Bộ Xây dựng: Giá thép tăng đột biến và không theo quy luật thông thường

Bộ Xây dựng nói giá thép trên thị trường Việt Nam đang tăng cao đột biến, không theo quy luật thông thường và yêu cầu theo dõi sát diễn biến giá thép, tránh hiện tượng đầu cơ, thổi giá.
Sputnik

Trong khi đó, trước việc giá thép tăng cao bất thường gây tâm lý lo lắng trong dư luận xã hội, Chính phủ Việt Nam yêu cầu chặn đà tăng giá thép.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Công Thương làm rõ nguyên nhân vì sao giá thép tăng, đồng thời, nâng cao năng lực sản xuất thép thành phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước, góp phần bình ổn giá thép.

Bộ Xây dựng nói gì về giá thép?

Giá thép bất ngờ tăng đột biến trong thời gian ngắn tại thị trường Việt Nam dù rõ ràng nguồn cung không khan hiếm.

Đánh giá đây là điều “bất thường”, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá thép, đảm bảo ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Thép Việt Nam bị Malaysia áp thuế chống bán phá giá

Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, thời gian gần đây giá nhiều vật liệu xây dựng có xu hướng tăng cao, trong đó giá thép tăng đột biến.

“Giá thép hiện không theo quy luật thông thường đã tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư xây dựng”, Bộ Xây dựng nêu rõ.

Trên thực tế, thép là vật liệu đặc biệt quan trọng trong ngành xây dựng, chiếm từ 10-30% tổng giá trị mỗi dự án xây dựng thông thường.

Theo quy luật cung cầu của thị trường, nếu nhu cầu tăng cao, khan hiếm hàng hóa, giá cả theo đó cũng tăng lên. Tuy nhiên, thực tế diễn biến giá thép ở Việt Nam thời gian gần đây gây khó hiểu cho nhiều doanh nghiệp cũng như người dân khi sự thật là nguồn cung không thiếu nhưng giá thép lại “nhảy múa” không thua gì giá vàng trong nước.

Cùng với nguyên liệu thép tăng giá, các vật liệu xây dựng khác cũng đội giá, tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng tại Việt Nam gặp phải rất nhiều khó khăn. Vấn đề này cũng được bàn thảo trong các cuộc họp của chính phủ, tại các hội nghị cổ đông của doanh nghiệp, điển hình như tại sự kiện của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) do tỷ phú Trần Đình Long điều hành hôm 22/4 vừa qua.

Trong văn bản vừa công bố, Bộ Xây dựng nhận định, giá thép (tại Việt Nam – PV) đang tăng cao đột biến và không theo bất cứ quy luật thông thường nào. Theo Bộ này, giá thép đã tăng rất nhanh chỉ trong một thời gian ngắn, bất chấp nguồn cung thực tế trong nước không bị khan hiếm. Đồng thời, giá thép chủ yếu do tác động của giá nguyên vật liệu trên thị trường thế giới tăng.

Bộ Xây dựng cũng nêu ra thực tế rằng nhiều địa phương, các sở xây dựng công bố giá vật liệu xây dựng còn chậm, chưa cập nhật kịp thời biến động giá hoặc đã cập nhật nhưng chưa sát diễn biến thị trường.

Trong bối cảnh này, Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá mới.

Bộ Xây dựng đặc biệt yêu cầu tránh tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá vật liệu xây dựng.

“Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn như thép, trường hợp cần thiết phải công bố giá vật liệu xây dựng hằng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn”, Bộ Xây dựng lưu ý.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan đánh giá tác động của dịch Covid-19 và biến động giá một số vật liệu xây dựng.

Mỹ chính thức áp thuế 456% lên một số sản phẩm thép nhập từ Việt Nam

Ở đây chủ yếu là giá thép đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước, các dự án PPP, các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng…

Từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện hợp đồng xây dựng, đặc biệt là các hợp đồng xây dựng ký kết theo hình thức đơn giá cố định và trọn gói, Bộ Xây dựng lưu ý.

“Cần xây dựng các kịch bản tác động tăng giá thép đến mức tăng tổng mức đầu tư và khả năng đáp ứng về nguồn vốn để đảm bảo việc triển khai, thực hiện dự án”, Bộ Xây dựng nêu rõ.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam tổng hợp, cung cấp các thông tin và kiến nghị của nhà thầu xây dựng và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ cho các công trình xây dựng trước biến động giá thép.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị bộ, ngành, địa phương, hiệp hội gửi báo cáo đánh giá tác động tăng giá thép tới hoạt động đầu tư xây dựng về Bộ trước ngày 20/5 này để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Chính phủ Việt Nam yêu cầu chặn đà tăng giá thép

Diênx biến giá thép tại thị trường Việt Nam với đà tăng giá từ 40-50% so với cuối năm ngoái khiến không ít doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng gặp khó khăn, buộc phải phản ánh lên các cơ quan, ban ngành, thậm chí là Chính phủ.

Trước tình hình này, vừa qua, tại buổi họp về công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước.

Như "đùa với lửa": Mỹ có nhắm tới Việt Nam khi áp thuế thép 400% hay không?

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu Bộ Công Thương đưa ra giải pháp điều chỉnh mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường trong nước, thông qua cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.

Cũng tại cuộc họp này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Xây dựng cần chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng.

Báo cáo Phó Thủ tướng, trả lời về việc giá thép tăng mạnh trong thời gian qua, đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, cho biết việc giá thép tăng đột biến trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà là tăng giá trên toàn thế giới.

“Nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép hiện nay đa phần phải nhập khẩu như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite nên việc tăng giá là không thể tránh khỏi”, đại diện Cục Công nghiệp bày tỏ.

Cục Công nghiệp Bộ Công Thương cũng dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn

Theo Bộ Công Thương, xu hướng tăng giá chung ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước. Đồng thời, cán cân thương mại đối với sản phẩm thép sẽ tiếp tục bị thâm hụt trong năm 2021 (trong năm 2020 thâm hụt hơn 6,4 tỷ USD).

Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nhắc lại, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới. Trong thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng là những lý do khiến giá thép tăng mạnh.

Cùng với “địa chấn”, Mỹ không áp thuế thép Việt Nam dùng nguyên liệu trong nước

Trước tình hình diễn biến giá thép, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động.

Bộ Công Thương cũng đã có văn bản (số 2612) gửi Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp, các nhà sản xuất thép lớn trong nước. Bộ này đề nghị Hiệp hội rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị Hiệp hội Thép thực hiện việc rà soát các đại lý phân phối trong việc cung cấp hàng đến các hộ tiêu thụ, người tiêu dùng, tránh các hiện tượng găm hàng, đẩy giá và cạnh tranh không lành mạnh.

Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương khẳng định sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại để giúp cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển và đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu nhằm đảm bảo cung – cầu tại Việt Nam.

Việt Nam: Giá thép tăng bất thường gây tâm lý lo lắng

Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đánh giá, thép Việt Nam hiện nay cơ bản phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài như: quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite, nên khi giá các nguyên liệu đầu vào biến động sẽ làm giá thép thành phẩm trong nước cũng phải điều chỉnh theo, tức phải chịu ảnh hưởng của giá thế giới.

Mỹ áp thuế nặng lên thép Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, xu hướng diễn biến giá cả nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới trong năm 2021 sẽ có nhiều biến động, có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới như thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính 2008.

Báo cáo về tình hình thị trường thép tháng ba của VSA nhận định, giá thép có thể tăng đến hết quý III/2021 vì khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc hay Ấn Độ dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dịch bệnh cũng làm cho thời gian giao hàng bị kéo dài, đẩy giá tăng lên.

Mặc dù vậy, theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nguồn cung thép trong nước không hề khan hiếm, việc giá thép tăng cao chủ yếu là do nguyên liệu sản xuất mặt hàng này tăng theo giá thế giới.

Tuy nhiên, trước các diễn biến bất thường về tình hình giá thép trong nước gây ra tâm lý lo lắng trong dư luận xã hội, VSA khuyến nghị tới doanh nghiệp thành viên về việc cần tiếp tục phát huy công suất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

“Các doanh nghiệp tăng cường hợp tác phối hợp ưu tiên nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường trong nước. Đồng thời, tiết giảm chi phí sản xuất, bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá cả thị trường thép trong nước”, VSA nhấn mạnh.

Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp thành viên cung cấp thông tin về công suất nhà máy và kế hoạch sản xuất bán hàng trong quý II/2021 và dự kiến cả năm 2021 để Hiệp hội tổng hợp, báo cáo với cơ quan nhà nước và truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ đến người tiêu dùng thép góp phần đảm bảo bình ổn thị trường thép trong nước thời gian tới đây.

Tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG), bình luận về việc Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan xử lý triệt để nguyên nhân làm tăng giá thép đột biến, cho rằng, điều này là bình thường và không ảnh hưởng gì đến Hòa Phát.

Theo Chủ tịch Hòa Phát, giá thép tăng là do thời gian qua giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than tăng. Bên cạnh đó, nền kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch cũng giúp hoạt động xây dựng được đẩy mạnh và nhu cầu thép tăng.

Về vấn đề giá thép, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính nêu quan điểm, từ Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương đến cả lực lượng cảnh sát kinh tế nên vào cuộc điều tra xem có hay không việc các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng chi phối thị trường cùng nâng giá, tăng giá thép.

Theo vị chuyên gia, nếu phát hiện được dấu hiệu “bắt tay”, “liên kết” thì cần lập tức xử phạt, thu thuế. Còn nếu có nguyên nhân khách quan thì cũng phải chứng minh cụ thể và Bộ Công Thương, từ đó cũng cần đưa ra biện pháp điều tiết, kéo giảm chênh lệch cung  - cầu để nhanh chóng ổn định tình hình và bình ổn giá, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và các doanh nghiệp xây dựng cũng như người dân.

Thảo luận