Theo báo cáo, trong 84 ứng dụng di động của các công ty công nghệ hàng đầu ở Trung Quốc đã phát hiện những sai sót trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng.
Trước hết, ở đây nói về các ứng dụng đảm bảo an toàn, an ninh cho các thiết bị di động (phần mềm diệt virus), cũng như các dịch vụ vay tiền Online. Cơ quan quản lý Internet của Trung Quốc phát hiện ra rằng, các ứng dụng này đã nhận được quyền truy cập trái phép vào dữ liệu cá nhân của người dùng, thực hiện quá nhiều yêu cầu thu thập dữ liệu dư thừa. Trước đó, cơ quan quản lý không gian Internet của Trung Quốc đã lưu ý đến sự cần thiết phải kết hợp hài hòa các chính sách của nhiều công ty công nghệ liên quan đến dữ liệu cá nhân của người dùng. Vào ngày 1/5, các quy định mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân do Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc xây dựng đã có hiệu lực. Tuy nhiên, hóa ra, nhiều ứng dụng di động của Trung Quốc cung cấp những dịch vụ khác nhau - từ nhắn tin tức thời và truyền phát trực tiếp đến thanh toán di động - không cung cấp các quy trình thích hợp để thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân.
Theo các quy định mới, các công ty phải có sự đồng ý của người dùng đối với việc thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân. Hơn nữa, người dùng có quyền bất kỳ lúc nào rút lại sự đồng ý của mình đối với việc sử dụng dữ liệu cá nhân. Đồng thời, theo các quy định mới, tất cả các ứng dụng di động được chia thành 39 danh mục (messenger, phát trực tiếp, thương mại trực tuyến, thanh toán, hãng taxi tổng hợp, v.v.) và đối với mỗi danh mục có các quy định riêng về việc dữ liệu nào là cần thiết để hoạt động ổn định. Các công ty bị cấm thu thập dữ liệu cá nhân dư thừa không nằm trong danh sách này. Ngoài ra, các công ty không có quyền từ chối cung cấp dịch vụ cho người dùng nếu người này không cung cấp những dữ liệu không có tầm quan trọng lớn đối với hoạt động của ứng dụng.
Một số chuyên gia nước ngoài nhận định rằng, Trung Quốc không chú trọng đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng, điều đó giải thích tại sao các công ty công nghệ của Trung Quốc đang phát triển rất nhanh. Thật vậy, ban đầu Trung Quốc đã không quản lý chặt chẽ các công ty công nghệ, thương mại điện tử, các ngân hàng trực tuyến và nhiều ngành công nghiệp tiên tiến khác. Các nhà chức trách Trung Quốc đã có cách tiếp cận như vậy để tạo cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp, để không kìm hãm các ngành công nghiệp đầy triển vọng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công ty đã phát triển thành những gã khổng lồ và số lượng người dùng vượt quá dân số của nhiều quốc gia (chỉ riêng dịch vụ thanh toán di động Alipay có hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới), và đã đến lúc phải điều chỉnh hoạt động kinh doanh để nó phát triển vì lợi ích của người tiêu dùng. Vì vậy, các quy định hiện hành là một biện pháp rất kịp thời, theo ý kiến của chuyên gia về công nghệ Internet của Trung Quốc Liu Xingliang.
Các nhà chức trách Trung Quốc rất coi trọng vấn đề quản lý các công ty công nghệ. Ví dụ, hơn ba chục công ty hàng đầu, bao gồm Tencent, JD.COM, Meituan, đã chịu sự giám sát của văn phòng chống độc quyền. Còn Alibaba, công ty thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc, đã bị phạt mức kỷ lục 18,2 tỷ nhân dân tệ. Công ty bị cáo buộc độc quyền, ví dụ, Alibaba đã buộc các tiểu thương chọn một trong hai nền tảng để kinh doanh, thay vì được sử dụng cả hai.
Các quy định mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng là một phần của chiến lược lớn hơn nhằm quy đồng nền kinh tế kỹ thuật số và thị trường BigTech để có mẫu số chung. Đồng thời, khi xây dựng các quy định mới, các cơ quan chức năng của CHND Trung Hoa có lẽ đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế. Ví dụ, giống như ở Hoa Kỳ, các công ty công nghệ của Trung Quốc được yêu cầu thành lập các đơn vị kinh doanh độc lập với nhân viên thuê ngoài để giám sát việc tuân thủ các chính sách bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư. Và các quy định của Trung Quốc để thông báo cho người dùng về việc sử dụng dữ liệu cá nhân và nhận được sự đồng của họ sánh được với Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của EU (EU GDPR).
Vào cuối tháng 4, các cơ quan chức năng của CHND Trung Hoa đã công bố ấn bản thứ hai của Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân. Đây là một tài liệu đồ sộ xác định dữ liệu cá nhân như một tài sản kinh tế. Điều này có nghĩa là chúng phải được bảo vệ tuân theo các quy định về việc bảo vệ và lưu thông các tài sản kinh tế khác. Ví dụ, lần đầu tiên dữ liệu cá nhân được gọi hàng thừa kế theo quy định pháp luật. Về mặt này, luật pháp Trung Quốc thậm chí còn tiến bộ hơn so với luật pháp và các quy định ở các nước khác. Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân toàn diện dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.