gì?

Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) của ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, được cho là đang bắt tay với Credit Suisse Hong Kong để chào bán, phát hành cổ phiếu VinFast lần đầu, qua đó chính thức IPO tại thị trường Chứng khoán New York (NYSE), Mỹ.

Dự kiến, Vingroup của doanh nhân Phạm Nhật Vượng có thể huy động tới 3 tỷ USD trong đợt IPO đầu tiên ngay của mình tại Hoa Kỳ, giúp giá trị vốn hóa của hãng đạt khoảng 50 – 60 tỷ USD, trở thành doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu lớn nhất Việt Nam từ ​​trước đến nay, đồng thời, kế hoạch IPO chào bán cổ phiếu VinFast sẽ diễn ra vào quý II/2021 này.

Đồng thời, với giá trị vốn hóa này, nếu IPO thành công, VinFast sẽ vươn lên sánh ngang với hàng loạt các ông lớn về xe hơi trên thế giới như Ford (Mỹ, 49,8 tỷ USD), Honda (Nhật Bản, 51 tỷ USD), Huyndai (Hàn Quốc 51,22 tỷ USD), Ferrari (Ý, 51,3 tỷ USD) hay BMW (Đức, 58,7 tỷ USD), giúp tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thể lọt top 50 người giàu nhất thế giới.

Chuyên gia nhận định khả năng VinFast, Bamboo Airways IPO thành công ở Mỹ
Sau VinFast, ông Trịnh Văn Quyết tham vọng gì khi muốn IPO Bamboo Airways ở Mỹ?

Lên tiếng về tham vọng IPO tại Mỹ, đại diện Vingroup khẳng định tập đoàn thường xuyên xem xét các lựa chọn để huy động vốn và đầu tư cho VinFast. Điển hình là những cơ hội huy động vốn như đầu tư vốn trực tiếp vào công ty, phát hành cổ phiếu mới, sáp nhập với công ty mua lại mục đích đặc biệt (Specified Purpose Acquitision Company (SPAC) - một phương thức giúp các công ty có thể nhanh chóng lên sàn, dù chưa đạt đủ các tiêu chuẩn niêm yết) hoặc các giao dịch khác. Vingroup cũng nêu rõ, việc triển khai các giao dịch huy động vốn còn tùy thuộc vào điều kiện thị trường và nhu cầu vốn thực tế của công ty.

Trong khi đó, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cũng đang có kế hoạch cân nhắc đưa Bamboo Airways IPO tại Mỹ trong quý III/2021 này.

Theo đại gia Trịnh Văn Quyết, Bamboo Airways đặt mục tiêu huy động vốn khoảng 200 triệu USD thông qua việc phát hành từ 5 - 7% cổ phần. Đồng thời, giá khởi điểm 60.000 - 80.000 đồng/cổ phiếu và giá trị vốn hóa thị trường của Bamboo Airways lên mức khởi điểm 4 tỷ USD theo ước tính của Bamboo Airways.

Doanh nghiệp Việt IPO ở nước ngoài: Nâng tầm vị thế Việt Nam

Liên quan đến việc ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn huy động vốn thông qua việc chào bán cổ phiếu ngay trên chính các sàn chứng khoán khổng lồ và mang tính cạnh tranh “khốc liệt” tầm quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nêu một số quan điểm.

Việt Nam vào top 15 nền kinh tế phục hồi tốt nhất thế giới hậu Covid-19

Theo Ủy ban, nếu doanh nghiệp Việt Nam IPO thành công tại nước ngoài sẽ bổ sung nguồn vốn cho chính công ty/đơn vị, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, phương thức gọi vốn đặc biệt này cũng được kỳ vọng giúp doanh nghiệp thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài là các tổ chức tài chính lớn, các tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp đó.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, chính các nhà đầu tư này có thể đóng góp cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị công ty, cải thiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc IPO tại nước ngoài còn giúp quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường quốc tế.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW trao đổi với Vietnam+ nêu quan điểm, khi IPO ở thị trường chứng khoán nước ngoài, ngoài vấn đề thu hút được nguồn tiền đầu tư mạnh mẽ, IPO thành công sẽ thúc đẩy cho việc xây dựng niềm tin từ nhà đầu tư nước ngoài, giúp nâng cao được vị thế, hình ảnh doanh nghiệp cũng như mở rộng được thị trường.

Luật sư Hà đánh giá, việc một số doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam dự kiến IPO tại thị trường nước ngoài là quy luật song song với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế trong thời gian qua. Đồng thời, khi mục tiêu kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp có tham vọng lớn thì lượng vốn cần hấp thụ cũng tăng theo.

Theo vị chuyên gia, có thể mức vốn hóa tại thị trường chứng khoán Việt Nam còn chưa đủ mạnh hoặc đã bão hòa, dẫn tới các doanh nghiệp hàng đầu phải tìm kiếm nguồn lực mới ở thị trường nước ngoài với mục tiêu quốc tế hóa thương hiệu, mở rộng phạm vi hoạt động ra nước ngoài và tìm kênh huy động vốn lớn.

“Việc mong muốn IPO ở nước ngoài còn thể hiện năng lực pháp lý của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng cao, đã và đang đáp ứng được đầy đủ giấy phép, điều kiện, hồ sơ và thủ tục của các sàn chứng khoán và hệ thống pháp luật nước ngoài”, luật sư Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh.

Cũng có chung góc nhìn, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán VPS cho rằng doanh nghiệp Việt Nam IPO hoặc niêm yết tại thị trường nước ngoài thể hiện được “vị thế” của những doanh nghiệp lớn, vươn ra nước ngoài để thi đấu, cạnh tranh, thu hút dòng tiền đầu tư của quốc tế.

Ông Khánh cũng bổ sung thêm rằng, việc IPO tại thị trường nước ngoài còn tùy thuộc vào những mảng ngành nghề và tham vọng của doanh nghiệp và quy mô huy động vốn của doanh nghiệp cũng phải thực sự lớn. Vị chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp quy mô nhỏ thì chỉ cần niêm yết ở thị trường Việt Nam.

Chuyên gia nhận định khả năng VinFast và Bamboo Airways niêm yết thành công

Phó Giám đốc Tiếp thị của Dragon Capital Nick Ainsworth trong cuộc chia sẻ với báo giới Việt Nam đã đánh giá tiềm năng và khả năng doanh nghiệp Việt có thể niêm yết thành công tại thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.

Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết được phép bay thẳng đến Mỹ

Theo nhà đầu tư kỳ cựu của Dragon Capital, vấn đề chào bán cổ phiếu của VinFast là một trong những trường hợp rất hiếm khi việc niêm yết ra nước ngoài “thực sự có thể thành hiện thực, thậm chí là cần thiết”. Theo chuyên gia, việc doanh nghiệp của tỷ phú Vượng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sáng tạo (xe điện), với nhiều tính chất đột phá, thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư ngoại, từ quan điểm đầu tư về môi trường – xã hội – quản trị (ESG) và được coi là xu hướng của tương lai với nhiều triển vọng phát triển.

Theo ông Nick Ainsworth, VinFast được dự đoán sẽ cán mốc vốn hóa 50 tỷ USD nếu niêm yết thành công. Thị trường chứng khoán trong nước khó có thể hấp thụ được một lượng vốn lớn như vậy. Hơn nữa, theo chuyên gia chia sẻ trên Đầu Tư, VinFast sẽ cần một số nền tảng thể chế vững chắc trong một giao dịch khủng như thế. Ngoài ra, quan điểm đầu tư về ESG gần đây rất thu hút từ các nhà đầu tư tổ chức - điều mà ở Việt Nam chưa có sự nhìn nhận đúng mực.

“Là một phần trong hệ sinh thái xe điện đem lại giá trị tích cực tới môi trường, việc IPO của VinFast ở nước ngoài sẽ có sức hấp dẫn đặc biệt”, chuyên gia Nick Ainsworth nói.

Nhận định về thời điểm, đại diện của Dragon Capital cho rằng, đây là điều kiện thuận lợi cho giao dịch cổ phiếu nói chung do lãi suất ngân hàng rất thấp, cùng với “cơn sốt” đầu tư chứng khoán, các app đầu tư hay các quỹ đầu tư thụ động.

Về khả năng niêm yết của Bamboo Airways, ông Ainsworth đánh giá điều này là “có thể” nhưng doanh nghiệp của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết hiện còn khá non trẻ. Cũng cần phải tính đến việc cạnh tranh trong ngành hàng không rất gay gắt và nền kinh tế Việt Nam chưa thực sự mở cửa hoàn toàn.

“Sẽ tốt hơn nếu đánh giá việc Bamboo Airways có thể nâng cao hoạt động kinh doanh nội địa hay không và sẽ cạnh tranh giành miếng bánh thị phần như thế nào”, chuyên gia lưu ý.
Sẽ rất tự hào nếu VinFast và Bamboo Airways IPO thành công ở Mỹ

Các chuyên gia kinh tế trong nước đều có chung quan điểm rằng, nếu IPO thành công ở Mỹ và đạt mức định giá được 50 tỷ USD chắc chắn sẽ truyền dẫn đến giá cổ phiếu của tập đoàn Vingroup tăng gấp nhiều lần.

Combo nghỉ dưỡng hàng không: Vinpearl hợp tác với Bamboo Airways

Theo chuyên gia, Vingroup hiện vẫn đang nắm vai trò chi phối VinFast. Bằng chứng là khi thông tin VinFast dự định niêm yết trên sàn Mỹ thì cổ phiếu Vingroup đã tăng rất mạnh trên các sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam.

Nếu quả thật Bamboo lẫn VinFast thành công niêm yết trên sàn Mỹ thì đây là điều đáng tự hào vì xưa nay chưa có công ty Việt Nam nào làm được việc này hoặc làm nhưng không thành công, PLO dẫn lời một chuyên gia kinh tế dấu tên cho hay.

Cùng với đó, một khi đã đạt tầm niêm yết quốc tế chắc chắn các công ty phải xây dựng nền tảng đằng sau cực kỳ vững mạnh. Ngoài ra, sự thành công này không đơn thuần chỉ các công ty đó hưởng lợi mà toàn bộ thị trường Việt Nam cùng hưởng lợi.

“Chẳng hạn, VinFast sẽ kéo toàn bộ ngành công nghiệp hỗ trợ cùng phát triển”, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Chuyên gia tài chính Đoàn Bảo Huy, Đại học RMIT Việt Nam nhận định, quyết định huy động vốn của các doanh nghiệp Việt ở sàn chứng khoán nước ngoài (như ở Mỹ) là hợp lý. Theo đó, việc gọi vốn thành công ở Mỹ, một thị trường có tính minh bạch cao, đòi hỏi các điều kiện niêm yết khó nhằn, sẽ gây được tiếng vang rất lớn ở thị trường tài chính quốc tế.

“Vingroup đã từng niêm yết trái phiếu tại Singapore, nay nếu thành công trong gọi vốn ở Mỹ sẽ gia tăng vị thế của công ty ở các lần huy động vốn sau đó”, ông Bảo Huy nói.

Ngoài ra, nếu VinFast thành công, cũng sẽ truyền cảm hứng cho những doanh nghiệp khác muốn niêm yết tại thị trường nước ngoài, mở rộng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Thách thức nào doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi IPO ở nước ngoài?

TS. Đoàn Bảo Huy cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để có thể niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Mỹ.

Bamboo Airways muốn chia lại thị phần hàng không Việt Nam

Chuyên gia nêu ví dụ về điều kiện niêm yết lần đầu của Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE), theo đó, các công ty nước ngoài cần phải thỏa mãn một trong những điều kiện sau như phải có lợi nhuận trước thuế hoặc dòng tiền ba năm gần nhất ít nhất 100 triệu USD, mỗi năm trong hai năm gần nhất ít nhất 25 triệu USD, giá trị vốn hóa ít nhất 500 triệu USD, doanh thu năm gần nhất ít nhất 75-100 triệu USD. Ngoài ra, còn có những điều kiện khác như số lượng cổ đông, số lượng cổ phiếu nắm giữ bởi các cổ đông bên ngoài công ty.

“Việc thỏa mãn các yêu cầu của NYSE là rất khó, mặc dù nhìn về kỳ vọng tăng trưởng rất khả quan trong tương lai. Tuy nhiên, các công ty này có thể xem xét niêm yết thông qua SPAC sẽ dễ dàng hơn, không có các quy định khắt khe về lợi nhuận và doanh thu để rút ngắn đáng kể quy trình so với cách chào bán cổ phiếu truyền thống”, TS. Đoàn Bảo Huy nhấn mạnh.

Về vấn đề khó khăn này, một số doanh nghiệp Việt cũng thừa nhận hiện vẫn chưa có công ty Việt Nam nào lên sàn Mỹ thành công, chủ yếu do lo ngại không cạnh tranh nổi với các đối thủ khác.

Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 155 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Chứng khoán (bao gồm một mục riêng hướng dẫn chi tiết chào bán chứng khoán ra nước ngoài) đều tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng hơn khi chào bán cổ phiếu ra nước ngoài.

“Nếu không thuộc diện lĩnh vực hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, doanh nghiệp chỉ cần báo cáo và được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước”, luật sư Hà nói.

Theo luật sư phân tích, dù quy định của pháp luật Việt Nam đối với doanh nghiệp niêm yết ở nước ngoài hiện nay là khá đầy đủ, nhưng vẫn còn gây ra những khó khăn nhất định.

Theo đó, việc quy định giới hạn tỷ lệ vốn của các nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty niêm yết buộc các tổ chức phát hành khi niêm yết chứng khoán ra nước ngoài phải thiết lập một phạm vi huy động vốn nằm trong giới hạn tỷ lệ sở hữu này. Đối với yêu cầu về chuẩn mực tài chính kế toán, theo quy định của pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp phải áp dụng hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Hiện nay, tại các sàn giao dịch chứng khoán thế giới, chuẩn mực kế toán được đưa ra chung cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn niêm yết, thường là các chuẩn mực hoặc thông lệ kế toán đã được áp dụng chung trên toàn cầu và được chấp nhận bởi rất nhiều các quốc gia trên thế giới như GAAP của Mỹ, Canada hay Nhật, chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), chuẩn mực Kế toán quốc tế (IAS). Hoặc doanh nghiệp phải chấp thuận theo chuẩn mực kế toán của quốc gia đó.

“Điều đáng nói là chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện đang áp dụng (VAS) có một số sự khác biệt trong các lập các báo cáo, hệ thống tài khoản… so với IFRS hay IAS”, chuyên gia lưu ý.

Cùng với đó, các quy định của pháp luật về ngoại hối, chỉ yêu cầu tổ chức phát hành Việt Nam mở một tài khoản ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam để nhận bất kỳ khoản ngoại tệ nào thu được từ quá trình niêm yết, mà không quy định tổ chức phát hành phải mở tài khoản tại nước dự định niêm yết chứng khoán. Điều này sẽ dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài đặt mua chứng khoán không thể chuyển tiền giao dịch vào tài khoản của tổ chức phát hành Việt Nam, nếu ngân hàng phục vụ tổ chức này không có chi nhánh, hoặc văn phòng giao dịch đặt tại quốc gia niêm yết.

Cùng với việc phải tuân thủ hệ thống pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp niêm yết chứng khoán ra nước ngoài còn phải tuân thủ quy định của các sàn giao dịch quốc tế. Điều kiện để tham gia các sàn này cực kỳ nghiêm ngặt, có thể là các điều kiện về lợi nhuận trước thuế, phân bố cổ phần, tình trạng tài chính và thanh khoản, tiêu chuẩn kế toán, thủ tục kiểm tra đánh giá hồ sơ đăng ký niêm yết, yêu cầu về tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp hiệu quả.

Bamboo Airways khẳng định sẽ bay thẳng tới Mỹ

Niêm yết tại thị trường nước ngoài, doanh nghiệp cũng có thể gặp phải những rủi ro trong việc tăng nguy cơ bị thâu tóm, sáp nhập, tăng mức chi phí cho việc tuân thủ những quy định về niêm yết, báo cáo, công bố thông tin, quản trị công ty tại thị trường nước ngoài.

Còn ở góc độ quản lý nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ khuyến khích doanh nghiệp IPO, niêm yết tại thị trường nước ngoài trên cơ sở phải tuân thủ quy định pháp luật, đồng thời phù hợp với chủ trương, chính sách của nhà nước.

Tuy nhiên, TS Majo George, Đại học RMIT Việt Nam ủng hộ việc doanh nghiệp Việt Nam “dũng cảm bước ra nước ngoài” với kế hoạch chào bán cổ phiếu trên sàn quốc tế. Theo chuyên gia, đây là một trong những dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự tự tin và tầm nhìn của bất kỳ công ty Việt Nam nào.

“Hiện, trong tất cả sàn chứng khoán thế giới, sàn Mỹ vẫn là sàn có tính thanh khoản cao nhất. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải mạnh dạn ra biển lớn”, chuyên gia nhấn mạnh.

Ông Majo George cho rằng, đối với thị trường Hoa Kỳ, yếu tố quan trọng nhất chính là vấn đề minh bạch, nhưng không cần phải lo lắng.

“Nếu cứ ngồi chờ thì sẽ không bao giờ tới, cứ kiên trì đi rồi sẽ tới đích”, chuyên gia khẳng định.
Thảo luận